Dự án BT: Cách nào bịt những ‘lỗ hổng’?

Thứ hai, 15/04/2019 15:36 PM - 0 Trả lời

(CLO) Việc áp dụng đầu tư theo hình thức hợp đồng BT trong thời gian qua còn có những lỗ hổng, thậm chí sai sót, vi phạm. Chính phủ, Quốc hội đang nỗ lực xây dựng một chính sách để bịt những “lỗ hổng” nêu trên đồng thời thu hút tối đa nguồn lực để xây dựng, phát triển đất nước.

Hình thức giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với dự án BT được cho là tiếm ẩn nguy cơ xảy ra nhiều tham nhũng, tiêu cực. Ảnh minh họa

Hình thức giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với dự án BT được cho là tiếm ẩn nguy cơ xảy ra nhiều tham nhũng, tiêu cực. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, việc áp dụng đầu tư theo hình thức hợp đồng BT là cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều dự án BT còn có những lỗ hổng, thậm chí sai sót, vi phạm. Chính phủ, Quốc hội đang nỗ lực xây dựng một chính sách để bịt những “lỗ hổng” nêu trên đồng thời thu hút tối đa nguồn lực để xây dựng, phát triển đất nước.

Nên bỏ loại hình dự án BT?

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản xin ý kiến các bộ ngành góp ý về đề xuất “không nên tiếp tục thực hiện loại hợp đồng BT” trong xây dựng dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ ngành cung cấp thêm thông tin và lập luận trong trường hợp không duy trì loại hình dự án hợp đồng BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) để Bộ có cơ sở báo cáo Chính phủ trong quá trình xây dựng dự thảo luật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc thực hiện các dự án BT còn những vấn đề bất cập, tồn tại, đặc biệt là việc xác định giá trị đất đối ứng còn chưa phản ánh giá trị thị trường. Việc xác định giá trị tài sản công (bao gồm quyền sử dụng đất) trong dự án BT theo cơ chế Hội đồng thẩm định giá thẩm định, UBND cấp tỉnh phê duyệt mà không thông qua đấu giá là chưa thể hiện được sự công khai, minh bạch khi thanh toán cho nhà đầu tư.

Từ lâu nay câu chuyện về các dự án BT trong lĩnh vực hạ tầng luôn thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Việc còn nhiều “lỗ hổng” trong các quy định pháp luật dẫn đến tình trạng các dự án BT trên thực tế đem lại “siêu lợi nhuận” cho nhà đầu tư.

Dư luận đã nhiều lần đề cập đến chuyện doanh nghiệp yếu kém, “tay không bắt giặc”, chia nhỏ dự án BT, bán lại thầu kiếm chênh lệch. Đặc biệt, hình thức giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án BT gây thất thoát, lãng phí tài sản công, đồng thời đây cũng là nơi được cho xảy ra nhiều tham nhũng, tiêu cực.

Một minh chứng cho nhận định này là việc cuối năm 2018, trong một báo cáo gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ rõ nhiều hạn chế, bất cập và sai sót qua thực hiện các hợp đồng BT.

Theo Kiểm toán Nhà nước, hầu hết dự án BT thực hiện theo hình thức chỉ định thầu làm giảm tính cạnh tranh trong thực hiện dự án. Cơ chế giao đất ở dự án đối ứng của dự án BT thực hiện chưa có sự thống nhất; việc triển khai thực hiện các dự án còn nhiều thay đổi về quy hoạch chi tiết, giá đất không sát với giá thị trường...

Tại các dự án, nhà đầu tư được giao nhiều khâu như lập dự án, lập dự toán đầu tư, thẩm định dự án, giám sát dự án… Những phần việc này về hình thức do nhiều doanh nghiệp thực hiện nhưng thực chất đều do nhà đầu tư chỉ đạo; thậm chí có một số dự án BT biến tướng thành giao dịch ngầm giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Thực tế này dẫn đến không đảm bảo tính khách quan, thiếu minh bạch, gây thất thoát ngân sách.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy có tới 90% các dự án BT lựa chọn nhà đầu tư qua chỉ định thầu với việc 1/12 dự án giai đoạn 2013 - 2017 đấu thầu, còn lại 11 dự án được phân giao qua chỉ định thầu. Kiểm toán chọn mẫu 3 dự án BT để thực hiện xác định lại giá trị của hợp đồng BT cho thấy, giá trị hợp đồng BT của 3 dự án sau kiểm toán là 1.727,3 tỷ đồng, bằng 39% giá trị hợp đồng BT ban đầu (1.727,3 tỷ đồng/4.421,1 tỷ đồng). Qua công tác kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi 4.515 tỷ đồng tại các dự án BT.

Thừa nhận thực tế còn bất cập, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết,  việc thanh toán dự án BT được xác định theo phương thức ngang giá, song thực tế triển khai ở địa phương thì đều cho phép chỉ định thầu.

Hệ lụy tất yếu của cách làm trên là gây ra lỗ hổng thất thoát kép: Các dự án BT được thực hiện không chào hàng cạnh tranh nên giá trị không được quy đổi ngang bằng, nhà nước thua thiệt; tình trạng định giá cao dự án, đổi đất giá thấp đã làm thất thoát lớn nguồn lực đất đai.

Để giải quyết bật cập nêu trên, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc xác định giá trị thanh toán dự án BT tiến tới sẽ được tiến hành chặt chẽ để đảm bảo ngang về giá trị và hiện vật, tránh tình trạng chuyển dự án sử dụng đất sang chỉ định thầu, các dự án sẽ tuân thủ quy trình đấu giá dự án và đấu giá quyền sử dụng đất.

Trong khi dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT đang được xây dựng, Bộ Tài chính đã đề nghị các địa phương tạm dừng dùng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư BT.

Chưa hết vướng mắc

Tuy nhiên, thời gian qua, việc tạm dừng dùng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư BT đã gây ra những khó khăn, ách tắc trong thực tế triển khai dự án BT tại các địa phương. Mặc dù Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 nhưng nghị định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT vẫn chưa thể ban hành. Mới đây, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp về vấn đề này nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khơi thông dòng chảy kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.

Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau như hình thức giao đất theo nguyên tắc ngang giá, không thông qua đấu giá và việc đấu thầu đồng thời dự án BT và đấu giá quyền sử dụng đất. Vướng mắc lớn hiện nay là quan điểm đấu giá đất hay thanh toán ngang giá.

Được biết, dự thảo Nghị định về thanh toán dự án BT đã trải qua nhiều cuộc họp, nhiều lần lấy ý kiến Chính phủ bởi đây là vấn đề khó, có nhiều quy định chồng chéo từ nhiều luật mà thực tiễn thì rất phong phú, trong khi yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm quy định chặt chẽ để chống thất thoát, lãng phí tài sản công.

Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện Nghị định.

Thủ tướng nêu rõ, Nghị định phải mở ra không gian tốt để sử dụng nguồn lực phát triển đất nước; việc xây dựng Nghị định với tinh thần bảo đảm tính thực tiễn để đi vào cuộc sống, nhằm phát huy tác dụng phát triển kinh tế đất nước, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế 2019 và các năm tiếp theo.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần của Nghị định phải theo nguyên tắc thị trường, không hồi tố, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, cũng cần bảo đảm tính chặt chẽ về pháp lý để tránh thất thoát, lãng phí tài sản công, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo cần sớm ban hành Nghị định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT với quy trình đầu tư rõ ràng hơn, có sự giám sát tốt hơn.

Cần sự công khai, minh bạch

Chính phủ, Quốc hội kỳ vọng tạo ra môi trường pháp lý ổn định, minh bạch cho hình thức đầu tư PPP, trong đó có các dự án BT để cho nhà đầu tư tư nhân lường trước được những rủi ro để tính toán.

Trên tinh thần đó, nhiều địa phương và giới chuyên gia cho rằng cần đưa ra những giải pháp để phương thức đầu tư này được thực hiện đúng mục đích. Đó là lập quy trình rõ ràng, công khai trách nhiệm, đấu thầu rộng rãi, có cơ chế giám sát, định giá, rà soát được quỹ đất…

Một số ý kiến cho rằng, để minh bạch và triển khai hiệu quả các dự án BT, cần hạn chế việc đổi đất lấy hạ tầng theo hình thức hàng đổi hàng, không nên đầu tư theo kiểu đất một nơi, công trình BT một nẻo. Chỉ những dự án BT có công trình gắn trực tiếp với quỹ đất đổi hạ tầng, thành công của miếng đất gắn liền với thành công của hạ tầng mới nên làm BT.

Đối với việc chỉ định thầu cần chấm dứt ngay; các dự án phải được đấu thầu một cách công khai. Bên cạnh đó, Nhà nước phải quy định cụ thể đối với loại dự án nào thì được áp dụng theo hình thức BT. Đồng thời phải có quy định về yêu cầu phân tích chi phí, lợi ích giữa cơ chế BT và cơ chế Nhà nước đấu giá tài sản công để lấy tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, lấy đó làm cơ sở cho quyết định thực hiện dự án theo hình thức BT hay không.

Thế Vũ

Tin khác

Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

(CLO) Ngày 28/4, tại Nhà tang lễ thành phố Hà Giang, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cùng các gia đình tổ chức lễ tang, lễ truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị dự lễ truy điệu.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thực tiễn cho thấy, giao thông phát triển đến đâu sẽ tạo ra giá trị mới, mở ra không gian phát triển mới đến đó.

Tin tức
Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Ngày 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, toàn bộ 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

(CLO) Ngày 28/4, trong chương trình công tác tại Ninh Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thị sát, tìm hiểu tình hình hạn hán, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh, khảo sát việc vận hành hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán.

Tin tức
Hiện thực hóa quy hoạch, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận

Hiện thực hóa quy hoạch, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được; góp phần hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận.

Tin tức