Hậu trường phim “Bình minh phía trước”: Để câu chuyện lịch sử được kể không nhàm chán

Thứ năm, 14/07/2022 10:28 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Bộ phim truyền hình “Bình minh phía trước” kể về quá trình hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, phát trên sóng VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông (9/7/1912- 9/7/2022), hiện đang gây được sự chú ý lớn của dư luận.

Phim “hay” hay “dở” không bởi đề tài

Phim “Bình minh phía trước” do NSƯT Bùi Tuấn Dũng viết kịch bản và làm đạo diễn; diễn viên Nguyễn Thanh Tuấn thủ vai chính. Phim còn có sự tham gia của dàn diễn viên hùng hậu: NSƯT Vũ Đình Thân vai ông Đồ Quán, NSƯT Hoàng Hải vai Đốc Lộc, Phạm Anh Tuấn vai Lý Tam, Đỗ Minh Hiếu vai Ấm Bân, Hứa Khải vai Lãnh Phong, võ sư Nguyễn Văn Thắng vai Đội Thiết, Việt Hoàng vai Ân, Phương Lan vai bà Đồ…

hau truong phim binh minh phia truoc de cau chuyen lich su duoc ke khong nham chan hinh 1

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng trao đổi với diễn viên chính trước một cảnh quay.

Với độ dài 10 tập, mỗi tập 45 phút, “Bình minh phía trước” phản ánh tương đối đầy đủ, toàn diện những địa danh mà đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã sinh sống, học tập, hoạt động cách mạng và hy sinh oanh liệt. Thông qua đó, phim tái hiện thời tuổi trẻ hoạt động cách mạng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, làm sáng rõ chân dung của nhà cách mạng trẻ tuổi, trong bối cảnh xã hội thực dân nửa phong kiến những năm đầu thế kỷ XX.

Phim lịch sử lâu nay luôn chịu định kiến cả ở phía người làm và người xem vì khó làm, dễ rơi vào khô khan, khuôn sáo, “minh họa lịch sử”, khó thuyết phục được khán giả. Tuy nhiên, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng không nghĩ vậy. Theo anh, lịch sử vốn đã hấp dẫn, bởi nó chứa đựng nhiều bí mật, trong đó có chính sử và huyền sử. Nhiệm vụ của biên kịch, đạo diễn là lựa chọn, đưa ra một góc nhìn đa chiều, xây dựng một câu chuyện mạch lạc hấp dẫn trên hệ thống đó một cách minh bạch mà nhiều dụng tâm.

“Kịch bản nào cũng vậy, muốn hấp dẫn phải có cách kể chuyện độc đáo với nhiều bất ngờ để cuốn hút người xem theo câu chuyện đã định với nhiều chi tiết được chọn lựa. Đối với phim lịch sử, mọi chi tiết, sự kiện, tình huống, ngoài yếu tố đúng còn cần phải đẹp và đặc biệt diễn viên phải hóa thân tốt, thể hiện được thần thái của nhân vật”, anh nói.

hau truong phim binh minh phia truoc de cau chuyen lich su duoc ke khong nham chan hinh 2

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng và bà Đỗ Lan - Giám đốc sản xuất tại khu vực hậu trường sản xuất phim.

Chia sẻ về mong muốn của mình khi làm “Bình minh phía trước”, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng bộc bạch, cũng giống như các bộ phim lịch sử khác anh từng làm, chỉ đơn giản là tạo ra một câu chuyện lịch sử dễ xem để “truyền lửa” cha ông đến thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Do đó, “Bình minh phía trước” không cố mô phỏng, minh họa một chân dung lãnh tụ lịch sử mà thông qua khối mâu thuẫn xã hội thuộc địa thực dân nửa phong kiến phức tạp với hàng loạt những nhân vật thứ, phụ có quan hệ trực tiếp với nhân vật chính, để thông qua đó hình thành chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - nhà lãnh đạo trẻ tuổi, giàu nghị lực, giàu tình yêu thương và đặc biệt là người có trí huệ mẫn tiệp, kiến văn rộng rãi.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cũng cho biết, anh không làm “Bình minh phía trước” theo dạng tiểu sử mà làm phim chân dung. Kết cấu của phim không sa vào kể lể mà anh bố trí những “lát cắt” theo dòng sự kiện và những biến chuyển lớn trong cuộc đời nhân vật. Trong kỹ thuật kể chuyện, Bùi Tuấn Dũng cho rằng, mình luôn tuân thủ bài bản, mọi sự sáng tạo cũng trên tư duy khoa học chứ không hề tự do, phiêu lãng.

“Nếu buộc phải kể về những giai đoạn trước hoặc sau thời điểm chính thì tôi có những thủ pháp khác chứ không kể lể dài dòng. Chẳng hạn cảnh phim nhân vật chính ngồi trên đò cùng hai bạn học ở hai thời điểm cách nhau chừng chục năm, tôi bố trí các nhân vật ngồi ở vị trí giống hệt nhau, trang phục cũng không thay đổi, có chăng là lớn hơn, hành vi động tác cũng giống hệt nhau. Qua đó, khán giả có thể thấy được rằng, các nhân vật lớn lên, trưởng thành nhưng vẫn có sự nhất quán trong tính cách và tình cảm họ dành cho nhau mà không cần dài dòng”.

Bùi Tuấn Dũng cho hay, bản thân anh đã làm phim lịch sử từ hồi còn rất trẻ và với anh đề tài nào cũng vậy, phim dở là dở, việc “gắn mác” chỉ là đổ lỗi. “Chất liệu lịch sử hay mà làm không ra gì là lỗi của nhà làm phim, không phải ở đề tài”, anh nhấn mạnh.

hau truong phim binh minh phia truoc de cau chuyen lich su duoc ke khong nham chan hinh 3

Ê kíp làm phim thực hiện một số cảnh quay trong phim “Bình minh phía trước”.

Đầy ắp không khí xã hội đầu thế kỷ XX

Với tâm niệm muốn tạo ra sự hấp dẫn cho một bộ phim lịch sử thì không thể xem nhẹ yếu tố văn hóa, trong “Bình minh phía trước”, đạo diễn đã khai thác tối đa những chi tiết về văn hóa vật thể, phi vật thể như nhà cửa, bến đò, phương tiện di chuyển cũng như ngôn ngữ, cử chỉ, hành vi của người Việt cách đây một thế kỷ, chuyển hóa thành tình huống và xây dựng nhân vật cụ thể.

Bùi Tuấn Dũng cho biết, mặc dù đã có vốn kiến thức về xã hội Việt Nam thế kỷ XX bởi anh từng có thời gian nghiên cứu tư liệu cùng thời kỳ ở Pháp khi làm phim về Bác Hồ, nhưng anh vẫn phải nghiên cứu rất kỹ các tài liệu lịch sử, chính trị, văn hoá, tư tưởng thời đại… để có giải pháp xử lý phù hợp trong những tình huống phim khi làm “Bình minh phía trước”.

“Tư liệu về cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ khá ít, một số ở dạng lý lịch tiểu sử. Hình ảnh về cụ cũng chỉ còn một số ảnh do mật thám Pháp chụp, khi cụ đã bị giam cầm, đánh đập đến hỏng một mắt. Ngoài ra, để phục dựng lại khung cảnh, không khí xã hội cách nay cả thế kỷ, tôi phải tham khảo nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực”.

hau truong phim binh minh phia truoc de cau chuyen lich su duoc ke khong nham chan hinh 4

Ê kíp làm phim thực hiện một số cảnh quay trong phim “Bình minh phía trước”.

Còn bà Đỗ Lan - Giám đốc sản xuất phim “Bình minh phía trước” đánh giá, khi đạo diễn Bùi Tuấn Dũng hoàn thành kịch bản, bà và các chuyên gia đều thống nhất rằng, kịch bản phim nhiều cảm xúc, cuốn hút và hấp dẫn. Tất cả các chi tiết, tình huống đều chặt chẽ, lời thoại cổ văn uyên thâm, sâu sắc. Bởi thế, nhà sản xuất đã đề nghị Bùi Tuấn Dũng gác bỏ tất cả công việc khác để toàn ý xây dựng ê-kíp thực hiện bộ phim.

“Tôi để đạo diễn quyết định mọi công việc chuyên môn không can thiệp sâu, chỉ cần kết quả. Khó khăn gì không giải quyết được thì tôi hỗ trợ. Nói thì đơn giản vậy thôi nhưng làm phim thì trăm thứ bà rằn, từ bối cảnh, phục trang, đạo cụ… Chúng tôi đặc biệt đầu tư nên tuy là phim truyền hình nhưng nó cũng giống như một phim chiếu rạp với quy mô lớn hơn nhiều những gì mà ban đầu chúng tôi dự định”, bà Lan nói.

Chia sẻ thêm về việc chọn nhân vật chính, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho biết, đối với anh, diễn viên có ngoại hình “giống” nhân vật chỉ là một phần, điều quan trọng phải toát lên được “tinh thần” của nhân vật. Trong quá trình thực hiện bộ phim, anh đã phải đi trong Nam ngoài Bắc để chọn diễn viên, ngay trong quá trình chọn cảnh, viết đề cương anh cũng đã có ý tìm, rồi liên lạc với rất nhiều diễn viên đề nghị họ gửi thông tin… nhưng rốt cuộc anh vẫn chưa ưng.

