Giải bài toán giảm sút ứng viên Giáo sư, Phó Giáo sư: Có nên hạ chuẩn?

Thứ năm, 20/10/2022 10:19 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Các chuyên gia cho rằng vì tiêu chuẩn để xét chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư hiện nay được siết chặt nên lượng ứng viên sụt giảm là điều dễ hiểu. Một trong những vấn đề gây tranh cãi đó là quy định bắt buộc phải có công bố quốc tế.

Số ứng viên Giáo sư, Phó Giáo sư giảm mạnh

Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách 356 ứng viên được hội đồng giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2022. Như vậy, trong 447 ứng viên được đề nghị xét công nhận Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2022, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành loại 91 người..

giai bai toan giam sut ung vien giao su pho giao su co nen ha chuan hinh 1

Sụt giảm ứng viên Giáo sư, Phó Giáo sư do chính sách nâng chuẩn trong xét duyệt.

Năm 2022, ngành Kinh tế có đông ứng viên nhất với 48 người (3 ứng viên Giáo sư và 45 ứng viên Phó Giáo sư). Đây cũng là ngành có ứng viên Phó Giáo sư cao nhất. Có số ứng viên Phó Giáo sư cao thứ hai là liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm với 43 ứng viên. Ngành y học với 43 ứng viên (7 ứng viên Giáo sư và 36 ứng viên Phó Giáo sư). Đây là năm thứ 3 liên tiếp số ứng viên Giáo sư nhiều nhất thuộc về ngành Y học.

Đáng chú ý, ngành Tâm lý học năm nay chỉ có ứng viên duy nhất nhưng cũng bị xét loại. Ngành Công nghệ thông tin bị đánh trượt tới 11 ứng viên khi ban đầu có 19 ứng viên nhưng chỉ còn lại 8 ứng viên.

Trong khi đó, năm 2021 số ứng viên đăng ký và nộp hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư với 640 ứng viên đăng ký. Kết quả, số ứng viên đạt đủ số phiếu tín nhiệm theo quy định là 405 ứng viên, trong đó 42 ứng viên Giáo sư, 363 ứng viên Phó Giáo sư. Năm cao nhất gần đây là 2017 khi số ứng viên nộp hồ sơ đề nghị xét Giáo sư, Phó Giáo sư là 1.537, trong đó có 151 ứng viên giáo sư và 1.386 ứng viên Phó Giáo sư.

Nguyên nhân do quy định bắt buộc công bố quốc tế?

Tình trạng sụt giảm số lượng ứng viên Giáo sư, Phó Giáo sư, trong đó một số ngành lại “trắng”, không có ứng viên tham gia đang cho thấy nhiều bất cập. Phân tích tình trạng này, Giáo sư Vũ Dũng - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Tâm lý học cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sụt giảm tỷ lệ giảng viên Giáo sư, Phó Giáo sư.

Đầu tiên là tiêu chuẩn xét chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư đòi hỏi cao hơn trước đây, đặc biệt là yêu cầu về bài báo quốc tế. “Bài báo quốc tế đối với một giảng viên trong trường đại học, đặc biệt với các Giáo sư, Phó Giáo sư là cần thiết, vì đây cũng là điều kiện để chúng ta hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét một cách khách quan, toàn diện, có nhất thiết phải lấy bài báo quốc tế là một tiêu chuẩn cứng để xét hai chức danh này hay không? Nếu áp dụng một cách cứng nhắc với cả những ngành khoa học xã hội và nhân văn thì liệu có phù hợp?”, Giáo sư Dũng đặt vấn đề.

Cũng theo vị này: “Trong nghiên cứu thì bài báo quốc tế là rất cần thiết, nhưng không nên coi đó là tiêu chuẩn cứng, chỉ nên khuyến khích và ghi nhận bằng cách ứng viên có bài báo được đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/SCOPUS thì được cộng thêm điểm. Bài báo có chỉ số càng cao thì càng được cộng nhiều điểm. Chỉ nên dùng bài báo đăng trên các tạp chí trong nước có uy tín, có chất lượng làm tiêu chuẩn cứng. Như vậy, sẽ tạo điều kiện cho nhiều người có cơ hội trở thành giáo sư, Phó Giáo sư và đúng với thực tế, không gây khó khăn cho các ứng viên các ngành khoa học xã hội và nhân văn”.

Liên quan đến vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng giáo sư liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học cho biết: Từ khi áp dụng quy định cứng về bài báo quốc tế trong tiêu chuẩn xét duyệt chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, số ứng viên đăng ký có xu hướng ngày càng giảm, nhất là đối với các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Năm nay số ứng viên cả nước được xét ở các hội đồng ngành thuộc các lĩnh vực này rất ít, nhiều ngành chỉ có từ 1 đến 3 ứng viên.

