Ông Nguyễn Hữu Bằng
-Ông còn nhớ lần đầu tiên đi tàu hỏa?
+ Ðó là năm 1969, khi tôi đỗ đại học GTVT, từ Quảng Bình tôi đi ô tô ra Vinh rồi từ Vinh ra Hà Nội bằng tàu chợ. Thời đó, miền Bắc mới có tàu hoả từ ga Vinh tới Hà Nội. Một chuyến tàu chợ rất đông. Ðến ga Hà Nội, tôi phát hiện mình bị mất một chiếc dép cao su. Ở quê, lại chiến tranh, gia đình nghèo, vì đỗ đại học tôi mới được cha mẹ mua cho đôi dép cao su. Ðôi dép cao su, món quà đỗ đại học của gia đình nên tôi rất quý và tiếc mãi về sau. Tôi đã ở lại trên tàu, chờ cho mọi người xuống hết để tìm chiếc dép bị mất. Bà chị gái của tôi khi đó đang ở Hà Nội ra đón, chờ mãi. Ðến khi không còn hành khách nào trong sân ga nữa, mới thấy tôi bước ra, chân đất, trên tay là một chiếc dép cao su. Ðó là kỷ niệm đầu tiên của tôi với con tàu, với ngành đường sắt.
- Khi ấy, ông có nghĩ rằng, sau này mình sẽ gắn bó với con tàu và ngành Ðường sắt?
+ Không. Vào Ðại học GTVT, tôi được phân công học chuyên ngành Ðầu máy. Khi đó tôi cũng chưa hiểu nó như thế nào. Ngay cả sau này đi học ở nước ngoài, làm luận án tiến sỹ về chuyên ngành Ðầu máy diezen, tôi cũng chưa nghĩ mình sẽ làm người lãnh đạo, nhà quản lý như hiện nay.
- Bây giờ đã là lãnh đạo cao nhất của ngành đường sắt, ông có còn đi tàu chợ nữa không?
+ Tôi vẫn đi nhiều, đặc biệt là khi về Quảng Bình.
- Chắc hẳn, mỗi lần ông bước lên tàu, các kiểm soát viên, người phục vụ… sẽ phục vụ ông "đặc biệt" hơn?
+ Hôm rồi, tôi đi tàu về Quảng Bình giỗ mẹ, không ai biết tôi cả. Chỗ tôi ngồi gần toilet, nước chảy lênh láng, cửa buồng ngủ không đóng được...
Sau chuyến đi đó, tôi đã yêu cầu các lãnh đạo của hai Công ty vận tải hành khách đường sắt Hà Nội và Sài Gòn, không cần phải đi đâu xa, chỉ cần kiểm tra ngay ở hai đầu ga Hà Nội và Sài Gòn đủ rõ.
Qua những buổi đối thoại hằng năm với công nhân của các khối, nhiều kiến nghị của họ đã được giải quyết kịp thời. Ðã 10 năm nay, tôi duy trì việc ra ga kiểm tra và chúc Tết vào đêm 30. Công việc rất bận rộn, nhưng mỗi khi có thể tôi đều đi tàu. Sau những chuyến đi, nhiều điều bất cập đã được sửa đổi.
- Tổng giám đốc toàn ngành mà phải đi kiểm tra nhà vệ sinh trên tàu, nghe đề xuất từ cái áo bảo hộ lao động có dải phản quang, cái đèn màu làm tín hiệu cho nhân viên gác ghi..., ông có nghĩ lỗi nằm ở khâu quản trị?
