Giám đốc ADB tại Việt Nam: Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 khá tốt

Thứ năm, 28/12/2023 11:57 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong cuộc trò chuyện cùng phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Shantanu Chakrabort - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam nhấn mạnh: Năm 2023 là một năm khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam đối mặt với rất nhiều thách thức từ cả bên trong, lẫn bên ngoài. Dù vậy, Việt Nam vẫn đang làm tốt các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng dần. Nhìn chung, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 là khá tốt so với nhiều quốc gia khác trong khu vực.

+ Năm 2023 chuẩn bị qua đi. Đây được coi là một năm đầy thách thức trong quá trình tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Là người quan sát chặt chẽ, ông đánh giá thế nào về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023?

- Năm 2023 là một năm khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, nền kinh tế đã cho thấy khả năng phục hồi tương đối tốt so với những nền kinh tế khác trong khu vực.

Trong báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á tháng 12/2023, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 5,2% trong năm 2023, giảm so với dự báo 5,8% trong báo cáo hồi tháng 9/2023. Nhìn chung, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 là khá tốt so với nhiều quốc gia khác trong khu vực.

Giải ngân đầu tư công đến cuối tháng 11 đạt 75% kế hoạch chi trong năm, tăng đáng kể 22% so với cùng kỳ. Việc giải ngân vốn đầu tư công tuy còn chậm nhưng đã phần nào thúc đẩy tiêu dùng trong nước ở mức 9,6% trong tháng 11/2023 so với cùng kỳ năm 2022.

giam doc adb tai viet nam tang truong gdp cua viet nam nam 2023 kha tot hinh 1

Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam. Ảnh: VGP

Nền tảng kinh tế vĩ mô vẫn vững vàng với việc nới lỏng tiền tệ kịp thời trong nửa đầu năm, trong khi lạm phát được kiểm soát khá tốt ở mức 3,8%, dưới mục tiêu 4%.

Sự biến động của tỷ giá VND-USD do chênh lệch lãi suất giữa lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và lãi suất điều hành của NHNN được kiểm soát tốt khoảng 3% - 5% trong biên độ điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

+ Ông có nhận xét gì về đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công tại Việt Nam năm 2023?

- Giải ngân đầu tư công đã gia tăng đáng kể giá trị cho tiêu dùng trong nước, và đây cũng là một trong những động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam năm 2023. Đầu tư công đã thúc đẩy doanh số bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng ở mức 9,6% trong tháng 11 năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022.

Tính đến cuối tháng 11, giải ngân vốn đầu tư công đạt 75% kế hoạch chi đầu tư công năm 2023. Mặc dù đây là mức tăng mạnh 22% so với năm 2022 nhưng nó vẫn cho thấy 1/4 ngân sách dự kiến ​​sẽ được chi tiêu trong tháng cuối cùng của năm. Nếu việc triển khai hiệu quả hơn thì đóng góp của nó vào việc phục hồi kinh tế có thể sẽ lớn hơn.

Là một biện pháp kích thích tài khóa, cần ưu tiên đẩy mạnh đầu tư công trong thời gian tới vì Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa với nợ công được kiểm soát tốt ở mức 38% tính đến cuối năm 2022. Các biện pháp tài khóa và đầu tư công sẽ kém hiệu quả hơn dẫn đến kích thích nền kinh tế ít hơn mong đợi nếu bị chậm trễ trong triển khai.

Cần lưu ý thêm rằng mặc dù việc đạt được tỷ lệ giải ngân đầu tư công theo kế hoạch dự kiến ​​là quan trọng, nhưng việc đảm bảo chất lượng đầu tư công cũng quan trọng không kém. Về mặt này, vẫn còn nhiều việc cần phải làm để đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển bền vững trong ngắn hạn và dài hạn của đất nước.

+ Một trong những điểm nhấn khác là FDI. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, dòng vốn FDI dường như bị thắt chặt. Đặc biệt, nhiều quốc gia khác như Ấn Độ và Indonesia đang đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút FDI. Theo ông, đâu sẽ là hướng đi của Việt Nam để tiếp tục thu hút FDI vào các năm sau?

- Trong năm 2023, Việt Nam đã làm tốt công tác thu hút dòng vốn FDI. Mặc dù còn nhiều thách thức đối với thương mại và đầu tư toàn cầu nhưng năm 2023 khu vực FDI cũng cho thấy những dấu hiệu tích cực.

Vốn FDI giải ngân đạt 20,3 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ, là mức tăng 11 tháng cao nhất trong 6 năm qua. Tổng vốn FDI đăng ký tính đến ngày 25/11/2023 ước tính đạt 29 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ.

Một đặc điểm quan trọng của FDI là họ ít phản ứng với những biến động ngắn hạn mà quan tâm nhiều hơn đến lợi ích dài hạn. Hầu hết các nền kinh tế ở châu Á, đặc biệt là ở Đông Nam Á, đều có sự ổn định chính trị và kinh tế vận hành tương đối tích cực. Môi trường kinh doanh cũng được cải thiện đáng kể ở các nền kinh tế trong khu vực.

Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI ở châu Á ngày càng cao, nếu muốn tiếp tục là thị trường dẫn đầu về FDI, điều quan trọng là Việt Nam phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đặc biệt là tăng cường sự minh bạch và đảm bảo sự nhất quán về chính sách.

Về lâu dài, Việt Nam phải tăng cường đầu tư công vào cơ sở hạ tầng để cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tiếp tục là điểm đến thu hút FDI như vận tải đa phương thức, số hóa quy trình hải quan và cung cấp năng lượng sạch.

+ Ông có dự báo gì về kinh tế thế giới và cả Việt Nam trong năm 2024. Đặc biệt, Quốc hội đề ra mục tiêu GDP năm 2024 sẽ đạt trên 6%, liệu mục tiêu này có khả thi và đâu sẽ là yếu tố giúp chỉ tiêu này được hoàn thành?

- Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 được dự kiến là sẽ tăng trưởng chậm hơn so với năm 2023 do những yếu tố bất ổn từ căng thẳng địa chính trị đang ngày càng gia tăng. Việt Nam vẫn phải đối mặt với những tác động tiêu cực của môi trường bên ngoài.

Mặc dù vậy, ADB vẫn lạc quan một cách thận trọng về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong báo cáo mới công bố gần đây, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam ở mức 6% với kỳ vọng sẽ có sự phục hồi nhất định của môi trường bên ngoài và các động lực tăng trưởng trong nước sẽ tiếp tục đà từ năm 2023.

Ổn định kinh tế vĩ mô nhờ chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thận trọng đã và đang là nền tảng vững chắc để duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới. Để tạo ra xung lực mạnh hơn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần phải đảm bảo việc phối hợp thực hiện các chính sách này một cách có hiệu quả hơn. Các động lực tăng trưởng chủ yếu của kinh tế Việt Nam trong năm 2024 sẽ là đầu tư công, tiêu dùng nội địa và phục hồi xuất khẩu.

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công tương đối lớn khoảng 30 tỷ đô-la vào cơ sở hạ tầng có chất lượng sẽ kích thích mạnh mẽ các hoạt động kinh tế. Mặt khác, sẽ hỗ trợ cho các ngành công nghiệp xây dựng và khai khoáng, mang lại nhiều hơn cơ hội việc làm.

Để hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp, cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp tài khóa khác như cắt giảm 2% VAT và việc giảm VAT phải được áp dụng cho đến cuối năm 2024 chứ không phải trước ngày 30/6/2024. Bên cạnh đó, Chính phủ có thể xem xét tăng cường các biện pháp an sinh xã hội để hỗ trợ cho thị trường lao động, bao gồm trợ cấp thất nghiệp hoặc khuyến khích đào tạo lại kỹ năng.

Tiêu dùng trong nước có thể được thúc đẩy nhờ nhu cầu gia tăng từ việc áp dụng các biện pháp tài khóa, được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ phù hợp để giữ lãi suất ở mức tương đối thấp. Trong ngắn hạn, cần mở rộng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cần mang tính hỗ trợ.

giam doc adb tai viet nam tang truong gdp cua viet nam nam 2023 kha tot hinh 2

Cuối cùng, trong khi thị trường toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2024, Việt Nam cần có những chính sách khuyến khích mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh khai thác các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Các doanh nghiệp trong nước cần nắm bắt cơ hội để đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực cạnh tranh và tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa những cải cách về môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm thu hút nhiều hơn nữa dòng vốn FDI. Trong dài hạn, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư công vào cơ sở hạ tầng để cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững.

+ Xin chân thành cảm ơn ông!

Việt Vũ (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

Nam Định: Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng

Nam Định: Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng

(CLO) 4 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tỉnh Nam Định tăng 13,27% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng cao nhất từ 2019 đến nay; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,57%.

Kinh tế vĩ mô
Vì sao càng chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước càng quản giá vàng lại càng tăng?

Vì sao càng chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước càng quản giá vàng lại càng tăng?

(CLO) GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội đặt câu hỏi: Phải chăng là đấu thầu lại đang là nhân tố để làm cho giá vàng trên thị trường tăng lên. Xóa bỏ độc quyền vàng miếng, trả vàng trang sức về cho thị trường.

Kinh tế vĩ mô
Ninh Bình xúc tiến đầu tư, thương mại tại Vương quốc Bỉ

Ninh Bình xúc tiến đầu tư, thương mại tại Vương quốc Bỉ

(CLO) Tiếp tục chương trình công tác tại một số quốc gia ở châu Âu, Đoàn công tác của HĐND tỉnh Ninh Bình do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Tuất làm Trưởng đoàn đã có các buổi làm việc với các tổ chức tại Vương quốc Bỉ.

Kinh tế vĩ mô
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 'Chính phủ đang rất quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công'

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: "Chính phủ đang rất quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công"

(CLO) Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương vừa có một số chia sẻ về tình hình giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2024.

Kinh tế vĩ mô
Kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình có nhiều khởi sắc

Kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình có nhiều khởi sắc

(CLO) Nhờ triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, nên nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024 tỉnh Thái Bình có nhiều chuyển biến tích cực.

Kinh tế vĩ mô