Hiệp định EVFTA và EVIPA: Mở ra chân trời hợp tác rộng lớn, toàn diện Việt Nam - EU

Thứ hai, 01/07/2019 07:15 AM - 0 Trả lời

(CLO) Phát biểu tại lễ ký EVFTA và EVIPA, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc ký hai Hiệp định quan trọng này đã mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Ảnh: TTXVN

Một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao

Chiều 30/6, hai hiệp định quan trọng giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu EU là Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) đã được ký kết.

EVFTA được đánh giá là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Dự kiến, EVFTA sẽ được EP thông qua vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2020. Còn EVIPA sẽ mất nhiều thời gian hơn, ít nhất là 2 năm để EP và nghị viện của 28 quốc gia thành viên thông qua.

Ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Ngược lại, đối với hàng hóa xuất khẩu của EU, Việt Nam cũng cam kết sẽ bỏ ngay 48,5% số dòng thuế. Sau 7 năm số dòng thuế được xoá bỏ tăng lên 91,8% và sau 10 năm mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu).

Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA, chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Nhiều chuyên gia đánh giá, với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ... là rất đáng kể. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Ngược lại, trong tương lai không xa, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội tiêu dùng các sản phẩm của châu Âu với giá cạnh tranh.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm bình quân 2,18 - 3,25% (giai đoạn 2019 - 2023); 4,57 - 5,30% (giai đoạn 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (giai đoạn 2029 - 2033).

Nền tảng để đưa quan hệ Việt Nam - EU lên tầm cao mới

Phát biểu tại buổi lễ ký Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc chính thức ký hai Hiệp định quan trọng này đã mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu. Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu. Ảnh: VGP

Thủ tướng nhận xét, hai Hiệp định quan trọng này sẽ như tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa EU và Việt Nam và từ đây người dân hai bên dễ dàng hợp tác, giao lưu, các doanh nghiệp hai bên có thể tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau.

Đặc biệt doanh nghiệp EU có thể tiếp cận không chỉ thị trường gần 100 triệu người dân Việt Nam mà cả thị trường các nước ASEAN, CPTPP và các thị trường lớn khác ở khu vực Đông Á, góp phần tạo nên xung lực của hợp tác Đông - Tây mang đến sự phát triển thịnh vượng của 2 khu vực Á - Âu và toàn cầu.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu một bước phát phát triển mới trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU, phù hợp với định hướng phát triển vì sự thịnh vượng chung của hai nền kinh tế, thể hiện sự ghi nhận và coi trọng của EU đối với vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế với tư cách một nền kinh tế năng động, sẵn sàng cải cách, hội nhập.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, EVFTA là hiệp định rất có ý nghĩa, có vai trò rất quan trọng trong chiến lược về hội nhập của Việt Nam. EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do nhiều tham vọng nhất từ trước tới nay mà EU ký với một nền kinh tế mới nổi. Hiệp định EVFTA và EVIPA được xây dựng dựa trên cam kết chung của cả hai bên về tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế theo hướng mở cửa, công bằng và tuân thủ luật lệ. Do đó, EVFTA và EVIPA tạo ra nền tảng rất quan trọng để nâng tầm quan hệ Việt Nam - EU lên một tầm cao mới.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cùng với EVFTA, EVIPA, vị thế của Việt Nam sẽ được khẳng định rất mạnh mẽ trên trường quốc tế, như là một trong những quốc gia có đóng góp to lớn, có trách nhiệm cho sự phát triển của toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại trên cơ sở có tính đến điều kiện phù hợp để bảo vệ lợi ích của các nước tham gia. Đặc biệt, là phù hợp với trình độ phát triển và sự chênh lệch của các đối tác cùng tham gia hiệp định.

Tại Họp báo quốc tế sau Lễ ký kết EVFTA và EVIPA, Cao ủy về Thương mại của EU - bà Cecilia Malmström - khẳng định đây là các Hiệp định “tốt nhất” với EU. Bà Cecilia Malmström cũng nhấn mạnh vai trò của chính các doanh nghiệp trong việc tận dụng những ưu đãi của EVFTA.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, sẽ có nhiều cơ hội cho Việt Nam vì những Hiệp định này tăng cường khả năng tiếp cận thị trường vào các thị trường xuất khẩu lớn. Người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi vì hàng hóa nhập khẩu sẽ giảm giá.

