Đề xuất dạy thêm học thêm thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Nhà trường có thành thương trường?

Thứ năm, 11/03/2021 10:01 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Để quản lý dạy thêm học thêm, tới đây Bộ GD&ĐT đề xuất đưa lĩnh vực này vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để quản lý. Tuy nhiên, các chuyên gia hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, trong đó lo ngại, nhà trường sẽ trở thành thương trường, dạy thêm học thêm càng biến tướng phức tạp.

Dạy thêm học thêm: Vấn nạn chờ lời giải

Mặc dù đã có nhiều quy định nhằm hạn chế dạy thêm học thêm tràn lan nhưng vấn nạn này vẫn đang bóp méo nền giáo dục, nghĩa thầy trò. Chị Nguyễn Thu Trang ở Thanh Xuân, Hà Nội tâm sự, chị không hiểu được tại sao con chị học lớp 6 nhưng học thêm đến 8 buổi văn, 8 buổi toán ngoài ra còn 4 buổi tiếng Anh. Chưa kể cháu còn học Tiếng Anh liên kết, dạy Toán bằng Tiếng Anh… Với một lịch học dày đặc như vậy con chị Trang luôn trong tình trạng mệt mỏi, chán học, thiếu động lực để học tập.

Vấn nạn dạy thêm, học thêm trở thành nỗi sợ hãi của nhiều thế hệ học sinh, phụ huynh.

Vấn nạn dạy thêm, học thêm trở thành nỗi sợ hãi của nhiều thế hệ học sinh, phụ huynh.

Đồng quan điểm, anh Trần Văn Hòa ở Đống Đa, Hà Nội chia sẻ, hiện các nhà trường không tổ chức dạy thêm trong nhà trường mà dạy ở các trung tâm. Danh nghĩa đi học thêm là tự nguyện nhưng không khác gì bị ép buộc. Các trung tâm dạy thêm, học thêm thường cơ sở vật chất nghèo nàn, ẩm thấp, tối tăm, chật chội. Do đó, anh Hòa cho rằng cần phải siết chặt quản lý dạy thêm học thêm.

Hiện nay số tiền dạy thêm học thêm phụ huynh phải chi ra hằng tháng cho con em mình không hề nhỏ. Nhiều trường, tiền mỗi học sinh học thêm lên đến 2 - 3 triệu đồng. Số tiền quá lớn trở thành nỗi hoang mang cho nhiều phụ huynh có con đang theo học ở trường công. Anh Trần Văn Hòa cho rằng: “Dạy thêm học thêm không chỉ khiến phụ huynh kiệt quệ về tài chính mà tình thầy trò không còn giữ được sự trong sáng vốn có. Em nào tham gia học thêm có điểm tổng kết cao, trong khi không đi học điểm tổng kết thấp. Nếu không dẹp được vấn nạn này thì giáo dục sẽ đánh mất niềm tin từ phụ huynh và học sinh”.

Thực tế, sau bao nhiêu tranh cãi cơ quan quản lý đã có những chấn chỉnh với nhiều văn bản, chỉ thị, công văn để chấn chỉnh tình trạng này. Tuy nhiên, dạy thêm học thêm vẫn ngang nhiên tồn tại như một thách thức trong quản lý đối với ngành giáo dục. Mặt trái tiêu cực của việc dạy thêm như cơn sóng ngầm âm ỉ đục khoét niềm tin của dư luận vào giáo dục. Ngay trên diễn đàn Quốc hội đã nhiều lần các đại biểu phản ánh thực tế xót xa này. Họ không hiểu được vì sao trẻ em phải học nhiều đến vậy khi cả ngày ở trường, tối còn đến nhà cô giáo học tiếp.

Trước vấn đề này, mới đây nhất Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&DT) sớm ban hành quy định về dạy thêm, học thêm. Trả lời vấn đề này, theo Bộ GD&ĐT, sau khi Luật sửa đổi Luật Đầu tư năm 2016 đã bỏ hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Sau đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định 2499 và Thông tư số 17/2012 quy định về dạy thêm, học thêm trong đó quy định các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường, thu và quản lý tiền học thêm, đây là cơ sở để các nhà trường và các địa phương tổ chức quản lý hoạt động này.

Để đảm bảo cho công tác quản lý tại các cơ sở dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường, Bộ GD&ĐT tiếp tục đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong năm 2021. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tiến hành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17, dự kiến ban hành trong năm 2021 nhằm bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Đưa dạy thêm thành ngành nghề kinh doanh: Bước tiến hay lùi?

Trước đề xuất đưa hoạt động dạy thêm học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ sự đồng ý. Bởi ông cho rằng, lâu nay dạy thêm học thêm được thả tùy tiện. Tình trạng dạy ngày, dạy đêm không được quản lý, không mang lại chất lượng khiến dư luận bất bình. Khi Bộ GD&ĐT đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện tức có quy định các điều kiện cụ thể, công khai minh bạch. Như vậy, công tác quản lý được chặt chẽ hơn.