Ông Vũ Minh Giang cũng cho rằng: “Tôi được biết hiện nay có không ít ứng viên không đăng ký xét duyệt chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư chỉ vì thiếu điều kiện cứng, mặc dù họ là những cán bộ có chuyên môn tốt, đáp ứng được các tiêu chí về giảng dạy, viết sách,… nhưng do không đủ số lượng bài báo quốc tế nên họ không đăng ký. Chính vì vậy mà số lượng ứng viên ngày càng ít đi là điều dễ hiểu”.

giai bai toan giam sut ung vien giao su pho giao su co nen ha chuan hinh 2

Hội nhập là xu hướng tất yếu

Trong khi các nhà khoa học xã hội cho rằng quy định bắt buộc ứng viên Giáo sư, Phó Giáo sư phải có công bố quốc tế là hơi máy móc thì các Giáo sư ngành tự nhiên lại cho rằng đó là xu hướng tất yếu. Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Giáo sư Lê Tuấn Hoa - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Toán cho biết việc sụt giảm chỉ ở một số ngành, riêng ngành Toán thì vẫn giữ được ổn định.

“Để có thành tích như vậy, trước hết ngành Toán vốn là ngành có truyền thống nghiên cứu và công bố quốc tế và gần đây có quỹ hỗ trợ để phát triển nên đã thúc đẩy nghiên cứu khoa học” - ông Lê Tuấn Hoa chia sẻ. Cũng theo vị này, việc công bố quốc tế đối với ngành Toán đã thực hiện hơn 50 năm qua nên không gặp bất kỳ trở ngại trong hội nhập, ngành đã quốc tế hóa từ lâu.

Giáo sư Lê Tuấn Hoa nhấn mạnh: “Các ngành khoa học cũng phải hội nhập. Mỗi ngành có đặc thù riêng nhưng hội nhập như thế nào mỗi ngành phải tự lo. Hội nhập là xu hướng không có cách nào khác”.

Xét về đầu tư cho nghiên cứu khoa học, ông Lê Tuấn Hoa cho rằng nhiều ngành khoa học xã hội nhân văn còn nhận được nhiều hỗ trợ nghiên cứu hơn ngành Toán học. Do đó người nghiên cứu có nhiều cơ hội để phát triển nghề nghiệp. “Công bố quốc tế không phải rào cản để trở thành Giáo sư, Phó Giáo sư. Khi hội nhập thì đương nhiên phải có công bố quốc tế đó là xu hướng không thể thay đổi” - ông Lê Tuấn Hoa nhấn mạnh.

Như vậy qua trao đổi với các chuyên gia có thể thấy việc sụt giảm các ứng viên Giáo sư, Phó Giáo sư chỉ xảy ra ở các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Nguyên nhân được cho là quy định bắt buộc phải có công bố quốc tế. Việc một số ngành trắng ứng viên cho thấy đây là bất cập cần phải được tính toán kỹ lưỡng. Tuy nhiên, việc hạ chuẩn để tăng số lượng ứng viên có phải là điều cần thiết lúc này lại là bài toán cần phải cân nhắc tránh chạy theo số lượng mà không quan tâm đến chất lượng.

Không nên bắt buộc mà khuyến khích công bố quốc tế

Theo Giáo sư Vũ Minh Giang thì nên chăng áp dụng giải pháp khuyến khích, cho điểm cao với các bài báo quốc tế thực sự có chất lượng, thay vì là một tiêu chuẩn cứng, bắt buộc như hiện nay.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Xôn xao mẫu đơn 'ép' học sinh kém bỏ thi vào lớp 10 ở TP HCM

Xôn xao mẫu đơn 'ép' học sinh kém bỏ thi vào lớp 10 ở TP HCM

(CLO) Một trường THCS ở huyện Hóc Môn, TP HCM đã phát mẫu đơn "không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10" cho học sinh có học lực không tốt, yêu cầu đưa phụ huynh ký tên.

Giáo dục
Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung vướng nhiều sai phạm

Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung vướng nhiều sai phạm

(CLO) Theo Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung cần thực hiện thành lập Hội đồng trường theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và Nghị định số 99/2019/NĐ- CP ngày 30/12/2019.

Giáo dục
Đề xuất miễn học phí THCS ở TP HCM năm học 2024-2025

Đề xuất miễn học phí THCS ở TP HCM năm học 2024-2025

(CLO) Mức hỗ trợ 100% học phí áp dụng theo nghị quyết của HĐND TP HCM đối với cấp THCS năm học 2024-2025. Dự kiến 100.000 đồng/học sinh/tháng đối với nhóm 1 và 85.000 đồng/học sinh/tháng đối với nhóm 2.

Giáo dục
Thiếu nhi Thái Bình thi đua thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy

Thiếu nhi Thái Bình thi đua thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy

(CLO) Nhân kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/1941 - 15/5/2024), Tỉnh đoàn - Hội đồng Đội tỉnh Thái Bình và Huyện đoàn - Hội đồng Đội huyện Thái Thụy phát động phong trào “Thiếu nhi Thái Bình thi đua thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy”, giai đoạn 2024 – 2027.

Giáo dục
Cả nước có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cả nước có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Hà Nội là địa phương có số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp nhiều nhất cả nước với hơn 100 nghìn thí sinh tham gia.

Giáo dục