Hà Giang: Nỗi lo từ “cơn sốt” “đại thủy điện”

Thứ tư, 18/07/2018 06:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hà Giang vốn được mệnh danh là “Miền đá xám”, “cơn sốt” “Đại công trường” và “Đại khai khoáng” chưa được gột rửa hình ảnh thì nay đất này lại bước vào “cơn sốt” “Đại thủy điện” cùng những ẩn họa và nỗi lo khôn lường cho 22 dân tộc anh em sinh sống trên đây.

Khi lợi thế bị… lạm dụng

Với lợi thế về độ cao và độ dốc cùng hệ thống các sông như Lô, Gâm, Chảy, Nho Quế nên trong quá trình tìm kiếm nguồn năng lượng đang ngày một khan hiếm là điện thì Hà Giang - miền đất phên dậu nơi địa đầu cũng nhanh chóng được nhòm ngó. Các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đổ về, săm soi, kiếm tìm và chỉ trong 1 thời gian ngắn, bất chấp nhiều lời cảnh báo của các chuyên gia, thay cho bản đồ rối mắt về khoáng sản, về tình trạng ô nhiễm môi trường dạo nào thì nay bản đồ của tỉnh nghèo có 12 huyện, thành phố này lại rối mắt với những điểm đánh dấu đỏ chót về thủy điện.

Ngành ngành, người người, nhà nhà lao vào làm thủy điện và chỉ trong 1 thời gian ngắn tỉnh này đã cho ra đời đến gần 80 thủy điện đủ loại kích cỡ; cái nhỏ vài chục, cái to đến cả trăm “mê – ga – oát” (MW). Chỉ tính riêng con sông Lô, đoạn chảy qua địa phận tỉnh Hà Giang trên 100km đã có 6 thủy điện được ngăn dòng, be đập hình thành; và số lượng thủy điện trên dòng chảy này tiếp tục được “khai sinh” trong thời gian tới.

Báo Công luận

Ra ngõ… gặp thủy điện là một thực tế hiện nay ở Hà Giang.

Phát triển thủy điện theo như chủ trương đã dẫn đến việc đầu tư tràn lan và yếu kém về quản lý môi trường, đem đến cho thiên nhiên Hà Giang những ảnh hưởng. Thậm chí việc cấp phép, không tính đến những quy hoạch dài hạn đã tạo ra những hệ lụy phải giải quyết lâu dài sau này. Đơn cử như Thủy điện Nho Quế 1, được cấp phép với tổng mức đầu tư lên đến trên 1.000 tỷ đồng. Sau khi Thủy điện Nho Quế 1 được cấp phép đầu tư thì Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận Di sản Quốc tế. Lúc này các lãnh đạo Hà Giang mới… “giật mình” vì đã “vô tình” đặt bút ký, chấp thuận đầu tư vào nơi “nhạy cảm” nhất?! Chuyện “cầm đèn” chạy trước… quy hoạch và quy hoạch thủy điện không căn cứ vào tổng thể này đã dẫn đến những khiếu nại, lình xình trong 1 thời gian dài. 

Hiện nay, theo ước tính, để có nước cho các thủy điện hoạt động, đã có nhiều diện tích rừng bị nước nhấn chìm để biến thành hồ chứa cho thủy điện. Xin nhắc lại, với Hà Giang, ai cũng biết đấy là miền Cao nguyên đá nên rừng là báu vật. Sự đánh đổi giữa rừng và nguồn lợi thu được từ thủy điện hiện có tương xứng và có sức sống dài hay không, đang là một câu hỏi rất lớn.

Thủy điện chưa biết sẽ cho tỉnh những nguồn thu gì nhưng rõ một điều là rừng bị mất, đất canh tác bị thu hẹp, thủy điện nhiều nơi còn gây ngập úng cục bộ, sạt lở bờ đập, cùng với đó là sự tăng lên của tình trạng kiện cáo – việc ít xảy ra đối với những người dân nghèo thuần phác sống trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Nỗi lo về nợ

Tuy vẫn coi thủy điện là một trong 4 mũi nhọn về kinh tế để tạo sự đột phá cho tỉnh nghèo nhưng đến thời gian này, nhiều cơ quan ban ngành của Hà Giang bắt đầu ngán ngẩm với thủy điện mà trong đó phải kể đến tiền nợ dịch vụ môi trường rừng theo quy định bắt buộc đối với mỗi thủy điện.