+ Ðúng là do hệ thống quản lý cấp dưới quá yếu. Lẽ ra các ông giám đốc, trưởng ga, trưởng trạm phải giải quyết những vấn đề đó, chứ không phải là tôi. Những khuyết điểm trên không phải bây giờ mới có, nó đã tồn tại nhiều năm, nhà vệ sinh bẩn, cửa không đóng được, nhân viên bao khách lậu, thiếu lịch sự… là nhiệm vụ của trưởng tàu. Nhân viên có thói quen làm biếng, đó là chuyện thường, trưởng tàu phải kiểm tra nhắc nhở. Nhưng họ chưa làm được. Có những ông trưởng ga, mỗi ngày thu hàng chục triệu, thậm chí cả tiền tỷ từ bán vé, nhưng không dám chi một trăm đồng vì sợ trách nhiệm. Cách quản trị máy móc và cứng nhắc, chỉ sợ sai nên không dám làm gì.
- Ðể khắc phục tâm lý đó, ông dự định làm cách nào?
+ Giao quyền và để họ chịu trách nhiệm. Chúng tôi đã và đang nỗ lực thay đổi. Chúng tôi vẫn học tập và triển khai ý tưởng của anh Ðoàn Xê- nguyên TGÐ Tổng công ty ÐSVN- mà chưa xong. Từ năm 1989 ÐSVN đã thực hiện công cuộc đổi mới, đó là quyền lợi và nghĩa vụ gắn liền, mọi tài sản đều có chủ cụ thể… Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, so với nhiều ngành nghề khác, ÐSVN vẫn có sự tụt hậu. Cần phải sòng phẳng mà nói rằng, trong mấy chục năm vừa qua, Nhà nước, Bộ GTVT ít quan tâm tới đường sắt, từ đường sắt quốc gia đến đường sắt đô thị. Rất buồn là nhiều người cứ nghĩ đường bộ sẽ thay thế được đường sắt... Sau thời gian dài ít được chú và ít được quan tâm đầu tư, đường sắt vốn đã lạc hậu càng bị tụt hậu.
Cần phải đổi mới ngành Ðường sắt không chỉ về cách thức phục vụ, mà còn đổi mới cả về kỹ thuật. Chúng tôi luôn xác định phải đi tắt đón đầu, phải làm một tuyến đường sắt hiện đại ngang bằng thế giới.
- Ông muốn nói về dự án Ðường sắt cao tốc?
+ Ðó có lẽ là một sự kiện nóng nhất của năm nay. Mặc dù chưa được Quốc hội chấp thuận, nhưng chúng tôi không buồn mà thấy nhiều cái được. Ðó là sự quan tâm của toàn xã hội với đường sắt. Khi chúng tôi trình ra Quốc hội là chỉ xin chấp thuận về chủ trương đầu tư.
Trung Quốc mới làm tàu điện ngầm cách đây 2 năm, giờ 6 thành phố trực thuộc trung ương đều có tàu điện ngầm. Trước đây họ cũng nghĩ rằng không cần thiết phải làm ÐSCT, nhưng giờ Trung Quốc có mạng ÐSCT nhiều nhất thế giới. Mới đây, Chính phủ đã đồng ý cho ÐSVN tiếp tục nghiên cứu hai đoạn ÐSCT là TP.HCM- Nha Trang và Hà Nội- Vinh. Tuy nhiên, sau này có làm ÐSCT hay không, điều này phải đợi kết quả nghiên
cứu cụ thể, trình các cơ quan có thẩm quyền rồi mới quyết định.
Có những người cho rằng nên đổi mới từng bước, tiến từng bước nhưng chắc chắn tư duy đó sẽ lỗi thời. Hiện nay chúng ta đang dùng tất cả những thứ gì tối tân nhất của thế giới nếu có thể được. Chúng tôi nghĩ, đồng thời với việc nâng cấp đường sắt hiện có, phải làm một tuyến đường sắt hiện đại, như thế mới là đi tắt đón đầu. Nếu cứ làm từ từ, từng bước, khi chúng ta tới bước này thì thế giới đã sang bước khác từ lâu rồi. Tại buổi gặp các nhà khoa học để nghe họ nói về dự án này, tôi nhận thấy có hai trường phái, một trường phái bảo thủ coi đó là chưa cần thiết, một trường phái nói là phải làm nhanh hơn và mạnh hơn. Trường phái bảo thủ chủ yếu là những người lớn tuổi ít có điều kiện tiếp xúc với ÐSCT.