Theo Bùi Tuấn Dũng, vai Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ phải thể hiện được hình ảnh của “cụ” từ lúc còn đi học khoảng 17-18 tuổi đến khi mất năm 29 tuổi. Diễn viên cũng phải thể hiện được nhân vật đầy nghị lực, mạnh mẽ đồng thời là người rất phong vân trí huệ, rất uyên bác mặc dù tuổi còn rất trẻ. “Để chọn được diễn viên cho vai Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ có thể nói thực sự là một bức tường đá trước mặt đạo diễn. Rất may mắn là tôi đã chọn được Nguyễn Thanh Tuấn”.

hau truong phim binh minh phia truoc de cau chuyen lich su duoc ke khong nham chan hinh 5

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chỉ đạo diễn xuất phim “Bình minh phía trước”.

Vị đạo diễn chia sẻ thêm, bên cạnh việc tái dựng cuộc đời nhân vật chính, phim “Bình minh phía trước” đi sâu vào chi tiết văn hóa và đời sống xã hội những năm 1920-1930, bối cảnh phim phải “đầy ắp” tất cả các chất liệu của thời kỳ đó nên số lượng đạo cụ sử dụng trong phim rất nhiều. “Trong phim có một số đại cảnh, ví dụ phải phục dựng một khu chợ đầu làng cùng ngựa xe, quán xá, ô-tô. Mỗi lần di chuyển bối cảnh là phải có hơn chục xe tải chuyên chở đạo cụ mới hết”, anh nói.

Cũng theo Bùi Tuấn Dũng, một điểm khác biệt của “Bình minh phía trước” với các phim trước đây anh đã từng làm là ngoài quy mô lớn, sự công phu thì phim cũng được xử lý hình ảnh, âm thanh với chất lượng tốt, ngang ngửa với phim chiếu rạp. 450 phút phim “Bình minh phía trước” tương đương với 5 phim chiếu rạp, vậy nên, có thể nói, ê-kíp đã “làm 5 phim chiếu rạp cùng lúc” trong bối cảnh dịch bệnh và thời gian rất ngắn nên áp lực là không nhỏ.

Tôi đã mất tròn hai năm để làm kịch bản và đưa “Bình minh phía trước” lên màn ảnh. Quả thực đây là một công trình đồ sộ và công phu với khối lượng công việc khổng lồ, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 hoành hành. Đây là thành quả của cả một team lớn gồm nhiều nghệ sĩ và kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm. Và đến nay, khi phim được phát sóng rộng rãi đến hàng triệu khán giả, chúng tôi đều cảm thấy hài lòng”, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chốt lại.

T.Toàn

Bình Luận

Tin khác

Khai mạc Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất

Khai mạc Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất

(CLO) Tối 13/5, Liên hoan Nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ nhất, năm 2024 chính thức khai mạc tại Nhà hát thành phố Hải Phòng.

Đời sống văn hóa
Ninh Bình giành 2 giải tại cuộc thi Đầu bếp Vàng Hải Phòng 2024

Ninh Bình giành 2 giải tại cuộc thi Đầu bếp Vàng Hải Phòng 2024

(CLO) Hiệp hội Du lịch Hải Phòng vừa tổ chức thành công cuộc thi Đầu Bếp Vàng Hải Phòng 2024 với chủ đề Hương vị địa phương. Trong đó, đội Đầu bếp tỉnh Ninh Bình đã xuất sắc giành 2 giải: 1 giải Vàng và 1 giải món ăn sáng tạo.

Đời sống văn hóa
Công bố poster Tuần lễ Festival Nghệ thuật Quốc tế Huế 2024

Công bố poster Tuần lễ Festival Nghệ thuật Quốc tế Huế 2024

(CLO) Poster Tuần lễ Festival Nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 mang những nét đặc trưng của văn hóa Huế và thể hiện một Festival lễ hội văn hóa nghệ thuật.

Đời sống văn hóa
Phục dựng và quảng bá mô hình làng nghề giấy Dó vùng Bưởi xưa

Phục dựng và quảng bá mô hình làng nghề giấy Dó vùng Bưởi xưa

(CLO) Tối 13/5, quận Tây Hồ, TP Hà Nội long trọng tổ chức Lễ khai trương Điểm dịch vụ, du lịch văn hoá và giới thiếu nghề truyền thống “làm giấy Dó” của vùng Bưởi xưa tại số 189 phố Trích Sài, phường Bưởi.

Đời sống văn hóa
Phát động Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7

Phát động Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7

(CLO) Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 dành cho các họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ độ tuổi từ 18 đến 35, là công dân Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam sống ở nước ngoài.

Đời sống văn hóa