Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay 0%: Cần tháo gỡ kịp thời, phù hợp với thực tiễn

Thứ năm, 14/10/2021 06:19 AM - 0 Trả lời

(CLO) Chuyên gia kinh tế cho rằng, khi doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay 0% theo Nghị quyết 68/NQ-CP thì phải có sự phản hồi mạnh mẽ đến cơ quan quản lý Nhà nước. Trong khi đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần rà soát kịp thời, điều chỉnh một cách dứt khoát và phù hợp với thực tiễn.

Doanh nghiệp khó đáp ứng đủ các điều kiện

Ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP (Nghị quyết 68) về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Nghị quyết này của Chính phủ có quy định về chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đối với người sử dụng lao động (là chủ các doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh…).

doanh nghiep kho tiep can von vay 0 can thao go kip thoi phu hop voi thuc tien hinh 1

Tính đến ngày 3/10, 379.610 lượt đơn vị sử dụng lao động, gần 18,68 triệu lượt người lao động đã nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP với tổng kinh phí gần 15,8 nghìn tỷ đồng.

Bài liên quan

Ngân hàng Chính sách xã hội vay tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng với lãi suất 0%/năm, thời hạn tái cấp vốn dưới 12 tháng và không có tài sản đảm bảo để cho người sử dụng lao động quy định tại điểm 11 Mục II Nghị quyết 68 vay trả lương cho người lao động.

Theo đó, người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên.

Còn đối với cho vay trả lương phục hồi sản xuất: Người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022 khi quay trở lại sản xuất kinh doanh và người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022.

Điểm đáng chú ý về điều kiện vay vốn với cả 2 mục đích trên là, người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.

Kèm theo Nghị quyết 68, Chính phủ đã ban hành Quyết định 23/2021/QĐ-TTg (Quyết định 23) Quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo Quyết định nêu trên, điều kiện vay vốn trả lương ngừng việc của người sử dụng lao động là phải đóng 100% bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Hay đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để phục hồi sản xuất, kinh doanh thì ngoài điều kiện vay vốn không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì phải hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn.

doanh nghiep kho tiep can von vay 0 can thao go kip thoi phu hop voi thuc tien hinh 2

Theo báo cáo từ Sở LĐTB&XH của 63 tỉnh, thành phố; đến ngày 3/10/2021 đã giải ngân gần 462 tỷ đồng (chiếm 6,2% kinh phí dự kiến chính sách về vay vốn của Nghị quyết 68), hỗ trợ 922 lượt người sử dụng lao động để trả lương cho 132.400 lượt người lao động.

Theo doanh nghiệp cho biết, các điều kiện tại Nghị quyết 68 và Quyết định 23 khiến họ khó tiếp cận vay vốn bởi dịch COVID-19 đã tác động rất lớn, khiến họ lao đao, kiệt quệ. Do đó, việc rơi vào cảnh nợ xấu là không tránh khỏi.

Doanh nghiệp cũng cho biết, việc phải đóng BHXH 100% cho người lao động cũng là khó thực hiện vì có lao động thời vụ. Trong khi đó, việc quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cũng gặp nhiều khó khăn bởi khi làm đề nghị sang cơ quan thuế thì doanh nghiệp được phản hồi do chưa có việc thanh kiểm tra nên không thể xác nhận cho công ty về việc quyết toán này, mà chỉ cấp giấy tờ chứng nhận công ty đã nộp thuế nhưng chưa thanh kiểm tra.

Trước thực tế nêu trên, các doanh nghiệp rất mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành đẩy nhanh tiến độ sửa đổi để doanh nghiệp được vay vốn.

Cần sự phản hồi mạnh mẽ từ các doanh nghiệp

Trao đổi với phóng viên, Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính nhìn nhận: Thực tế, có thể đánh giá Chính phủ đã ban hành các gói chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp một cách kịp thời trong bối cảnh đại dịch COVID-19, trong đó có Nghị quyết số 68.

Ông Thịnh cũng cho biết, quá trình triển khai Nghị quyết 68 thì còn bộc lộ một số hạn chế do các quy định khá ngặt nghèo, chưa sát với thực tế trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp như quy định về nợ xấu, thanh quyết toán thuế, việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

doanh nghiep kho tiep can von vay 0 can thao go kip thoi phu hop voi thuc tien hinh 3

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh.

