Họa sĩ Thành Chương với “vỉa vàng” lấp lánh

Chủ nhật, 22/01/2023 10:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Tôi gọi những bức tranh Bìa Tết được họa sĩ nổi tiếng Thành Chương vẽ là những “vỉa vàng” lấp lánh được hẩy ra từ một khối vàng ròng - sự nghiệp hội họa của ông.

Trò chuyện với ông về chuyện vẽ bìa Báo Tết để thêm trân quý một khâu bếp núc quan trọng làm nên hồn cốt của tờ báo Tết mà xưa nay ít người nhắc đến.

Không cái nào giống cái nào

Ngày giáp Tết, tôi đưa cả gia đình lên Việt Phủ Thành Chương chỉ để mong gặp được người họa sĩ đang tất bật sửa sang lại dinh cơ này, kịp đón tết. Ở cái tuổi 75 rồi nhưng sức làm việc của ông thì thật đáng nể. Chỉ có điều, câu chuyện vội vã và ông cũng chỉ muốn nói về Tết, thứ mà ai ai tầm này cũng khấp khởi đón đợi.

hoa si thanh chuong voi via vang lap lanh hinh 1

Trở về sau gần 10 năm là một anh bộ đội chiến đấu nơi chiến trường, Hoạ sĩ Thành Chương lựa chọn gắn bó với Báo Văn Nghệ và lựa chọn ấy kéo dài 35 năm, cho đến khi ông nghỉ hưu. Nhiều người đã đặt câu hỏi thắc mắc rằng tại sao một người hoạ sĩ với cá tính nghệ thuật đặc biệt với một lối đi riêng như hoạ sĩ Thành Chương lại gắn bó ở một tờ báo lâu như vậy.

Hoạ sĩ chia sẻ, ông và Báo Văn Nghệ có một tình cảm đặc biệt, Báo Văn Nghệ ra đời cùng năm sinh với ông, nhà văn Kim Lân cũng là một trong những người khai sinh ra tờ báo đó. Ông nói: “Cụ Kim Lân là người khai sinh ra báo văn nghệ và cụ cũng sinh ra tôi, thì tôi với báo Văn nghệ như anh em, nên tôi chọn gắn bó với nó”. 

Thêm một lý do nữa là tờ Báo Văn Nghệ từ ngày xưa đã có một truyền thống lẫy lừng, có thời kỳ từng là tờ báo của cả nền văn học nghệ thuật nước nhà, vậy nên ông cho biết: “Tôi tự hào khi được phục vụ nó và nó xứng đáng có được tôi”. Suốt những năm đó ông đã đóng góp rất nhiều công sức cho Báo Văn Nghệ, bản thân ông cũng là một trong những người tiên phong trong việc đổi mới tờ báo.

Kể về những đổi mới, họa sĩ Thành Chương cũng rất kiệm lời. Ông chỉ muốn nói về một góc riêng của nghề mình nên bắt đầu bên ấm trà cuối năm, từ tốn nhớ lại một thời hoàng kim của Bìa Tết. Khi đó, ở Báo Văn nghệ, ông là người chịu trách nhiệm mảng mỹ thuật của báo. Vừa vẽ bìa Báo Tết, vừa chịu trách nhiệm đặt những họa sĩ tên tuổi vẽ để tờ báo luôn đổi mới phong cách. Những họa sĩ tên tuổi hàng đầu Việt Nam, tứ trụ thời đó đều là những người thân thiết với ông nên bao giờ Báo Văn Nghệ cũng có những Bìa Tết độc đáo, sáng tạo…

Thời kỳ đó, những đồng nghiệp đâu đâu cũng nhắc về Bìa Tết Báo Văn nghệ, đến nỗi nó trở thành một thương hiệu và tên tuổi Thành Chương cũng không tách rời. Ông kể: “Bìa Báo Tết, chủ đề thường là vẽ về con người là chính, trong đó, có thêm logo của năm đó đính vào để xác định đấy là năm gì. Ví dụ như vẽ chân dung thiếu nữ mùa xuân, gia đình đi vui xuân,… nhiều tranh Tết đẹp lắm. Riêng tôi thì không cái nào giống cái nào, mỗi năm có một kiểu, một cách khác nhau”.

