Đua nhau mở ngành đào tạo y khoa: Tăng cường hậu kiểm!

Thứ năm, 02/06/2022 10:08 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Theo các chuyên gia thì việc thi cấp chứng chỉ hành nghề đối với bác sĩ là điều nên làm, tránh tình trạng bằng cấp một đường, chất lượng lại một nẻo.

Chất lượng có đi đôi với bằng cấp?

Thời gian dài vừa qua, việc đào tạo y khoa mang đến nhiều nỗi lo và hoài nghi về chất lượng. Đặc biệt là tình trạng nhiều trường đại học vốn chuyên đào tạo về kinh tế, kỹ thuật nay rầm rộ mở ngành đào tạo y dược. Tiên phong trong phong trào mở ngành đào tạo y dược phải kể đến Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

dua nhau mo nganh dao tao y khoa tang cuong hau kiem hinh 1

Chứng chỉ hành nghề y sẽ buộc bác sĩ luôn nâng cao tay nghề.

Xu hướng mở ngành đào tạo y khoa như một “dịch bệnh” lây lan ra nhiều trường ở nhiều vùng miền, đặc biệt khối các trường tư thục như Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Phan Châu Trinh, Trường Đại học Buôn Ma Thuột, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Nam Cần Thơ, Trường Đại học Đại Nam, Trường Đại học Hoa Sen, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng… Theo con số thông kê của Bộ Y tế thì có đến 27 trường đại học đào tạo bác sĩ.

Nhiều lãnh đạo các trường đại học khi được hỏi về lý do mở đào tạo y khoa thì luôn bộc lộ sự tự tin về chất lượng. Giáo sư Nguyễn Lộc - Hiệu trưởng trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu trả lời với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận xung quanh thắc mắc về chất lượng đã cho rằng, việc xã hội lo lắng các trường tư đào tạo khối ngành sức khỏe là có cơ sở vì thực tế các năm trước, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành này chưa được quy định rõ, một số trường tuyển khó phải lấy điểm chuẩn ở mức trung bình khá, phần nào gây nên lo ngại ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. Mặt khác, vì nhiều lý do mà việc đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác của một số trường còn hạn chế, dẫn đến chưa thể đột phá về chất lượng.

Ông Hồ Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cũng chia sẻ, việc mở ngành phải gắn liền với nhu cầu thực tiễn, phải có khảo sát thị trường người học, người sử dụng lao động và xu hướng phát triển ngành trong 5, 6 năm nữa, để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành của đất nước. 

“Nhà trường mở ngành với mục tiêu duy nhất là phụng sự giáo dục, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu của người học. Đưa người học thành trung tâm, điều đó tạo nên sự khác biệt của chúng tôi” - ông Hồ Thanh Phong nói.

Hậu kiểm để tạo sân chơi công bằng

Trước sự “hăng hái” mở ngành y, các chuyên gia cho rằng cần phải siết từ khâu cấp phép đến khâu hậu kiểm. Một trong những biện pháp đó là thi cấp chứng chỉ hành nghề y.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: “Tính đến thời điểm hiện tại, có lẽ chỉ mỗi Việt Nam là nước duy nhất không thi cấp chứng chỉ hành nghề. Chúng ta cứ học xong rồi thực tập 18 tháng, căn cứ trên những hồ sơ, giấy tờ cấp chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, không đánh giá được chất lượng của các bác sĩ khi ra trường như thế nào”.

dua nhau mo nganh dao tao y khoa tang cuong hau kiem hinh 2

Thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề y

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế sẽ xây dựng những trung tâm đánh giá năng lực nghề nghiệp tại các khu vực, trên cơ sở đó người hành nghề sẽ tự tham gia các kỳ thi được tổ chức hằng năm, năm nay không thi có thể sang năm thi. Về lâu dài sẽ giao Hội đồng Y khoa Quốc gia trong vấn đề đánh giá năng lực nghề nghiệp và cấp chứng chỉ hành nghề.

