Đến Vân Đồn đi Chợ cá Cái Rồng

Thứ sáu, 08/02/2019 15:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Vân Đồn, Quảng Ninh được nhiều người biết đến không chỉ bởi vẻ đẹp của núi non hùng vĩ, mà nơi đây còn thu hút du khách bởi khu chợ cá Cái Rồng với những nét riêng độc đáo, nổi bật.

Hầu hết những người bán hàng tại chợ Cái Rồng cũng chính là những ngư dân chân chất, vui vẻ, và hiếu khách. Họ tự tay bán những món hải sản tươi ngon là thành quả của chính họ sau một ngày ra khơi đánh bắt.

Nét độc đáo chợ cá Cái Rồng

Chợ cá Cái Rồng nằm ngay trên cầu cảng, nơi cập bến của các loại tàu thuyền đánh bắt trên biển. Khác với các chợ trên cả nước, chợ cá Cái Rồng hầu như hoạt động suốt đêm, nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là vào thời điểm từ 3 đến 5 giờ sáng. Mỗi khi tàu cá cập bến, cảnh mua bán diễn ra nhộn nhịp, chóng vánh, tiếng cười nói sang sảng, tiếng cá tôm nhảy lách tách, tạo nên những âm hưởng chợ rất riêng. Người bán người mua chen nhau, có thương lái nhảy cả lên tàu nhận hàng; ai cũng muốn nhanh chóng đưa hương vị tươi sống từ biển về nhà.

Chợ cá Cái Rồng hoạt động suốt đêm, nhộn nhịp nhất là vào 3-5h sáng.

Chợ cá Cái Rồng hoạt động suốt đêm, nhộn nhịp nhất là vào 3-5h sáng.

Hải sản ở Cái Rồng phong phú về chủng loại mà thơm ngon, đậm đà nhất cả nước do biển Vân Đồn có độ mặn không cao và nguồn phù du, dinh dưỡng cho thủy sản rất dồi dào. Các loại hải sản đặc sắc như: sá sùng, ngán, hà, mực, ruốc (bạch tuộc) tôm, cua, ghẹ, bề bề, ốc sư tử, ốc gai, ốc hút, ốc móng tay, sò huyết, hàu, tu hài, cá tầm, cá bớp, cá bống mú, cá chẽm… đều tươi sống, bơi lội trong nước được bày bán thành 2 hàng ngay trên cảng.

Khách đến chợ cá Cái Rồng đủ thành phần: từ thương lái cho đến người dân bản địa, khách tham quan du lịch… Thương lái thì tranh mua, người tiêu dùng bản địa thì săn đón, còn khách du lịch thì trầm trồ hay trố mắt trước những “con vật” chưa nhìn thấy bao giờ… Nơi đây còn là điểm trung chuyển hải sản đi khắp nơi như Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nam, Hà Nội và tiêu thụ trong tỉnh. Hàng được đóng vào các thùng lớn nhỏ “chuyên dụng” và vận chuyển bằng các loại phương tiện ô tô, xe máy bủa đi các nơi.

Gian nan nghề chài lưới

Đến Vân Đồn, Quảng Ninh tham quan và thưởng thức hương vị hải sản thơm ngon, tươi rói từ biển, nhưng ít ai có thể hình dung ra cuộc sống gian nan, vất vả của những người hằng ngày phải “một nắng hai sương” để đem về bờ những món ăn độc đáo ấy.

Quanh năm sống trên biển, ngư dân Vân Đồn lấy thuyền là nhà, biển là quê hương. Mỗi con thuyền là một gia đình, trong cái nắng rát, mặn chát của biển cả có tiếng cười sảng khoái của trẻ thơ; trong vị ngọt ngào của các món hải sản trên thuyền chứa đựng nỗi niềm lo âu của người già yếu không còn sức buông chài. Ngư dân trên biển tay kéo chã, đầu đội trời, hai vai gánh nặng cả gia đình và sự nghiệp lênh đênh theo tháng ngày cùng biển cả mênh mông.

Thương lái lên thẳng tàu nhận hàng.

Thương lái lên thẳng tàu nhận hàng.

Con tàu vừa là phương tiện đánh bắt vừa là “nhà ở”, nên tàu dù to, dù nhỏ vẫn bố trí đủ các khoang với các công năng từ làm nghề (thả lưới, quăng câu…) cho đến sinh hoạt gia đình: nơi ngủ nghỉ, bếp núc, thờ cúng tổ tiên, nơi vui chơi cho trẻ và có cả gia súc được nuôi tại đây). Cuộc sống lênh đênh trên sóng biển, sáng ra khơi bám biển, đêm về bám chợ bán cá cứ lặp đi lặp lại quanh năm suốt tháng với người dân thuyền chài. 

Anh Dương Văn Việt, một ngư dân quê ở Quảng Yên cho biết: Năm nay anh 37 tuổi nhưng đã có gần 30 năm làm nghề. Tất cả thuyền chài ở đây, hầu như nhà nào cũng có cháu nhỏ hoặc người già ăn theo; riêng nhà anh có 5 miệng ăn gồm 2 vợ chồng, 1 cháu nhỏ và 2 bố mẹ già yếu (bố bị bệnh bại liệt) cùng sinh sống trên thuyền. Anh Việt đánh bắt cá bằng phương pháp kéo chã. Cứ mỗi buổi sáng, sau khi bán hết hàng, chị Hậu (vợ anh) lại tranh thủ đi mua đồ dùng sinh hoạt, ăn uống cho gia đình đem xuống tàu, còn anh thì thu dọn đồ đạc, kiểm tra phương tiện đánh bắt chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới. Khoảng 7h đến 20h là thời gian kéo chã ngoài khơi. Chã được thả xuống biển, tầu chạy với tốc độ từ 1 đến 1,5 hải lý/h (1 hải lý bằng 1,85km). Khoảng 3 giờ anh kéo chã lên 1 lần, các loại hải sản được phân loại và bảo quản bằng nước biển ngay trên khoang tàu. Khi màn đêm buông xuống, là thời gian chuẩn bị kéo mẻ lưới cuối cùng, thu dọn đồ nghề và hướng mũi tàu về đất liền (chợ cá Cái Rồng).

