Báo chí Cách mạng Việt Nam: 95 năm đồng hành cùng dân tộc

Hành trình 95 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam

Thứ bảy, 20/06/2020 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Báo Thanh Niên, “tờ báo ra ngày hạ chí” 21/6/1925 do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và điều hành, đánh dấu một mốc son trong lịch sử báo chí Việt Nam 95 năm qua.

Điểm hội tụ hai dòng nước

Mốc son không phải là một ngôi sao từ trên trời cao bất ngờ hạ xuống và tỏa sáng.

Đó là kết tinh của quá trình chắt lọc, tiếp nhận, phát huy tinh hoa văn hóa Việt Nam thể hiện qua 60 năm báo chí tiếng Việt và tiếng Pháp do các nhà báo Việt Nam thực hiện, từ tháng 4 năm 1965 ngày Gia Định báo ra đời đến tháng 6 năm 1925, mà tinh túy là ý chí kiên cường bất khuất, sống chan hòa với cộng đồng, coi độc lập của đất nước, hạnh phúc của người dân là tối thượng, cho dù hầu hết những tờ báo tiếng Việt đầu tiên đều do nhà cầm quyền thành lập nhằm quảng bá chính sách thực dân, bảo vệ quyền thống trị của họ lên đầu người dân bản xứ. Quan điểm chính trị có thể mỗi người một khác, trừ một số ít kẻ cam tâm làm tay sai suốt đời cho bọn cướp nước, các thế hệ đầu tiên của báo giới Việt Nam hầu như ai cũng có ít nhiều lòng yêu nước vị tha, dù không phải lúc nào ai cũng đi đúng hướng.

báo thanh niên

Đó là sự tiếp thu tinh hoa báo chí tiến bộ thế giới, mà cốt lõi là vì quyền tự do ngôn luận của người dân hướng về chính nghĩa, năng lực sử dụng công nghệ tiên tiến, phong cách tác nghiệp hiện đại, coi báo chí không đơn thuần là loại hình kinh doanh mang lại lợi nhuận và thu hút được càng nhiều độc giả càng tốt, mà trên hết đó là vũ khí đấu tranh vì quyền lợi của những người lao động và hợp tác quốc tế, thể hiện qua những tờ báo cánh tả Pháp mà Nguyễn Ái Quốc là một cộng tác viên thân cận, như báo L’Humanité (Nhân đạo), cơ quan của Đảng Cộng sản Pháp, báo La vie ouvière (Đời sống thợ thuyền) của Tổng Liên đoàn Lao động Pháp, Le Populaire (Người bình dân) của Đảng Xã hội Pháp hồi này đang phân vân trước việc nên tham gia Quốc tế II hay Quốc tế III, v.v... Đặc biệt tờ Le Paria (Người cùng khổ) do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và điều hành năm 1921-1924 với tôn chỉ, mục đích vạch trần chính sách thực dân, đòi quyền lợi cho người dân các nước thuộc địa.

Thời gian này, qua bản dịch tiếng Pháp đăng trên báo L’Humanité, Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiếp cận tư tưởng Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, ở đó nhà cách mạng Nga quả quyết: “Do sự phát triển bất đồng của chủ nghĩa tư bản, cách mạng có khả năng thành công tại một nước riêng biệt”.

Khởi đầu một dòng chảy

Báo Thanh niên (1925), như chúng ta đều biết, là một ấn phẩm hình thức thô sơ, viết bằng tay, in bằng bảng đá, số lượng hạn chế, lưu hành bí mật nhưng là một tờ báo chuyên nghiệp, ngay từ mấy số đầu đã sử dụng nhiều chuyên mục và thể loại, từ xã luận, chuyên luận, tiểu phẩm, tin trong nước và tin quốc tế, trả lời thư bạn đọc, cả thơ ca, biếm họa… Các bài viết sau một thời gian đăng báo, được chọn lọc, chỉnh lý và tập hợp thành mấy cuốn sách mỏng để tiện bí mật quảng bá trong nhân dân, nổi bật là “Đường Kách mệnh”: “Ta muốn sống thì phải cách mệnh. Cách mệnh là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc của một hai người”.

