Dịch bệnh COVID-19 tại ASEAN: Bác sĩ Indonesia buộc phải lựa chọn bệnh nhân nào được sống

Thứ ba, 13/07/2021 07:03 AM - 0 Trả lời

(CLO) Tình trạng thiếu giường bệnh, oxy y tế và máy thở ở Indonesia đã khiến các bác sĩ phải đưa ra quyết định đau đớn là ai trong số bệnh nhân COVID-19 sẽ được sống và ai sẽ chết.

Bệnh nhân COVID-19 tại Indonesia vạ vật trong lều tạm bên ngoài bệnh viện ở Bekasi, Jakarta. Ảnh: Reuters

Bệnh nhân COVID-19 tại Indonesia vạ vật trong lều tạm bên ngoài bệnh viện ở Bekasi, Jakarta. Ảnh: Reuters

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính đến hết ngày 12/7, các nước ASEAN ghi nhận thêm 71.342 ca mắc COVID-19, tăng 1.289 ca so với 1 ngày trước. Tổng số ca mắc bệnh trong toàn khu vực hiện là 5.600.845 ca, trong đó 107.463 người thiệt mạng.

Trong 24 giờ qua, tất cả các nước thành viên ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới; 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Campuchia và Việt Nam.

Khu vực Đông Nam Á hiện đang là một trong những điểm dịch nóng nhất châu Á. Singapore sau nhiều ngày bình yên nay cũng đã ghi nhận các ca bệnh mới, với 26 trường hợp trong 24 giờ qua. Cùng ngày, Myanmar cũng ghi nhận 89 ca tử vong do COVID-19 và 5.014 trường hợp mắc bệnh.

Tình hình tại Indonesia vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này ghi nhận số ca bệnh mới trong ngày hôm qua là 40.427 và thêm 891 ca tử vong mới, đưa tổng số ca mắc bệnh lên 2.567.630 ca và đã có 67.355 người tử vong. Còn nếu so với thời điểm cuối tháng 6/2021, số ca mắc mới và số ca tử vong tại Indonesia đã tăng gấp hơn 2 lần. Chỉ trong chưa đến 20 ngày, Indonesia đã ghi nhận thêm gần 500.000 ca mắc mới và hơn 10.000 ca tử vong.

Hiện tại, hệ thống chăm sóc sức khoẻ của Indonesia đang đứng bên bờ vực sụp đổ. Tình trạng thiếu giường bệnh, oxy y tế và máy thở ở Indonesia đã khiến các bác sĩ phải đưa ra quyết định đau đớn là ai trong số bệnh nhân COVID-19 của họ sẽ được sống và ai sẽ chết.

Tuần trước, nền tảng dữ liệu công dân LaporCovid-19, ứng dụng giúp mọi người tìm giường bệnh, cho biết họ không thể chấp nhận yêu cầu hỗ trợ nữa, vì các tình nguyện viên rất khó khăn để tìm kiếm giường trống.

Khi các bệnh viện quá tải, nhiều gia đình đã phải tự mua bình oxy để chăm sóc người thân, kể cả người đang hấp hối, tại nhà. LaporCovid-19 đưa tin trong tuần trước rằng 265 người ở 10 tỉnh trong và ngoài Java đã tử vong khi đang tự cách ly.

Một bác sĩ tại bệnh viện Kramat Jati ở Đông Jakarta cho biết, những người trẻ tuổi sẽ được ưu tiên. Các bác sĩ sẽ chọn người trụ cột gia đình, vẫn còn trẻ, không có bệnh nền và có cơ hội phục hồi cao hơn. "Chúng tôi thực sự đang ở thời điểm phải chọn ai để cứu”, vị bác sĩ này nói.

Tại Thái Lan, dịch bệnh cũng rất đáng quan ngại khi số ca mắc mới COVID-19 tại Thái Lan đang tăng vọt do biến thể Alpha và Delta. Cụ thể, ngày 12/7, Thái Lan ghi nhận thêm 8.656 ca mắc COVID-19 và 80 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh từ đầu dịch đến nay lên 345.027 ca, trong đó có 2.791 người thiệt mạng.

Số ca bệnh mới tại Thái Lan trong ngày 12/7 giảm đôi chút so với mấy ngày qua. Tuy nhiên, so với 1 tuần trước, số ca mắc mới vẫn tăng, số ca tử vong cũng ở mức cao, buộc nhà chức trách Thái Lan phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch.

Ngày 12/7, Thái Lan đã áp đặt các biện pháp phòng dịch COVID-19 được cho là nghiêm ngặt nhất trong hơn một năm qua tại thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận.