Cơ hội luôn song hành với thách thức

Tuy nhiên, EVFTA là một Hiệp định đòi hỏi rất cao với tiêu chuẩn khắt khe. Vì vậy, bên cạnh việc doanh nghiệp được hưởng những lợi ích mà Hiệp định mang lại thì sẽ phải đối mặt với những hàng rào kĩ thuật, những hoạt động tranh chấp về thương mại, đầu tư…

Trong khi EVFTA và EVIPA đã được ký kết thì mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra thông tin đáng quan ngại khi có đến 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam không nắm được thông tin về EVFTA.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, trong bất cứ hiệp định nào, cơ hội cũng là 50-50. Điều quan trọng là phải biết tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức ở mỗi hiệp định.

Nhắc đến câu chuyện ngành thủy sản bị EU rút “thẻ vàng”, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo hiệp định sẽ mở toang cánh cửa cho hàng Việt sang EU. Nhưng với những quy định khắt khe và chặt chẽ, nếu doanh nghiệp Việt Nam không tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, nếu bị EU rút “thẻ đỏ” thì sẽ không phát huy được mặt tích cực của hiệp định quan trọng này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và doanh nghiệp Romania, Đại diện Hội đồng EU Stefan-Radu Oprea và bà Cecilia Malmström, Cao uỷ Thương mại EU xem triển lãm ảnh về quan hệ Việt Nam - EU. Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và doanh nghiệp Romania, Đại diện Hội đồng EU Stefan-Radu Oprea và bà Cecilia Malmström, Cao uỷ Thương mại EU xem triển lãm ảnh về quan hệ Việt Nam - EU. Ảnh: VGP

Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tiếp tục thúc đẩy khả năng cạnh tranh, nhằm tận dụng những lợi ích của Hiệp định này mang lại cũng như tăng khả năng chống chịu sự cạnh tranh gia tăng ở thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, với những quy định về xuất xứ nghiêm ngặt đòi hỏi việc tái cấu trúc các chuỗi giá trị. Ví dụ như việc sản xuất hàng may mặc của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu các nguyên liệu thô sẽ phải tái cấu trúc nguồn cung ứng đầu vào để tuân theo các quy định về xuất xứ.

Bà Cecilia Malmström, Cao uỷ Thương mại của Liên minh châu Âu cũng nhấn mạnh “Hiệp định tạo ra điều kiện thuận lợi hơn, tốt hơn cho các doanh nghiệp, đảm bảo rằng các trở ngại trước đây sẽ được gỡ bỏ, tạo ra môi trường thuận lợi hơn. Nhưng quyết định cuối cùng vẫn là của chính các doanh nghiệp, đưa ra quyết định có đầu tư hay không cũng là các doanh nghiệp”.

Thế Vũ

Tin khác

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ

(CLO) Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tin tức
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp 49 năm thống nhất đất nước

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp 49 năm thống nhất đất nước

(CLO) Sáng 26/4, nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.

Tin tức
Phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các tuyến đường mới, các khu đô thị

Phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các tuyến đường mới, các khu đô thị

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chú trọng phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các tuyến đường mới, các khu đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, quy mô lớn, có lộ trình phù hợp giảm số cửa hàng xăng dầu quy mô nhỏ lẻ, không hiệu quả.

Tin tức
Các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới được ưu tiên phát triển không giới hạn

Các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới được ưu tiên phát triển không giới hạn

(CLO) Các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu được ưu tiên/cho phép phát triển không giới hạn trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một ngành kinh tế mới của đất nước.

Tin tức
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết dứt điểm tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết dứt điểm tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp

(CLO) Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn đôn đốc để hoàn thành việc rà soát, đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết dứt điểm tranh chấp, lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích…

Tin tức