Hà Nội đề xuất kéo dãn cách ly xã hội đến 30/4: Cần nới lỏng có kiểm soát

Thứ tư, 15/04/2020 14:25 PM - 0 Trả lời

(CLO) Trước thông tin lãnh đạo TP. Hà Nội đề nghị Chính phủ cho phép kéo dài cách ly xã hội đến hết tháng 4, nhiều chuyên gia cho rằng đây là biện pháp hợp lý khi dịch bệnh Covid-19 vẫn có diễn biến khó lường. Tuy nhiên, cũng cần nới lỏng nhưng, phải được kiểm soát tại một số hoạt động trên địa bàn.

Cách ly xã hội 15 ngày chưa phải là nhiều

PGS,TS Trần Đắc Phu, cố vấn của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), cho rằng, cách ly xã hội 15 ngày chưa phải là nhiều, có những nước còn thực hiện cả tháng, thậm chí gần như phong tỏa. Tuy nhiên, tùy tình hình dịch bệnh, mỗi quốc gia sẽ áp dụng phù hợp.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thì việc Việt Nam thực hiện cách ly xã hội bắt đầu từ ngày 1/4 đến 15-4 nhằm mục đích ngăn chặn kịp thời sự lây lan của dịch trong cộng đồng. Nhưng để nói việc giảm số trường hợp mắc COVID-19 trong những ngày qua là hiệu quả của cách ly xã hội thì chưa đủ.

Phố Hàng Cót vắng lặng người qua lại trong thời điểm cách ly toàn xã hội

Phố Hàng Cót vắng lặng người qua lại trong thời điểm cách ly toàn xã hội

Nhất là những ngày gần đây, mặc dù Việt Nam đã ghi nhận thêm một số ít ca dương tính với virus SAR-COV-2, điều này cho thấy công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đang phát huy có hiệu quả. Tuy nhiên, lại xuất hiện một số ca nhiễm bệnh bị mất dấu F0 và có sự lây lan trong cộng đồng.

Như với trường hợp của bệnh nhân số 243 (ở Mê Linh, Hà Nội) có hành trình rất dày đặc, từ ngày 12/3 cho đến 6/4 được cho là ca bệnh mất dấu khi hiện chưa tìm thấy ca số 0. Chưa kể đã có 1 thôn cùng rất nhiều nhân viên y tế có tiếp xúc với bệnh nhân bị cách ly.

Các nhân viên y tế phong tỏa khu vực có người nhiễm bệnh (ảnh TL)

Các nhân viên y tế phong tỏa khu vực có người nhiễm bệnh (ảnh TL)

Theo các chuyên gia, những biểu hiện này cho thấy sẽ khó có thể khẳng định hoàn toàn không còn bệnh nhân (nguồn lây) nào ngoài cộng đồng. Thực tế ở châu Âu và các nước có số lượng ca bệnh lớn, số phát hiện được chỉ bằng 20% số mắc thực tế.

Tại Việt Nam do khoanh vùng bệnh nhân hiệu quả nên tỉ lệ về số phát hiện được lớn hơn nhiều, nhưng việc xuất hiện các ca bệnh không rõ nguồn như ca bệnh 243, ca bệnh nhân người Thụy Điển, ca bệnh người Hàn Quốc ở Bình Dương... cho thấy nguồn lây có trong cộng đồng.  Với tình huống này, sẽ có những ca bệnh không có biểu hiện gì trong cộng đồng nhưng thực tế họ vẫn rất nguy hiểm vì có thể làm lây lan. Vì thế việc cách ly xã hội trong những ngày qua là cần thiết để cắt nguồn lây.

Tuy nhiên, việc giãn cách cần phải xem xét thấu đáo, cần tính đến những ảnh hưởng về đời sống xã hội. Hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng yêu cầu tỉnh cách ly với tỉnh, huyện cách ly với huyện, trong đó đã bao hàm khả năng ngăn chặn dịch khi vẫn cách ly xã hội, đó là sau ngày 15-4 có thể "nới" ở những địa bàn không có dịch. Ở đâu có dịch thì sẽ khoanh lại.

Nên tiếp tục cách ly xã hội ở những địa phương có nguy cơ lây nhiễm cao

Theo các nhà khoa học, các chuyên gia về công nghệ thông tin của Bộ KH&CN, Bộ TT&TT, Bộ Y tế thì các địa phương được phân theo 3 nhóm: nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp. Với những nhóm các địa phương được dự báo là nguy cơ cao, cần tiếp tục áp dụng cách ly xã hội như quy định tại Chỉ thị 16 thêm một thời gian. Hai nhóm còn lại sẽ thực hiện “nới lỏng”.

Mặt khác, các biện pháp cần tiếp tục áp dụng trên quy mô cả nước bao gồm: yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách tiếp xúc, cấm tụ tập đông người (kể cả các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng), chưa kinh doanh các dịch vụ vui chơi, giải trí…

Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của chính quyền thì những người tham gia phải được giám sát y tế theo quy định riêng.

