Suối Yến, chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội):

Hàng nghìn xuồng, đò chở khách quá tải, không trang bị áo phao cứu sinh

Thứ bảy, 24/02/2024 09:24 AM - 0 Trả lời

(CLO) Hàng nghìn chuyến xuồng, đò chở khách trên suối Yến vào chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) vô tư chở số lượng người quá tải, không trang bị áo phao cứu sinh cho hành khách là thế nhưng đại diện Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương vẫn khẳng định...là an toàn, không việc gì đâu!

Trang bị vật nổi chỉ để làm màu?

Là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước, lễ hội chùa Hương được tổ chức từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Lễ hội chùa Hương năm 2024 với chủ đề "Lễ hội chùa Hương An toàn - Văn minh - Thân thiện" đã thu hút hàng vạn người dân và du khách thập phương tham gia trẩy hội.

Theo ban tổ chức lễ hội, mỗi ngày lễ hội đón hàng vạn du khách. Từ mùng 2 Tết, chùa Hương đón 2,5 vạn khách đến vãn cảnh. Từ mùng 3 Tết trở đi, mỗi ngày chùa Hương đón trên 3 vạn đến hơn 4 vạn khách. Chỉ tính riêng trong 3 ngày (3-5 Tết), chùa Hương đã đón hơn 9 vạn khách.
hang nghin xuong do cho khach qua tai khong trang bi ao phao cuu sinh hinh 1

Đừng để thông điệp An toàn chỉ là khẩu hiệu!

Theo Ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, năm nay, lễ hội chùa Hương có nhiều đổi mới. Mọi năm, ngay từ khu vực Ba La (quận Hà Đông, Hà Nội) đã có “cò” chèo kéo khách, đu bám theo xe của khách vào đến tận Hương Sơn để mời chào khách đi đò.

Năm nay, vắng bóng “cò” bởi hơn 4.500 xuồng, đò đã được đưa về Hợp tác xã vận tải du lịch chùa Hương quản lý. Ban Quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn bán vé và sắp xếp khách lên đò. Chính vì vậy, không còn tình trạng “cò” chèo kéo, đeo bám và giá đò tự phát “chặt chém” khách. Đặc biệt, năm nay, thời gian vận chuyển khách từ 5h -20h, riêng thứ Bảy, Chủ Nhật từ 4h-20h, không còn tình trạng chở khách suốt đêm như mọi năm.

Bên cạnh những điểm mới, công tác tổ chức vận chuyển du khách bằng xuồng, đò từ bến Đục vào chùa Hương vẫn thiếu an toàn, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước rất cao.

Có mặt tại chùa Hương vào đúng ngày khai hội, phóng viên Báo Nhà báo và Công luận ghi nhận thấy nhiều chuyến xuồng, đò vận chuyển quá số người cho phép, thậm chí có những chuyến chở tới gần 30 người, gấp 2,5 lần số lượng người cho phép theo quy định của Ban tổ chức. Nguy hiểm hơn, tất cả các du khách đều không được trang bị áo phao cứu sinh, không cầm dụng cụ nổi trong suốt hành trình trên đò.

Tại bến đền Trình, chị Trịnh Thị Hằng một du khách Hải Phòng cho biết, chị cùng gia đình đi lễ, lên đò tại bến Đục từ 6 giờ sáng. Nhận thấy đò sắt tròng trành, hành trình đi đò trên suối Yến rất dài nên chị muốn mượn áo phao mặc cho con nhỏ để đảm bảo an toàn… nhưng đành bất lực vì lái đò thông báo không được trang bị.

Có chung tâm lý, anh Dương Đức Tín (Hải Dương) vừa kết thúc chuyến hành hương chia sẻ, đoàn đi lễ chùa cả người già và trẻ nhỏ gần 20 người, không mặc áo phao ngồi trên chiếc đò sắt “mỏng tang” với hành trình gần 10km (cả đi lẫn về) trên suối là một nỗi ám ảnh.

“Tôi không biết bơi, sợ nhất là những lúc chen chúc nhau trên suối rất dễ bị mũi đò sắt va vào đầu. Hay lúc cập bến lên xuống đò phải đi bộ bước qua các đò khác tròng trành rất dễ ngã, hôm nay tôi bước trượt bị va đầu gối vào mạn đò và ướt giầy …”, anh Tín thông tin thêm.

hang nghin xuong do cho khach qua tai khong trang bi ao phao cuu sinh hinh 2

Mỗi chiếc đò này có thể được sử dụng chở tới 20 người nhưng chỉ được trang bị 03 vật nổi cá nhân.

hang nghin xuong do cho khach qua tai khong trang bi ao phao cuu sinh hinh 3

Chuyến đò này chở tới gần 30 người, không có bất kỳ hành khách nào mặc áo phao hay cầm vật nổi cá nhân.

