Dịch bệnh bùng phát trở lại tại nhiều nước ASEAN

Thứ năm, 08/07/2021 06:27 AM - 0 Trả lời

(CLO) Toàn khối ASEAN chứng kiến tình hình dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại ở nhiều nước thành viên, sau khi chủng virus Delta lây lan mạnh, trong khi các chương trình tiêm chủng lại chậm chạp.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 7/7, các nước ASEAN ghi nhận thêm 54.364 ca mắc bệnh COVID-19 và 1.368 tử vong.

Dịch bệnh COVID-19 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 100.997 người dân ở khu vực Đông Nam Á, trong khi tổng số ca mắc bệnh tăng lên 5.256.801 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 4.572.189 trường hợp.

Toàn khối ASEAN chứng kiến tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên sau khi chủng virus Delta lây lan mạnh, trong khi các chương trình tiêm chủng lại chậm chạp.

Ổ dịch nghiêm trọng nhất Đông Nam Á hiện vẫn là Indonesia, trong vòng 24 giờ qua, cả số ca mắc mới và ca tử vong tại nước này đều tăng mạnh. Đồng thời trong ngày hôm qua, Indonesia là nước có số ca tử vong, số ca mắc mới cao nhất châu Á và cũng là ngày thứ 2 liên tiếp ghi nhận trên 1.000 người thiệt mạng.

Cụ thể, ngày 7/7, Lực lượng đặc trách chống COVID-19 của Chính phủ Indonesia cho biết quốc gia này đã ghi nhận thêm 1.040 ca tử vong, cao hơn 300 ca so với ngày 6/7 và gần gấp đôi so với hai ngày trước đó. Đây là số ca tử vong trong vòng một ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia Đông Nam Á này vào tháng 3/2020.

Hôm qua, Chính phủ Indonesia đã quyết định gia hạn và mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp hạn chế trên toàn quốc nhằm đối phó với làn sóng dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh chưa từng thấy tại nước này.

Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto thông báo chính phủ đã quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế đến ngày 20/7 tới. Các biện pháp phòng dịch này sẽ áp dụng đối với hàng chục thành phố và mở rộng từ đảo Sumatra ở phía Tây đến Papua ở cực Đông.

Theo các biện pháp hạn chế ở phạm vi rộng hơn, đa số các lao động làm việc trong lĩnh vực không thiết yếu phải làm việc tại nhà, các cửa hàng, quán ăn cũng như nhà hàng hạn chế giờ mở cửa. Các nhà thờ và đền thờ tại những khu vực có nguy cơ cao nhất cũng phải đóng cửa.

Ông Hartarto cho biết số ca mắc mới đang gia tăng tại nhiều khu vực và các bệnh viện đang chịu sức ép lớn khi bệnh nhân COVID-19 ồ ạt nhập viện, dẫn tới hệ thống dịch vụ y tế có nguy cơ quá tải.

Tại Thái Lan, số người mắc COVID-19 kể từ đầu dịch đã vượt 300.000, sau khi Bộ Y tế nước này thông báo có thêm 6.519 ca mắc mới cùng 54 ca tử vong trong 24 giờ qua.

Như vậy, kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện ở Thái Lan đầu năm ngoái, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 301.172 ca mắc, trong đó có 2.387 người không qua khỏi. Chỉ riêng trong làn sóng COVID-19 bùng phát tại Thái Lan từ đầu tháng 4 đến nay đã có 272.309 ca mắc và 2.293 người tử vong.

Tong khi đó, Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) của Thái Lan cho biết số bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng ở nước này đang gia tăng trong bối cảnh biến thể Delta lây lan ra nhiều tỉnh. Thủ đô Bangkok là địa phương có số ca mắc mới và số ca tử vong cao nhất nước, với 1.549 ca mắc mới và 30 ca tử vong.

Tại Campuchia, ngày 7/7 nước này ghi nhận 256 ca mắc COVID-19 là hành khách nhập cảnh - mức cao nhất từ trước đến nay - làm gia tăng quan ngại về nguy cơ biến thể Alpha và Delta xâm nhập từ nước ngoài.

Bộ Y tế Campuchia cho biết có thêm 981 ca COVID-19 mới phát sinh trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh kể từ đầu dịch đến nay lên 57.103 ca. Đây là mức tăng gần gấp đôi con số khoảng 500 ca/ngày trong hai lần bùng dịch trước “sự cố cộng đồng ngày 20/2”. Bộ Y tế Campuchia cũng xác nhận đến nay Campuchia có 798 ca tử vong vì COVID-19, tăng 16 ca trong 24 giờ qua.

