Giấc mơ áo Tết

Thứ hai, 23/01/2023 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Những chiếc hoa nhí năm cánh màu trắng in trên nền vải xanh đen của chiếc áo cổ bèo tay bồng. Chao ôi là đẹp! Đây đúng là chiếc áo mà tôi hằng mơ ước.

Sáng cuối năm đi dạy, vui miệng hỏi học trò: Tụi em đã có đồ Tết chưa?? Câu hỏi của cô trở thành lạc hậu vì có một em đã nhanh nhảu trả lời bằng một câu hỏi: Cần gì Tết mới có đồ mới hở cô? Ừ, cô giáo giật mình. Trẻ con bây giờ đâu phải tới Tết mới có đồ mới như thời mình. Mà các em ơi, vì không còn nỗi háo hức Tết được mặc đồ mới nên có lẽ Tết của các em bây giờ cũng bớt mong chờ, bớt nôn nao hồi hộp như thời của cô - tôi định nói với học trò như vậy nhưng lại giật mình lần nữa. Mỗi thời mỗi khác, Tết mỗi thời sẽ có mỗi sắc thái khác nhau, và các em sẽ vui Tết theo cách của các em. Sao bắt các em giống những cái Tết xa xưa của mình được.

Nhớ hồi đó, nhà tôi chỉ làm ruộng lại đông con nên mẹ có “tôn chỉ” mua (may) đồ mới rất khắt khe. Chỉ Tết mới có đồ mới. Mỗi đứa một bộ, đứa nào còn đi học thì quần xanh áo trắng. Vì tôn chỉ bất di bất dịch đó mà Tết nào tôi - cô gái út cũng lúng túng trong bộ đồng phục rộng rinh (may trừ hao để sang năm mặc nữa).

giac mo ao tet hinh 1

Niềm vui áo mới đã không trọn vẹn. Trước giờ không sao chứ nay (học lớp 4) đã biết mắc cỡ. Tôi rầu rĩ với bộ quần xanh áo trắng. Tôi thèm một chiếc áo hoa. Không thèm sao được khi mấy bạn cùng trang lứa xênh xang váy xanh váy đỏ, nhiều đứa đâu thuộc diện nhà giàu cũng có được chiếc áo hoa rực rỡ để chơi Tết. Có đâu như mình. Tôi vừa rầu vừa tủi.

Kể chuyện này khí cũng có phần hổ thẹn. Nói thiệt, hồi đó tôi ganh tị đến đỏ mặt tía tai khi chưa tới Tết mà mấy đứa con gái trong xóm đem đồ mới ra ướm, cùng nhau ngắm nghía, khen chê. Trời ơi, có chỗ nào xấu mà chê, với tôi, đã là áo hoa, áo kiểu thì chiếc nào cũng từ đẹp trở lên. Tôi hình dung nếu được mặc vào người chiếc áo hoa mà con Lam đang cầm, chắc tôi sẽ xinh lồng lộng như một nàng công chúa. Nhưng khỏi phải than thở cho mất công, mẹ lúc nào cũng vững như thép, nài nỉ lần một mẹ chỉ cười lắc đầu, chứ lần thứ hai mẹ sẽ nói: “Bông với hoa, đem bán mẹ rồi lấy tiền mua áo…”. Và như thế nên tôi đã nghĩ chiếc áo hoa ngày Tết mình chỉ được mặc trong những giấc mơ.

Tuyệt vọng nhưng vẫn không bỏ cuộc. Năm đó, mới cuối tháng mười một tôi đã nói dẻm (gợi ý) chuyện mấy đứa trong xóm có đồ Tết hết rồi. Áo thun, áo hoa đủ kiểu, ước gì mình cũng có một chiếc tương tự thì Tết này chắc sẽ vui lắm. Mình cũng sẽ đẹp như tụi nó thôi, có khi còn hơn. Mẹ thấy tôi ngồi nói bâng quơ trong bữa cơm thì cười. Chị Sáu bèn bảo mẹ: Tết nay mẹ đừng may đồ mới cho con, tiền đó mẹ mua thêm cho em một bộ đồ nó thích. Mẹ bèn nói, giỏi thì phụ mẹ làm rau đi, Tết sẽ có áo hoa. Trời ơi, nghe mẹ nói như vậy, tôi mừng hết lớn.

Có áo mới chơi Tết là có động lực liền. Bình thường ngả ngớn trốn việc mẹ giao đi chơi nhưng giờ nhất tâm nhất ý làm tròn nhiệm vụ. Không những đuổi gà, đuổi vịt mà tôi còn mẫn cán vun đất, nhổ cỏ, bắt sâu. Khách trong xóm tới mua, tôi còn biết cắt rau bán.

Tới cuối tháng Chạp, hôm đó đi học về, thấy trên giường có chiếc áo hoa. Những chiếc hoa nhí năm cánh màu trắng in trên nền vải xanh đen của chiếc áo cổ bèo tay bồng. Chao ôi là đẹp! Đây đúng là chiếc áo mà tôi hằng mơ ước. Tôi sướng rơn khi được cầm chiếc áo mềm mịn trên tay, cảm giác như được chạm vào ngàn cánh hoa của mùa xuân. Chưa cần mặc, mới được hít mùi vải mới thôi tôi đã thấy mình… xinh như công chúa.

Bây giờ, mỗi khi xuân về, mỗi lúc thấy một đứa trẻ nào đó mặc đồ mới thì tôi lại cồn cào nhớ chiếc áo hoa tuổi thơ ngày xưa rồi tự mỉm cười. Và lúc sáng, khi trò chuyện với học trò, tôi đã nói: hãy chơi Tết thật vui vẻ và hồn nhiên như tuổi của mình, vì những cái Tết trẻ thơ sẽ là những hồi ức mà sau này các em sẽ mãi nâng niu.

Nguyễn Thị Bích Nhàn

Bình Luận

Tin khác

Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng về người được cho là 'Sư Thích Minh Tuệ'

Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng về người được cho là 'Sư Thích Minh Tuệ'

(CLO) Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) vừa có văn bản khẳng định, người được cho là 'Sư Thích Minh Tuệ' không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào.

Đời sống văn hóa
Độc đáo lễ Tậc ka coong của đồng bào Cơ Tu ở Thừa Thiên Huế

Độc đáo lễ Tậc ka coong của đồng bào Cơ Tu ở Thừa Thiên Huế

(CLO) Đồng bào Cơ Tu ở tỉnh Thừa Thiên Huế lần đầu tiên tổ chức tái hiện lễ hội cúng thần núi Tậc ka koong với các nghi thức truyền thống.

Đời sống văn hóa
20 đoàn nghệ thuật tham gia Liên hoan Tiếng hát Làng Sen 2024

20 đoàn nghệ thuật tham gia Liên hoan Tiếng hát Làng Sen 2024

(CLO) Liên hoan tiếng hát Làng Sen 2024 là bản hòa tấu ngân vang được cất lên bằng những lời ca, điệu múa ca ngợi công ơn trời biển của Bác Hồ, những thành tựu đổi mới của quê hương, đất nước.

Đời sống văn hóa
Hình bàn chân trên đá

Hình bàn chân trên đá

(CLO) Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại dọc Trường Sơn, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh - người đã hai lần vào Trường Sơn làm nhiệm vụ phóng viên chiến trường trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước đã đến thăm Bảo tàng Trường Sơn, xúc động viết bài thơ "Hình bàn chân trên đá". Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài thơ này cùng bạn đọc.

Đời sống văn hóa
Đường phố Hà Nội rực rỡ cờ hoa, khẩu hiệu kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đường phố Hà Nội rực rỡ cờ hoa, khẩu hiệu kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

(CLO) Những ngày này, đường phố tại Thủ đô Hà Nội được trang hoàng băng rôn, áp phích, cờ đỏ sao vàng... để hướng tới kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024).

Đời sống văn hóa