Hiện nay nước ta có 27 trường đào tạo khối ngành y, chất lượng đào tạo của các trường khác nhau. Nhưng, muốn đảm bảo công bằng trong khám, chữa bệnh thì chất lượng là một trong những yếu tố quan trọng. Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, cấp chứng chỉ hành nghề bước đầu phải đảm bảo chuẩn chung của một bác sĩ. Hiện nước ta chưa có chuẩn chung trong chất lượng nên cần xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp của các bác sĩ và các đối tượng khác.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc cấp chứng chỉ hành nghề bắt buộc anh phải tham dự các kỳ thi và có giá trị trong vòng 5 năm. Để đảm bảo cho việc thuận lợi cũng như tạo mọi điều kiện, đặc biệt để khuyến khích với người bác sĩ khi ra hành nghề thì phải nâng cao năng lực, phải học tập suốt đời. Vì vậy, trong dự thảo luật Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có đưa ra 2 cách thức có thể cấp: Một là trong giai đoạn 5 năm đó có thể tham gia các hội thảo, chuyển giao các kỹ thuật, có thể triển khai những chuyên môn mới. Nếu như không có những yếu tố trên thì bắt buộc phải thi.

“Còn nếu bây giờ cấp chứng chỉ suốt đời thì không có động lực cho người bác sĩ nâng cao năng lực nghề nghiệp. Đó là lý do vì sao lần này đưa ra việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với bác sĩ trước, sau đó mới đến các đối tượng khác, bởi lẽ dẫu sao bác sĩ có nhiều chuẩn quốc tế người ta đã có. Nếu làm được như vậy thì y tế đã hội nhập đối với quốc tế” – ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Liên quan vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc thi cấp chứng chỉ hành nghề y là điều cần thiết. Đây là việc làm mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Ở một số nước, việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ do các hiệp hội nghề y đảm nhận. “Đây là vấn đề không hề mới, thế giới người ta làm từ lâu. Việt Nam nên ủng hộ để tạo ra chuẩn chung đối với bác sĩ” – ông Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương khi trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận nhấn mạnh về tính cần thiết phải thi cấp chứng chỉ hành nghề đối với bác sĩ. Tuy nhiên, ông cho rằng việc 5 năm cấp chứng chỉ hành nghề trong điều kiện hiện nay là khó khả thi mà nên nới rộng lên 10 năm. Việc thi cử có thể giao cho Hội đồng Y khoa Quốc gia nhưng cấp chứng chỉ thì phải là Bộ Y tế hoặc Sở Y tế các tỉnh cấp.

“Không nên quá lo lắng về việc bác sĩ vùng sâu, vùng xa sẽ bị trượt vì không có điều kiện tiếp cận, học hỏi kiến thức y khoa mới. Tôi cho rằng, đã là bác sĩ thì ở đâu cũng phải đạt chuẩn tối thiểu. Không vì lý do làm việc ở nơi khó khăn thì không bổ sung được kiến thức nghề nghiệp” – ông Phạm Văn Học nêu quan điểm trước thắc mắc về việc thi cử đối với các bác sĩ bám địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Hóc dị vật cuống trái xoài khiến một trẻ nguy kịch

Hóc dị vật cuống trái xoài khiến một trẻ nguy kịch

(CLO) Dị vật cuống trái xoài đã được các bác sĩ lấy ra khỏi đường thở của bé trai 8 tháng tuổi, hiện tình trạng sức khỏe bé tạm ổn, đang điều trị và theo dõi thêm.

Sức khỏe
Bắc Ninh ghi nhận 4 ca mắc ho gà

Bắc Ninh ghi nhận 4 ca mắc ho gà

(CLO) Các ca mắc ho gà trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đều xuất hiện ở trẻ dưới 2 tháng tuổi, độ tuổi chưa đến lịch được tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà.

Sức khỏe
Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

(CLO) Sản phụ 34 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, đau bụng nhiều, huyết áp giảm do thai ngoài tử cung bị vỡ và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu và truyền 6 đơn vị máu.

Sức khỏe
Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

(CLO) Dịp nghỉ lễ nhu cầu đi lại người dân nhiều nên tăng nguy cơ lây lan dịch, trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới.

Sức khỏe
Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

(CLO) Một tài khoản mạng xã hội đã đăng thông tin sai sự thật trên các hội, nhóm và các trang mạng xã hội mạo danh Bệnh viện nhi Trung ương để huy động tiền từ thiện.

Sức khỏe