Trước những tồn tại trên, PV báo Nhà báo và Công luận đã liên hệ với Ban tổ chức Lễ hội qua đường dây nóng và được ông Phạm Anh Minh, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ du lịch Chùa Hương cho biết, mặc dù không trang bị áo phao nhưng tất cả các xuồng, đò đều được trang bị dụng cụ nổi cá nhân.

Theo quy định của Ban tổ chức, xuồng nhỏ được cho phép chở tối đa 06 người, được trang bị 03 dụng cụ nổi cá nhân. Đò lớn hơn được cho phép chở tối đa 12 người, được trang bị 06 dụng cụ nổi cá nhân.

Khi phóng viên phản ánh hầu hết các xuồng, đò đều chở quá số người cho phép. Số lượng dụng cụ nổi không đủ và gần như không có hành khách nào cầm dụng cụ nổi trong suốt hành trình.

Ông Minh cho rằng, mặc dù năm nay tất cả các xuồng, đò đã quy về Hợp tác xã Du lịch Chùa Hương quản lý nhưng hầu hết các phương tiện này do dân tự đóng nên có thể chở được quá số lượng người. Theo quy định thì là thế, nhưng ngoài sông nó khác... Số lượng vật nổi do “các bác” trong Ban tổ chức thống nhất, từ trước tới nay đã có rất nhiều cơ quan chức năng đi thanh - tra kiểm tra nhưng chưa một lần bị xử phạt.

“… nước suối Yến chỉ sâu 1,2m nên cơ bản rất an toàn, với mức nước này đáng nhẽ chúng tôi chả phải trang bị gì đâu… nhưng chúng tôi vẫn trang bị vật nổi cho nó đúng quy định của pháp luật…” ông Minh quả quyết.

hang nghin xuong do cho khach qua tai khong trang bi ao phao cuu sinh hinh 4

Du khách này đang cầu nguyện điều gì?

Qua trả lời của ông Phạm Anh Minh thì có thể nhận thấy việc mặc dù năm nay tất cả các xuồng, đò đã quy về Hợp tác xã Du lịch Chùa Hương quản lý nhưng hầu hết các phương tiện này do dân tự đóng nên có thể chở được quá số lượng người, không sao hết? Còn số lượng vật nổi trang bị trên các xuồng, đò chỉ để cho có, không cần thiết?

Đình chỉ hoạt động từ 1 đến 3 tháng?

Theo luật sư Đoàn Tăng Hải – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, căn cứ theo quy định tại Thông tư 15/2012/TT-BGTVT quy định, chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông có trách nhiệm trang bị áo phao, dụng cụ nổi cá nhân trên phương tiện, bảo đảm đầy đủ về số lượng và có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn theo quy địynh. Trước khi cho phương tiện rời bến phải phát cho mỗi hành khách đi trên phương tiện một áo phao hoặc một dụng cụ nổi cá nhân để sử dụng và chịu trách nhiệm liên quan đến sự cố hoặc tai nạn giao thông xảy ra trong quá trình vận tải hành khách ngang sông khi hành khách không mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách.

Tại Điểm b Khoản 3; Điểm b Khoản 5 Điều 18 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch… Hợp tác xã Dịch vụ du lịch Chùa Hương có thể sẽ bị xử phạt từ 6 đến 10 triệu đồng mỗi lần vi phạm. Đồng thời có thể sẽ bị đình chỉnh hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng, Luật sư Hải cho biết thêm.

Lễ hội chùa Hương năm 2024 diễn ra từ ngày 11/2 đến hết ngày 11/5 (tức từ ngày mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày 4 tháng Tư năm Giáp Thìn). Với việc có hàng vạn du khách đến du xuân, trẩy hội mỗi ngày tại Lễ hội chùa Hương, rõ ràng đang có một sự chủ quan rất lớn trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa cho du khách thập phương đến lễ hội.

Đề nghị các cơ quan chức năng huyện Mỹ Đức vào cuộc kiểm tra và có các biện pháp kịp thời, đảm bảo an toàn cho du khách du xuân, đi lễ chùa, tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc, ảnh hưởng đến hình ảnh của di tích Quốc gia đặc biệt này.

Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.

hang nghin xuong do cho khach qua tai khong trang bi ao phao cuu sinh hinh 5

Du khách xếp hàng lên bờ, phải bước qua các đò khác

Thông tư số 15/2012/TT-BGTVT ngày 10 tháng 05 năm 2012 của Bộ Giao thông Vận tải

Điều 4. Trang bị và bố trí áo phao, dụng cụ nổi cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông

1. Phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải trang bị đủ số lượng áo phao, dụng cụ nổi cá nhân, bảo đảm đáp ứng đủ số lượng cho tất cả mọi người được chở trên phương tiện (bao gồm hành khách, thuyền viên và người lái phương tiện).

2. Áo phao và dụng cụ nổi cá nhân sử dụng trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải bảo đảm chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quy định và được bảo quản khô ráo, sạch sẽ và bảo đảm tính năng an toàn kỹ thuật khi sử dụng.

3. Áo phao, dụng cụ nổi cá nhân phải được để ở chỗ thuận tiện, dễ nhìn thấy, dễ lấy và không làm che khuất tầm nhìn của người lái phương tiện thủy nội địa.

Điều 5. Sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông

Mọi hành khách, thuyền viên, người lái phương tiện trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình của phương tiện từ lúc rời bến đến khi cập bến an toàn.

Điều 6. Trách nhiệm của chủ khai thác bến khách ngang sông

1. Tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện, hành khách khi tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải hành khách ngang sông thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Thông tư này.

2. Chỉ cho phương tiện hoạt động tại bến khi phương tiện đã thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa và các quy định tại Điều 4, Điều 5 của Thông tư này.

3. Liên đới chịu trách nhiệm liên quan đến sự cố hoặc tai nạn giao thông xảy ra trong quá trình vận tải hành khách ngang sông đối với trường hợp cho phương tiện rời bến khi thuyền viên, người lái phương tiện, hành khách không mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách.

Điều 7. Trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông

1. Chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông có trách nhiệm trang bị áo phao, dụng cụ nổi cá nhân trên phương tiện phải bảo đảm đầy đủ về số lượng và có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

2. Thuyền viên, người lái phương tiện vận tải khách ngang sông có trách nhiệm:

a) Trước khi cho phương tiện rời bến phải phát cho mỗi hành khách đi trên phương tiện một (01) áo phao hoặc một (01) dụng cụ nổi cá nhân để sử dụng;

b) Hướng dẫn và yêu cầu hành khách trên phương tiện mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách trong suốt hành trình của phương tiện.

3. Từ chối chuyên chở đối với những hành khách không tuân thủ việc mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cá nhân theo hướng dẫn.

4. Chịu trách nhiệm liên quan đến sự cố hoặc tai nạn giao thông xảy ra trong quá trình vận tải hành khách ngang sông khi hành khách không mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách.

Điều 18 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch

Điều 18. Vi phạm quy định về vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vận tải khách du lịch không theo hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc với khách du lịch theo hành trình, tuyến đường du lịch.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không gắn biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch theo quy định.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có hợp đồng vận tải khách du lịch theo quy định;

b) Không trang bị đủ số lượng áo phao cho khách du lịch trên phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa theo quy định;

c) Không có bảng hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm và số điện thoại, địa chỉ các cơ quan tìm kiếm cứu nạn để tại vị trí ghế ngồi của khách du lịch đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa;

...

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng nhân viên phục vụ khách du lịch không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định;

b) Sử dụng người điều khiển phương tiện vận tải khách du lịch và thuyền viên không bảo đảm theo quy định.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng biển hiệu vận tải khách du lịch trong thời gian từ 01 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều này;

b) Đình chỉnh hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm b và điểm m khoản 3 Điều này.

Phạm Duy

Bình Luận

Tin khác

Người anh hùng phá hơn 100 quả bom trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Người anh hùng phá hơn 100 quả bom trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) Ở độ tuổi 97 nhưng cụ Cao Xuân Thọ (xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vẫn hừng hực khí thế khi kể lại những ngày tham gia phá bom, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Đời sống
Gần 80 người thương vong trong ngày đầu nghỉ lễ

Gần 80 người thương vong trong ngày đầu nghỉ lễ

(CLO) Ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, toàn quốc xảy ra 60 vụ tai nạn giao thông khiến gần 80 người thương vong.

Đời sống
120 giàn pháo hoa phục vụ Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024

120 giàn pháo hoa phục vụ Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024

(CLO) 120 giàn pháo hoa được lực lượng chức năng thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá lắp đặt trước bờ biển đối diện sân khấu Quảng trường biển Sầm Sơn để chuẩn bị cho Lễ hội du lịch biển năm 2024.

Đời sống
Quảng Ninh: Đã tìm thấy thi thể thứ 4 trong vụ lật thuyền nan trên sông Chanh

Quảng Ninh: Đã tìm thấy thi thể thứ 4 trong vụ lật thuyền nan trên sông Chanh

(CLO) Thông tin được lãnh đạo Ủy ban nhân dân thị xã Quảng Yên xác nhận, sau khi lực lượng chức năng địa phương này đã tìm được thi thể thứ 4 của vụ tai nạn vào hồi 8 giờ 10 phút ngày 27/4.

Đời sống
Hà Nam: Phát động Tháng Công nhân và hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024

Hà Nam: Phát động Tháng Công nhân và hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024

(CLO) Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân và hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024.

Đời sống