Du lịch Việt Nam 2023: Năm của những giải thưởng với nhiều hứa hẹn

Chủ nhật, 31/12/2023 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nếu chỉ dùng một từ để đánh giá về du lịch Việt Nam năm 2023, “tuyệt vời” có lẽ là từ phù hợp nhất. Bởi vì, trong một năm nhiều khó khăn, áp lực và nhiều thách thức, ngành du lịch đã nỗ lực hết mình để cán đích thành công hơn nhiều kỳ vọng.

Sự kiện: du lịch

Những con số “biết nói”

Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 8 triệu - 10 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, và tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 650 nghìn tỷ đồng. Đánh giá về mục tiêu này trong những ngày đầu năm, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam – Hà Văn Siêu cho rằng, đây là thách thức lớn, nhất là khi mục tiêu đón khách quốc tế đưa ra cao hơn gấp đôi con số của năm 2022.

Tuy nhiên, chỉ sau 9 tháng, Việt Nam đón được hơn 8,9 triệu lượt khách quốc tế, sớm vượt chỉ tiêu đề ra cho cả năm. Trước tín hiệu khả quan từ tháng 7/2023, mỗi tháng phục vụ trên 1 triệu du khách quốc tế, Bộ VHTT&DL đề xuất Chính phủ tăng mục tiêu đón khách từ 8 triệu lên 12,5 đến 13 triệu lượt. Đến tháng 11/2023, con số này là 11,2 triệu lượt, trong đó tháng 11 được ghi nhận là thời điểm có số lượng khách quốc tế đông nhất với 1,23 triệu lượt. Trước khi con số cuối cùng về lượng khách du lịch của tháng 12/2023 được báo cáo, hầu như mọi chỉ tiêu của ngành du lịch đều hoàn thành, tổng thu từ du lịch ước đạt trên 650 nghìn tỷ đồng, qua đó khép lại năm 2023 thành công trọn vẹn.

du lich viet nam 2023 nam cua nhung giai thuong voi nhieu hua hen hinh 1

Trong thành tích ấn tượng này, phải ghi nhận nỗ lực của toàn ngành du lịch, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các địa phương đã chủ động lên kế hoạch đón khách, bố trí, sắp xếp, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh bị “chảy máu” chất xám sau giai đoạn COVID-19; tích cực xúc tiến, quảng bá du lịch, nhất là ở nước ngoài; tăng cường kiểm tra, giám sát và phối hợp với các địa phương để xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, tạo môi trường điểm đến hấp dẫn, thân thiện; nhanh chóng giải quyết các điểm nghẽn cũng như bất cập hay trở lực cho phát triển du lịch như vấn đề thủ tục nhập cảnh, lưu trú, để tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế vào Việt Nam…

Kết quả, ngành du lịch không chỉ chào đón sự trở lại của khách du lịch ở những thị trường trọng điểm như Hàn Quốc (3,2 triệu), Trung Quốc (1,5 triệu), Mỹ (658 nghìn), Nhật Bản (537 nghìn)… mà còn thu hút khách tại một số thị trường mới, giàu tiềm năng, cụ thể như Ấn Độ (352 nghìn). Theo đánh giá, nếu làm tốt công tác xúc tiến, quảng bá du lịch ở thị trường đông dân và hứa hẹn như Ấn Độ sẽ giúp Việt Nam đón đầu làn sóng bùng nổ du lịch Ấn Độ trong những năm tới.

Trong bức tranh màu sáng của du lịch Việt Nam, các địa phương như: TP.HCM (đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế), Hà Nội (gần 4 triệu), Khánh Hòa (2 triệu), Quảng Ninh (xấp xỉ 1 triệu)… thực sự là những ngôi sao. Đây cũng là những điểm đến có doanh thu về du lịch cao nhất cả nước nhờ khai thác hiệu quả nguồn lực về tài nguyên du lịch, triển khai nhiều sáng kiến mới và xây dựng được môi trường điểm đến hấp dẫn, thân thiện, hiếu khách.

