Giải pháp để bình ổn thị trường khẩu trang y tế và dung dịch sát khuẩn

Thứ năm, 06/02/2020 10:23 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Dịch viêm phổi cấp do virus Corona (nCoV) bùng phát, nhu cầu về khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn của người dân tăng cao đã khiến nhiều đối tượng lợi dụng để trục lợi.

Đã có nhiều nhà thuốc bị xử lý do đẩy giá những mặt hàng này tăng cao gấp nhiều lần, nhưng cũng không làm thị trường khẩu trang bớt “nóng”.

Tại chợ thuốc Hapulico (đường Nguyễn Huy Tưởng – quận Thanh Xuân – Hà Nội) những ngày gần đây luôn trong tình trạng “nóng” với mặt hàng khẩu trang y tế và dung dịch sát khuẩn. Do “cầu” tăng khiến giá mặt hàng này cũng tăng chóng mặt, người dân đang phải mua với giá gấp từ 2 lần đến 5 lần giá gốc. Ngay sau khi các cơ quan báo chí có thông tin, các cơ quan chức năng vào cuộc đã phát hiện và xử lý hàng loạt quầy thuốc, nhà thuốc bán khẩu trang, dung dịch sát khuẩn không niêm yết giá, hoặc tăng giá lên nhiều lần. Khi bị lực lượng chức năng xử lý, một số tài khoản mạng xã hội Facebook của các tiểu thương đã đăng bài kêu gọi ngừng nhập và bán khẩu trang. Mặc dù bài viết về vấn đề này đã bị xóa, nhưng cũng khiến cộng đồng mạng phẫn nộ vì sự thiếu trách nhiệm của những nhà thuốc trong thời điểm có dịch bệnh. Ngay ngày hôm sau là vào 3/2, khi PV có mặt tại chợ thuốc Hapulico, mặc dù khung cảnh mua, bán vẫn diễn ra nhộn nhịp, nhưng tại các gian hàng đều đặt biển: “không bán khẩu trang, nước rửa tay”. Đến ngày 4/2, theo ghi nhận thực tế của PV, các cửa hàng đã bỏ biển thông báo, nhưng khi được hỏi về mặt hàng khẩu trang y tế và nước rửa tay thì đều được báo là không có hàng.

Cơ quan quản lý thị trường đang kiểm tra một hiệu thuốc.

Cơ quan quản lý thị trường đang kiểm tra một hiệu thuốc.

Có mặt tại chợ thuốc Hapulico, chúng tôi gặp M.A.T, chủ một gian hàng vừa bị cơ quan chức năng phạt vì bán khẩu trang không niêm yết giá. Được biết, sau thời điểm công bố dịch, giá khẩu trang và dung dịch sát khuẩn bị đẩy lên từng giờ, ngay bản thân các nhà thuốc cũng không đủ nguồn cung mà phải nhập từ các đối tượng đầu cơ. Theo M.A.T thì các nhà thuốc nhập giá cao thì cũng phải bán giá cao chứ không thể bán theo giá niêm yết. Hiện tại, các nhà thuốc không thể nhập được hàng trực tiếp từ các công ty sản xuất, chỉ có thể nhập thông qua đơn vị, cá nhân khác (dân đầu cơ), cho nên giá không chỉ bị đẩy lên cao mà còn phụ thuộc vào họ. Ngay cả một số nhà thuốc đã có hợp đồng nhưng cũng bị các công ty sản xuất hủy. Ai cũng ngầm hiểu là nguồn khẩu trang này sẽ bị tuồn ra ngoài cho dân đầu cơ và bán với giá cao hơn. Chính vì vậy, khi các cơ quan chức năng vào cuộc, các gian hàng phải bán theo giá quy định thì họ sẽ lỗ vì lỡ nhập với số lượng lớn giá cao. Thế nên mới có tình trạng bên trong không có hàng, nhưng ngoài “chợ đen” vẫn có và giao dịch nhộn nhịp. Vì vậy, các lực lượng chức năng chỉ xử lý các nhà thuốc là chưa thỏa đáng, cần làm rõ nguồn gốc sự việc và có phương án để nhà thuốc mua sản phẩm không qua trung gian là nhóm “đầu cơ”.

