Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 mang đến thông điệp phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19

Chủ nhật, 05/06/2022 17:22 PM - 0 Trả lời

(CLO) Sáng 5/6, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới", đã khai mạc tại TP. HCM.

Lần đầu tiên, sự kiện diễn đàn kinh tế của cả nước được tổ chức tại thành phố mang tên Bác, nhằm mang đến thông điệp về sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 của địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trong buổi sáng, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 sẽ tổ chức 3 hội thảo chuyên đề về các lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến quá trình phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch Covid-19 gồm: Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19; Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản; Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

dien dan kinh te viet nam lan thu 4 mang den thong diep phuc hoi manh me sau dai dich covid 19 hinh 1

Toàn cảnh hội thảo chuyên đề "Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau Covid-19. Ảnh: Huy Nguyễn

Nguồn cung lao động bị suy giảm nghiêm trọng sau đại dịch Covid-19

Chia sẻ tại phiên hội thảo chuyên đề “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động đến mạnh mẽ đến mọi mặt về kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới.

Đối với Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã làm cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực bị đứt gãy, đình trệ; tình hình lao động, việc làm, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực

Theo đó, nguồn cung lao động bị suy giảm nghiêm trọng, số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên giảm mạnh nhất vào quý III/2021, chỉ còn 49,1 triệu người; lực lượng lao động có việc làm quý IV/2021 là 49,07 triệu người, thấp hơn 1,79 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, đạt đỉnh cao nhất là quý III/2021 là 3,98% (hơn 1,7 triệu lao động); tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị cao nhất vào quý III/2021 là 5,54%. Khoảng 1,3 triệu lao động lao động dịch chuyển từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh.

Tiền lương, thu nhập của người lao động giảm, đời sống của người lao động khó khăn, trong đó thu nhập bình quân tháng của lao động từ 6,7 triệu đồng năm 2019 còn 5,3 triệu đồng năm 2021, giảm sâu nhất là vào quý III/2021 chỉ còn là 5,2 triệu đồng. Điều này làm cho cuộc sống của người lao động, đặc biệt lao động ngoại tỉnh càng khó khăn thêm.

Đáng lưu ý, theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH nguồn cung lao động vẫn đang đặt ra một số vấn đề như cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt đối với lao động có trình độ chuyên môn cao.

Một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Riêng trong quý I/2022 thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120.000 lao động, cao hơn những năm trước khoảng 2-3%, chủ yếu thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục...

Trình độ người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu công nghệ, nhất là giai đoạn phục hồi, nhiều doanh nghiệp đang rất tích cực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0.

Cơ cấu lao động giữa khu vực chính thức và phi chính thức chưa trở lại trạng thái trước khi có dịch bệnh và đang thiếu những động lực tích cực để thúc đẩy cho sự chuyển dịch mạnh mẽ số lao động phi chính thức sang chính thức; Khả năng kết nối cung - cầu, giới thiệu việc làm đáp ứng yêu cầu thị trường cũng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Cần các giải pháp phát triển thị trường vốn, thị trường bất động sản lành mạnh

Tại hội thảo chuyên đề Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản, các vấn đề phát triển thị trường vốn an toàn, bền vững, hướng tới chuẩn mực quốc tế đã được các chuyên gia, nhà quản lý cùng thảo luận.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng cần có sự đánh giá, nhìn nhận sự phát triển của thị trường vốn và thị trường bất động sản để có các giải pháp phát triển phù hợp, giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra.

dien dan kinh te viet nam lan thu 4 mang den thong diep phuc hoi manh me sau dai dich covid 19 hinh 2

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại phiên thảo luận về thị trường vốn và bất động sản. Ảnh: Quang Định

Thống kê cho thấy quy mô của thị trường vốn Việt Nam tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021. Đến cuối quý 1/2022, quy mô thị trường vốn đạt 134,570% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015, trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 40,7% GDP, trong đó trái phiếu Chính phủ là 22,7% GDP và trái phiếu doanh nghiệp là 16,4%GDP.

Với vai trò là kênh dẫn vốn, thị trường vốn là kênh quan trọng cho các doanh nghiệp bất động sản để huy động vốn trung và dài hạn, phù hợp với tính chất đầu tư của các dự án bất động sản.

Từ đầu tháng 4/2022, thị trường có nhiều đợt điều chỉnh, đặc biệt nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản có sự điều chỉnh nhiều nhất. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản tăng trưởng nhanh về quy mô nhưng cũng phát sinh nhiều rủi ro, bất cập.

Trong khi đó, mặc dù nền kinh tế chịu tác động của đại dịch nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền liên tục tăng từ đầu năm 2021 và đã tăng bình quân khoảng 5-7% với phân khúc chung cư; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020.

Trong quý 1-2022, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ đạt khoảng 20.325 giao dịch thành công, chỉ bằng khoảng 45,5% so với quý 4-2021 và bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2021.

"Cần thiết phải có các giải pháp nhằm phát triển thị trường vốn, thị trường bất động sản lành mạnh, từ hoàn thiện khung khổ pháp lý gồm Luật chứng khoán, Luật doanh nghiệp, Luật xây dựng, Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn... đến triển khai các giải pháp điều hành và quản lý, giám sát thị trường", ông Đức Chi nhìn nhận.

Ông Nguyễn Quang Thuân, tổng giám đốc Công ty Fiingroup, cũng cho rằng cho vay bất động sản nhà ở 65% dư nợ tín dụng ngân hàng và nhà đầu tư phân khúc này cũng phát hành trái phiếu rất nhiều. 3.000 doanh nghiệp đang phát triển dự án nhà ở dân cư trên cả nước, chủ yếu tập trung vào một số địa phương có tốc độ đô thị hóa cao.

Do đó việc điều chỉnh chính sách cần xem xét theo khu vực chứ không nên đồng bộ cho tất cả.

Ở góc độ thị trường vốn, ông Phạm Hồng Sơn - phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính - cũng cho biết ban này sẽ nghiên cứu các báo cáo của Bộ Tài chính để kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội rà soát tổng thể các quy định tại Luật chứng khoán, bao gồm phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật chứng khoán và các quy định về xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Nâng cao vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp trong chuyển đổi số

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết trong bối cảnh nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới, hoạt động đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam cũng đã có những chuyển biến tích cực.

Về đổi mới công nghệ, năm 2020, đã cấp 4.319 bằng độc quyền sáng chế; 18.197 công bố quốc tế. Tỉ lệ chi cho nghiên cứu triển khai khu vực ngoài nhà nước tăng, đạt 40,07%, khu vực FDI 12,87%, khu vực nhà nước 47,05%. Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đã huy động được gần 800 tỉ đồng từ doanh nghiệp cho các dự án đang thực hiện. Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2021 với mục tiêu số doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%-20%/năm.

dien dan kinh te viet nam lan thu 4 mang den thong diep phuc hoi manh me sau dai dich covid 19 hinh 3

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phan Nhân

Về chuyển đổi số, tính đến hết quý I-2022, đã có 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương thành lập ban chỉ đạo; 55/63 địa phương ban hành nghị quyết/chỉ thị/văn bản của tỉnh ủy/thành ủy về chuyển đổi số; 59/63 địa phương và 19/22 bộ, ngành ban hành chương trình/kế hoạch/đề án về chuyển đổi số giai đoạn 5 năm. Các ngành Tài chính – Ngân hàng, Y tế, Giáo dục, Nông nghiệp, Năng lượng, Giao thông vận tải,… đã có những kết quả tích cực trong hoạt động chuyển đổi số và đưa các hoạt động thường xuyên của ngành lĩnh vực lên môi trường số.

Về đa dạng chuỗi cung ứng, Việt Nam đã tham gia và ký kết 17 hiệp định FTAs với các đối tác quan trọng hàng đầu trên thế giới, trong đó có nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, RCEP, EVFTA. Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đang ngày càng tham gia có hiệu quả hơn vào các chuỗi cung ứng, sản xuất khu vực và toàn cầu và liên tục mở rộng thị trường đầu ra và đầu vào cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hoạt động đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, như nhóm ngành hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ có mức lan tỏa và độ nhạy thấp hơn mức bình quân chung khá nhiều; hiệu quả đổi mới công nghệ chỉ đóng góp khiêm tốn ở mức 28,44% trong TFP giai đoạn 2016-2018; tỉ lệ cấp bằng độc quyền sáng chế cho người Việt Nam rất thấp, năm cao nhất (2018) chỉ đạt 9,2% trong tổng số bằng được cấp tại Việt Nam; chuyển đổi số trong các ngành sản xuất còn chậm; còn thiếu cơ chế, chính chính sách hỗ trợ hiệu quả về chuyển đổi số, cơ chế đột phá đa dạng hóa chuỗi cung ứng để doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ, ưu đãi đối với sản phẩm tạo ra từ đổi mới công nghệ, chuyển đổi số chưa nhiều...

Trước thực tiễn đó, các ý kiến phát biểu tại hội thảo đã tập trung vào vấn đề chính, gồm: Kinh nghiệm quốc tế về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; chủ trương, cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng chuỗi cung ứng đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; nâng cao vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp trong chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Hoàng Tuấn

Bình Luận

Tin khác

Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

(CLO) Ngày 28/4, tại Nhà tang lễ thành phố Hà Giang, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cùng các gia đình tổ chức lễ tang, lễ truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị dự lễ truy điệu.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thực tiễn cho thấy, giao thông phát triển đến đâu sẽ tạo ra giá trị mới, mở ra không gian phát triển mới đến đó.

Tin tức
Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Ngày 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, toàn bộ 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

(CLO) Ngày 28/4, trong chương trình công tác tại Ninh Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thị sát, tìm hiểu tình hình hạn hán, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh, khảo sát việc vận hành hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán.

Tin tức
Hiện thực hóa quy hoạch, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận

Hiện thực hóa quy hoạch, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được; góp phần hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận.

Tin tức