Năm bội thu giải thưởng

Không quá khi nói rằng, năm 2023 là năm du lịch Việt Nam bội thu và “bội thực” giải thưởng quốc tế về du lịch. Kể từ đầu năm, toàn ngành du lịch đã chiến thắng hơn 50 giải thưởng du lịch cấp độ châu Á và thế giới.

Tại lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới - World Travel Awards 2023: Asia & Oceania hay Giải thưởng Du lịch thế giới khu vực châu Á - châu Đại Dương, diễn ra vào tháng 9/2023, Việt Nam vượt qua hàng loạt các đối thủ để được vinh danh là “Điểm đến hàng đầu châu Á 2023” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2023”. Ở hạng mục địa phương, Thủ đô Hà Nội được vinh danh ở 3 hạng mục “Điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á”, “Điểm đến thành phố hàng đầu châu Á” và “Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á”; TP.HCM nhận được hai giải thưởng cho đề cử “Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á” và “Điểm đến Lễ hội & Sự kiện hàng đầu châu Á”; Phú Quốc là “Điểm đến đảo sang trọng hàng đầu châu Á”; Tam Chúc được bình chọn là “Điểm du lịch văn hóa hàng đầu châu Á”; Vườn quốc gia Cúc Phương là “Công viên quốc gia hàng đầu châu Á”…

du lich viet nam 2023 nam cua nhung giai thuong voi nhieu hua hen hinh 2

Sau đó, ở lễ trao giải thưởng Du lịch Thế giới tại Dubai (UAE) (tháng 12/2023), Việt Nam lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”. Ở hạng mục địa phương, Hà Nội vinh dự nhận danh hiệu “Điểm đến Du lịch Thành phố hàng đầu Thế giới 2023”; Đảo Phú Quốc đạt danh hiệu “Điểm đến Biển đảo Thiên nhiên hàng đầu Thế giới 2023”; Mộc Châu được tôn vinh là “Điểm đến Thiên nhiên Địa phương hàng đầu Thế giới 2023”; Hà Nam giành giải thưởng “Điểm đến Văn hóa Địa phương hàng đầu Thế giới 2023”; Tam Đảo đạt danh hiệu “Điểm đến Thị trấn hàng đầu Thế giới 2023”…

Các giải thưởng du lịch trên chính là sự ghi nhận chất lượng và thương hiệu sản phẩm du lịch của Việt Nam, góp phần nâng tầm, đưa du lịch Việt Nam vào nhóm quốc gia du lịch mới nổi trên thế giới. Trước đây, các điểm du lịch của Việt Nam ít khi được truyền thông quốc tế nhắc tới, nhưng hiện tại điều này trở nên thường xuyên, quen mặt trên các diễn đàn và tạp chí nổi tiếng về du lịch.

Thực sự, các danh hiệu mà Việt Nam có được trong năm 2023 là cơ hội, động lực và cũng là thách thức để chúng ta phấn đấu hoàn thành mục tiêu chiến lược đến năm 2030 du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nằm trong nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững, đón ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch khoảng 130 tỷ đô la, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 15 - 17%.

Những nhiệm vụ cho màn bứt phá năm 2024

Trả lời phỏng vấn Báo Nhà báo & Công luận, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, cho rằng: “Việt Nam có dư địa và tiềm năng du lịch rất lớn kể cả về tài nguyên, cơ sở vật chất, dịch vụ. Hiện nay, chúng ta có nhiều điểm đến đạt đẳng cấp quốc tế, giành nhiều giải thưởng và danh hiệu trên toàn cầu. Uy tín thương hiệu Việt Nam đã gia tăng. Vì thế, những gì còn yếu trong năm 2023 mà chúng ta chưa làm được, chưa hút được khách du lịch và những gì là rào cản liên quan đến xúc tiến quảng bá, công tác phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực, đặc biệt là tạo môi trường điểm đến hấp dẫn thân thiện, vấn đề thủ tục tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế vào Việt Nam… cần phải được xử lý, giải quyết sớm”.

Thực tế, rất nhiều địa phương hiện vẫn khai thác chưa hiệu quả dẫn đến bỏ lỡ và gây lãng phí nguồn lực về tài nguyên du lịch. Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn đánh giá: “So với các nước trong khu vực, khách quốc tế đến với chúng ta còn khiêm tốn. Kế hoạch năm thì vượt, nhưng chúng ta phải nhìn khách quan để cố gắng có hướng cho năm 2024”.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo đà cho phát triển du lịch, tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững vào ngày 15/11/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương và các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch tập trung vào nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó nhấn mạnh vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa; đẩy nhanh chuyển đổi số, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.

Đánh giá về triển vọng du lịch Việt Nam năm 2024, TS. Nguyễn Anh Tuấn nhận định: “Nhìn vào những gì diễn ra trong năm 2023 và bức tranh chung của thế giới thì nhu cầu du lịch sẽ tăng cao. Nếu làm tốt hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, nhất tại các thị trường trọng điểm ở nước ngoài, thì tôi nghĩ chúng ta có thể đạt được con số 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế”.

Hữu Kế

Bình Luận

Tin khác

Bảo tàng tỉnh Gia Lai tiếp nhận hơn 200 kỷ vật của Anh hùng Núp

Bảo tàng tỉnh Gia Lai tiếp nhận hơn 200 kỷ vật của Anh hùng Núp

(CLO) Việc trao tặng những kỷ vật của Anh hùng Núp cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai với mong muốn lan tỏa những câu chuyện vô cùng thú vị về một người con ưu tú của các dân tộc Tây Nguyên.

Đời sống văn hóa
Chiêm ngưỡng bức tranh panorama tái hiện sinh động, hào hùng về chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiêm ngưỡng bức tranh panorama tái hiện sinh động, hào hùng về chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) Bức tranh panorama được vẽ bằng chất liệu sơn dầu với chiều dài 132m, cao 20,5 m, đường kính 42 m (tổng diện tích 3.225 m2) đã tái hiện hoàn toàn chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng, đầy máu xương mà ông cha đã hi sinh để giành lại độc lập dân tộc.

Đời sống văn hóa
Khẳng định công lao của Giáo sư Đào Duy Anh đối với cách mạng và nền học thuật Việt Nam

Khẳng định công lao của Giáo sư Đào Duy Anh đối với cách mạng và nền học thuật Việt Nam

(CLO) Ngày 28/4, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Hoạt động Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức Hội thảo “Giáo sư Đào Duy Anh: Từ chiến sĩ cách mạng đến học giả uyên bác” nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Giáo sư Đào Duy Anh (1904 - 2024).

Đời sống văn hóa
Quân dân cả nước và bạn bè quốc tế đồng lòng chung sức với chiến sĩ Điện Biên

Quân dân cả nước và bạn bè quốc tế đồng lòng chung sức với chiến sĩ Điện Biên

( CLO) Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào giai đoạn then chốt, Trung ương Đảng quyết tâm giành toàn thắng, đã động viên quân dân toàn quốc cùng nỗ lực hết sức để hỗ trợ cho các chiến sĩ, đảm bảo cung cấp đầy đủ cho đồng đội trên tiền tuyến và phối hợp chiến đấu với chiến trường Điện Biên Phủ.

Đời sống văn hóa
Du khách mãn nhãn với màn pháo hoa khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024

Du khách mãn nhãn với màn pháo hoa khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024

(CLO) Tối ngày 27/4, chương trình bắn pháo hoa tại Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã diễn ra khiến nhiều người dân hò reo, dùng điện thoại ghi lại những khoảnh khắc đẹp của màn pháo hoa nghệ thuật.

Đời sống văn hóa