Những năm gần đây, thời tiết diễn biến khó lường, số lượng tàu thuyền đánh bắt nhiều, chi phí tăng cao…, nên việc đánh bắt của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Anh Đoàn Văn Cậy, một ngư dân đến từ thành phố Cẩm Phả cho biết: gia đình anh đóng 1 con tàu 90CV, tổng chi phí hết gần 800 triệu nhưng phần lớn là vốn vay ngân hàng. Mỗi ngày đánh bắt, sau khi trừ chi phí dầu nhờn, bến bãi thì chỉ còn lãi từ 500 đến 1 triệu đồng. Trong khi nhà có 4 nhân khẩu trên tàu, cộng với trả lãi suất ngân hàng nên cũng chẳng dành dụm được gì.

Nghề đánh cá cũng có lúc vui lúc buồn vì nghề theo mùa. Thông thường từ tháng 4 đến tháng 8 thời tiết nóng ấm là mùa đánh bắt tốt nhất, còn về mùa Đông, nước lạnh cá tôm cũng lặn theo ấy là lúc thuyền chài “thất thu”. Đi biển gặp ngày trời nắng đẹp lại “trúng mẻ” thì tôm cá đầy khoang, lên bờ thương lái đã chờ sẵn, rất dễ bán; nhưng gặp hôm trời mưa gió, ít người đến chợ, hàng hóa ế ẩm, nhiều ngư dân phải chịu lỗ xuống tàu nhưng vẫn không thể bỏ chuyến đi tiếp theo vì đó là nghề kiếm sống. Không đi biển người dân thuyền chài cũng chẳng thể làm được gì khác, “lấy ngày nọ, bù ngày kia” chính là lời tự an ủi của họ.

Ở chợ cá Cái Rồng người bán hàng chính là ngư dân - những con người vui vẻ, hiếu khách, thật thà và chất phác. Niềm vui lớn nhất của họ hẳn không chỉ là “cá tôm đầy khoang” hay “hàng bán róc ráo” mà còn là sự hài lòng của thương khách và người dân đến với họ. Bởi vậy rất nhiều người đến chợ Cái Rồng lần 1 lại mong muốn có lần 2.

Nguyễn Quân

Tin khác

Bảo tàng tỉnh Gia Lai tiếp nhận hơn 200 kỷ vật của Anh hùng Núp

Bảo tàng tỉnh Gia Lai tiếp nhận hơn 200 kỷ vật của Anh hùng Núp

(CLO) Việc trao tặng những kỷ vật của Anh hùng Núp cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai với mong muốn lan tỏa những câu chuyện vô cùng thú vị về một người con ưu tú của các dân tộc Tây Nguyên.

Đời sống văn hóa
Chiêm ngưỡng bức tranh panorama tái hiện sinh động, hào hùng về chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiêm ngưỡng bức tranh panorama tái hiện sinh động, hào hùng về chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) Bức tranh panorama được vẽ bằng chất liệu sơn dầu với chiều dài 132m, cao 20,5 m, đường kính 42 m (tổng diện tích 3.225 m2) đã tái hiện hoàn toàn chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng, đầy máu xương mà ông cha đã hi sinh để giành lại độc lập dân tộc.

Đời sống văn hóa
Khẳng định công lao của Giáo sư Đào Duy Anh đối với cách mạng và nền học thuật Việt Nam

Khẳng định công lao của Giáo sư Đào Duy Anh đối với cách mạng và nền học thuật Việt Nam

(CLO) Ngày 28/4, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Hoạt động Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức Hội thảo “Giáo sư Đào Duy Anh: Từ chiến sĩ cách mạng đến học giả uyên bác” nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Giáo sư Đào Duy Anh (1904 - 2024).

Đời sống văn hóa
Quân dân cả nước và bạn bè quốc tế đồng lòng chung sức với chiến sĩ Điện Biên

Quân dân cả nước và bạn bè quốc tế đồng lòng chung sức với chiến sĩ Điện Biên

( CLO) Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào giai đoạn then chốt, Trung ương Đảng quyết tâm giành toàn thắng, đã động viên quân dân toàn quốc cùng nỗ lực hết sức để hỗ trợ cho các chiến sĩ, đảm bảo cung cấp đầy đủ cho đồng đội trên tiền tuyến và phối hợp chiến đấu với chiến trường Điện Biên Phủ.

Đời sống văn hóa
Du khách mãn nhãn với màn pháo hoa khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024

Du khách mãn nhãn với màn pháo hoa khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024

(CLO) Tối ngày 27/4, chương trình bắn pháo hoa tại Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã diễn ra khiến nhiều người dân hò reo, dùng điện thoại ghi lại những khoảnh khắc đẹp của màn pháo hoa nghệ thuật.

Đời sống văn hóa