- Cảm giác của ông thế nào khi Quốc hội không chấp thuận đề nghị về dự án ÐSCT vừa qua?
+ Là nhà khoa học, tôi tin rằng xu hướng tất yếu sẽ đến. Cái gì cũng có quá trình cả. Kể cả đưa tư duy ÐSCT. Nếu dự án được chuẩn bị dài hơn, kỹ hơn thì sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, lần này, chúng tôi vẫn coi mình được nhiều hơn là mất. Chưa bao giờ ngành Ðường sắt lại nhận được sự quan tâm nhiều như vậy.
- Từ trước tới giờ, có đề xuất nào ông tâm huyết mà không được thực hiện?
+ Năm 2002, tôi đã đề xuất xây dựng tàu điện ngầm trên trục đường Láng - Hòa Lạc, cụ thể từ khách sạn Daewoo đến Sơn Tây. Nhưng khi đó nhiều người không ủng hộ và cho là nghĩ xa quá. Năm 2003 tôi sang Bắc Kinh, ông bộ trưởng đường sắt bên đó đã nói, làm tàu điện ngầm tới đâu thì đất đai nơi đó đắt gấp 10 lần trước khi làm tàu điện ngầm, thu vốn từ quỹ đất thừa sức để đầu tư lại cho tàu điện ngầm. Rất tiếc là dự án này không thực hiện được, nếu làm thì bây giờ quá hay.
- Theo ông, bây giờ Việt Nam làm tàu điện ngầm có muộn không?
+ Không bao giờ là muộn. Bắc Kinh dám làm tàu điện ngầm từ Tử Cấm Thành đi ra các nơi, tại sao Việt Nam không làm được. Hiện có hai quan điểm đi từ từ, và đi thẳng đến hiện đại. Nếu chúng ta không tiến thẳng đến hiện đại, thì bao giờ mới tiến kịp các nước phát triển. Ðiều kiện hiện nay, cho phép chúng ta làm được việc này, học tập kinh nghiệm, công nghệ của các nước tiên tiến.
- Quản lý ngành Ðường sắt, luôn mơ tới ÐSCT, metro, nhưng bước chân ra cửa vẫn còn đi tàu chợ, cảm giác của ông thế nào về thực trạng của ngành mình và nói rộng hơn là của đất nước?
+ Vì sao các dự án của mình cứ nói mà không làm được, các dự án giao thông đô thị lúc nào cũng chậm trễ? Bởi không có ở đâu hệ thống giao thông của một thành phố lại "được" nhiều người chỉ huy như vậy. Ðơn cử như dự án đường sắt nội đô có tới 4- 5 chủ đầu tư… Muốn làm cái gì, riêng chuyện đi họp, đi xin ý kiến cũng đã… hết ngày, hết tháng, thậm chí hết năm. Ðể đỡ nhìn thấy tàu chợ, để thấy đường sắt tiến bộ nhanh hơn, đóng góp nhiều cho đất nước phải thay đổi cách tổ chức, tổ chức xây dựng, tổ chức quản lý và khai thác. Hiện nay, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang chuẩn bị khởi công xây dựng đường sắt trên cao nhưng ít ai nghĩ đến việc sẽ phải khai thác chúng như thế nào sau khi hoàn thành.
Theo lộ trình, năm 2015 ÐSVN sẽ cổ phần xong các công ty vận tải đường sắt. Tuy nhiên liệu có tư nhân đủ mạnh để tham gia kinh doanh khai thác đường sắt hay không, trong khi đường sắt là ngành đòi hỏi đầu tư nhiều nhưng thu hồi vốn chậm.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Hồ Thu Thủy