Đừng hốt hoảng khi mắc COVID-19!

Thứ năm, 24/02/2022 09:53 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Theo các chuyên gia, đa số bệnh nhân đã tiêm vắc-xin COVID-19 khi bị mắc COVID-19 đều có biểu hiện bệnh nhẹ như cảm cúm thông thường, vì thế, không nên hoảng loạn, uống thuốc bừa bãi.

Sự kiện: COVID-19

Lượng bệnh Nhi tới bệnh viện khám tăng mạnh

Hiện nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lượng bệnh nhân nhiễm COVID-19 liên tục tăng cao tại nhiều địa phương. Trong ngày 22/2, số ca bệnh ghi nhận trong cả nước lên đến 55.879 ca. Trong đó, Hà Nội 6.860 ca và nhiều tỉnh thành khác con số trên 2 nghìn ca như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Hòa Bình, Phú Thọ, Lào Cai, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hải Phòng…

dung hot hoang khi mac covid 19 hinh 1

Các bà mẹ đang nuôi con bú cần phải tiêm vắc-xin sớm

Hiện nay nhiều bà mẹ nuôi con 1 tháng, 2 tháng vì lo lắng ảnh hưởng đến con nên chưa tiêm vắc-xin phòng COVID-19, bác sĩ Hoàng Bùi Hải cho rằng, cần nhanh chóng tiêm vắc-xin COVID-19. Hiện không có quy định chống chỉ định tiêm với bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ. Do đó, nên tiêm nếu khi nhiễm COVID-19 vào thì chưa biết diễn biến bệnh tật sẽ đi theo hướng nào.

Mức độ dịch bùng phát mạnh như vậy khiến nhiều người lo ngại sẽ làm quá tải hệ thống y tế, đặc biệt tại các bệnh viện lớn điều trị bệnh nhân COVID-19. Để hiểu rõ hơn về tình trạng điều trị tại các bệnh viện hiện nay, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (Đại học Y Hà Nội). 

Trong cuộc trao đổi, PGS.TS Hoàng Bùi Hải cho biết, từ Tết đến nay lượng bệnh nhân nặng nhập viện điều trị có tăng lên nhưng không quá nhiều. Đa số bệnh nhân hiện được điều trị tại nhà, tỷ lệ tử vong có phần giảm đi, độ nặng của bệnh không tăng lên.

“Đa phần những người chưa tiêm vắc-xin câu chuyện đã an bài, tức là nguy cơ tăng nặng cao. Tuy nhiên, hiện nay, mọi người hầu hết đã tiêm vắc-xin, ca nhiễm bị nặng có tăng nhưng không quá đột biến. Mặc dù, số lượng người nhiễm COVID-19 tăng nhiều nhưng tỷ lệ người bị nặng ít đi” – bác sĩ Hải cho biết. Cũng theo vị này, hiện nay, số ca nhiễm COVID-19 nặng cũng có sự thay đổi như trước Tết chủ yếu người già nhưng sau Tết có những trường hợp nặng là người trẻ. Đó là những người trẻ có bệnh nền, chưa tiêm vắc-xin hoặc có phản ứng mạnh với biến chủng Omicron.

Trong khi đó, theo bác sĩ Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) thì lượng bệnh nhân COVID-19 trong thời điểm này tăng nhất là bệnh nhân nhi khoa. Nguyên nhân của việc tăng bệnh nhân nhi khoa theo bác sĩ Thường là do tâm lý bố mẹ muốn con đến khám tại bệnh viện mặc dù các cháu nhỏ mức độ bệnh không có gì ghê gớm. “Với người lớn khi bị triệu chứng ho, sốt thì có thể hoàn toàn ở nhà điều trị nhưng đối với nhi khoa thì bố mẹ mong muốn đưa con vào viện để chữa trị mặc dù triệu chứng của các con cũng nhẹ nhàng. Tâm lý của bố mẹ như vậy cũng dễ hiểu. Nhưng điều đó tạo ra tâm lý, áp lực cho đội ngũ y bác sĩ hiện nay. Số lượng bệnh nhân nhi khoa tăng, chủ yếu là ho, sốt không có gì ghê gớm cả” – bác sĩ Thường chia sẻ.