Theo đó, Thái Lan đã lập 145 chốt kiểm dịch tại 10 tỉnh có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19, trong đó riêng Bangkok có 88 chốt, nhằm hạn chế tối đa hoạt động di chuyển không thiết yếu của người dân. Người lao động được khuyến cáo làm việc tại nhà, trong khi hệ thống giao thông công cộng phải ngừng hoạt động từ 21h hằng ngày. Ngoại trừ siêu thị, nhà hàng, ngân hàng, hiệu thuốc và cửa hàng thiết bị điện tử, tất cả cơ sở kinh doanh khác đều phải đóng cửa. Người dân cũng không được phép tụ tập quá 5 người cùng lúc. Riêng tại Bangkok, lệnh giới nghiêm được áp đặt từ 9h tối hôm trước đến 4h sáng hôm sau. Các biện pháp hạn chế này có hiệu lực trong hai tuần.

Tại Campuchia, đến ngày 12/7 tổng số bệnh nhân COVID-19 đã vượt 61.000 người. Trong bối cảnh này, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Or Vandine và đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Campuchia đã bày tỏ lo ngại dịch COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này có thể chạm tới "lằn ranh đỏ" khi số ca nhập cảnh nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng mạnh.

Trưa 12/7, Bộ Y tế Campuchia công bố có thêm 911 ca mắc COVID-19 trong vòng 24 giờ, bao gồm 319 ca nhập cảnh và 592 ca lây nhiễm trong nước. Số ca tử vong cũng tăng thêm 23 ca, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi vì COVID-19 tại Campuchia lên 925 ca.

Nỗi lo ngại lớn đối với Campuchia lúc này là số ca mắc COVID-19 được phát hiện khi nhập cảnh tăng mạnh mỗi ngày. Bộ Y tế Campuchia không thông báo rõ nguồn nhập cảnh, nhưng báo cáo về số ca mắc COVID-19 tăng cao tại các nước láng giềng mang tới nhiều thông tin xấu.

Tại Myanmar, ngày 12/7, chính quyền quân sự cho biết nước này sẽ bảo đảm các nhà máy sản xuất oxy hoạt động hết công suất để hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 sau khi số ca nhiễm mới tăng vọt.

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn quân đội Myanmar, ông Zaw Min Tun nhấn mạnh nước này sẽ mở rộng diện đối tượng được tiêm vaccine ngừa COVID-19, theo đó nhóm người dưới 18 tuổi sẽ được tiêm chủng trong thời gian tới.

Ngày 12/7, Bộ Y tế Lào thông báo số ca mắc mới COVID-19 ở nước này đã tăng ở mức 3 con số, với 106 ca trong 24 giờ qua. Trong số ca mắc mới có 104 ca nhập cảnh được cách ly ngay chủ yếu tại hai tỉnh Savannakhet và Champasak. Hai ca còn lại là ca cộng đồng tại tỉnh Viêng Chăn.

Bộ Y tế Lào cảnh báo nguy cơ lây lan COVID-19 trong cộng đồng ở nước này rất lớn do số lao động Lào làm việc ở các nước láng giềng trở về nước tiếp tục tăng cao. Trước tình hình trên, các cấp chính quyền của Lào đang xem xét tăng cường kiểm soát biên giới để ngăn chặn nguy cơ lây lan các biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

Đến nay, Lào ghi nhận tổng cộng 2.825 ca mắc COVID-19 và 3 ca tử vong.

Thế Vũ

Bình Luận

Tin khác

Hóc dị vật cuống trái xoài khiến một trẻ nguy kịch

Hóc dị vật cuống trái xoài khiến một trẻ nguy kịch

(CLO) Dị vật cuống trái xoài đã được các bác sĩ lấy ra khỏi đường thở của bé trai 8 tháng tuổi, hiện tình trạng sức khỏe bé tạm ổn, đang điều trị và theo dõi thêm.

Sức khỏe
Bắc Ninh ghi nhận 4 ca mắc ho gà

Bắc Ninh ghi nhận 4 ca mắc ho gà

(CLO) Các ca mắc ho gà trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đều xuất hiện ở trẻ dưới 2 tháng tuổi, độ tuổi chưa đến lịch được tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà.

Sức khỏe
Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

(CLO) Sản phụ 34 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, đau bụng nhiều, huyết áp giảm do thai ngoài tử cung bị vỡ và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu và truyền 6 đơn vị máu.

Sức khỏe
Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

(CLO) Dịp nghỉ lễ nhu cầu đi lại người dân nhiều nên tăng nguy cơ lây lan dịch, trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới.

Sức khỏe
Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

(CLO) Một tài khoản mạng xã hội đã đăng thông tin sai sự thật trên các hội, nhóm và các trang mạng xã hội mạo danh Bệnh viện nhi Trung ương để huy động tiền từ thiện.

Sức khỏe