Hà Nội cần tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính trong nhiệm kỳ tới

Thứ hai, 12/10/2020 21:38 PM - 0 Trả lời

(CLO) Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho rằng, việc “Huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững, xứng đáng vai trò đầu tàu của Hà Nội trong phát triển kinh tế Vùng và cả nước” có ý nghĩa quyết định đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản tham luận tại Đại hội

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản tham luận tại Đại hội

Bài liên quan

Tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ TP Hà Nội diễn ra hôm nay (12/10), Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP đã trình bày tham luận về nội dung “Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững, xứng đáng vai trò đầu tầu của Hà Nội trong phát triển kinh tế cả nước”.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho biết, trong 5 năm qua, Hà Nội đã vượt qua các khó khăn, thách thức, tận dụng lợi thế và đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế liên tục tăng trưởng và đạt mức khá trong cả nhiệm kỳ. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3-7,8%) và cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (6,93%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng; khu vực nông nghiệp giảm còn khoảng 2,09%.

Giai đoạn 5 năm (2016 - 2020), tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của Thủ đô ước đạt 1,74 triệu tỷ đồng, gấp 1,65 lần giai đoạn 2011 - 2015. Cơ cấu vốn đầu tư phát triển dịch chuyển rõ nét, khu vực nhà nước giảm từ 43,44% năm 2015 xuống khoảng 33,88% năm 2020; khu vực ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài tăng nhanh. Năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,67 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, là năm thứ 2 liên tiếp dẫn đầu cả nước; lũy kế giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 25 tỷ USD, gấp 3,9 lần giai đoạn 2011 - 2015. Toàn thành phố đã thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách với trên 2.775 dự án, vốn đăng ký trên 1,4 triệu tỷ đồng. Xã hội hóa đầu tư được đẩy mạnh, nhất là đối với các lĩnh vực: cấp nước, bãi đỗ xe, xử lý chất thải, nước thải, hạ tầng công nghệ thông tin, giáo dục, y tế... Đầu tư công được thực hiện tập trung, cơ bản khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng đều từ năm 2015 lên năm 2020.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản, ngân sách Nhà nước cùng với nguồn lực của các doanh nghiệp đã đầu tư hoàn thành nhiều công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô như: Đường vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy; Nút giao thông trung tâm quận Long Biên; Đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; các công trình chống ùn tắc trong nội đô (cầu vượt nút giao An Dương, cầu vượt ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, nút giao Cổ Linh). Các khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang được xây dựng như: Đô thị mới Tây Mỗ; Đô thị mới Gia Lâm... đã tạo nên không gian đô thị, diện mạo mới cho Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho rằng, việc huy động các nguồn lực cho phát triển, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội có vai trò rất quan trọng, bao gồm: Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn ngoài ngân sách, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (đầu tư trực tiếp và gián tiếp). Việc “Huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững, xứng đáng vai trò đầu tầu của Hà Nội trong phát triển kinh tế Vùng và cả nước” có ý nghĩa quyết định đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, giai đoạn 2021 - 2025, trung bình từ 7,5-8,0%, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản, nhu cầu vốn đầu tư phát triển 5 năm (2021 - 2025) của Hà Nội là khoảng 3,1-3,2 triệu tỷ đồng, gấp 1,8 lần giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, tỷ trọng khu vực ngoài nhà nước khoảng 53%; khu vực đầu tư nước ngoài khoảng 15%; vốn đầu tư của khu vực nhà nước đáp ứng khoảng 32% (bao gồm vốn ngân sách nhà nước; vốn tự có của các doanh nghiệp nhà nước; vốn vay; vốn huy động khác). 

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản nhận định: Tỷ trọng vốn ngân sách nhà nước (Thành phố và Trung ương trên địa bàn) ngày càng giảm trong tổng vốn đầu tư xã hội, không đáp ứng đủ để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Vì vậy, Thành phố cần tập trung huy động tất cả các nguồn lực từ doanh nghiệp trong và ngoài nước, từ dân cư, từ đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ kêu gọi vốn ODA... để thực hiện các mục tiêu phát triển giai đoạn 2021 - 2025. Do vậy, trong nhiệm kỳ tới, Hà Nội cần tập trung vào 05 nhóm giải pháp chính như sau:

Thứ nhất, thực hiện giải pháp chung xuyên suốt là đẩy mạnh cải cách TTHC; ứng dụng CNTT, chính quyền điện tử; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và chỉ số PCI. Trong đó, cần tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giảm chi phí thực hiện các TTHC. Rà soát, đơn giản các quy trình xử lý các hồ sơ, thủ tục liên quan đến đầu tư ngoài ngân sách, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước nói chung, đặc biệt là hệ thống dữ liệu về đất đai, dự án đầu tư trên địa bàn. Nâng cao tỷ lệ và chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn doanh nghiệp và người dân.

