Giải Phóng-tờ báo trên tuyến lửa

Thứ năm, 17/12/2020 09:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Giải phóng – tờ báo trên tuyến lửa” là tên bộ phim tư liệu và tên của trưng bày chuyên đề mà Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức ra mắt vào ngày 18/12/2020.

“Giải phóng – tờ báo trên tuyến lửa” là câu chuyện về một tờ báo có tuổi đời vẻn vẹn hơn một thập niên nhưng đã trở thành một dấu son đáng nhớ trong lịch sử báo chí Cách mạng Việt Nam. Một tờ báo ra đời trong lửa đạn, từ đó lãnh sứ mệnh cao cả cho ngày thống nhất non sông, một biểu tượng tin yêu và tự hào của những người làm báo Việt Nam...

1. Nhắc về bộ phim đặc biệt này, nhà báo Trần Kim Hoa -  Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: “Có thể nói, đây là một bộ phim tư liệu đầu tiên về báo Giải phóng được thực hiện, là kết quả của sự gặp gỡ của Bảo tàng Báo chí Việt Nam và những nhà báo, nhà làm phim với tâm huyết và trách nhiệm đối với lịch sử đất nước, dân tộc, trong đó có lịch sử báo chí Việt Nam. “Không ai, không điều gì bị quên lãng”, bằng những ký ức được tập hợp, lưu giữ và khai thác của chính những người trong cuộc, “Giải phóng - Tờ báo trên tuyến lửa” bước đầu đã kể được với công chúng hôm nay câu chuyện về một tờ báo làm nhiệm vụ đấu tranh thống nhất nước nhà và đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình hơn 40 năm qua. Phim trước hết nhằm phục vụ công chúng đến tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam, phục vụ các nhà nghiên cứu lịch sử và sinh viên báo chí trong quá trình tiếp cận, tìm hiểu về lịch sử báo chí Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ và những năm đầu sau khi đất nước được thống nhất”.

Bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Báo Giải Phóng (1964 - 1974).

Bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Báo Giải Phóng (1964 - 1974).

Vào thập niên 1960, thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất, miền Nam Việt Nam là điểm nóng thu hút không chỉ những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất mà còn là cuộc chiến đầu tiên được tường thuật với những công nghệ thông tin tân tiến nhất. Hầu hết các hãng thông tấn lớn của Phương Tây, từ BBC, Reuter, AFP, New York Time, AP… với đủ mọi loại hình: nhiếp ảnh, báo in, truyền thanh, truyền hình… đều có mặt ở đây. Giữa tâm điểm của bom đạn cùng cơn bão thông tin từ các hãng thông tấn khổng lồ của phương Tây, để đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động phong trào kháng chiến lúc bấy giờ, ngay tại vùng giải phóng của chiến trường miền Nam Việt Nam, có một tờ báo nhỏ bé, khiêm nhường được tổ chức bài vở, in ấn và phát hành. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong bức thư gửi Ban Biên tập báo Giải Phóng nhân dịp ra số báo đầu tiên đã viết: “Làm sao khi đọc Báo Giải phóng, nhân dân miền Nam sẽ được động viên tinh thần yêu nước, tin tưởng ở sức mạnh của cách mạng. Báo Giải phóng sẽ vượt vĩ tuyến 17 ra với đồng bào miền Bắc, cổ vũ bà con ngoài đó đóng góp sức người, sức của vào cuộc chiến đấu trên nửa đất nước. Báo Giải Phóng cũng đến với bạn bè quốc tế giúp họ hiểu rõ và hiểu đúng cuộc kháng chiến của chúng ta”.

Nhà báo Nguyễn Huy Khánh (Hai Khuynh) thay mặt Ban Biên tập Báo Giải Phóng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập báo (1964 - 1974).

Nhà báo Nguyễn Huy Khánh (Hai Khuynh) thay mặt Ban Biên tập Báo Giải Phóng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập báo (1964 - 1974).