Mức độ nguy cơ của từng địa phương thay đổi theo tình hình, dữ liệu được cập nhật hàng ngày và phụ thuộc rất nhiều vào năng lực ứng phó của từng địa phương, nhất là năng lực đảm bảo việc thực hiện các quy định chung; năng lực sẵn sàng truy vết, khoanh vùng khi có ca lây nhiễm; năng lực thăm khám bệnh tại nhà của hệ thống y tế đối với nhóm người cao tuổi, có bệnh nền, nhiều khả năng lây nhiễm.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, các địa phương cần sớm phân công đầu mối (cán bộ thuộc sở y tế) để cập nhật dữ liệu và sẵn sàng thực hiện truy vết khi xuất hiện ca bệnh trên địa bàn. Các nhà khoa học sẽ thực hiện kết nối, hướng dẫn, tập huấn để hình thành mạng lưới phản ứng đều khắp trên cả nước. Khi dữ liệu được cập nhật các tỉnh thành phố có thể phân mức độ nguy cơ tới quy mô quận, huyện và ngày càng nhỏ để có các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp, linh hoạt, hiệu quả hơn.

Việc cách ly xã hội nên có theo từng giai đoạn

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc thực hiện giãn cách xã hội tại Việt Nam đang thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian tới cần phải kiểm soát công ty, nhà máy vì kinh nghiệm của nước ngoài cho thấy, ở giai đoạn đầu các ca lây trong cộng đồng chủ yếu do người đi từ nước ngoài về. Đến giai đoạn này, bắt đầu có sự lây lan trong cộng đồng công nhân, nhà trọ, nhà máy, cần phải quyết liệt ngăn chặn tại cộng đồng và tuyên truyền mọi người thực hiện tốt.

Mặt khác, nếu thực hiện việc nới lỏng xã hội sau ngày 15/4 cũng cần có từng giai đoạn giống như cách ly xã hội. Ví dụ, trước đây Việt Nam thực hiện giãn cách xã họi từ 10 người đến 20 người xuống còn 2 người, thì hiện giờ cũng cần thực hiện nới lỏng theo hướng đó. Nhất là cần giữ khoảng cách tối đa 10 người. Nơi nào thực sự thiết yêu mới cho mở cửa.

Tuy nhiên, trong thời gian mở cửa, cần tiếp tục giám sát cũng như giám sát số ca ngoài cộng đồng. Nếu mở một cách thoải mái như trước khi có bệnh, không có kế hoạch giám sát sẽ thất bại. Toàn bộ hoạt động, cố gắng của Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, bộ, ngành từ đầu đến lúc đó sẽ bỏ đi, coi như chưa có từng làm.

Cần có sự thống nhất về việc cách ly xã hội

Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết về mặt chuyên môn, việc kéo dài thời gian cách ly xã hội nhất là tại những thành phố lớn như Hà Nội là rất cần thiết. Tuy nhiên việc này cần có sự thống nhất và chỉ đạo từ cơ quan quản lý nhà nước vì việc tiếp tục thực hiện cách ly xã hội sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội cũng như phát triển kinh tế. Hiện Thành phố Hà Nội chỉ còn xuất hiện những ca nhỏ lẻ, vẫn nên kéo dài đến hết tháng 4 là tốt nhất để bảo vệ được những thành quả đã đạt được.

Còn theo Ths.Bs. Phạm Thị Thanh Tâm công tác tại khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, việc thực hiện cách ly toàn xã hội đang có tác động tích cực. Bằng chứng là số ca bị nhiễm tăng rất ít chứ không đột biến mà Việt Nam không kiểm soát được. Nói chung là việc cách ly sẽ giảm yếu tố lây lan, đặc biệt là khi dịch bệnh đã lây lan trong cộng đồng chứ không còn là những du học sinh hay là những người nước ngoài trở về.

Một khi dịch bệnh đã lây trong cộng đồng, có khi người dân còn không biết đối tượng nào là F0, thậm chí là những người bệnh không có triệu chứng sẽ khó có thể phát hiện được.

Nên nới lỏng có kiểm soát

Trao đổi với PV báo NB&CL, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, cho rằng, việc cách ly xã hội để đáp ứng được cả hai mục tiêu là: kinh tế và phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thì nên có phương án trung gian.

Tức là cần nới lỏng có kiểm soát, còn nếu tiếp tục phong tỏa như thời gian vừa qua thì quá nghiêm ngặt. Ví dụ như các công trường, các nhà máy nên cho phép làm việc. Ngoài ra, một số hoạt động tại các địa bàn, nếu xét thấy có thể kiểm soát được thì cần cân nhắc ý kiến của giới chuyên môn để nới lỏng.

