Họa sĩ Trần Thị Trường: Đa đoan cùng những sắc màu

Chủ nhật, 31/12/2023 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Bỏ ngang hội họa để qua nhiều thứ “nghề”, từ thợ hàn, phiên dịch, bầu sô, làm văn, làm báo… khi gần chạm tuổi 70 mới quay về với đam mê thuở ban đầu - “nghề vẽ”. Đó là cuộc đời Trần Thị Trường, một người đàn bà đa đoan, đi khắp nơi để rồi cuối cùng về lại với chính mình…

1. Gần đây, trong giới hội họa xuất hiện một cái tên khá mới: Trần Thị Trường. Mới nhưng không lạ vì trước đó Trần Thị Trường đã là một cái tên khá nổi trong làng văn chương. Vào nghiệp viết khá muộn nhưng với tiểu thuyết đầu tay “Lời cuối cho em” (NXB Thanh Niên 1990) bà đã ngay lập tức được chú ý bằng lối viết mang nhiều tâm tư và tiếng nói của phụ nữ.

Thành công đó đã khích lệ Trần Thị Trường theo đuổi văn học chuyên nghiệp. Liên tiếp sau đó, với nhiều năng lượng, bà cho ra mắt “Kẻ mắc chứng điên” (tiểu thuyết, 1991), “Bâng khuâng” (tập truyện ngắn, 1993), “Tình câm” (1996), “Thời gian ngoảnh mặt” (tập truyện ngắn, 2003), “Tình như chút nắng” (tập truyện ngắn, 2006)... Năm tròn tuổi thất thập, bà in “Phố Hoài” - cuốn tiểu thuyết được viết trong 10 năm vì… e ngại “viết ra có khi không được in”. Cũng như cuốn tiểu thuyết đầu tay, ngay sau khi ra đời, “Phố Hoài” đã gây ra những ý kiến trái chiều. Nhiều chuyên gia văn học đánh giá “Phố Hoài” với những hoài niệm, ký ức chưa xa về số phận của một bộ phận tầng lớp trí thức đô thị, trong đó nhiều nhân vật mang bóng dáng những con người thực…

hoa si tran thi truong da doan cung nhung sac mau hinh 1

Một góc không gian studio Phố Hoài.

Trần Thị Trường đến với hội họa (hay nói đúng hơn là trở về với hội họa) cũng khá tình cờ, như một cơ duyên. Bà kể, năm 2018, trong một lần đến Mỹ thăm con, thấy hàng xóm vẽ tranh, bà cũng sang cùng vẽ. Xem tranh bà, người hàng xóm ngạc nhiên, khen rằng “tranh quá là được luôn vậy sao lại bỏ không vẽ...”

“Họ khen tranh tranh mình nhưng thật ra tự bản thân mình thấy cũng chưa ổn lắm. Vì thế, về Việt Nam, mình quyết tâm tìm thầy để học thêm. Tháng 4/2019, may mắn tôi gặp họa sĩ Hải Kiên hướng dẫn. Vì đã có một nền tảng rồi nên tôi học rất nhanh. Đến tháng 12/2019, tôi đã có mấy chục bức tranh đưa đến Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền” - Trần Thị Trường nhớ lại.

Triển lãm đầu tay của Trần Thị Trường cũng đem đến cho bà thành công bất ngờ. 37 trong số 45 bức tranh được trưng bày đã nhanh chóng bán hết, khiến triển lãm dự kiến mở trong 10 ngày thì đến ngày thứ 9 đã “phải dỡ”. Sự kiện này cũng có thể gọi là một hiện tượng trong làng hội họa Việt Nam, bởi theo đại diện Nhà triển lãm, suốt từ năm 2000 đến lúc đó mới có một triển lãm bán tranh “tốt” như vậy.

2. Trần Thị Trường tuổi Canh Dần (1950) - cái tuổi mà người ta cho rằng thường “có số” vất vả, đa đoan. Nữ họa sĩ cũng cho rằng, tuổi của bà đa phần đều có tính cách mạnh mẽ, quyết liệt và khi mê say thứ gì, nhất định phải làm bằng được.

Thời trẻ, với niềm đam mê hội họa và gốm, bà đã từng ngồi hàng giờ để ngắm những chiếc bình Gốm Chi độc đáo với nước men da lươn hoài cổ. Điều đó lý giải vì sao bà rất say mê với lớp học vẽ của họa sĩ Phạm Viết Song ở 89 phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội) rồi sau đó quyết định thi vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, khoa Gốm sứ. Nhưng rồi với gánh nặng cơm áo gạo tiền, gia đình con cái (Trần Thị Trường lấy chồng sớm, chồng bà là họa sĩ, nhà điêu khắc Nguyễn Hưng Việt) bà đã phải bỏ ngang con đường học vấn.

“Chồng tôi vẽ nhanh, lại rất đẹp khiến tôi rất phục, nhưng tranh của anh ấy không bán được, mà hồi ấy cũng mấy ai chơi tranh đâu. Nghệ sĩ đã nghèo rồi mà nhà còn có tới hai nghệ sĩ thì sao sống nổi. Khó khăn quá, bỏ ra ngoài bươn chải nhưng cũng đâu đã hết…” - nữ họa sĩ hồi tưởng.