Thứ hai, đó là xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 có chất lượng và nâng cao hiệu quả đầu tư công; đầu tư có trọng tâm trọng điểm; quản lý chặt chẽ; đảm bảo tiến độ thực hiện, giải ngân nhanh và sớm đưa dự án vào hoạt động phát huy hiệu quả. Trong đó, nguồn vốn ngân sách (của Thành phố và vốn của Trung ương trên địa bàn) tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thực hiện tốt vai trò là vốn mồi để thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách và vốn đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển trên địa bàn. Ngân sách Thành phố tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu của Thành phố, các công trình trọng điểm, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đảm bảo khai thác nguồn vốn ngân sách để cân đối cho các dự án đầu tư...

Thứ ba, đó là đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách; mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các dự án sản xuất, kinh doanh. Thành phố cần hoàn thành quy hoạch chung xây dựng; lấp đầy các quy hoạch phân khu còn lại và công khai rộng rãi cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển. Đẩy mạnh thực hiện đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ, hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường. Kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tập trung, tạo mặt bằng mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững. Khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên các lĩnh vực nhằm giải quyết ùn tắc giao thông và môi trường dân sinh bức xúc. 

Thứ tư, là chuẩn bị tốt các điều kiện đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tạo điều kiện tốt nhất để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các tổ chức tài chính quốc tế. Trong đó, Thành phố cần thực hiện thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc, tập trung cho các dự án đầu tư có chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh nhất là từ các tập đoàn quy mô lớn, xuyên quốc gia. Khuyến khích các dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực CNTT, phát triển nông nghiệp, thực phẩm sạch an toàn; phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ tài chính, ngân hàng nhằm huy động có hiệu quả nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế xã hội Thủ đô theo mô hình tăng trưởng bền vững. Ưu tiên thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia thuộc top 500 hàng đầu; chỉ áp dụng các chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI có cam kết chuyển giao công nghệ. Đồng thời với việc thu hút đầu tư các dự án mới, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, phấn đấu tỷ lệ đạt từ 60% vốn đăng ký trở lên.

Thứ năm, đó là phát huy yếu tố văn hóa trong phát triển kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước để huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững, xứng đáng vai trò đầu tầu của Hà Nội trong phát triển kinh tế Vùng và cả nước. Các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã cần xây dựng kế hoạch, có biện pháp cụ thể để chỉ đạo, điều hành việc huy động nguồn lực trong giai đoạn 2021 - 2025. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, khai thác tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Minh Chí

Tin khác

Chính phủ kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, kiên định mục tiêu đề ra

Chính phủ kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, kiên định mục tiêu đề ra

(CLO) Nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo, điều hành là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, kiên định mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, Chính phủ sẽ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. 

Tin tức
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV: Xem xét, thảo luận kỹ lưỡng để công tác nhân sự chặt chẽ, đúng quy định

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV: Xem xét, thảo luận kỹ lưỡng để công tác nhân sự chặt chẽ, đúng quy định

(CLO) Liên quan đến công tác nhân sự tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các vị đại biểu Quốc hội xem xét, thảo luận kỹ lưỡng để việc quyết định công tác nhân sự đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao.

Tin tức
Đoàn công tác xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Bình dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp

Đoàn công tác xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Bình dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp

(CLO) Nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), trong chuyến công tác tại Pháp, đoàn công tác xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Bình do Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Thành làm trưởng đoàn tổ chức dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Tượng đài Bác Hồ ở Công viên Montreau (Pháp).

Tin tức
Sáng nay, Quốc hội khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7

Sáng nay, Quốc hội khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7

(CLO) Sáng nay (20/5), thực hiện quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV sẽ khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Tin tức
Đại tướng Phan Văn Giang thăm, tặng quà gia đình chính sách tại Quảng Trị

Đại tướng Phan Văn Giang thăm, tặng quà gia đình chính sách tại Quảng Trị

(CLO) Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024) và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2024), ngày 19/5, Đoàn công tác của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng do Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Tin tức