Cũng theo ông Thịnh, thời gian qua, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ ngành tháo gỡ khó khăn, cắt giảm thủ tục hành chính nhằm phù hợp với thực tiễn để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận các khoản vay, gói hỗ trợ. Tuy nhiên, với những khó khăn trong tiếp cận các khoản vay thì cần có sự điều chỉnh dần dần và đặc biệt là sự phản hồi từ các doanh nghiệp để các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt, từ đó sẽ chỉnh sửa phù hợp.

Nói rõ hơn về sự phản hồi này, PSG. TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, khi phản hồi phải làm rõ những vấn đề, thủ tục gì mà hiện nay doanh nghiệp đang vướng mắc chưa làm được? Nếu theo doanh nghiệp cần phải làm gì để việc tiếp cận của họ phù hợp với thực tiễn?

“Tất nhiên mỗi doanh nghiệp có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nhưng các cơ quan quản lý sẽ tập hợp những yêu cầu đó lại để sẽ có những phản hồi với cơ quan ban hành chính sách, từ đó sẽ có sự chỉnh sửa chính sách, văn bản thì mới thông thoáng được. Ở đây điều quan trọng nhất là sự phản hồi mạnh mẽ từ doanh nghiệp, còn Chính phủ sẵn sàng tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận một cách tốt nhất.”, ông Thịnh nói.

Cũng theo PSG. TS Đinh Trọng Thịnh, hiện nay, trong việc thực hiện các gói chính sách, không riêng gì Nghị quyết 68, khi người dân, doanh nghiệp thấy khó tiếp cận hoặc không mặn mà thì cơ quan quản lý Nhà nước cần rà soát kịp thời, báo cáo cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh một cách nhanh chóng, dứt khoát và đặc biệt là phải phù hợp với thực tiễn.

Theo thông tin phóng viên nắm được, mới đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) đã đưa đề xuất bỏ điều kiện về nợ xấu vào tờ trình, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68 để trình Chính phủ xem xét.

Theo Bộ LĐTB&XH cho biết, việc nhóm chính sách hỗ trợ vay vốn chưa phát huy hiệu quả là do chưa có nhiều doanh nghiệp đón nhận, không mấy mặn mà làm hồ sơ vay vốn. Doanh nghiệp cho rằng, việc vay tiền để trả lương cho người lao động không phải là chính sách hỗ trợ tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, thủ tục vay vốn khá chặt chẽ dù đã được cắt giảm khá nhiều cũng khiến các doanh nghiệp khó khăn khi tiếp cận chính sách hỗ trợ này.

Do vậy, tại tờ trình đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết 68, Bộ LĐTB&XH đã đề nghị Chính phủ xem xét lược bỏ điều kiện về nợ xấu để tạo điều kiện cho người sử dụng lao động tiếp cận chính sách và đạt mục tiêu đề ra; góp phần hỗ trợ bảo đảm đời sống người lao động, hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và tác động nặng nề lên nhiều mặt của đời sống xã hội.

Quốc Trần

Tin khác

Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong dịp đại lễ

Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong dịp đại lễ

(CLO) Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay dài ngày, đặc biệt là trên địa bàn TP Điện Biên Phủ diễn ra chuỗi các sự kiện hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ nên lượng người và phương tiện tăng đột biến.

Tin tức
Đảm bảo điều kiện triển khai Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Đảm bảo điều kiện triển khai Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

(CLO) Ngày 1/7 tới đây, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chính thức có hiệu lực thi hành. Hiện, Chính phủ, Bộ Công an đã ban hành các nghị định, thông tư để triển khai thi hành luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đốc thúc một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đốc thúc một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

(CLO) Ngày 29/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi kiểm tra hiện trường, động viên cán bộ, công nhân đang làm việc trên công trường, đốc thúc một số dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, đi qua địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Tin tức
Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

(CLO) Ngày 28/4, tại Nhà tang lễ thành phố Hà Giang, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cùng các gia đình tổ chức lễ tang, lễ truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị dự lễ truy điệu.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thực tiễn cho thấy, giao thông phát triển đến đâu sẽ tạo ra giá trị mới, mở ra không gian phát triển mới đến đó.

Tin tức