GS Nguyễn Minh Thuyết: Không cho học sinh viết vào sách giáo khoa là một chủ trương sai lầm!

Thứ sáu, 11/09/2020 19:10 PM - 0 Trả lời

(CLO) Chủ trương không được viết vào sách giáo khoa là một chủ trương sai lầm, từ đó sinh ra các sách bổ trợ dẫn tới phát  sinh nhiều tốn kém cho phụ huynh.

Đầu năm học mới, phụ huynh lại nháo nhác đi mua sách vở cho học sinh. Năm nay, lớp 1 bắt đầu học chương trình phổ thông mới vì thế mang đến nhiều bỡ ngỡ, thậm chí là hoang mang khi phụ huynh phải bỏ ra hơn 800 ngàn đồng để mua đủ sách vở thiết yếu phục vụ học tập.

Trong bối cảnh đời sống kinh tế, xã hội khó khăn vì dịch COVID -19 thì số tiền trên là rất lớn. Thậm chí, so sánh số tiền phụ huynh bỏ ra để mua sách giáo khoa và tài liệu học tập của chương trình phổ thông cũ và mới thì nhiều người sẽ giật mình vì con số chi phí tăng chóng mặt.

Ở khía cạnh chuyên môn các chuyên gia cho rằng, ngoài sách giáo khoa các sách bổ trợ đối với học sinh cũng vô cùng cần thiết. Do đó, nói là tự nguyện nhưng học sinh cần thiết phải mua để phục vụ học tập không khác gì bắt buộc.

Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân đằng sau việc cần phải có nhiều sách, vở tài liệu như hiện nay, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có trao đổi với GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (ảnh nguồn internet).

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (ảnh nguồn internet).

Hiện nay nhiều ý kiến cho rằng đang có tình trạng có nhiều sách, vở được bán kèm theo sách giáo khoa khiến chi phi chi tiêu của phụ huynh cao đột biến. Ông có thể lý giải nguyên nhân vì sao lại xảy ra tình trạng này?

Trước hết có hai loại tài liệu kèm theo sách giáo khoa mà ta phải phân biệt là sách bổ trợ và sách tham khảo.

Sách bổ trợ là vở bài tập. Ở môn Tiếng Việt có vở bài tập và vở tập viết. Các sách bổ trợ thì học sinh cần phải có. Vì học sinh không được phép viết vào sách giáo khoa.  Có vở bài tập, học sinh đỡ mất công chép bài, làm bài tập nhanh. Vở tập viết thì đã  viết hoa sẵn hoặc viết chữ hoa mờ cho các em nên các em chỉ cần tô vào rất tiện lợi.

Sách bổ trợ không bắt buộc mua nên tùy vào điều kiện và quan niệm mà các gia đình tự quyết định. Các nhà trường không được bắt ép.

Sẽ có thể có những học sinh không mua vở tập viết mà mua vở ô ly trắng. Nhưng hiện nay giá của vở ô ly trắng không rẻ hơn giá vở tập viết. Tuy nhiên, đây là quyền của phụ huynh lựa chọn.

Còn sách tham khảo là để mở rộng hiểu biết, giúp luyện tập thêm. Sách này mức độ cần thiết không bằng các sách bổ trợ.

Theo tôi các trường, các công ty phát hành có thể bán sách giáo khoa kèm sách bổ trợ. Còn gia đình nào bảo không cần thì không mua cũng được.

Bán kèm là để tạo thuận lợi cho phụ huynh mua, tránh mất thời gian vào việc đi tìm kiếm. Sách bổ trợ rất cần nên cần được bán kèm sách giáo khoa nhưng nhà trường phải trao đổi với phụ huynh là có thể mua hay không mua.

Còn sách tham khảo tuyệt đối không được bán kèm sách giáo khoa. Phụ huynh, học sinh có nhu cầu thì mua tại hiệu sách. Nhưng ở các hiệu sách hiện có quá nhiều loại sách tham khảo nên phụ huynh học sinh sẽ không nắm được nên mua loại nào.

Cho nên nhà trường có thể hướng dẫn danh sách riêng để học sinh, phụ huynh mua đúng sách.

Hiện một số nơi hiệu trưởng nhà trường lập danh sách các bổ trợ bán kèm rồi bị kỷ luật, phê bình, ông bình luận gì về vấn đề này?

Theo tôi, không thể kỷ luật, phê bình thầy cô trong chuyện này được nếu họ chỉ gợi ý thôi, còn mua hay không là việc của phụ huynh. Khi nào các nhà trường bắt ép phụ huynh phải mua lúc đó mới kỷ luật.

Các trường nên nói rõ, sách bổ trợ là bổ trợ, sách tham khảo là tham khảo. Tuyệt đối không bắt ép phụ huynh mua.

Sách bổ trợ quan trọng như vậy, tại sao không có những chính sách bán sách phù hợp hơn với học sinh mà lại duy trì chiết khấu % cao cho trung gian như hiện nay?

Dư luận trước đây gây sức ép nên mới có quy định không để cho học sinh viết vào sách giáo khoa. Vì quy định đó nên mới sinh ra vở bài tập để học sinh viết vào.

Tôi cho rằng, chủ trương không cho học sinh viết vào sách giáo khoa là chủ trương sai. Vì học sinh bị cấm viết vào sách giáo khoa nên buộc phải mất thêm mấy chục nghìn mua sách bổ trợ.

Tự nhiên vừa làm phụ huynh tốn tiền vừa khiến học sinh phải đeo cặp nặng hơn.

Do đó, các cấp lãnh đạo từ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu lại. Không nên chiều dư luận để ra một quy định thiếu thực tế như vậy.

Về phát hành sách thì bao giờ cũng có chiết khấu. Đây là chuyện phát hành của các nhà xuất bản. Hiện nay, quyền chọn sách tham khảo, sách bổ trợ là quyền của phòng giáo dục, chẳng phải của các trường nên xử lý các nhà trường là oan cho nhiều thầy cô.

Cần phải kiểm tra xem các phòng, sở lấy sách từ đâu đưa vào nhà trường. Hiện nhiều sách tham khảo không phù hợp với bộ sách mà học sinh đang theo học. Do đó, lôi các nhà trường ra xử lý là không đúng vì chuyện mua sắm sách bổ trợ, sách tham khảo là do phòng, sở quyết định.

Trinh Phúc

Tin khác

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

(CLO) Năm học 2023-2024, toàn tỉnh Bắc Ninh có 17.296 học sinh lớp 12 (tăng hơn 1 nghìn học sinh lớp 12 so với năm 2023), cùng với khoảng 400 thí sinh tự do sẽ đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Giáo dục
Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

(CLO) Đại học Quốc gia Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh thí điểm hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực từ năm học 2024-2025 theo cơ chế đặt hàng.

Giáo dục
Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Theo quy định, thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi, vì vậy cần cẩn trong khi thực hiện điền các thông tin.

Giáo dục
Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục
Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

(CLO) Tại buổi họp báo chiều 25/4, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM Lê Hoài Nam đã thông tin về sự việc trẻ bị cô giáo đánh tại lớp mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM).

Giáo dục