Du lịch Lào Cai: Phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Chủ nhật, 20/09/2020 10:34 AM - 0 Trả lời

(CLO) Giai đoạn 2021 - 2025, du lịch cần những giải pháp đồng bộ nhằm phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Lào Cai trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực miền núi phía Bắc - đó là mục tiêu mà ngành du lịch Lào Cai đang quyết liệt hướng tới.

Khởi sắc vượt bậc sau 5 năm

Có thể nói, qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020”, ngành du lịch Lào Cai đã có những bước phát triển vượt bậc. Tổng lượt khách du lịch đến Lào Cai đến hết năm 2019 đạt 5,1 triệu lượt khách (vượt 13,5% so với mục tiêu Đề án); tổng doanh thu du lịch năm 2019 đạt 19.200 tỷ đồng (vượt 6,7% so với mục tiêu Đề án). Số ngày lưu trú bình quân du khách đạt 2,25 ngày, mức chi tiêu bình quân của khách du lịch đến Lào Cai đạt 1.667.000 đồng/khách/ngày, tạo việc làm cho hơn 32.000 lao động.

Chợ văn hóa Bắc Hà.

Chợ văn hóa Bắc Hà.

Lào Cai hoàn thành xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030; ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch tỉnh Lào Cai bằng 3 ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc); phát triển Du lịch thông minh với việc đưa vào triển khai thí điểm bộ 3 sản phẩm gồm Cổng thông tin du lịch thông minh, Ứng dụng du lịch trên thiết bị thông minh (App) và Phần mềm quản lý lưu trú trực tuyến.

Nhiều dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, Khu du lịch sinh thái, Du lịch cộng đồng, Khu dịch vụ vui chơi giải trí hiện đại đi vào hoạt động. Lào Cai đã xây dựng, phát triển được một số sản phẩm du lịch thành “thương hiệu” nổi tiếng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà, Giải Marathon leo núi quốc tế (VMM), Giải đua xe đạp quốc tế “Một đường đua hai quốc gia” (Việt Nam - Trung Quốc); Lễ hội 4 mùa; Lễ hội trên mây Sa Pa,...

Lào Cai được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch ghi nhận là địa phương đứng đầu cả nước về phát triển hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng homestay, phổ biến tại các xã: Tả Van, Tả Phìn (thị xã Sa Pa), Ý Tý (huyện Bát Xát), Tà Chải, Na Hối, Bản Phố, Tả Van Chư, Bản Liền (huyện Bắc Hà), Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên). 2 năm liền (2016 và 2017), du lịch cộng đồng Lào Cai được giải thưởng Homestay ASEAN, góp phần quảng bá hình ảnh về thiên nhiên, con người, bản sắc văn hóa Lào Cai đến bạn bè trong nước và quốc tế…

Giai đoạn 2016 - 2020, Lào Cai đã phối hợp với các địa phương, các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, đào tạo và bồi dưỡng mới, đào tạo lại hơn 4.000 lao động, nâng tổng số lao động du lịch đã qua đào tạo lên hơn 14.000 người.       

Điều đáng tự hào nhất là du lịch Lào Cai đã, đang trở thành  một trong những trụ cột chính trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững cho tỉnh. Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho thấy: Năm 2018, từ du lịch, dịch vụ, Lào Cai đã tạo việc làm cho trên 22.000 lao động, trong đó, gần 10.000 lao động có việc làm trực tiếp và gần 13.000 lao động gián tiếp. Đến năm 2019, con số này tăng lên khoảng trên 25.000 người. 

Ruộng bậc thang Ý Tý.

Ruộng bậc thang Ý Tý.

Nâng cao chất lượng toàn diện về du lịch

Với chủ trương và giải pháp đúng, du lịch Lào Cai đã khẳng định vị trí số 1 trên bản đồ du lịch Tây Bắc, với “3 nhất”: Lượng khách đến tham quan, trải nghiệm đông nhất; doanh thu từ du lịch đạt cao nhất; thu hút được nhiều nhà đầu tư nhất. Những thành tựu đó của ngành du lịch Lào Cai là rất đáng tự hào.

Tuy nhiên, là vùng đất sở hữu “kho báu” về bản sắc văn hóa các dân tộc, cùng với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, kết hợp với núi non hùng vỹ, cảnh quan hoang sơ… du lịch Lào Cai còn nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển mạnh. Nhận diện rõ điều đó, Lào Cai chủ trương sẽ tiếp tục xây dựng đề án phát triển du lịch, tập trung nâng cao chất lượng toàn diện về du lịch để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước.

Đặt mục tiêu đến năm 2025, Lào Cai phấn đấu đạt 10 triệu lượt khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách nước ngoài; tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 44.500 tỷ đồng; thu nhập từ du lịch chiếm từ 15% đến 17% GRDP của tỉnh; toàn tỉnh có 1.400 cơ sở lưu trú với 10.000 buồng khách sạn từ 3 đến 5 sao…

Để hiện thực hóa mục tiêu ấy, ngay từ thời điểm này, ngành du lịch Lào Cai đã triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, để đạt mục tiêu 10 triệu lượt khách du lịch vào năm 2025, ngành du lịch Lào Cai sẽ triển khai những giải pháp đồng bộ liên quan đến phát triển bền vững mang lại bước đột phá cho du lịch Lào Cai.