Mà để được lên trang bìa là phải bình bầu, cạnh tranh khủng khiếp lắm. Đặc biệt thời đỉnh cao của Báo Văn nghệ là thời của nhà văn Nguyên Ngọc làm Tổng Biên tập. Thời ấy, mỗi thứ 6 báo về tòa soạn là mọi người quây kín cổng. Từ trẻ con đến người già, tất cả các thành phần, từ trí thức, học giả, các giáo sư đến ông xích lô, ba gác đều đến chờ ở tòa soạn để đón báo về. Thời đó, bao giờ báo Tết cũng bán đắt hơn vì nó tăng trang, gộp số. Thực ra, những năm khó khăn, chủ yếu sống được là nhờ bán báo dịp Tết.

“Tôi nhớ nhất là những năm 1975-1976, hồi còn in phẳng, phải in từng tờ một, sau đó mới bắt đầu có máy móc để in kẽm bằng máy cuốn lô nhưng vẫn phải sắp chữ bằng tay. Họ sử dụng giấy đặc dụng dày để vỗ phông in bản ngược, sau đó sử dụng bản ngược đổ ra bản xuôi. Bản xuôi sẽ được tráng lên bản kẽm, cuốn tròn thành ru lô… Thế nên đến ngày, dù mưa gió bão bùng, tôi cũng đều phải ra nhà in theo dõi thợ trình bày, cùng người ta điều chỉnh sửa sang cho chuẩn. Nhiều bài, Ban Biên tập yêu cầu cắt thì lại phải trình bày lại. Nói chung là gần như toàn bộ là thủ công, rất vất vả…

Sau khi giải phóng thì công nghệ in và các công nghệ khác mới có chứ ngày xưa làm bìa làm gì có chữ to đẹp để làm mà đều phải kẻ bằng tay hết. Nhưng cũng chính vì làm việc thủ công như thế mà giữa họa sĩ trong tòa soạn, họa sĩ nổi tiếng được đặt vẽ bìa với anh em kỹ thuật và công nhân nhà in đều rất gắn bó. Muốn đặt vẽ bức tranh nào thì phải đến gặp, chuyện trò, trao đổi chứ không như bây giờ ở nhà gửi email, zalo cái là xong, thậm chí còn chẳng gặp, chẳng biết mặt nhau…” – Họa sĩ Thành Chương kể.

hoa si thanh chuong voi via vang lap lanh hinh 2

Họa sĩ Thành Chương và cuộc trò chuyện về bìa báo tết tại Việt Phủ Thành Chương.

Bìa báo phải có văn hóa

“Sự háo hức của báo Tết ngày xưa nó gấp cả trăm lần bây giờ”… - Thành Chương nhấn nhá. Ông bảo: Tết ngày xưa thiêng liêng và quan trọng lắm. Bây giờ thì nó bình thường hóa rất nhiều. Việc mua báo Tết, chờ đón báo Tết là một niềm hân hoan, háo hức của mọi người. Với những người làm báo Tết cũng chăm chút, cũng hào hứng, cũng say sưa cho ra sản phẩm để đáp ứng sự trông ngóng của công chúng. Tất nhiên, bây giờ người ta vẫn mua báo Tết nhưng tinh thần đó không còn nhiều như trước nữa. Đời sống văn minh, hiện đại có cái hay nhưng nó cũng làm mất đi rất nhiều cái hay thời trước…

Ngày trước, bìa báo Xuân không sử dụng ảnh nhiều mà phần lớn là tự tay vẽ cho nên họa sĩ thời điểm giáp tết đắt khách lắm. Thế nên tờ báo nào đặt được họa sĩ Thành Chương vẽ bìa báo Xuân là… sang cả tờ báo. Đi mua báo Xuân cũng một phần là vì vẻ đẹp của tờ bìa. Mà đã là Tết thì bao giờ cũng phải vui tươi, phấn khởi, hồ hởi và tự hào. Bìa thì không thể nào là đen trắng được mà phải có màu. Bây giờ, in màu sử dụng vi tính, điện tử vèo cái là xong, muốn thay đổi hay làm gì thì làm. Nhưng ngày xưa thì đấy là cả một vấn đề...

Nói về chủ đề của Bìa báo, Thành Chương bảo: Tết là cứ phải vui tươi, ấm cúng, hạnh phúc, no ấm… Một trong những cái thiêng liêng của Tết ta chính là cảnh đoàn viên, gia đình đoàn tụ, con cái đi làm xa về; mời tổ tiên, ông bà, cha mẹ về ăn Tết với con cháu, những ý nghĩa về tâm linh cũng rất đẹp và thiêng liêng trên bìa Báo Tết.

“Dù năm nào cũng là mấy đề tài đó thôi nhưng vẽ thì phải tìm tòi những cái khác đi, chứ không thể cứ mãi một kiểu… Đậm nét văn hóa truyền thống, mang màu sắc dân tộc hơn thì ở bìa Tết âm lịch, những cái tạo hình hiện đại hoặc những nội dung hiện đại hơn thì dành cho Tết Tây” – họa sĩ Thành Chương nhấn mạnh.

Người nào hỏng thì tôi vẽ lấp chỗ trống thôi…

Ông cũng nói thêm rằng, bản thân những người họa sĩ vẽ tranh Bìa Tết cũng phải hội tụ rất nhiều yếu tố, phải hiểu về văn hóa thì mới có thể vẽ được những bức tranh có hồn và mang nhiều ý nghĩa. Với Thành Chương thì có thể là duyên số và cũng có thể là sự may mắn của nền hội họa nước nhà, vì ở ông hội tụ được đầy đủ cả tài năng và văn hóa. Ông sống ở một vùng quê mang đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc - vùng Kinh Bắc, cộng với việc bản thân ông là một người rất mê những nét truyền thống văn hoá dân tộc.

Ông chia sẻ: “Với tôi, tinh thần văn hoá truyền thống không còn là những hình hài cụ thể mà những cái đó đã thấm vào máu rồi được chuyển thành các tác phẩm nghệ thuật. Tôi mang văn hóa vào trong bìa tết một cách thuần thục, gần gũi với người dân Việt nên bìa nào cũng đặc sắc là vì vậy”.

hoa si thanh chuong voi via vang lap lanh hinh 3

Ngày xưa, khi đặt các họa sĩ tên tuổi vẽ bìa Tết là cả một giá trị rất lớn. Bởi, họ phải vẽ một bức tranh rất nghiêm chỉnh bằng màu, tốn nhiều công sức nhưng nhuận bút cho một tờ bìa Báo Tết thì lại rất rẻ, thậm chí chỉ mua được bát phở, hoặc hơn bát phở chút. Vì nó không đáng là gì cả cho nên các anh em văn nghệ sĩ tham gia vào làm Báo Văn Nghệ hồi đó, đặc biệt là các anh em họa sĩ từ xưa tới nay tham gia vẽ cho báo đều chỉ muốn đóng góp và cống hiến để phục vụ mọi người chứ không một người nào nghĩ đến nhuận bút cả.

Thành Chương đặt bìa báo tết cũng giống như các báo khác đặt họa sĩ Thành Chương vẽ vậy. Có lẽ vì rất hiểu công việc này nên ông ít khi từ chối bạn bè. Đồng nghiệp còn kể, Thành Chương chuyên nghiệp đến độ vẽ rất nhanh, thậm chí có những nơi đặt họa sĩ khác vẽ minh hoạ cho một số bài viết mà bị hỏng, lại gọi… Thành Chương cứu. Và anh thường vẽ thay thế luôn tại chỗ. “Ừ, tôi cứ cho mọi người vẽ thoải mái, người nào hỏng thì tôi vẽ lấp chỗ trống thôi, không sao cả, là nghề mình, là bạn mình cả…” - Thành Chương tâm sự. 

Vân Hà

Tin khác

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo