Đừng quá cứng nhắc trong chống dịch, cần cho phép F1 và F0 không triệu chứng đi làm!

Thứ năm, 17/03/2022 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay cần phải có điều chỉnh để F1 và F0 không triệu chứng được phép đi làm, đi học tránh quy định cứng nhắc gây đình trệ mọi mặt đời sống xã hội.

Buộc F1 phải cách ly là đi ngược với thực tiễn

Trong 7 ngày qua, trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 166.671 ca/ngày. Nhiều tỉnh thành mỗi ngày đã ghi nhận số ca nhiễm trên 10 nghìn ca. Tuy nhiên, số bệnh nhân nặng và tử vong lại không thay đổi nhiều. Để duy trì hoạt động, nhiều đơn vị, cơ quan, xí nghiệp đã cho F1 đi làm. Thậm chí, nhiều người không còn quan tâm mình có F1 hay không vì nhu cầu công việc không cho phép họ được nghỉ ở nhà phòng dịch.

Ngay cả bác sĩ cũng vậy, họ phải luôn túc trực điều trị bệnh nhân dù là F1. Thậm chí, có bác sĩ F0 còn tham gia phẫu thuật cứu bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có quy định F1 đã tiêm vắc-xin phải cách ly 5 ngày và theo dõi sức khỏe 5 ngày.

Điều này theo nhiều người đang đi ngược lại với thực tế. Nhiều ý kiến cho rằng với số lượng F1 quá nhiều nếu máy móc thực hiện theo quy định phải cách ly thì nhiều cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất sẽ bị đóng cửa. Chính vì vậy, cần sớm thay đổi quy định trên để phù hợp với thực tế.

dung qua cung nhac trong chong dich can cho phep f1 va f0 khong trieu chung di lam hinh 1

Nếu F1 cách ly thì nhiều đơn vị, xí nghiệp chỉ có cách đóng cửa. Ảnh minh họa.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận về vấn đề này, ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, những quy định mà không phù hợp với thực tiễn đời sống thì ngành Y tế và Chính phủ phải sớm điều chỉnh. “Quy định là do mình đặt ra, nếu chưa phù hợp thì điều chỉnh lại. Tại làm sao cứ cứng nhắc không điều chỉnh trong khi thực tiễn đã đi trước” - ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Vị này phân tích, trong điều kiện hiện nay với tình hình mới, việc sống chung với COVID-19 đang là thực tế. Chính phủ là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Y tế là cơ quan tham mưu cần thiết phải điều chỉnh cho phép F1 đi làm với điều kiện vẫn phải phòng chống dịch như tuân thủ 5K đầy đủ.

“Nếu cứ cứng nhắc cách ly F1 sẽ dẫn đến đình trệ sản xuất. Vì mỗi khi đã có F0 trong cơ quan, xí nghiệp, phân xưởng thì tất cả đều là F1. Không thể cứ xuất hiện F0 là đóng cửa hết được như trước đây. Cho nên cần phải thay đổi để phù hợp, không cứng nhắc yêu cầu cách ly và theo dõi sức khỏe. Phòng chống dịch cũng cần tính đến ổn định được sản xuất và duy trì hoạt động của mọi mặt đời sống xã hội một cách bình thường” – ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Cũng theo vị này, trong giáo dục cũng không thể để học sinh ở nhà học online mãi được. Bây giờ đã có quy định mở cửa trường, đón học sinh trở lại trường với điều kiện phòng chống dịch như đeo khẩu trang, ngồi giãn cách. Không nên cứ xuất hiện F0 là các bạn F1 lại học online như vậy sẽ không ổn định được việc học. “Chúng ta vẫn có cách vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất và bình thường các công việc trong bối cảnh dịch như hiện nay” - ông Lê Như Tiến bày tỏ quan điểm.

Mạnh mẽ hơn để cuộc sống trở lại bình thường

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH)Nguyễn Anh Trí cho rằng, F1 và F0 không triệu chứng thì cho họ trở lại cuộc sống bình thường. Trẻ em được đi học, công nhân được đi làm, cán bộ nhân viên được đến cơ quan để làm việc.

Bởi, các F1 - những người tiếp xúc gần với các F0 thì hiện nay số này rất đông trong cộng đồng. Trong mọi lĩnh vực, ngay cả ở bệnh viện cũng rất nhiều cán bộ thầy thuốc, trong trường học thì số học trò, thầy cô đều là thuộc diện F1. Cho nên nếu tiếp tục còn buộc F1 phải cách ly thì tất cả mọi hoạt động từ sản xuất, dịch vụ, dạy học, khám chữa bệnh đều bị đình đốn. “F1 đi làm là đương nhiên, không thể cấm F1 cách ly ở nhà được nữa” – ông Nguyễn Anh Trí khẳng định.

Cũng theo chuyên gia này, đối với F0 không triệu chứng, tức có nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng thì cũng nên để họ hòa nhập vào trong đời sống xã hội. Các trường hợp F1 và đặc biệt F0 không triệu chứng khi làm việc, đi học cần thực hiện các biện pháp 5K thật nghiêm chỉnh như phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và không tham gia các hoạt động tập trung đông người như liên hoan, hội họp. “Không phải buông thả F1, F0 tùy tiện nhưng cũng không thể cấm đoán một cách nghiêm ngặt như cách ly máy móc giống như trước đây” – ông Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm.

dung qua cung nhac trong chong dich can cho phep f1 va f0 khong trieu chung di lam hinh 2

Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí, với F1 và F0 không triệu chứng cho đi làm, hoạt động còn những F0 có triệu chứng nhẹ phải ở nhà, cách ly tại gia đình và thực hiện phác đồ điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Còn F0 có triệu chứng nặng và rất nặng dứt khoát phải được đến bệnh viện để được chăm sóc y tế. “Bộ Y tế cần sớm ra tiêu chí phân loại F0 không triệu chứng, F0 có triệu chứng nhẹ, F0 có triệu chứng nặng và rất nặng để người dân biết và thực hiện hợp lý và hiệu quả nhất” – ông Nguyễn Anh Trí kiến nghị.

Theo vị này, sở dĩ cho phép F1 và F0 không triệu chứng đi làm vì dịch bệnh hiện bây giờ chuyển sang giai đoạn khác khi có biến chủng Omicron tàng hình. Mặc dù biến chủng này gây bệnh lây lan rất nhanh nhưng mức độ bệnh lại nhẹ. Trong khi, độ phủ vắc-xin của Việt Nam hiện đã rất cao.

Hiện nay, số nhiễm COVID-19 luôn trên 150 nghìn người/ngày. Đây là mức rất cao nhưng điều này không có gì phải hoảng vì nhiều nước con số này còn cao hơn. Chúng ta không xem thường dịch nhưng cũng không quá lo sợ khi tỷ lệ bệnh nhân nặng và rất nặng vẫn rất thấp.

Thậm chí, nếu với đà này thì việc lây nhiều, nhiễm nhiều sẽ có thêm kháng thể để chống lại virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, việc chống dịch COVID-19 trong suốt hơn 2 năm qua nên chúng ta đã có thêm sự hiểu biết, kinh nghiệm, thuốc men, phương tiện chống dịch. Trước đây, tâm lý lo sợ vì chưa có kinh nghiệm, hiểu biết nhưng giờ đây đã biết rồi nên cần tự tin hơn trong phòng, chống dịch.

“Chúng ta đừng nên chậm trễ nữa mà mạnh mẽ hơn để cuộc sống trở lại bình thường. Trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã xem bệnh COVID-19 là bệnh đặc hữu. Trong nước, từ nông thôn đến thành phố, tại các cơ quan, xí nghiệp hay trên đồng ruộng, các nông dân, công nhân hay trí thức thuộc diện F1 đều đã đi làm và rất nhiều F0 không triệu chứng cũng đi làm. Vì vậy đừng ra những quyết sách, quy định lạc hậu, chạy theo thực tiễn, đi sau thực tiễn” – ông Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Cũng theo vị ĐBQH này, hiện bây giờ số người nhiễm nhiều, tỷ lệ nhiễm đông nếu tiếp tục vẫn theo chủ trương cách ly thì không có người làm việc. Và cứ máy móc cách ly F1, F0 không triệu chứng, bắt họ vẫn ở nhà thì tất cả các hoạt động kinh doanh, sản xuất và nhiều lĩnh vực khác sẽ bị đình đốn nghiêm trọng. Hiện nay, nếu không duy trì được đời sống, sinh hoạt bình thường thì coi như đó là một thất bại. “Thế giới người ta mở cửa rồi, mình cũng phải thích ứng” – ông Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm.

Cũng liên quan đến vấn đề phòng chống dịch, nhiều chuyên gia khi được hỏi đều cho rằng, hiện các văn bản hướng dẫn phòng chống dịch được ban hành ra rất chậm so với thực tiễn yêu cầu, một số nội dung văn bản có nhiều điểm không rõ ràng. Nghị quyết 128 cũng cần sớm được điều chỉnh sát với tình hình thực tế. Nếu những quy định không được cập nhật so với thực tiễn thì sản xuất sẽ bị đình đốn, an ninh xã hội sẽ bị ảnh hưởng, sẽ tạo ra hoảng loạn không cần thiết mà chống dịch cũng sẽ không hiệu quả.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

(CLO) Sản phụ 34 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, đau bụng nhiều, huyết áp giảm do thai ngoài tử cung bị vỡ và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu và truyền 6 đơn vị máu.

Sức khỏe
Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

(CLO) Dịp nghỉ lễ nhu cầu đi lại người dân nhiều nên tăng nguy cơ lây lan dịch, trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới.

Sức khỏe
Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

(CLO) Một tài khoản mạng xã hội đã đăng thông tin sai sự thật trên các hội, nhóm và các trang mạng xã hội mạo danh Bệnh viện nhi Trung ương để huy động tiền từ thiện.

Sức khỏe
Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

(CLO) Ngày 25/4, Đoàn công tác của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương do Phó Trưởng ban Thường trực điều hành Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Trần Huy Dụng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh.

Sức khỏe
Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

(CLO) Trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái.

Sức khỏe