Tại Phnom Penh, Ban quản lý chợ Olympic sáng cùng ngày cho biết, kể từ ngày 2-6/7, khoảng 3.000 tiểu thương và những người có liên quan đến ổ dịch này đã được xét nghiệm COVID-19, trong đó 383 người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Ban quản lý chợ tiếp tục kêu gọi tất cả những người liên quan đến chợ Olympic đi xét nghiệm.

Theo quyết định của chính quyền thủ đô Phnom Penh, chợ Olympic tạm thời đóng cửa trong 14 ngày từ ngày 2-16/7. Sau khi chợ được phép mở cửa trở lại, tiểu thương hoặc người làm việc tại đây chưa xét nghiệm COVID-19 sẽ không được phép ra vào.

Ngày 7/7, Bộ Y tế Lào thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 44 ca mắc COVID-19, trong đó 42 ca là người lao động trở về từ Thái Lan được cách ly ngay và chỉ có 2 ca cộng đồng tại tỉnh Viêng Chăn.

Lào cho hay số ca mắc COVID-19 là lao động nước này trở về từ Thái Lan tiếp tục tăng cao trong bối cảnh quốc gia láng giềng này đang ghi nhận diễn biến dịch phức tạp với sự lây lan nhanh của các biến thể mới nguy hiểm hơn, khiến giới chức Lào quan ngại về nguy cơ biến thể Delta xâm nhập thông qua tình trạng nhập cảnh bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, dù số ca lây nhiễm trong cộng đồng những ngày qua có xu hướng giảm nhưng Lào vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ dịch bùng phát trở lại tại một số địa phương do một bộ phận người dân chưa thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.

Hôm qua, Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này đã đạt kỷ lục mới về số người được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong ngày 5/7, với 313.761 liều vaccine đã được sử dụng, trong đó có 117.158 liều là tiêm mũi thứ 2. 

Tính đến nay, Malaysia đã tiêm được 9,32 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó có 6.585.002 người đã tiêm mũi thứ nhất, tương đương 20,16% dân số và 2.735.476 người được tiêm đủ 2 mũi, chiếm 8,38% dân số. Bang Sarawak tiếp tục dẫn đầu về tiêm chủng, khi có 1.226.659 người hoàn thành việc tiêm mũi thứ nhất và 326.285 người hoàn thành cả 2 mũi tiêm. Đáng chú ý, tỷ lệ người được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại thủ đô Kuala Lumpur ở mức cao, khi có tới 67% người dân được tiêm mũi 1 và 14,4% số người tiêm đủ 2 mũi.

Nhà chức trách Malaysia cho biết trong tháng này, sẽ nhận thêm 14,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, gồm 6,43 triệu liều của Pfizer, 1,59 triệu liều của AstraZeneca và 6,38 triệu liều của Sinovac.

Thế Vũ

Tin khác

Hóc dị vật cuống trái xoài khiến một trẻ nguy kịch

Hóc dị vật cuống trái xoài khiến một trẻ nguy kịch

(CLO) Dị vật cuống trái xoài đã được các bác sĩ lấy ra khỏi đường thở của bé trai 8 tháng tuổi, hiện tình trạng sức khỏe bé tạm ổn, đang điều trị và theo dõi thêm.

Sức khỏe
Bắc Ninh ghi nhận 4 ca mắc ho gà

Bắc Ninh ghi nhận 4 ca mắc ho gà

(CLO) Các ca mắc ho gà trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đều xuất hiện ở trẻ dưới 2 tháng tuổi, độ tuổi chưa đến lịch được tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà.

Sức khỏe
Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

(CLO) Sản phụ 34 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, đau bụng nhiều, huyết áp giảm do thai ngoài tử cung bị vỡ và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu và truyền 6 đơn vị máu.

Sức khỏe
Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

(CLO) Dịp nghỉ lễ nhu cầu đi lại người dân nhiều nên tăng nguy cơ lây lan dịch, trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới.

Sức khỏe
Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

(CLO) Một tài khoản mạng xã hội đã đăng thông tin sai sự thật trên các hội, nhóm và các trang mạng xã hội mạo danh Bệnh viện nhi Trung ương để huy động tiền từ thiện.

Sức khỏe