Ông Trần Xuân Nhĩ còn nhấn mạnh: “Dạy thêm, học thêm xuất phát từ thực tế những học sinh yếu kém cần bồi dưỡng thêm kiến thức, người có năng khiếu muốn học thêm để bồi dưỡng năng khiếu. Học thêm là nhu cầu của con người nhưng quản lý thế nào Bộ GD&ĐT phải đưa ra các điều kiện. Như các điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện về thầy, cô giáo. Các điều kiện đưa ra cần có tính khả thi, đáp ứng mục tiêu quản lý. Không thể để dạy thêm, học thêm như lâu nay học bừa, học bãi, ai cũng dạy được, ép các em đi học. Tôi hy vọng các tiêu chí, điều kiện đưa ra phù hợp để ngăn chặn việc học thêm, dạy thêm tràn lan”.

Việc quản lý dạy thêm, học thêm đang thực sự là bài toán hóc búa đối với ngành Giáo dục. Ảnh: T.L

Việc quản lý dạy thêm, học thêm đang thực sự là bài toán hóc búa đối với ngành Giáo dục. Ảnh: T.L

Cùng quan điểm, thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên môn Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội từng chia sẻ với báo chí rằng, do không có các quy định chung về dạy thêm, học thêm nên mỗi địa phương đưa ra một quy định riêng để quản lý, thậm chí có nơi  xem giáo viên dạy thêm như “tội phạm”. Do đó, việc minh bạch hóa hoạt động này thông qua các quy định chung rất cần thiết.

Tôi mong muốn cần công bố sớm và đầy đủ công khai, minh bạch về các quy định, tiêu chí để dịch vụ dạy thêm học thêm được coi là dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Ngoài ra, cần cơ chế quản lý và giám sát xử phạt rõ ràng, minh bạch. Rất cần quan tâm đến việc dạy thêm học thêm trong nhà trường. Nếu không có thể vấn nạn về dạy thêm học thêm vẫn còn tiềm ẩn”, thầy Trần Mạnh Tùng nêu ý kiến.

Ngược với quan điểm ủng hộ, hiện nhiều người phản đối với chủ trương này. Đơn cử như Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khi trao đổi với phóng viên Báo NB&CL đã nêu quan điểm: “Nếu quy định dạy thêm, học thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ dễ biến nhà trường thành “cái chợ”. Kinh doanh có nghĩa thuận mua, vừa bán. Ai cũng có thể mở dạy thêm như vậy mở rộng ra chứ không phải siết chặt. Theo tôi không nên dính cơ chế thị trường vào nhà trường. Nếu đưa quan niệm buôn bán vào nhà trường sợ rằng nhà trường hỏng mất”.

Theo vị này, giáo dục là môi trường khác không phải buôn bán như các ngành nghề bình thường. Nhưng khi xem dạy học là ngành nghề kinh doanh thì tất yếu có giá, mặc cả như ngoài chợ. Khi thừa nhận giáo dục là ngành nghề kinh doanh sẽ dẫn đến việc tìm cách câu kéo học sinh, phụ huynh. Cuộc đua kim tiềm sẽ không bao giờ chấm dứt và điều này nguy hại cho giáo dục.

Cũng liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm, ở góc nhìn khác, theo thầy Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, quản lý vấn đề dạy thêm học thêm thực sự rất khó. Từ trước đến nay đã có rất nhiều văn bản, tốn rất nhiều giấy mực nhưng vẫn không “quản nổi” vì xuất phát từ nhu cầu của hai phía: phụ huynh và giáo viên. Giải pháp tốt nhất cho vấn đề này là thực hiện như nước ngoài, giáo viên đã dạy trong trường không tham gia dạy thêm dưới mọi hình thức.

Như vậy trước đề xuất của Bộ GD&ĐT, hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Điều này cũng phản ánh một thực tế rằng việc quản lý dạy thêm, học thêm đang thực sự là bài toán hóc búa đối với ngành Giáo dục. Muốn ngăn chặn vấn nạn này, ngoài chế tài mạnh thì cần có giải pháp tổng thể.

Trinh Phúc

Tin khác

Quy định về ảnh thí sinh sử dụng khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

Quy định về ảnh thí sinh sử dụng khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

(CLO) Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ảnh của thí sinh trên hệ thống phải bảo đảm độ phân giải là 400x600 pixels, được chụp theo kiểu căn cước công dân và trước thời gian nộp hồ sơ không quá 6 tháng.

Giáo dục
Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

(CLO) Năm học 2023-2024, toàn tỉnh Bắc Ninh có 17.296 học sinh lớp 12 (tăng hơn 1 nghìn học sinh lớp 12 so với năm 2023), cùng với khoảng 400 thí sinh tự do sẽ đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Giáo dục
Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

(CLO) Đại học Quốc gia Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh thí điểm hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực từ năm học 2024-2025 theo cơ chế đặt hàng.

Giáo dục
Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Theo quy định, thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi, vì vậy cần cẩn trong khi thực hiện điền các thông tin.

Giáo dục
Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục