Họa sĩ Lê Vinh - Bậc thầy vẽ tranh bằng bút bi cực thực

Thứ hai, 29/04/2024 09:22 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Được đào tạo sử dụng các chất liệu màu nước, sơn dầu, lụa, khắc gỗ… nhưng họa sĩ Lê Vinh, chàng trai sinh năm 1979 tại huyện Ba Vì, Hà Nội, lại chọn hướng đi riêng sau khi tốt nghiệp, để rồi thể loại tranh vẽ bằng bút bi mới lạ đưa anh trở thành hiện tượng trong làng hội họa Việt Nam.

Sự kiện: hoạ sĩ

1.000 chiếc bút bi “vẽ lên” một thầy giáo – họa sĩ Lê Vinh

Đa số những người theo nghệ thuật đều là con nhà nòi, nhưng Lê Vinh tâm sự, anh đến với hội họa chỉ bởi niềm đam mê từ thuở nhỏ. Lên cấp 2, cấp 3, nhận thấy con có máu nghệ sĩ, gia đình cho anh theo học lớp vẽ của cố họa sĩ Nguyễn Sỹ Tốt sống ở làng Cổ Đô (Ba Vì) bên cạnh. Chính ngày tháng được thầy Sỹ Tốt rèn giũa và ngôi làng có nhiều họa sĩ sinh sống đã đặt nền móng cho con đường nghệ thuật của Lê Vinh sau này.

Mê hội họa là thế, nhưng Lê Vinh lại lựa chọn học Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương (nay là Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương), rồi sau đó là Đại học Mỹ thuật Việt Nam (Khoa sư phạm), để trở thành một thầy giáo chứ không theo nghề vẽ chuyên nghiệp. Sự lựa chọn của anh chỉ đơn giản là muốn truyền lửa đam mê hội họa cho những trẻ em nông thôn hiếu học, đồng thời cũng để có thể sống với đam mê vẽ của mình.

hoa si le vinh  bac thay ve tranh bang but bi cuc thuc hinh 1

Thầy giáo - họa sĩ Lê Anh - Ảnh: Đình Trung

Những ngày đầu ra trường, Lê Vinh thử vẽ nhiều loại chất liệu, từ màu nước đến sơn mài… Có điều, không có thứ nào khiến anh thực sự say mê cả. Dường như chính những ngày tháng rảnh rỗi, thời theo học ở Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương, vẽ ký họa bằng bút chì, rồi bút bi làm anh mê mẩn từ lúc nào. Lê Vinh nhận ra, màu mực bút bi có cái gì đó vừa thân thuộc, gần gũi vừa vô cùng cuốn hút và hấp dẫn. Dẫu vậy, mới đầu anh chỉ vẽ tranh để ngắm. Màu mực anh sử dụng lúc đó chỉ thuần mực xanh.

Rồi cơ duyên đến với thầy giáo Lê Vinh khi một ngày, có một học trò anh từng dạy hồi cấp 2 (du học bên Nhật Bản) thấy được tranh của anh thật sống động, nên đã mua hơn 1.000 chiếc bút bi đủ màu sắc để tặng thầy. Từ món quà đặc biệt, với đầy đủ màu mực trên tay, người họa sĩ tài hoa ấy đã biến tấu và cho ra đời những tác phẩm cực thực đầy đủ các gam màu. Cũng từ đó rất nhiều bạn bè, người thân bên nước ngoài như Đức, Pháp, Nga… gửi tặng anh những chiếc bút bi đa màu sắc, phần nào giúp anh có thêm động lực để sáng tác những sản phẩm nghệ thuật độc đáo, giàu cảm xúc nhất.

hoa si le vinh  bac thay ve tranh bang but bi cuc thuc hinh 2

Thầy giáo - họa sĩ Lê Vinh đang thực hiện tác phẩm - Ảnh: Đình Trung

Lê Vinh nhớ lại, thời điểm mới vẽ tranh bằng bút bi gặp không ít khó khăn. Khi đó, anh chỉ ký họa thuần bằng bút bi màu xanh, vẽ nét và phác họa. Việc phối màu như nào để ra nét riêng biệt trong tranh của mình là một thách thức. “Trải qua 8 năm học Cao đẳng, Đại học, tôi nhận thấy học ở trường là cơ bản, được đào tạo các chất liệu để vẽ tranh, nhưng không được đào tạo vẽ tranh bằng bút bi” - Lê Vinh tâm sự.

Không nản trí, người thầy giáo - họa sĩ Xứ Đoài vùi đầu vào trang giấy, những nét bút để nghiên cứu, sáng tạo. Sau không ít bức tranh không như kỳ vọng, Lê Vinh cuối cùng cũng có bước đầu thành công trên một số sáng tác, với đặc điểm chung là những bức chân dung. Anh kể, trong một chuyến từ thiện ở Tây Bắc, bắt gặp những ánh mắt ngây thơ trong sáng, hồn nhiên của những em nhỏ sống tại bản người Mông ở Bắc Hà (Lào Cai) anh thực sự xúc động và ám ảnh. Từ đó, hầu hết sáng tác của anh là những cô gái vùng cao trong trang phục dân tộc nhiều màu sắc sặc sỡ cùng vẻ đẹp tràn đầy sức sống, hồn nhiên như núi rừng.

hoa si le vinh  bac thay ve tranh bang but bi cuc thuc hinh 3

Tác phẩm “Giấc mơ trưa” khổ 1mx130 của họa sĩ Lê Vin

“Tiếng lành đồn xa”, những bức vẽ chân dung, tĩnh vật của Lê Vinh gây ấn tượng với người xem bởi sự tinh tế, tỉ mỉ đến từng centimet trong từng nét vẽ. Lê Vinh thừa nhận, vẽ bút bi không chỉ khó mà còn tốn thời gian, bởi để tô một bức tranh khổ lớn bức tranh kích thước 1,5m mất rất nhiều công sức.

Với Lê Vinh, bức tranh nhiều kỷ niệm và ấn tượng nhất của anh là bức chân dung vẽ người cha - một thương binh 1/4 với chòm râu dài vẽ tặng ông nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7. Đây cũng là tác phẩm đầu tiên khi Lê Vinh bén duyên với lối vẽ tranh bằng bút bi, và cũng là tác phẩm anh đặt nhiều tâm huyết nhất, mà điểm nhấn là bộ râu trắng được người họa sĩ đa tài vẽ một cách sống động, chân thực nhất. Bức vẽ này sau đó được trưng bày ở nhiều cuộc triển lãm khác nhau và được giới hội họa đánh giá rất cao về chất liệu cũng như cách thể hiện.

Sáng tạo với bút bi mở ra chân trời mới

Nói về nghề, Lê Vinh bộc bạch: “Đối với chất liệu sơn dầu, họa sĩ có thể mài, dùng bút lông hay banh xô to để vẽ màu rất nhanh, nhưng bút bi ngòi nhỏ, nên họa sĩ phải vẽ từng chi tiết một. Vẽ đa nét, cài nét làm sao để tạo thành một bức tranh sống động. Bản chất của bút bi có rất ít sắc mực, để tìm ra màu để phối rất là khó và độ đậm nhạt khi sử dụng bút bi lại càng khó hơn. Ngoài ra, bút bi khi vẽ phải cẩn thận tránh dây mực ra là hỏng tranh. Bởi vậy, họa sĩ khi vẽ vài nét thì phải sử dụng giấy lau đầu bút bi tránh bị đọng mực, rơi mực sẽ bị lem mực. Ngoài sự cẩn thận, tỉ mỉ thì họa sĩ còn phải luyện tính kiên nhẫn thì mới hoàn thiện được tác phẩm đang sáng tác”.

hoa si le vinh  bac thay ve tranh bang but bi cuc thuc hinh 4

Tác phẩm người cha ấn tượng nhất với họa sĩ Lê Vinh.

Nói về quá trình thực hiện tác phẩm, anh cho biết mình phải mày mò, lặn lội đi thực tế lên các bản làng, gặp đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi, vùng sâu, vùng sa như Lạng Sơn, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai… Bởi theo anh chiêm nghiệm, chỉ có đi thực tế mới cho tư liệu sáng tác, ý tưởng sáng tạo. Người họa sĩ muốn vẽ chân dung một thiếu nữ người Dao, Mông diện trang phục truyền thống thì họ phải ghi nhớ được các chi tiết trên khuôn mặt, trang phục của người phụ nữ đó. Và Lê Vinh muốn thông qua những bức họa của mình để quảng bá hình ảnh các dân tộc ít người trên khắp Việt Nam, đồng thời truyền tải vẻ đẹp, truyền văn hóa rất độc đáo của Việt Nam ra thế giới.

Sau hơn chục năm sáng tạo với những chiếc bút bi, họa sĩ Lê Vinh thực sự tạo cho mình tên tuổi, lối đi riêng. Mỗi bức họa của anh không chỉ mang giá trị tinh thần mà còn mang giá trị lớn về kinh tế. Trong số tác phẩm của anh, bức tranh đắt giá nhất là bức “Em bé mùa đông”. Nội dung bức tranh vẽ một em bé vùng cao dưới thời tiết lạnh giá, quàng trên mình rất nhiều khăn, phần lớn bức tranh đó mô tả ánh mắt và trang phục chính là khăn của bé. Theo Lê Vinh, chính tình yêu quê hương thôi thúc anh thực hiện thành công tác phẩm này.

Là người trong nghề, từng tiếp xúc với Lê Vinh, họa sĩ Bùi Trọng Dư có cái nhìn sâu sắc, đầy tin tưởng vào quyết định theo thể loại vẽ tranh bằng bút bi của anh. Theo Bùi Trọng Dư, nghệ thuật là vô cùng và Lê Vinh rất tài tình khi biến những chiếc bút bi thành công cụ để sáng tác nghệ thuật, đây là điều đáng ghi nhận và cần được khuyến khích. Mặc dù chủ đề không thực sự mới, nhưng chất liệu làm cho tranh của Lê Vinh thu hút nhiều đồng nghiệp trong giới hội họa và trở thành một cái tên rất “hot” trong những năm gần đây.

hoa si le vinh  bac thay ve tranh bang but bi cuc thuc hinh 5

Cần mẫn, miệt mài và kiên định với thể loại vẽ tranh bằng bút bi, đến nay thầy giáo - họa sĩ Lê Vinh sở hữu gần 300 bức họa vô cùng độc đáo, nhiều màu sắc và giàu cảm xúc. Ấn tượng ở chỗ, các bức họa của anh đều được đánh giá cao, được nhiều nhà sưu tầm tranh ưu ái, mến mộ và trả với giá đắt.

Chia sẻ về việc nhiều bạn trẻ bắt đầu thích vẽ tranh bằng bút bi, Lê Vinh tỏ ra hào hứng nói: “Một cây bút bi có thể vẽ được tất cả như chân dung, phong cảnh, tĩnh vật… và diễn tả được rất nhiều chất riêng”. Anh mong muốn bút bi trở nên thông dụng trong hội họa và sẽ cố gắng lan tỏa nhiều hơn niềm đam mê loại hình tranh vẽ bằng bút bi đến các bạn trẻ.

Về bản thân, anh khẳng định sẽ gắn bó và trung thành với chất liệu bút bi, đồng thời muốn đi sâu vào nhiều đề tài khác nhau, bởi có thể với đề tài nào đó đã trở nên quen thuộc nhưng dưới góc nhìn qua nét vẽ bằng bút bi sẽ trở nên lấp lánh, ẩn chứa nhiều điều thú vị, hấp dẫn.

Trung Đức

Bình Luận

Tin khác

Khai quật khảo cổ di tích Đại Cung Môn ở Đại nội Huế

Khai quật khảo cổ di tích Đại Cung Môn ở Đại nội Huế

(CLO) Đợt khai quật khảo cổ tại di tích Đại Cung Môn ở Đại nội Huế sẽ được tiến hành trong tháng 6 và 7/2024.

Đời sống văn hóa
Công bố Top 10 chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 - 2024

Công bố Top 10 chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 - 2024

(CLO) Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 5 năm 2024 vừa công bố Top 10 chung khảo của mùa giải năm nay với 1 tập thơ, 1 bộ truyện tranh, 1 series phim hoạt hình cùng 7 tác phẩm/ chùm tác phẩm văn xuôi, trong đó có 1 tác giả là thiếu nhi.

Đời sống văn hóa
Đặc sắc Hội Gióng đền Phù Đổng 2024

Đặc sắc Hội Gióng đền Phù Đổng 2024

(CLO) Lễ hội Gióng đền Phù Đổng được coi là bảo tàng sống về tín ngưỡng dân gian và nghệ thuật trình diễn, với nhiều trò diễn xướng dân gian được tái hiện.

Đời sống văn hóa
Nghệ sĩ Việt trình diễn tác phẩm múa đương đại 'Phản chiếu'

Nghệ sĩ Việt trình diễn tác phẩm múa đương đại 'Phản chiếu'

(CLO) “Phản chiếu” là sự giao thoa giữa nghệ thuật múa đương đại, hiphop, nghệ thuật thị giác, hứa hẹn đưa khán giả vào một thế giới vi tế và đầy cảm xúc.

Đời sống văn hóa
Quảng Nam yêu cầu kiểm tra hồ sơ trùng tu Chùa Cầu, gia hạn thi công

Quảng Nam yêu cầu kiểm tra hồ sơ trùng tu Chùa Cầu, gia hạn thi công

(CLO) Ngày 14/5, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản thống nhất cho thành phố Hội An được gia hạn 6 tháng thời gian thi công dự án tu bổ Chùa Cầu.

Đời sống văn hóa