Hà Nội: Chợ lao động tự do lay lắt giữa đại dịch Covid-19

Thứ năm, 13/05/2021 12:36 PM - 0 Trả lời

(CLO) Tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến đời sống của hàng triệu lao động bị ảnh hưởng, nhiều lao động tự do thu thập vốn đã bấp bênh nay càng lâm vào tình cảnh khốn khó.

Giữa những ngày hè nắng như thiêu như đốt ở Hà Nội, tại khu vực chân cầu Mai Động, một tốp người ngồi vật vã ven đường, trên khuôn mặt lộ vẻ mệt mỏi, lo lắng. Họ là những lao động tự do từ khắp các tỉnh lân cận đổ về Hà Nội làm thuê, bán sức lao động tại khu “chợ người” này.

Cùng với các khu chợ lao động tự do khác như khu dốc Bưởi, gầm cầu vượt Mai Dịch, chợ Nhật Tân, khu vực cầu Mai Động (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) từ lâu đã trở thành nơi tập trung lao động tự do đến từ nhiều địa phương, đa phần là từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An…

Tình hình dịch bệnh khiến nhiều lao động tự do thiếu việc làm

Tình hình dịch bệnh khiến nhiều lao động tự do thiếu việc làm

Tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều lao động ở các tỉnh lân cận lâm vào tình cảnh thất nghiệp, nhiều người đành kéo nhau ra Hà Nội mong tìm được công việc nuôi sống gia đình. Thế nhưng, trong tình cảnh dịch bệnh phức tạp, không ít người lao động cả ngày không kiếm nổi một việc làm.

Ông Nguyễn Văn Hải, một lao động tự do quê ở Như Thanh, Thanh Hóa ngậm ngùi tâm sự, ở quê gia đình ông canh tác 5 sào lúa, thu nhập thấp lại không có việc để làm thêm nên ông cùng vài người trong làng lên Hà Nội tìm việc, từ đầu năm đến nay dịch bệnh liên miên khiến công việc rất bấp bênh, có ngày không một ai thuê làm.

“Tôi vốn làm nghề thợ sơn, thời điểm này ở quê chưa đến mùa gặt nên tranh thủ lên Hà Nội tìm việc kiếm sống, tuy nhiên năm nay dịch bệnh liên miên, kinh tế khó khăn nên người dân không mấy sửa sang nhà cửa, thành thử kiếm được việc rất khó, có những ngày ngồi cả buổi không một ai đến thuê nên giờ ai mướn gì tôi đều nhận làm, miễn có việc là tốt lắm rồi”, ông Hải cho biết.

Đa phần những lao động này đều là người lớn tuổi từ các tỉnh lân cận

Đa phần những lao động này đều là người lớn tuổi từ các tỉnh lân cận

Cùng chung hoàn cảnh, ông Lê Văn Toàn, quê ở Tiền Hải, Thái Bình cho biết, trước kia trung bình mỗi ngày có thể kiếm được 300-400 nghìn đồng thì nay chỉ còn chưa được một nửa, thậm chí có hôm ngồi vạ vật cả ngày mà không có việc.

“Những người lao động tại đây thường là những người đã quá độ tuổi lao động, không nơi nào tuyển dụng nên tập trung lại chỗ này để tìm việc lao động chân tay, cũng vì cuộc sống mưu sinh cả nên ai thuê gì làm nấy, bất kể giờ giấc. Giờ dịch bệnh Covid nên rất ít người thuê chúng tôi làm, thu nhập cũng từ đó mà giảm sút nhiều”, ông Toàn tâm sự.

Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt hàng ngày, ông Toàn cho biết, ông và 7 người cùng làng phải thuê chung một căn phòng trọ với diện tích vỏn vẹn 10m2 tận tít trong một ngách sâu ở . Hàng ngày, cứ tầm hơn 6h sáng là họ ra khu cầu Mai Động ngồi đợi người thuê, tối về trải chiếu ngủ dưới đất. Do thu nhập bấp bênh nên cuộc sống vô cùng vất vả, thiếu thốn.

Tại “chợ lao động” Vườn hoa Hà Đông (quận Hà Đông), tình trạng khan hiếm việc làm cũng khiến nhiều lao động tại đây rơi vào tình cảnh lao đao. Nếu trước kia, người thuê lao động đến gọi đi làm nườm nượp thì nay chỉ cần có một ai đó đến là cả một đoàn người lao ra nhao nhao giới thiệu.

Bắt chuyện với ông Đinh Văn Hiên, quê ở Giao Thủy, Nam Định thì được biết, mấy ngày qua nhiều lao động tại đây không có việc làm vì không ai đến thuê.

“Kinh tế vốn đã khó khăn, người dân cũng tiết kiệm chi tiêu, giờ thêm cái dịch Covid này nữa thành thử kiếm được việc đợt này rất khó khăn, người đông mà việc làm lại ít, năm thì mười họa mới có người đến thuê nên ai cũng lo cả, cứ cái đà như này thì không biết lấy gì để sống chứ đừng nói là kiếm tiền gửi gia đình”, ông Hiên cho biết.

Tại khu chợ này có không ít lao động là nữ giới từ các địa phương đổ về, do công việc làm nông mang tính thời vụ nên họ tranh thủ lên thành phố tìm việc làm cải thiện thu nhập cho gia đình. Họ có thể làm bất cứ công việc gì liên quan đến tay chân vào mọi thời điểm trong ngày, chỉ cần khách hàng có nhu cầu là họ sẽ nhận lời.

“Giờ dịch bệnh như này nên người dân họ sợ tiếp xúc với người lạ, với lại học sinh được nghỉ học nên nhiều người họ nghỉ việc ở nhà trông con, tiện làm luôn việc nhà, đâm ra những người làm giúp việc theo giờ như tôi lâm vào tình cảnh thất nghiệp theo”, bà Đinh Thị Qùy, quê ở Giao Thủy, Nam Định ngậm ngùi cho biết.

Bà Qùy cũng cho biết thêm, ở quê giờ chẳng có việc gì làm ra tiền, ruộng đồng chưa đến vụ gặt, công việc phụ không có nên bà phải cố bám trụ lại Hà Nội nhằm có tiền nuôi các con ăn học. Kể từ khi có dịch bệnh xảy ra, thu nhập giảm sút, phải cố gắng thắt lưng buộc bụng bà mới có một ít tiền gửi về quê.

Đang ngồi chia sẻ về tình hình công việc của lao động thời vụ với bà Qùy, một nhóm gần chục người vội vàng tản ra xung quanh khi thấy một chiếc xe của Công an phường Nguyễn Trãi đi qua. Bà Qùy cho biết để đảm bảo công tác phòng dịch, công an phường cấm tụ tập đông người tại đây nên mỗi người thường ngồi cách nhau một đoạn, nhiều lúc buồn quá mới ngồi quây quần lại tâm sự cho vơi nỗi lòng.

Mặt trời đã xuống bóng, phố xá đã lên đèn nhưng những người lao động tự do tại đây vẫn cố gắng ngồi chờ có người đến thuê để bán sức lao động. Sự mệt mỏi của một ngày dài chờ đợi, nỗi thất vọng hiện lên trên mỗi gương mặt người lao động nơi đây. Họ chỉ mong muốn dịch bệnh sớm qua, cuộc sống trở lại bình thường để không còn lay lắt giữa Thủ đô kiếm sống.

Nguyên Bá

Tin khác

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

(CLO) Ngày 31/7/2008, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải phòng đã ban hành Quyết định số 1214/QĐ-UBND về việc cho thuê các ki ốt khán đài sân vận động huyện... Tuy nhiên, sau 16 năm thực hiện chính sách “xã hội hóa”, vẫn còn một số bất cập cần được làm rõ và khắc phục.

Điều tra
Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

(CLO) Ở mỗi gói thầu tham dự khác nhau, Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai lại thể hiện một hồ sơ năng lực với doanh thu khác nhau?

Điều tra
Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

(CLO) Ngay sau phản ánh của báo Nhà báo & Công luận, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã ban hành quyết định thu hồi Quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với ông Nguyễn Văn Nam.

Điều tra
Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

(CLO) Thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh An - Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội đã ký hàng loạt gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Điều tra
Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh 'bóng cười'?

Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh "bóng cười"?

(CLO) Mặc dù từng bị xử phạt do kinh doanh quá giờ quy định, thế nhưng quán bar Aplus có địa chỉ tại số 78 Yên Phụ, phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) không những không tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà còn tiếp tục tái diễn, ngang nhiên kinh doanh “bóng cười”….

Điều tra