Hướng tới Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021:

Hai “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa” và đích đến của “nền văn hóa mới của nước nhà”

Chủ nhật, 21/11/2021 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946 và Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai năm 1948 đã được xem là những “Hội nghị Diên Hồng” đầu tiên về văn hóa - nơi Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ nội hàm và đích đến của “nền văn hóa mới của nước Việt Nam mới”.

Trong nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào 24/11 tới là “Hội nghị Diên Hồng” thứ 3 về văn hóa. Trước đó, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946 và Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai năm 1948 đã được xem là những “Hội nghị Diên Hồng” đầu tiên về văn hóa - nơi Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ nội hàm và đích đến của “nền văn hóa mới của nước Việt Nam mới”.

“Hội nghị Diên Hồng về văn hóa” lần thứ nhất: Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi

Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần chú ý đến, cũng phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa” - chính từ tư tưởng ấy, ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mới giành được độc lập, trong bộn bề công việc của chính quyền mới của những ngày đầu cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết tâm tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất.

Trước đó, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong đó có 2 nhiệm vụ cấp bách thuộc về văn hóa: Một là, cùng với diệt giặc đói phải diệt giặc dốt. Hai là, phải giáo dục tinh thần cho nhân dân.

Trước đó nữa, năm 1943, lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cho mình một cương lĩnh văn hóa với tên gọi Đề cương Văn hóa Việt Nam (còn gọi Đề cương Văn hóa 1943), trong đó khẳng định ba nguyên tắc: “Dân tộc hóa”; “Đại chúng hóa”; “Khoa học hóa” của nền văn hóa mới Việt Nam, và rằng “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa)”, “Sự nghiệp văn hóa là của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Theo nhìn nhận của giới nghiên cứu, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất (dự kiến diễn ra trong 3 ngày, tuy nhiên, lúc đó thực dân Pháp tấn công Hải Phòng nên hội nghị chỉ diễn ra trong một ngày 24/11/1946), thực sự xứng đáng là một “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa”.

Bởi tại đó, hơn 200 nhà hoạt động văn hóa đại diện cho phong trào văn hóa toàn quốc đã có cơ hội gặp gỡ, cùng bàn luận về những vấn đề cấp thiết liên quan tới văn hóa nước nhà, đồng thời cùng nêu lên sự cần thiết phải đoàn kết cộng tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các nhà hoạt động văn hóa của cả nước trong tình hình mới.

Báo cáo của Ủy ban Vận động Văn hóa toàn quốc nêu bật những thành tích đã đạt được, đồng thời kêu gọi tăng cường đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau và đề ra nhiệm vụ của văn hóa Việt Nam trong tình hình mới.

Tuy nhiên, được nhắc đến nhiều nhất từ Hội nghị này là những “thông điệp về văn hóa” được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra trong diễn văn khai mạc Hội nghị. “Hồ Chủ tịch thiết tha mong muốn nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở. Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” - Báo Cứu Quốc số 416 ra ngày 25/11/1946 tường thuật.

hai hoi nghi dien hong ve van hoa va dich den cua nen van hoa moi cua nuoc nha hinh 1

Các văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống thực dân Pháp ở Thái Nguyên. Ảnh Tư liệu.

Cũng theo tường thuật của Báo Cứu Quốc, trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng.

Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Hồ Chủ tịch nói thêm rằng văn hóa có liên lạc với chính trị rất là mật thiết.

Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do.

Đồng thời văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình. Người tha thiết đề nghị: “Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, và sáng tạo”.

Như nhìn nhận của PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Những thông điệp quan trọng của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, sau đó là lần thứ hai (năm 1948) về văn hóa soi đường quốc dân đi, văn hóa là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó, Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam... đã truyền cảm hứng cho những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật phấn đấu hết mình cho sự nghiệp cách mạng.

“Hội nghị Diên Hồng về văn hóa” lần thứ nhất: Văn hóa trong kháng chiến, kiến quốc

Hai năm sau đó, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai diễn ra từ ngày 16 - 20/7/1948 tại Việt Bắc.

Trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc vĩ đại của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng. Từ ngày chính quyền dân chủ thành lập đến nay, các nhà văn hóa ta đã cố gắng và đã có thành tích. Song từ nay trở đi chúng ta cần phải xây dựng một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân. Muốn đi đến kết quả đó, các nhà văn hóa ta cần tổ chức chặt chẽ và đi sâu vào quần chúng.

Nhiệm vụ của văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của quốc dân, mà cũng phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới.

Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ mà còn để lưu truyền cả lịch sử oanh liệt kháng chiến, kiến quốc cho hậu thế” - nhấn mạnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lá thư gửi các đại biểu tham dự Hội nghị cũng chính là lời lý giải vì sao vào đúng giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn ác liệt nhất, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chỉ đạo tổ chức “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa” lần thứ 2.

Tại hội nghị, với lập trường văn hóa và thái độ tình cảm mới, các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ, gắn bó với nhau trong tổ chức thống nhất của Mặt trận dân tộc thống nhất của Tổ quốc, do Đảng lãnh đạo, tham gia kháng chiến, kiến quốc, thi đua ái quốc.

Thu hút sự chú ý lớn nhất tại Hội nghị lần thứ 2 này là bản báo cáo với tựa đề: “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng trình bày. Đây có thể được xem là văn kiện hoàn chỉnh đầu tiên của Đảng ta về trí thức và văn hoá văn nghệ Việt Nam trong kháng chiến 9 năm (1945-1954).

Báo cáo có 7 phần quan trọng: (1) Văn hóa và xã hội; (2) Lập trường văn hóa mác xít; (3) Văn hóa Việt Nam xưa và nay; (4) Tính chất và nhiệm vụ văn hóa dân chủ mới Việt Nam; (5) Mặt trận văn hóa thống nhất trong mặt trận dân tộc thống nhất; (6) Văn hóa Việt Nam trong mặt trận văn hóa dân chủ thế giới; (7) Mấy vấn đề cụ thể trong văn học.

Báo cáo nhấn mạnh 6 nhiệm vụ chủ yếu của văn hóa: (1) Xác định mối quan hệ giữa văn hóa và cách mạng giải phóng dân tộc, cổ động văn hóa cứu quốc; (2) Xây dựng nền văn hóa dân chủ mới Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng mà khẩu hiệu thiết thực lúc này là dân tộc, dân chủ; (3) Tích cực bài trừ nạn mù chữ, mở đại học, trung học, cải cách việc học theo tinh thần mới, bài trừ cách dạy học nhồi sọ; (4) Giáo dục lại nhân dân, cổ động thực hành đời sống mới; (5) Phát triển cái hay trong văn hóa dân tộc, đồng thời bài trừ cái xấu xa hủ bại, ngăn ngừa sức thâm nhập của tàn dư văn hóa thực dân, phản động, học cái hay, cái tốt của văn hóa thế giới; (6) Hình thành đội ngũ trí thức mới đóng góp tích cực cho công cuộc kháng chiến kiến quốc và cho cách mạng Việt Nam.

Báo cáo của Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ rõ: muốn hoàn thành nhiệm vụ chính trị - văn hóa trong kháng chiến kiến quốc, để xây dựng nền văn hóa Việt Nam mang tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng, cần có người trí thức, tổ chức, văn hóa văn nghệ mới. Thái độ của người trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam mới là: 1)Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với kháng chiến; không thoả hiệp với tư tưởng và văn hóa phản động, không trung lập, không giữ thái độ bàng quan; 2) Yêu khoa học, lấy khoa học Mác xít làm kim chỉ nam cho hành động, biết và làm đi đôi, lý luận và thực tiễn kết hợp; 3) Một lòng một dạ phục vụ nhân dân; gần gũi quần chúng công, nông, binh, cảm thông với quần chúng, học hỏi nhân dân, nhưng giáo dục, dìu dắt nhân dân.

Tổng Bí thư Trường Chinh nhấn mạnh: “Đó là thái độ chân chính của các chiến sĩ văn hóa mới chúng ta, và cũng là bí quyết thành công của chúng ta”.

Ba ngày sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai là Hội nghị Văn nghệ toàn quốc được tổ chức từ ngày 23 đến 25/7/1948. Hơn 80 văn nghệ sĩ đại biểu cho các ngành văn học, sân khấu, âm nhạc, kiến trúc, mỹ thuật từ các nẻo đường kháng chiến đã về dự Hội nghị. Sau Hội nghị, các văn nghệ sĩ nô nức đi vào cuộc kháng chiến với khẩu hiệu “Cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt”.

Hà Anh

Tin khác

Đồng ý về việc khởi tố đối với ông Dương Văn Thái

Đồng ý về việc khởi tố đối với ông Dương Văn Thái

(CLO) Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái, đại biểu Quốc hội khóa XV.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương làm rõ nguyên nhân vụ nổ lò hơi tại Đồng Nai

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương làm rõ nguyên nhân vụ nổ lò hơi tại Đồng Nai

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất, điều tra, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ nổ lò hơi tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật (nếu có).

Tin tức
Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng cháy, chữa cháy rừng

Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng cháy, chữa cháy rừng

(CLO) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục quyết liệt triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, đây mới là thời điểm bắt đầu mùa hè, vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhất là trong thời kỳ cao điểm về nắng, nóng.

Tin tức
Hơn 61.000 lượt người vào Lăng viếng Bác dịp lễ 30/4 - 1/5

Hơn 61.000 lượt người vào Lăng viếng Bác dịp lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Theo Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 (từ 27/4 - 1/5, riêng thứ Hai ngày 29/4 không tổ chức Lễ viếng Bác), đã có 61.417 lượt người vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có 3.919 lượt khách nước ngoài.

Tin tức
Triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự

Triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự

(CLO) Ngày 1/5/2024, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường ban hành văn bản số 3561/TTKQH-TT về Thông cáo báo chí dự kiến chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Tin tức