Trong đó, xác định rõ du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc, có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và quốc phòng, an ninh.

Từ đó, bố trí nguồn lực thích hợp từ ngân sách địa phương, lồng ghép các nguồn vốn vay, chương trình mục tiêu về hạ tầng du lịch và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao khả năng kết nối giao thông đến các khu, điểm du lịch, trọng tâm là Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, thành phố Lào Cai; đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ (điện, nước, giao thông, điểm vui chơi giải trí - mua sắm, internet), bãi đỗ xe, các trạm dừng nghỉ, nhà vệ sinh đạt chuẩn trên các tuyến, điểm, khu du lịch.

Đồng thời, sẽ rà soát, đánh giá, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của dịch vụ, sản phẩm du lịch đã có. Tiếp tục nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch mới có sức hút đối với du khách, ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, có lợi thế cạnh tranh như sân golf; dù lượn; chợ văn hóa, ẩm thực; công viên văn hóa; tham quan, nghỉ dưỡng núi (Sa Pa, Bắc Hà); chinh phục đỉnh cao (Fansipan, Ky Quan San); tâm linh (quần thể đền Thượng - đền Mẫu, đền Bảo Hà); sắc hoa Lào Cai (phong lan, mận, đào, đỗ quyên…); ruộng bậc thang, chợ phiên; khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng theo hướng “Đặc sắc - bền vững - chuyên nghiệp”; sưu tầm, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích, danh thắng để phục vụ phát triển du lịch bền vững; ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch…

Vẻ đẹp Sapa.

Vẻ đẹp Sapa.

Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng tăng cường liên kết, khai thác tối đa lợi thế tuyến hành lang kinh tế để kết nối du lịch núi với du lịch biển; mở rộng liên kết với các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam để khai thác các loại hình du lịch nghỉ dưỡng núi cao cấp; tiếp tục chương trình hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng để khai thác hiệu quả tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc; liên kết với thành phố Luang Prabang - Lào, Chiềng Mai - Thái Lan để phát triển các sản phẩm du lịch chuyên biệt; phát triển tuyến du lịch ruộng bậc thang liên quốc gia: Mù Cang Chải, Yên Bái - Sa Pa, Lào Cai (Việt Nam) - Nguyên Dương (Trung Quốc). Hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn lớn, nhà đầu tư chiến lược để phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch cao cấp, du lịch nông nghiệp… Duy trì hợp tác phát triển du lịch với vùng Aquitaine Nouvelle (cộng hòa Pháp), ADB, KOICA, JICA trong việc lập quy hoạch, phát triển hạ tầng du lịch…

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới ngành du lịch nói chung, Lào Cai là hết sức nặng nề. Tuy nhiên, ngành du lịch Lào Cai vẫn quyết tâm nỗ lực “vượt bão”. Để phục hồi ngành Du lịch hậu Covid-19, Lào Cai đã đồng hành cùng các doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá và phát triển du lịch, phát động phong trào thi đua nâng cao chất lượng, thương hiệu và hình ảnh du lịch…

Với vị thế đã được khẳng định, theo định hướng từ nay đến 2020, Lào Cai sẽ trở thành trọng điểm du lịch của vùng Tây Bắc và phát triển Sa Pa thành Khu du lịch quốc gia mang tầm quốc tế. Đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế đột phá, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương - với những nỗ lực đã, đang có, hoàn toàn có thể nuôi niềm tin rằng những kỳ vọng ấy về ngành du lịch Lào Cai sẽ trở thành hiện thực.

PV

Tin khác

'Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”: Những hình ảnh chân thực và xúc động về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam

"Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”: Những hình ảnh chân thực và xúc động về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam

(CLO) Tối 3/5, tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Hà Nội), hai bộ phim tài liệu “Hồi ức Điện Biên” và “Những người lính già” đã được chiếu mở màn khai mạc “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”.

Đời sống văn hóa
Giới thiệu sách “Điện Biên Phủ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Giới thiệu sách “Điện Biên Phủ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(CLO) Chiều 3/5, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cùng gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức Lễ giới thiệu sách “Điện Biên Phủ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đời sống văn hóa
Du khách thích thú trải nghiệm tour đi bộ ngắm “đại dương xanh”

Du khách thích thú trải nghiệm tour đi bộ ngắm “đại dương xanh”

(CLO) Tối 3/5, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã khai mạc dự án nghệ thuật công cộng trên Cầu đi bộ Trần Nhật Duật kết nối dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân.

Đời sống văn hóa
Hậu Giang không đồng ý tổ chức thi Hoa hậu Trí thức quốc tế

Hậu Giang không đồng ý tổ chức thi Hoa hậu Trí thức quốc tế

(CLO) Tỉnh Hậu Giang đã từ chối tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Trí thức quốc tế do sự kiện có mục đích và quy mô chưa phù hợp.

Đời sống văn hóa
Công chúng Hà Nội được chiêm ngưỡng bức tranh 3D panorama 'Chiến dịch Điện Biên Phủ'

Công chúng Hà Nội được chiêm ngưỡng bức tranh 3D panorama 'Chiến dịch Điện Biên Phủ'

(CLO) Công nghệ 3D Mapping tái hiện bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, ghi lại chiến công hào hùng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân và dân ta.

Đời sống văn hóa