Gần đây, đứng trước sự chây ì, không như cam kết ban đầu của các chủ đầu tư về tiền dịch vụ môi trường rừng, cực chẳng đã, UBND tỉnh Hà Giang đã phải soạn thảo công văn gửi Bộ Công Thương và các ngành của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn xin phối hợp để… đòi nợ. Tinh thần công văn này cho biết, hiện nay các nhà máy thủy điện đi vào hoạt động đã nợ dân quá nhiều phí dịch vụ môi trường rừng và không có khả năng đòi được.

Báo Công luận
 

Báo Công luận

Thủy điện đang được coi là tác nhân có tác động lớn đến môi trường. 

Trên địa bàn huyện Quản Bạ, Nhà máy thủy điện Thái An được coi là có công suất lớn, với 82 MW. Tuy nhiên, đối nghịch với những bề thế này thì chỉ trong vòng mấy năm ngắn ngủi tích nước để phát điện lấy lợi nhuận, nhà máy đã rơi vào tình trạng chây ì, nợ tiền phí dịch vụ môi trường rừng.

Để có rừng, có nước cho Thủy điện Thái An hoạt động, hơn 9.000 hộ dân của huyện Quản Bạ và một phần dân huyện Yên Minh đã ngày đêm bỏ công, bỏ sức ra để bảo vệ 25,3 nghìn ha rừng. Tuy nhiên, khi đã có thu, nhà máy này đã quên dân và không hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ dịch vụ môi trường với họ.

Đốc nợ và kêu gọi các ban ngành phối kết hợp đòi nợ, nhưng số nợ về tiền dịch vụ môi trường của thủy điện này với dân vẫn còn lên đến hơn 4 tỷ đồng. Dùng tất cả các sức mạnh và khả năng đòi nợ thì đến thời điểm tháng 1 / 2018 Thủy điện Thái An mới “mở lòng” trả được cho dân 500 triệu đồng.

Báo Công luận
 Một trong những công văn thúc nợ dịch vụ môi trường rừng của Hà Giang

Ở miền đất này hiện nay đang tồn tại hiện tượng: thủy điện càng to càng nợ nhiều và càng to thì càng… chây ì. Tương tự như Thủy điện Thái An, Cty TNHH thủy điện Nho Quế 3 ngày xây dựng cũng hứa hẹn với tỉnh, với dân trên đây nhiều thứ trong đó có tiền dịch vụ môi trường rừng, công ăn việc làm thì nay cũng rơi vào tình trạng nợ. Số tiền nợ gần 5 tỷ cho quý 3 năm 2017 và quý 4 cũng như các quý tiếp theo của năm 2018 có lấy được hay không đang là cả một vấn đề.

Vấn đề về thủy điện trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã đến lúc cần phải xem lại. Nhưng ai và ban ngành nào sẽ có trách nhiệm để “xem lại” vấn đề này còn là cả một lộ trình và những câu hỏi mà sự trả lời sẽ dễ hình dung: Rất khó!

Bài và ảnh: Đơn Thương        

 

Tin khác

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

(CLO) Từ 25/3/2019, Đồng Nai sẽ đồng loạt tăng hệ số điều chỉnh giá đất lên mức cao so với năm 2018, trong đó nhiều khu vực có hệ số giá đất được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi.

Địa phương
Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

(CLO) Ngày 26/3, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội nghị lần thứ 18 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng quý I-2019; đồng thời bầu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.

Địa phương
Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

(CLO) Ngày 26/3, UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng.

Địa phương
Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

(CLO) Cơ quan công an TP. Huế đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng lên mạng xã hội Facebook viết status không đúng sự thật, nhằm bôi nhọ gây ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng Cảnh sát Giao thông.

Địa phương
Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

(CLO) Một cá thể rùa biển quý hiếm có trọng lượng khoảng 60 kg vừa được thả về môi trường tự nhiên tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Địa phương