Để đáp ứng với sự biến đổi đó, tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã có sự thay đổi. Nếu thời gian trước chủ yếu bệnh nhân đến khám, điều trị là người lớn thì bác sĩ nội khoa thực hiện khám bệnh nhân COVID-19 nhưng bây giờ bố trí thêm bác sĩ nhi khoa. “Ngay việc xét nghiệm cũng có thay đổi. Nếu người lớn làm vừa phải thì các bệnh nhi phải chỉ định rộng hơn vì đa phần phụ huynh muốn khám xét kỹ để khẳng định là con họ có thể về nhà tự điều trị được. Do đó, khi bệnh nhi đến chỉ khám thôi không đủ mà phải làm thêm một số xét nghiệm để khẳng định mức độ bệnh tình. Chính điều này đã làm tăng thêm lượng công việc của các y, bác sĩ. Thực tế, trẻ mắc COVID-19 bị nhẹ nhàng hơn người lớn” – bác sĩ Thường cho biết.

Đừng quá lo lắng rồi uống thuốc bừa bãi

Hiện nay vì dịch lan tràn mạnh nên nhiều người có tâm lý lo lắng thái quá dẫn tới điều trị không đúng cách như xông lá nhiều lần trong ngày, uống thuốc bừa bãi, ám ảnh thái quá về tình trạng bệnh tật hậu COVID-19. Theo bác sĩ Hoàng Bùi Hải, khi đa số mọi người đã tiêm phòng vắc-xin thì nhiễm bệnh coi như cảm cúm thông thường. Do đó, việc xông lá theo truyền thống là để cảm thấy dễ chịu hơn nhưng không nên quá lạm dụng. Bệnh nhân cần lắng nghe các bác sĩ để có những lời khuyên hợp lý trong cách dùng những thuốc hỗ trợ, bổ trợ và vệ sinh thân thể khi nhiễm COVID-19 chứ không nên tùy tiện.

“Khi xông lá cần vừa đủ, không nên lạm dụng quá mức. Xông vốn là phương thức điều trị bệnh cảm cúm truyền thống nhưng cần dùng mức độ vừa phải và cần kết hợp cùng các biện pháp khác nhau. Tránh việc xông từ sáng đến tối, 2 tiếng xông một lần như trên mạng truyền tai nhau. Điều này rất nguy hiểm” – bác sĩ Hải nhấn mạnh.

Trước việc nhiều người lo bị hậu COVID-19 di chứng nặng nề nên hoang mang tìm thuốc uống tùy tiện, bác sĩ Hải cho rằng, vấn đề hậu COVID-19 khoa học cũng đã nói. Trung Quốc có nhiều người bị COVID-19 nhưng về hậu COVID-19 cho thấy quá nhẹ nhàng. Chỉ thời gian ngắn sau sẽ hết các triệu chứng. Thực tế, việc nhiều người không bị COVID-19 cũng có những triệu chứng bệnh. Vì thế hậu COVID-19 là câu chuyện hoang đường. Bệnh tật cũng có thể do trùng lặp. Nhiều người phát bệnh sau khi nhiễm COVID-19 nhưng chưa chắc bệnh tật đó là do COVID-19 mang lại. Chính vì thế không nên hoảng loạn tâm lý chưa lo COVID-19 nhưng lại lo hậu COVID-19.

Theo bác sĩ Hải, ở Trung Quốc người ta nghiên cứu và cho rằng di chứng COVID-19 sẽ tự khỏi. Tiêm vắc-xin là điều quan trọng. Hiện đa số những người uống thuốc trôi nổi quảng cáo trên mạng internet đều là những người không có lý do để uống thuốc. Đa số đều người khỏe mạnh nên hay lo xa. Thực tế, những người cần phải uống thuốc điều trị thì phải đến viện. Không nên đọc nhiều thông tin trên mạng, không chính thống mà lại tin rồi uống bừa bãi.

dung hot hoang khi mac covid 19 hinh 2

Tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi: Cần thiết 

Trước tranh luận liên quan đến việc có nên tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi không, bác sĩ Thường cho rằng: “Cháu bé nào đủ điều kiện tiêm chủng thì tham gia tiêm chủng. Vì đây là lá chắn thép để vượt qua đại dịch. Chuyện tiêm vắc-xin lứa tuổi nào thì Bộ Y tế có hướng dẫn, nghiên cứu, cân nhắc hậu quả và các ích lợi một cách rất cẩn trọng. Khi dịch diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc tiêm cho trẻ em rất cần thiết”.