Với quyết tâm không lay chuyển, trong hơn mười năm chiến tranh ác liệt nhất, tờ báo ấy kiên cường bám trụ và giành được nhiều con số ấn tượng:

12 năm cầm bút và cầm súng, những người làm báo Giải Phóng đã cho ra đời 375 số báo trong 10 năm kháng chiến và 412 số Nhật báo Giải Phóng tại Sài Gòn cho đến ngày tờ báo hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình. Sau ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước 30/4/1975, những người làm báo Giải Phóng từ chiến khu trở về đã tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ra 15 số báo Sài Gòn Giải Phóng đầu tiên. Chỉ riêng tờ báo số 1 ra ngày 5/5/1975 đã phát hành nửa triệu bản trên toàn quốc với giá bán 50 đồng/tờ (tiền miền Nam). Có thể nói, báo đã lập một kỷ lục về phát hành trong lịch sử báo chí Việt Nam trong thời điểm đặc biệt đó” – nhà báo Nguyễn Hồ, một trong những nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia làm báo Giải phóng cho biết.  

2. Số đầu tiên của báo Giải Phóng ra ngày 20/12/1964, in và phát hành ngay tại Tây Ninh và được Ban Tuyên huấn của Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo sâu về nội dung. Trước đó, một đoàn phóng viên báo Cứu Quốc được điều từ miền Bắc vào để thành lập tờ báo. Người trực tiếp chỉ đạo lúc đó là đồng chí Trần Bạch Ðằng, Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục và đồng chí Trần Trọng Tân, Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam - hai trí thức Nam Bộ và Sài Gòn tiêu biểu.

Năm 1970, khi Mỹ ngụy chuyển sang đánh phá ác liệt, Nhà in báo Giải Phóng chuyển sang Cam-pu-chia, báo in xong chuyển ngược về trong nước phát hành cho các địa phương và địa bàn nội đô, ngoại đô Sài Gòn. Nhiều phóng viên của báo xông pha ở các chiến trường, đi theo bộ đội tình nguyện sang cả đất bạn Cam-pu-chia.

Tháng 4/1975, báo tổ chức bộ phận tiền phương do đồng chí Nguyễn Văn Khuynh chỉ huy hướng về Sài Gòn, trong khi các cánh quân của chủ lực ta đang áp sát Sài Gòn.

Sáng 30/4/1975, phóng viên báo cùng các cánh quân thuộc bộ đội chủ lực hành quân từ Bến Củi - Tây Ninh tiến về Sài Gòn và chiếm lĩnh trụ sở Ðảng Dân chủ của Nguyễn Văn Thiệu ở 174 Hiền Vương (nay là đường Võ Thị Sáu, quận 3) làm trụ sở hoạt động công khai và chuẩn bị ra báo Sài Gòn Giải Phóng. Trên manchette báo Sài Gòn Giải Phóng số đầu tiên ra mắt ngày 5/5/1975, ghi rõ: Tiếng nói của Nhân dân Sài Gòn – Gia Định. Báo đã tập hợp được nhiều cây bút tên tuổi, thực thi sứ mệnh thiêng liêng, đóng góp tích cực cho công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Đầu năm 1977, báo Giải Phóng hoàn thành sứ mệnh lịch sử, cùng với báo Cứu Quốc hợp thành báo Đại Đoàn Kết và xuất bản số đầu tiên ngày 6/2/1977.

3. Năm 2017, phát biểu tại Lễ đặt bia kỷ niệm Báo Giải Phóng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã khẳng định: “Báo Giải phóng đã tiếp nối được truyền thống của báo Cứu quốc và báo chí cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, lập nên một kỳ tích của báo chí cách mạng thời chống Mỹ. Vượt qua đói rét, bệnh tật trong rừng sâu, vượt lên bom đạn, chất độc hóa học và những trận càn của địch, cán bộ nhân viên Báo Giải phóng đã giữ vững được tiếng nói của cách mạng trên trang giấy và làn sóng điện mà còn tham gia chiến đấu đánh địch tại chiến khu trong trận càn Junction City năm 1967 (hay còn gọi là trận càn Giân-xơn Xi-ty) và tại lòng địch năm 1968. Một số đồng chí đã hy sinh trên các chiến trường khi đi thực tế, viết bài, trong chiến đấu chống càn. Một số bị địch bắt, cầm tù, tra tấn. Hòa bình lập lại, những người còn sống lại tiếp tục vượt qua khó khăn, tham gia xây dựng, tái thiết đất nước ở nhiều cương vị khác nhau, giữ vững truyền thống của Báo Giải Phóng cho đến ngày nay”.

Trong bộ phim “Giải phóng - Tờ báo trên tuyến lửa”, các nhân chứng là những lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của báo đã chia sẻ rất nhiều kí ức năm xưa. Có lúc họ phải di chuyển giữa 2 bờ của sự sống và cái chết để có thể tận mắt chứng kiến và viết. Từng con chữ thấm máu âm thầm góp một phần không nhỏ vào chuyển biến của tình thế Cách mạng miền Nam, vào sự nghiệp thống nhất đất nước. 12 năm làm báo kháng chiến, báo Giải phóng đã tập hợp một đội ngũ nhà báo của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam gồm những biên tập viên, phóng viên, công nhân xếp chữ, công nhân máy in... Tổng Biên tập đầu tiên là nhà báo Trần Phương (Kỳ Phong), các tổng biên tập tiếp theo là nhà báo Thép Mới và nhà báo Nguyễn Văn Khuynh. Những năm tháng ấy, cùng hoạt động sôi nổi trong các chiến dịch, các phóng viên báo đã không ngại gian khổ, hy sinh, đã ghi nhận được nhiều tin, bài, hình ảnh, sự kiện lịch sử quan trọng. Bằng ý chí và tình cảm cách mạng, bằng trí tuệ, mồ hôi và cả xương máu, họ đã làm nên bức chân dung oanh liệt, tự hào của một tờ báo chiến trường.

Họa sĩ Trần Dũng Tiến, Báo Giải Phóng vẽ áp phích nhân kỷ niệm 10 năm thành lập báo (1964 - 1974).

Họa sĩ Trần Dũng Tiến, Báo Giải Phóng vẽ áp phích nhân kỷ niệm 10 năm thành lập báo (1964 - 1974).

Có lẽ vì thế mà ở sự kiện đặc biệt của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, bộ phim tư liệu đầu tiên về báo Giải phóng, cũng như những hiện vật, tư liệu được trưng bày, là những tờ báo gốc ra đời ở vùng chiến khu, những chiếc máy chữ, máy ảnh, sổ ghi chép, tờ giấy báo tử… có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, đã mang một thông điệp mạnh mẽ và sâu sắc về sự hy sinh thầm lặng của một thế hệ nhà báo lớp trước, về sự biết ơn và niềm tự hào của những người làm báo hôm nay!

Hà Vân

Tin khác

Xuất bản sách “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử” bằng 3 thứ tiếng

Xuất bản sách “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử” bằng 3 thứ tiếng

(CLO) Cuốn sách “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc từ lịch sử” đem đến cho bạn đọc một bức tranh toàn cảnh về sự kiện lịch sử vĩ đại này thông qua các hình ảnh tư liệu lịch sử được khai thác từ nhiều nguồn, có độ chân thực cao.

Nghề báo
Báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh về khối ngành sức khỏe - ngôn ngữ

Báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh về khối ngành sức khỏe - ngôn ngữ

(CLO) Sáng 4/5, Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp các cơ sở giáo dục đại học tổ chức chương trình "Đối thoại, tư vấn, hướng nghiệp về khối ngành sức khỏe - ngôn ngữ" tại Trường THPT Chương Mỹ B (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Chương trình thu hút hơn 1.000 học sinh tham gia.

Nghề báo
Hà Tĩnh triển khai kế hoạch tổ chức Giải báo chí về xây dựng Đảng lần thứ VII

Hà Tĩnh triển khai kế hoạch tổ chức Giải báo chí về xây dựng Đảng lần thứ VII

(CLO) Ban Tổ chức Giải Búa liềm vàng tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành kế hoạch số 37-KH/BTCG, ngày 22/4/2024 về tổ chức Giải báo chí cấp tỉnh về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VII – năm 2024.

Nghề báo
Báo Lao động Thủ đô tổ chức Đối thoại - Giao lưu trực tuyến về sức khỏe và an toàn lao động

Báo Lao động Thủ đô tổ chức Đối thoại - Giao lưu trực tuyến về sức khỏe và an toàn lao động

(CLO) Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Thanh Oai vừa tổ chức buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách chuyên đề “Sức khỏe và an toàn lao động tại nơi làm việc”.

Nghề báo
Chương trình “Dưới lá cờ Quyết Thắng” sẽ được truyền hình trực tiếp ở 5 điểm cầu

Chương trình “Dưới lá cờ Quyết Thắng” sẽ được truyền hình trực tiếp ở 5 điểm cầu

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam vừa công bố chùm chương trình trọng điểm, trong đó có cầu truyền hình Dưới lá cờ Quyết Thắng. Chương trình có 5 điểm cầu - Điện Biên, Hà Nội, Thanh Hóa, Kon Tum và TP Hồ Chí Minh - sẽ được truyền hình trực tiếp tối 5/5/2024 trên kênh VTV1.

Nghề báo