Từ năm 1925 đến ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, mở đầu kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc với sự ra đời chế độ cộng hòa, theo các nguồn tư liệu hiện còn lưu giữ được, cả nước tiếp nối con đường báo Thanh niên vạch, có đến 160 ấn phẩm định kỳ với nhiều dạng thức khác nhau, lưu hành bí mật - trừ khoảng thời gian ba năm 1936-1939, nhờ bối cảnh chính trị thuận tiện, Trung ương Đảng quyết định cho xuất bản một số tờ báo hợp pháp do các nhà cách mạng vừa ra khỏi nhà tù chủ trì, và được đông đảo các nhà báo thuộc nhiều xu hướng khác nhau thực hiện.

Góp nhiều cống hiến hơn cả vào thành công của Cách mạng tháng Tám 1945 là báo Việt Nam độc lập, khởi đầu từ năm 1941 do Bác Hồ sáng lập tại Việt Bắc: Việt Nam độc lập thổi kèn loa/ Kêu gọi non sông trẻ với già/Đoàn kết một lòng như khối sắt/Để cùng nhau cứu nước Nam ta (thời gian Bác có việc cần ra nước ngoài, Người giao đồng chí Phạm Văn Đồng thực hiện); báo Cứu quốc cơ quan của Mặt trận Việt Minh (số đầu ra tháng 1/1942); báo Cờ giải phóng cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 10/1942), tiền thân của tuần báo Sự thật và nhật báo Nhân Dân ngày nay; tạp chí Tiền phong cơ quan của Hội Văn hóa cứu quốc (1944), cùng một số tờ cơ quan của các địa phương, tổ chức, đoàn thể.

Hợp lưu nhiều sông suối

Cách mạng tháng Tám thành công, chưa kịp công bố Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị thành lập Đài phát thanh quốc gia Tiếng nói Việt Nam, tiếp đó lập Hãng Thông tấn nay là Thông tấn xã Việt Nam. Với sự ra đời của chế độ cộng hòa, quyền tự do ngôn luận trở thành hiện thực, hàng loạt báo chí tiếng Việt ra đời phần lớn tại Hà Nội, nhưng hầu hết chỉ tồn tại đến Ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946. Một số tờ, dẫn đầu là báo Cứu quốc, cùng các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước tạm rời thủ đô Hà Nội lên Việt Bắc lập căn cứ kiên trì lãnh đạo toàn dân kháng chiến.

Trong hoàn cảnh kháng chiến gian nan, thiếu thốn mọi bề, Đảng và Bác Hồ vẫn chỉ đạo phát triển báo cách mạng phù hợp với điều kiện từng lúc, từng nơi; thành lập tổ chức của những người viết báo, nay là Hội Nhà báo Việt Nam. Hầu như tất cả các vùng, miền, Liên khu, Quân khu trong cả nước đều có báo chí của mình, đi đôi với việc lưu hành những ấn phẩm của Trung ương. Thời kháng chiến chống Pháp, Nam Bộ có Đài phát thanh Tiếng nói Nam Bộ; thời chống Mỹ cứu nước, miền Nam có Đài phát thanh Giải phóng. Thông tấn xã Việt Nam có phóng viên hoạt động thường xuyên khắp các địa bàn.

Tính đến cuối thập niên 1950, riêng ở miền Bắc đã có gần 160 ấn phẩm đủ thể loại. Đài TNVN, TTXVN liên tục phát triển, Đài Truyền hình Việt Nam bất chấp khó khăn vẫn cấp tập chuẩn bị ra đời, tạo cơ sở trở thành tập đoàn truyền thông đa chức năng, đa phương tiện bề thế ngày nay.