Nhưng không thể bỏ hoàn toàn việc giãn cách xã hội, bởi trong cộng đồng vẫn còn nhiều người mang nguồn nhiễm bệnh chưa được rà soát hết. Mục tiêu hàng đầu vẫn là sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân. Tuy nhiên cần xem xét kỹ, bởi tiếp tục kéo dài cách ly xã hội đến 30/4 tức là thời gian lên đến 1 tháng thì mức độ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ngày càng nặng nề, khác hẳn với việc giãn cách trong 15 ngày.

Phố Xã Đàn là tuyến phố hàng ngày có lưu lượng tham gia giao thông rất đông đúc nhưng cũng vắng hơn khi thực hiện giãn cách xã hội

Phố Xã Đàn là tuyến phố hàng ngày có lưu lượng tham gia giao thông rất đông đúc nhưng cũng vắng hơn khi thực hiện giãn cách xã hội

Theo các chuyên gia, nếu chỉ giảm tối đa ca nhiễm Covid-19 thì đóng cửa, dừng tất cả mọi thứ là hợp lý. Nhưng nếu nhìn rộng ra với mục tiêu lớn hơn, cân nhắc được - mất của mỗi lựa chọn, thì vấn đề phức tạp hơn rất nhiều. Rất nhiều người dân phải kiếm sống mỗi ngày ở những lĩnh vực không phục vụ các nhu cầu thiết yếu (như bán vé số, đánh giày, nhặt rác, thậm chí cả bán hoa tươi…). Thêm vào đó, kinh tế không thể tiếp tục dừng mãi được. Cần có thêm các nghiên cứu về chuyên môn, tính toán về sức chịu đựng của ngành y tế, khả năng chống chịu tối đa của xã hội trước việc cách ly này.  Trong trường hợp này, Hà Nội phải ước tính được những rủi ro và giới hạn chịu đựng của mình. Tuy nhiên, điều này không thể làm dựa vào cảm tính là “nguy cơ cao” hay “nguy cơ thấp”, mà phải bằng những tính toán cụ thể.

Hiện ngoài việc chống dịch, các địa phương không chỉ Hà Nội cần hướng đến đa mục tiêu, làm sao để có những hoạt động trong xã hội vẫn được duy trì, đảm bảo nguồn lực hiệu quả nhất nhưng giảm thiểu tối đa rủi ro.

Việc nới lỏng việc giãn cách xã hội sẽ là thách thức lớn cho chính quyền Hà Nội hay các tỉnh, thành phố so với việc đóng cửa cố thủ phòng, chống dịch. Tuy nhiên, cần có các phương án, kịch bản có thể xảy ra và sớm có biện pháp hợp lý nhất. Tránh việc, phòng, chống dịch bệnh bằng cách kéo dài thời gian giãn cách xã hội, nhưng nền kinh tế cả xã hội sẽ bị ảnh hưởng khó có thể phục hồi trong thời gian ngắn.

Gia Minh

Tin khác

Nắng nóng gay gắt, hàng nghìn lượt người đổ về Công viên nước Hồ Tây 'giải nhiệt'

Nắng nóng gay gắt, hàng nghìn lượt người đổ về Công viên nước Hồ Tây "giải nhiệt"

(CLO) Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, thời tiết ở Hà Nội rất oi bức, nền nhiệt ngoài trời có lúc lên đến 40 độ C nên nhiều người dân đã đến Công viên nước Hồ Tây để "giải nhiệt" và vui chơi.

Đời sống
Xử phạt tài xế xe khách lạng lách trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Xử phạt tài xế xe khách lạng lách trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

(CLO) Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 2 đã xử lý tài xế xe Limousine có hành vi lạng lách trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng qua phản ánh của người dân.

Đời sống
Gần 4.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong ngày thứ 2 kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Gần 4.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong ngày thứ 2 kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Ngày thứ 2 kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc đã xử lý 14.515 trường hợp trong đó có 3.916 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Đời sống
Ninh Bình tạm cấm xe tại một số tuyến đường dịp lễ 30/4 và 1/5

Ninh Bình tạm cấm xe tại một số tuyến đường dịp lễ 30/4 và 1/5

(CLO) Để phục vụ công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho các sự kiện trong dịp lễ 30/4 - 1/5, Công an TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình sẽ phân luồng giao thông và tổ chức hướng đi cho các phương tiện di chuyển qua trung tâm thành phố Ninh Bình.

Đời sống
Miền Bắc: Chuẩn bị đón 7 ngày mưa giông, đề phòng mưa đá, giông lốc

Miền Bắc: Chuẩn bị đón 7 ngày mưa giông, đề phòng mưa đá, giông lốc

(CLO) Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, từ chiều tối 30/4 - 7/5, miền Bắc có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa to. Trong mưa giông cần đề phòng mưa đá, lốc xoáy.

Đời sống