Doanh nhân Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Thông Tấn: Suốt đời làm bạn với nhà nông

Thứ sáu, 03/04/2015 12:36 PM - 0 Trả lời

Doanh nhân Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Thông Tấn: Suốt đời làm bạn với nhà nông

Ông chủ thương hiệu nông sản thuần Việt

Khi con người ta được sinh ra trong cuộc đời, không mấy ai biết được số phận sẽ dành cho mình những gì. Cũng không ai được lựa chọn quê hương hay bố, mẹ. Đó là định mệnh. “Tôi là nông dân” - doanh nhân Nguyễn Văn Tấn vui vẻ giới thiệu như vậy như sự hài lòng về định mệnh của mình.

Ông sinh ra tại làng Phú Châu - Ba Vì - Hà Nội. Gia đình lúc đó thuộc diện nghèo nhất làng. Trong cái đói quay quắt của những năm chiến tranh hồi ấy, cơm ăn độn dong riềng, cậu bé Tấn vẫn cần cù đi học. Rồi cậu thi đỗ vào trường Đại học nông nghiệp. Ra trường, chàng kỹ sư nông nghiệp người Hà Nội được Nhà nước phân công về nông trường Vân Du ( huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa). Cái duyên với nghề, với người, với đất có lẽ được nuôi dưỡng thấm đẫm từ vùng đất này. Là cán bộ kỹ thuật do trung ương cử về, ban đầu ông chỉ định hết 18 tháng rồi quay về. Ai ngờ, tình đất, tình người nơi đây đã níu chân ông ở lại gắn bó suốt mấy chục năm trời. Quãng thời gian lăn lộn ở đây với bà con nông dân cho ông nhiều kinh nghiệm thực tế quý báu. “Tôi vẫn biết ơn vùng đất này về tất cả. Trong đó có phần riêng tư là tôi được gặp vợ tôi và các con tôi đều được nuôi dưỡng, trưởng thành từ đây”. Ông Tấn chia sẻ. Có lẽ vì vậy mà sau này, khi đã là một doanh nhân thành đạt, ông quay trở lại giúp bà con nông dân phát triển và cải tạo vùng đất này trở nên màu mỡ.

Báo Công luận
Doanh nhân Nguyễn Văn Tấn trao đổi với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Sau ¼ thế kỷ bôn ba trên đồng đất với nông dân, ông Tấn trở về Hà Nội và bắt đầu xây dựng kinh tế gia đình. Ban đầu là một cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm của nông dân với rau dưa, cà muối, dưa chuột muối, măng, hành, vải thiều… bán cho các trung tâm thương mại trong nước. Sản phẩm của gia đình ông được nhiều khách hàng yêu thích. Năm 1998, cơ duyên đến với ông khi có một người khách Ba Lan thích sản phẩm và tìm đến đặt hàng đưa về nước họ. Rồi tiếp theo là vị khách người Đức tìm đến đặt hàng. Khi đơn đặt hàng của nước ngoài càng ngày càng nhiều hơn, ông Tấn quyết định thành lập công ty để làm ăn có bài bản hơn. Năm 2000, Công ty TNHH thực phẩm Thông Tấn ra đời. Từ đó, thương hiệu thực phẩm đóng hộp Thông Tấn được nhiều bạn hàng thế giới chú ý. Các nước Đông Âu cũng bắt đầu đặt hàng. “Tiếng lành đồn xa”, sản phẩm nông sản thương hiệu Thông Tấn qua các bạn hàng đã đi đến nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Mỹ… Hiện nay, trung bình mỗi năm công ty xuất khẩu cả trăm contener đi các nước đem về doanh thu hàng triệu USD và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Công ty đã mở rộng quy mô sang các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam.

Với những đóng góp cho sự phát triển chung của kinh tế đất nước, Công ty TNHH thực phẩm Thông Tấn nhận được nhiều bằng khen của Chính phủ cũng như bạn bè bốn phương.

“Hữu xạ tự nhiên hương”

Việt Nam là một đất nước nông nghiệp nên sản phẩm nông sản dồi dào và rất nhiều người làm về mặt hàng này nhưng không phải ai cũng thành công. Tại sao khách hàng quốc tế lựa chọn sản phẩm Thông Tấn?

Theo như lý giải của doanh nhân Nguyễn Văn Tấn thì yếu tố đầu tiên là chữ tín. Mà yêu cầu đầu tiên của chữ tín là chất lượng hàng đảm bảo theo yêu cầu của khách hàng. Để có chất lượng hàng đảm bảo theo yêu cầu khắt khe của từng khách hàng, bên cạnh việc lựa chọn kỹ nguyên liệu đầu vào, công ty còn đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại và áp dụng quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế. Tiếp theo là chữ tín với thương hiệu của mình để tồn tại. Sản phẩm tốt chưa đủ mà quan hệ với khách hàng cũng phải tốt. Như với ngân hàng giữ chữ tín bằng vay trả đúng hạn. Với công nhân, hẹn trả lương đầu tháng thì đúng đầu tháng phải trả. Đối với môi trường cũng phải làm thật tốt. Đối với người cung cấp nguyên liệu cũng phải đúng hẹn… Trong mọi hoàn cảnh đều phải giữ uy tín tổng thể về mọi mặt. Chữ tín đó để rất nhiều người yên tâm về mình. Giữ được những điều đó khách hàng sẽ tự tìm đến với mình.

Ông nhớ lại, năm 2003, đối tác Mỹ sang đặt hàng Thông Tấn mỗi tháng 50 contenner, đều đặn cả năm là 600 contenner. Nhưng do đặc thù nông sản Việt Nam sản xuất manh mún không đủ sức đáp ứng đơn hàng lớn như vậy nên ông Tấn đã từ chối. Mặc dù rất tiếc nhưng ông từ chối cũng để giữ chữ tín. Không ham mà nhận bừa khi mình chưa đủ năng lực đáp ứng.

Uy tín của thương hiệu Thông Tấn còn ở chỗ am hiểu và vừa cứng rắn vừa mềm mại trong xử lý tình huống. Năm 2009, công ty xuất một lô hàng sang Tiệp Khắc. Trong đó có một thùng hàng chẳng may bị vỡ. Nhân đà đó, khách hàng làm lớn chuyện đòi kiện và bắt đền bù 50.000 USD. Ông Tấn cử người lặng lẽ sang tận nơi thu thập các chứng cứ rồi mời đối tác sang Việt Nam làm việc. Ban đầu, ông nói về lý theo hợp đồng đã ký kết là bán giá Fob tại kho của Thông Tấn. Vì vậy, sau khi kẹp chì, mọi hư hỏng sau đó khách hàng phải chịu. Sau đó, ông đưa các bằng chứng đã thu thập ra. Đối tác đuối lý. Tuy nhiên, để giữ sự hợp tác lâu dài, ông chấp nhận chia sẻ một nửa rủi ro trị giá 5.000 USD. Khách hàng thấy không còn lý do gì để kiện nữa nên đã cùng ông uống rượu rồi vui vẻ ra về. “Làm ăn với nước ngoài phải chặt chẽ từng tí một, phải hiểu luật, hiểu nguyên tắc, có kinh nghiệm trong xử lý tình huống. Trong mọi tình huống nên bình tĩnh xem lại hợp đồng, không nên cuống. Tâm lý nhiều người là cứ thấy đối tác kêu hỏng là sợ”. Ông Tấn chia sẻ kinh nghiệm như vậy.

Thấy công ty của ông làm ăn có hiệu quả, lãnh đạo huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã ra Hà Nội mời công ty về xây dựng nhà máy chế biến nông sản và vùng nguyên liệu tại đây. Hiện nay nhà máy đang bắt đầu xây dựng. Dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ có công suất 3.000 tấn/năm và sử dụng vài trăm lao động thường xuyên. Đó là chưa kể hàng ngàn lao động trên các vùng nguyên liệu cùng với các lợi ích khác do dự án đem lại như chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang hướng năng suất, chất lượng có giá trị hơn… Hồi đầu năm, lãnh đạo huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) lại mời công ty về cùng đầu tư xây dựng dự án Nhà máy chế biến phân hữu cơ vi sinh để cải tạo vùng đất bạc màu do nhiều năm trồng mía khai thác bằng phân hóa học. Khi đi vào hoạt động, sẽ sử dụng số lao động thường xuyên khoảng 250 - 300 người. Đồng thời, ông cũng sẽ xây dựng cho vùng đất đầy ân nghĩa với mình một trung tâm thương mại kết hợp với nhà ở hiện đại. Doanh nhân Nguyễn Văn Tấn rất say sưa với hai dự án này.

Ông dự tính, khi hai dự án này thành công, ông sẽ đem nó nhân rộng ra các tỉnh khác để bà con nông dân được hưởng lợi nhiều hơn bằng chính công sức và sản phẩm trên quê hương mình. Trong một lần trao đổi với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ông Tấn đã bày tỏ suy nghĩ của mình: “Thực tế đầu tư ngành này lợi nhuận thấp. Nhưng tôi vẫn thích làm vì nó làm cho con người ta gần gũi với thiên nhiên, gần gũi với người nông dân, người lao động. Qua đó, tôi muốn giáo dục cho các con, cháu gần gũi, say sưa với lao động, với người lao động. Không bị tách rời lao động khi có của cải khiến cho con người ta sống nhân văn hơn”.

KIM THANH

Tin khác

8 doanh nghiệp trúng thầu 8.100 lượng vàng miếng SJC

8 doanh nghiệp trúng thầu 8.100 lượng vàng miếng SJC

(CLO) Phiên đấu thầu sáng nay (14/5) đã có 8 doanh nghiệp trúng thầu 8.100 lượng vàng miếng, mức giá cao nhất là 87,73 triệu đồng/lượng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Quỹ bình ổn xăng dầu: Tiền của người dân 'góp' vào nhưng không được giám sát

Quỹ bình ổn xăng dầu: Tiền của người dân "góp" vào nhưng không được giám sát

(CLO) Theo Hội bảo vệ người tiêu dùng, bản chất Quỹ bình ổn xăng dầu là tiền của người tiêu dùng góp vào. Tuy nhiên, hiện nay không có cơ chế tham gia giám sát của người tiêu dùng để bảo đảm sử dụng đúng và hiệu quả Quỹ này.

Thị trường - Doanh nghiệp
Lãi suất cho vay mua nhà chỉ từ 6,8%/năm

Lãi suất cho vay mua nhà chỉ từ 6,8%/năm

(CLO) Tín dụng đang tăng tốc với nỗ lực kích cầu tiêu dùng đến từ động thái giảm mạnh lãi suất cho vay, kèm theo chương trình ưu đãi của ngân hàng thương mại.

Tài chính - Bảo hiểm
Ủy ban châu Âu kết thúc điều tra các công ty năng lượng mặt trời Trung Quốc

Ủy ban châu Âu kết thúc điều tra các công ty năng lượng mặt trời Trung Quốc

(CLO) Ủy ban châu Âu sẽ kết thúc cuộc điều tra đối với các công ty năng lượng mặt trời của Trung Quốc sau khi các công ty này rút đấu thầu một dự án năng lượng mặt trời ở Romania, Thierry Breton, Ủy viên Thị trường Nội bộ châu Âu cho biết.

Thị trường - Doanh nghiệp
Giá vàng SJC tiếp tục giảm sâu về vùng giá đấu thầu

Giá vàng SJC tiếp tục giảm sâu về vùng giá đấu thầu

(CLO) Sáng nay (14/5), giá vàng SJC tiếp tục giảm sâu về vùng 89 triệu đồng/lượng (bán ra), chỉ cao hơn mức giá vàng tham chiếu phiên đấu thầu có 1 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn tròn trơn cũng giảm mạnh.

Thị trường - Doanh nghiệp