Tại các địa phương trong cả nước, đặc biệt thành phố Hồ Chí Minh - nơi có truyền thống báo chí sớm và hùng hậu nhất nước ta, lần lượt ra đời nhiều cơ quan báo chí được công chúng yêu chuộng. Thời chống Mỹ, có một số tờ báo hoặc tạp chí xuất bản hợp pháp tại nội đô Sài Gòn nhưng lại do Trung ương cục hoặc Đảng bộ thành phố Sài Gòn - Gia Định chỉ đạo. Một số nhà báo yêu nước, trong đó có những người chưa bao giờ tự cho mình viết báo là làm cách mạng, đã hy sinh vì nghĩa cả, không ít người khác bị chính quyền Sài Gòn thân Mỹ bắt bớ, tù đày, tìm cách sát hại.

Việc Bác Hồ và Trung ương Đảng chỉ đạo cùng lúc báo chí Việt Nam “trên cả ba địa bàn” thời kháng chiến chống Mỹ: báo chí ở miền Bắc hậu phương lớn, báo chí miền Nam tiền tuyến lớn, và một số báo chí xuất bản công khai, hợp pháp dưới chế độ Sài Gòn, là sự kiện độc đáo, hiếm thấy, làm ngạc nhiên nhiều nhà nghiên cứu báo chí tên tuổi trên thế giới.

Vì một nền báo chí giàu tính chiến đấu, đậm tính nhân văn

Chúng ta tự hào, Bác Hồ không chỉ là nhà sáng lập và chỉ đạo báo chí cách mạng, Người là nhà báo lớn nhất của nước ta từ xưa tới nay. Sau ngày hòa bình lập lại, trở về Hà Nội tháng 10 năm 1954, dù bận đảm đương sứ mệnh lãnh đạo quốc gia, Bác Hồ vẫn cần cù viết báo hằng ngày, có tháng Người viết đến 32 bài báo riêng cho báo Nhân Dân, ký nhiều bút hiệu khác nhau.

báo chí

Với tất cả sự khiêm nhường, chúng ta có thể yên tâm: Báo chí Việt Nam hiện nay bằng nhiều dạng thức, thông qua nhiều ngôn ngữ, hoạt động ở trong  nước và ở nước ngoài, là một nền báo chí hùng hậu luôn đi theo con đường Bác Hồ vạch, không ngừng vươn lên hiện đại hóa, nâng cao tính chuyên nghiệp, vượt trội hẳn so với không ít quốc gia có nền kinh tế phát triển, thu nhập bình quân tính theo đầu người cao hơn nước ta.

Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (1950-2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có thư chúc mừng và cho ý kiến chỉ đạo. Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 8/4/2020 nêu rõ: “Tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tác động mạnh đến nước ta (…) Người làm báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam cần nhận thức sâu sắc trách nhiệm của người làm báo, ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tinh thần cống hiến, tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại, vì lợi ích của đất nước và nhân dân”.

Đó là định hướng cho dòng chảy mênh mông nhờ qua hành trình 95 năm thường xuyên hội tụ nhiều sông suối, cùng vươn tới cái đích cao quý Bác Hồ hằng mong ước: “báo chí do dân và vì dân”, nhiệm vụ của báo chí là “cứu quốc và kiến quốc”. 

Phan Quang

Tin khác

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

(NB&CL) “Đối với chúng tôi, những năm tháng làm phóng viên chiến trường là thời gian ghi lại những ký ức hào hùng của dân tộc và cũng là thời gian tích lũy kinh nghiệm, hiểu biết về nghề làm báo, viết báo. Thật tự hào mỗi khi vào lại Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại đắm chìm trong nỗi nhớ ngày 30/4/1975”- Nhà báo Đậu Ngọc Đản - người phóng viên miền Bắc đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập 30/4/1975, sau 50 năm, vẫn xúc động khi trò chuyện về những năm tháng lịch sử.

Nghề báo
Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo