Dư luận đặc biệt quan tâm công tác cán bộ tại Hội nghị Trung ương 7

Thứ tư, 09/05/2018 09:50 AM - 0 Trả lời

(CLO) Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đang diễn ra, thu hút sự quan tâm theo dõi của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là nội dung “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ các dự thảo văn bản và xuất phát từ thực tiễn phong phú của địa phương, đơn vị, cần tìm cho ra giải pháp khắc phục tình trạng "chạy chức, chạy quyền", "thân quen, cánh hẩu". 

Ý kiến nhiều cán bộ, đảng viên bày tỏ đồng tình với Tổng Bí thư đồng thời tin tưởng Trung ương sẽ tìm ra giải pháp có tính khả thi để sớm khắc phục triệt để những hạn chế, tồn tại đó.

Báo Công luận
Quang cảnh Hội nghị Trung ương 7 

Là đảng viên có 52 tuổi Đảng, ông Ngô Thế Tiến, nguyên Giám đốc Đài PTTH Hà Tây, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tây, nguyên Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tây cho biết, ông rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. 

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông được nghe, được đọc bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bản thân ông rất tâm đắc ý của Tổng Bí thư nói về một trong những tồn tại, yếu kém, đó là, “tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi”.

Theo ông Tiến, Tổng Bí thư nói như vậy nghĩa là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương đã nhìn thẳng vào sự thật đang diễn ra, đặc biệt là trong thời gian gần đây. 

Ông bày tỏ kỳ vọng, Trung ương đã nhìn ra yếu kém rồi, nhất định sẽ có biện pháp ngặn chặn hiệu quả. “Tôi mong Trung ương sau Hội nghị này sẽ ra được Nghị quyết về tình hình cán bộ trong thời kỳ mới. 

Và sau đó, nếu có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của cả người dân và xã hội thì những yếu kém, tồn tại sẽ được giải quyết, đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng”.

Nhận xét về những kết quả trong công cuộc phòng chống tham nhũng, ông Tiến nói: “Vừa rồi, Đảng và Nhà nước ta có xử lý nghiêm minh đối với một số trường hợp cán bộ sai phạm, trong đó có những người ở cấp rất cao. 

Những việc làm đó được cán bộ, đảng viên chúng tôi rất hoan nghênh. Tuy nhiên, sau những sự việc đó, những cán bộ đảng viên chúng tôi không khỏi xót xa, day dứt và phân tâm. 

Vì dù cho những trường hợp này không phải số đông nhưng những cán bộ ở cương vị ấy hẳn đã được Đảng, Nhà nước dày công giáo dục, được đào tạo bài bản, được tôi luyện qua thực tế nhưng lại mắc những sai phạm rất nghiêm trọng.

Cho nên, công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần phải được đẩy mạnh, quyết liệt, triệt để hơn mà “Đề án Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” được bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 7 lần này chính là một nội dung quan trong của công cuộc đó”.

Báo Công luận
Ông Ngô Thế Tiến đặc biệt quan tâm đến  những chính sách tại Hội nghị Trung ương 7 

Quan tâm đến việc cán bộ “vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm” như Tổng Bí thư đã nêu, ông Nguyễn Đình Dậu, cán bộ hưu trí tại xã Di Trạch, Hoài Đức, Hà Nội cho rằng, thi hành kỷ luật nghiêm minh sẽ góp phần làm tăng cường sức mạnh của Đảng, mới giữ được sức mạnh tổ chức, kỷ luật của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng hiện nay. Ngược lại, nếu kỷ luật không nghiêm sẽ làm suy yếu Đảng và cản trở sự nghiệp phát triển của đất nước.

Những quyết định kỷ luật nghiêm khắc được Đảng ta ban hành thời gian gần đây được cán bộ, đảng viên đồng tình, ủng hộ cao vì đã cho thấy kỷ luật của Đảng không có “vùng cấm”, Đảng không dung túng, không dung thứ bất cứ sai phạm nào của đảng viên.

 Nhiều cán bộ là lãnh đạo cấp cao cũng phải chịu thi hành kỷ luật, thậm chí bị khởi tố hình sự vì những sai phạm của mình; nhiều cán bộ về hưu cũng bị thi hành kỷ luật nghiêm khắc. Không chỉ cá nhân tôi mà dư luận trong Đảng, trong nhân dân đều tỏ ra tin tưởng vào Đảng, vào sự nghiêm minh của pháp luật. Khi “vòi bạch tuộc tham nhũng” bị cắt bỏ, những ung nhọt làm mọt ruỗng bộ máy Đảng, Nhà nước cũng sẽ mất đi và “cơ thể” của Đảng, Nhà nước sẽ trở nên khỏe khoắn, lành mạnh hơn.

Là những cán bộ, đảng viên về hưu, chúng tôi rất quan tâm đến sự kiện Hội nghị Trung ương 7 và rất phấn khởi khi thấy Tổng Bí thư đã đưa ra nhận xét rõ ràng, thích đáng về những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ của Đảng trong thời gian qua.

 Đặc biệt, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh về tình trạng một số cán bộ vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; thậm chí cố ý làm trái, trục lợi... Và đáng mừng hơn, Tổng Bí thư đã đề nghị Trung ương đi sâu thảo luận, làm rõ, để sớm khắc phục triệt để những hạn chế đó, khắc phục cho được tình trạng "chạy chức, chạy quyền", "thân quen, cánh hẩu".

Bên lề Hội nghị Trung ương 7, Luật sư Hà Đăng, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: Đối với mọi quốc gia, người đứng đầu và lãnh đạo các cấp có vai trò hết sức quan trọng, quyết định sự phát triển hay suy vong của cả quốc gia. 

Điều này cũng đúng trong từng cơ quan, tổ chức. Ở nước ta, có thể hiểu đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược gồm những người lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; những người có trọng trách ra quyết sách và giải quyết những vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước, quốc gia... 

Với vị trí và chức năng đó, người cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược cần có những tố chất chuyên biệt phù hợp với yêu cầu và tương ứng với đòi hỏi của tiến trình lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Họ phải hội đủ các nhân tố cơ bản: Bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp, năng lực lãnh đạo, quản lý, hành động và bản lĩnh sống mang tầm vóc quốc gia.

Để đáp ứng được yêu cầu trên, theo tôi, trước hết cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý về ý nghĩa, tầm quan trọng của tầm nhìn và sự cần thiết phải rèn luyện kỹ năng xây dựng tầm nhìn trong thời kỳ mới. Bởi trong điều kiện hiện nay, lãnh đạo, quản lý mà không có tầm nhìn, hoặc tầm nhìn hạn hẹp, sai lệch sẽ thất bại.

Trong quy hoạch, bố trí và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý cần chú trọng những cán bộ có tư chất, năng lực tư duy và tầm nhìn. Bên cạnh đó cần rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, tổ chức học tập nhằm nâng cao năng lực tư duy cho người lãnh đạo, quản lý, tăng cường kỷ luật kỷ cương, kết hợp các cơ chế và biện pháp để khắc phục lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, cục bộ, địa phương, tạo cơ chế để khuyến khích những nhân tố mới, những người dám đổi mới, có tầm nhìn xa được bổ sung vào hàng ngũ lãnh đạo…

Báo Công luận
 Luật sư Hà Đăng - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, cần tạo cơ chế để khuyến khích những nhân tố mới, những người có tầm nhìn xa

Cùng chung quan điểm với các bậc tiền bối đi trước, anh Đỗ Trường Hùng, Học viện Báo chí Tuyên truyền nói thêm: Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng, phải được tiến hành có hiệu quả để có được đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được giao. Theo tôi, để làm được việc này, Đảng phải thực sự có cơ chế trọng dụng người tài. 

Người tài là những người không chỉ có kiến thức sâu, giỏi giang ở một lĩnh vực bất cứ nào đó của xã hội; mà họ còn là người có những tính cách riêng, có phẩm chất đạo đức, ý thức về giá trị của bản thân và có ý thức dân tộc rất cao. 

Bởi vậy, để thu hút được người tài phụng sự vào sự phát triển của đất nước đối với mỗi chính thể là một điều rất khó, việc trước mắt đầu tiên cần phải tạo môi trường, điều kiện cho người tài phát triển và bộc lộ hết khả năng của mình. 

Bên cạnh đó, cần cải cách bộ máy hành chính theo hướng công tâm, trong sạch. Những người đứng đầu các cơ quan chuyên ngành phải là chuyên gia, am hiểu sâu về lĩnh vực phụ trách, có năng lực quản lý, có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng để có thể phát hiện người tài, giao nhiệm vụ xứng đáng với năng lực của họ. 

Không chỉ vậy, cơ chế tuyển dụng người tài phải khách quan, công bằng; Phân công họ vào vị trí, giao nhiệm vụ cho họ đúng với năng lực của họ, để họ có thể phát huy hết sở trường, am hiểu của mình đối với lĩnh vực phụ trách.

Cung cấp cho họ những điều kiện để làm việc tốt: phòng nghiên cứu, phương tiện đi lại, trả lương xứng đáng đối với công sức của họ…, để họ có thể yên tâm làm việc. Và quan trọng hơn cả là phải tin tưởng và tôn trọng đối với họ, thừa nhận những giá trị mà họ đã đóng góp cho xã hội.

Nhóm PV Nội chính

Tin khác

Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời

Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời

(CLO) Chủ tịch Hồ Chí Minh là người bàn nhiều về đạo đức, nhất là đạo đức cách mạng, xem đó không chỉ là "gốc", là nền tảng, là nhân tố chủ chốt của người cách mạng, mà còn là thước đo của lòng cao thượng của con người. Điều đáng nói là, ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng đã đạt đến sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa lý luận và thực tiễn, giữa việc công và đời tư.

Tin tức
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

(CLO) Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), sáng 18/5, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.

Tin tức
Bế mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Bế mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Sau ba ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và bế mạc vào sáng ngày 18/5.

Tin tức
Phụ nữ Công an tỉnh Thái Bình tích cực học tập và làm theo lời Bác

Phụ nữ Công an tỉnh Thái Bình tích cực học tập và làm theo lời Bác

(CLO) Phụ nữ Công an tỉnh Thái Bình đã khắc phục khó khăn, gian khổ, giỏi việc nước, đảm việc nhà, lập nhiều chiến công góp phần bảo đảm an ninh trật tự, nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội; xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Tin tức
Kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Trường Sơn: Con đường huyền thoại mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc

Kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Trường Sơn: Con đường huyền thoại mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc

(CLO) Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương nêu rõ: "Năm tháng trôi qua nhưng đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc ta như một con đường huyền thoại, mãi mãi là niềm tự hào của tuổi trẻ Việt Nam và đi vào lịch sử như một kỳ tích…

Tin tức