Mặt khác, theo thông tin từ một công ty sản xuất khẩu trang y tế thì hiện nay nguyên liệu để sản xuất đang gặp khó khăn vì phải nhập giá cao từ Trung Quốc. Nhất là gần đây nguồn nguyên liệu hiện cũng không thể nhập vì phía Trung Quốc đã có lệnh cấm xuất khẩu cả sản phẩm và nguyên liệu, máy móc sản xuất khẩu trang. Dự kiến thời gian tới, các mặt hàng này còn khan hiếm, có khả năng sẽ xuất hiện những sản phẩm không đủ chất lượng nếu dịch bệnh vẫn chưa kiểm soát được.

Theo Thiếu tướng Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, với những thông tin gây nhiễu loạn thị trường, cản trở việc phòng dịch, gây hoang mang dư luận thì lực lượng chức năng cần nhanh chóng ngăn chặn, xử lý. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, nâng giá, đầu cơ... lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính. Nhất là tại thời điểm cung, cầu không cân đối, các mặt hàng như: khẩu trang y tế, nước rửa tay khan hiếm sẽ có thể xuất hiện hàng giả, hàng nhái. Nếu hàng hóa này bị đưa ra ngoài thị trường sẽ khiến việc phòng dịch bệnh không đạt được hiệu quả cao.

Nhiều nhà thuốc trưng biển không bán khẩu trang, dung dịch sát khuẩn.

Nhiều nhà thuốc trưng biển không bán khẩu trang, dung dịch sát khuẩn.

Ý kiến từ các chuyên gia cho thấy, việc thị trường khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn không thể kiểm soát được có trách nhiệm từ thanh tra Sở Y tế, quản lý thị trường. Đây cũng là mặt trái của thị trường khi chỉ quan tâm tới lợi nhuận mà không nghĩ tới lợi ích của cộng đồng. Để giải quyết vấn đề này thì nhà thuốc phải mua được khẩu trang giá gốc trực tiếp từ các nhà máy sản xuất, khi đó họ mới có thể bán cho người tiêu dùng giá hợp lý. Còn như hiện tại, giá đang bị đẩy lên cao do khâu trung gian là các con buôn, đầu cơ, tích trữ thì người dân vẫn còn khó khăn để mua được giá tốt cho mặt hàng này. Ngoài ra, để kiểm soát, tránh việc các công ty sản xuất tuồn hàng cho nhóm “đầu cơ”, UBND tỉnh, thành phố có thể đứng ra thu mua các sản phẩm sau đó phân phối cho từng nhà thuốc được mua theo số lượng quy định. Như vậy, tỉnh cũng sẽ quản lý được giá sản phẩm và có cơ sở để xử phạt các nhà thuốc tăng giá, găm hàng theo đúng các quy định của pháp luật. Như vừa rồi, Bắc Ninh đã triển khai mô hình này khá tốt khi người dân đã có thể mua được khẩu trang y tế trên địa bàn thông qua chương trình bình ổn giá. Để làm được việc này, Liên Sở Y tế - Tài chính - Công Thương đã cung cấp danh sách các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang quy mô lớn trên địa bàn để các nhà thuốc ký hợp đồng mua bán. Các nhà thuốc tham gia được chia đều ở các địa bàn và được cung cấp nguồn khẩu trang đều đặn, đúng giá. Với mức giá này, theo chia sẻ của các doanh nghiệp, trong bối cảnh hiện nay gần như không có lãi, nhưng xuất phát từ mong muốn được đồng hành cùng người dân vượt qua dịch bệnh, họ đều tự nguyện tham gia để thực hiện.

Gia Nguyên – Thế Anh

Tin khác

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

(CLO) Sản phụ 34 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, đau bụng nhiều, huyết áp giảm do thai ngoài tử cung bị vỡ và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu và truyền 6 đơn vị máu.

Sức khỏe
Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

(CLO) Dịp nghỉ lễ nhu cầu đi lại người dân nhiều nên tăng nguy cơ lây lan dịch, trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới.

Sức khỏe
Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

(CLO) Một tài khoản mạng xã hội đã đăng thông tin sai sự thật trên các hội, nhóm và các trang mạng xã hội mạo danh Bệnh viện nhi Trung ương để huy động tiền từ thiện.

Sức khỏe
Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

(CLO) Ngày 25/4, Đoàn công tác của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương do Phó Trưởng ban Thường trực điều hành Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Trần Huy Dụng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh.

Sức khỏe
Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

(CLO) Trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái.

Sức khỏe