Những thuốc kháng virus hiện nay đã được Bộ Y tế nhập về nhưng hạn chế sử dụng. Hay có những thuốc đang thử nghiệm, nghiên cứu mà chưa cho lưu hành. Những thuốc như vậy đang được bán trôi nổi trên thị trường. Thuốc trôi nổi không biết chất lượng như thế nào. Hiện có những thuốc đang nghiên cứu, giờ uống nhưng sau này có thể sinh chuyện hay không còn chưa biết. Uống thuốc kháng virus sau này thời điểm nào đó cũng có thể sinh bệnh. “Dùng thuốc kháng virus có thể thúc đẩy tăng đường huyết, có thể dễ dàng bị bội nhiễm, chảy máu tiêu hóa, khi vào viện thì tình trạng COVID-19 cũng nặng lên. Lẽ ra phải dùng thuốc chống đông thì không dùng được nữa vì đã chảy máu. Do đó, dùng thuốc sớm là con dao hai lưỡi. Do đó, nếu bị mắc COVID-19 thì bác sĩ bảo vào viện thì vào, không loạn lên, ở nhà điều trị theo hướng dẫn” – bác sĩ Hải cho biết.

Cũng liên quan đến điều trị COVID-19, bác sĩ Nguyễn Văn Thường khuyên rằng, tất cả bình tĩnh. Đối với trẻ nhỏ cũng không nên ào ào cho con đi bệnh viện. Điều này không cần thiết. “Hạn chế việc dùng các thuốc trôi nổi, hướng dẫn bằng cách rỉ tai. Đặc biệt không dùng các loại thuốc kháng virus một cách bừa bãi. Việc xông cũng chỉ là biện pháp dân gian, làm vã mồ hôi nên có cảm giác sảng khoái, nhẹ nhàng hơn nhưng không nên dùng cho tất cả trường hợp. Đặc biệt xông lá đối với trẻ em không nên. Vì hiện nay xông cũng chưa có tác dụng rõ ràng đối với điều trị COVID-19” – bác sĩ Thường nhấn mạnh.

Trinh Phúc 

Bình Luận

Tin khác

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

(CLO) Ngày 25/4, Đoàn công tác của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương do Phó Trưởng ban Thường trực điều hành Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Trần Huy Dụng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh.

Sức khỏe
Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

(CLO) Trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái.

Sức khỏe
Bộ Y tế thông tin về mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế với người thuộc diện được hỗ trợ

Bộ Y tế thông tin về mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế với người thuộc diện được hỗ trợ

(CLO) Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; BHXH Việt Nam về vướng mắc trong triển khai thi hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP.

Sức khỏe
Cắt môi trái tim, cô gái 25 tuổi nhiễm trùng nặng, biến dạng môi

Cắt môi trái tim, cô gái 25 tuổi nhiễm trùng nặng, biến dạng môi

(CLO) Cắt môi trái tim tại một cơ sở thẩm mỹ tư nhân kém chất lượng, cô gái 25 tuổi ở Hà Nội bị nhiễm trùng nghiêm trọng gây biến dạng môi.

Sức khỏe
TP HCM: Xử nghiêm hộ kinh doanh tắm hơi nhưng tiếp nhận bệnh nhân điều trị suy giãn tĩnh mạch

TP HCM: Xử nghiêm hộ kinh doanh tắm hơi nhưng tiếp nhận bệnh nhân điều trị suy giãn tĩnh mạch

(CLO) Sở Y tế TP HCM đã phát hiện và xử lý nghiêm hộ kinh doanh chuyên tắm hơi, massage… ngang nhiên quảng cáo là phòng khám thuộc hệ thống thẩm mỹ viện Hàn Quốc chuyên điều trị giãn tĩnh mạch bằng công nghệ cao độc quyền.

Sức khỏe