May mắn, đúng lúc đó, một người bạn có “suất” đi xuất khẩu lao động làm thợ hàn bên Bulgari, biết gia cảnh nên đã nhường lại cho Trần Thị Trường. Để lại con nhỏ và chồng ở lại Việt Nam, Trần Thị Trường bay sang trời Âu. Ở đó, với tính cách năng động, quảng giao, Trần Thị Trường có nhiều bạn Tây, bạn ta; bà làm nhiều việc từ thợ hàn, phiên dịch, thậm chí cả sản xuất hàng giả là thứ quần bò mang nhãn hiệu Levi Strauss.

“Ở Bulgari, tôi đã có được hai thứ thành công, thứ nhất là về tài chính, thứ hai là sự hiểu biết. Vẫn đau đáu trở lại với văn chương, hội họa, tôi dành nhiều thời gian đi các bảo tàng để mở mang kiến thức văn hoá. Những cuộc đi đó, không chỉ ở Bulgari mà cả Tiệp Khắc và nhiều nước Đông Âu nữa” - bà kể.

hoa si tran thi truong da doan cung nhung sac mau hinh 2

Họa sĩ Trần Thị Trường giới thiệu những tác phẩm mới của mình.

Mặc dù kiếm được nhiều tiền nhưng Trần Thị Trường không ham làm giàu. Gần hết hợp đồng là bà đã sốt ruột mong ngày về nước. Về Việt Nam, không còn quá lo chuyện áo cơm, bà có điều kiện đi đây đó, tiếp xúc với nhiều văn nghệ sĩ.

“Lúc ấy mình chưa là gì cả, chưa được ai biết đến nhưng qua cách nói chuyện, nhiều nghệ sĩ đã có tiếng cứ tưởng mình là dân chuyên nghiệp, đã có tác phẩm rồi. Thế là thầy Hoàng Ngọc Hiến (Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du) mới bảo: “Cô mà viết được như những thứ cô vừa nói, tôi sẽ nhận ngay cô vào trường mà không cần thi cử gì”. Một vị Tổng Biên tập thấy mình nói được, làm được thì cũng mời mình về phụ trách phòng Trị sự. Mình đến với nghề báo, nghề văn là như vậy đấy” - nữ họa sĩ tự sự.

Đa đoan với văn chương nghệ thuật, nhưng Trần Thị Trường cũng khá “tham lam”, ôm đồm. Bà có cả quãng thời gian dài làm tổ chức biểu diễn nghệ thuật (như kiểu bầu sô bây giờ) rồi mất bảy tám năm trời đứng ra bảo vệ các nhạc sĩ tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc. Ấy thế mà “nghề” nào cũng mang lại cho bà những dấu ấn thành công.

3. Thời gian đi như chớp mắt, giờ đây, Trần Thị Trường hầu như dành tất cả năng lượng cho “nghiệp” cầm cọ. Được sống trọn với những với đam mê từ thuở thiếu thời, có lẽ vì vậy mà bà có nhiều tranh tĩnh vật vẽ gốm. Trần Thị Trường vẽ nhanh, vẽ nhiều nhưng tranh của bà thường giản đơn với gam màu nhẹ mang tính cổ điển, lấy ánh sáng của quá khứ làm chủ đạo.

Xem tranh Trần Thị Trường, nhiều người có cảm nhận chung là sự sinh động và giàu cảm xúc, đúng như nhận xét của nhà văn Trung Trung Đỉnh: “Xem cả phòng tranh tôi không thấy tác giả lúc nào vội vã, hớt hải, thậm chí không có chút trạng thái bối rối ngập ngừng như của một số cây cọ là nhà thơ vẽ tranh. Trần Thị Trường tự tin vẽ với một tình cảm sâu và chín. Xem tranh của Trần Thị Trường vừa cho ta tâm trạng yên ả, lắng đọng như nghe một bản nhạc nhẹ với những giai điệu dịu dàng, thư thả”.

Bản thân nữ họa sĩ cũng tự nhận xét, thế mạnh của mình là bút pháp hiện thực pha chút ấn tượng, bởi nó phù hợp với cảm xúc, nó đem lại cho tác giả những năng lượng tích cực và bà vẫn đang theo đuổi nó.

Bên cạnh mảng tranh tĩnh vật khá thành công, Trần Thị Trường còn “sở trường” ở mảng tranh chân dung. Bà có hàng chục bức chân dung, từ các chính khách như Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến giới văn nghệ sĩ, như nhạc sĩ Trần Tiến, nhạc trưởng Lê Phi Phi, ca sĩ Ngọc Tân, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Đoàn Thị Lam Luyến, Phan Thị Thanh Nhàn... Đáng nói là, bức tranh nào cũng lột tả được cái “thần” của nhân vật.

Gần đây, cùng với vẽ tranh, Trần Thị Trường còn dành tâm sức chăm chút cho studio Phố Hoài - một không gian đẹp và tinh tế, để tụ họp bầu bạn văn chương, hội họa. Hỏi bà, ở tuổi thất thập, đã bao giờ bà nghĩ đến chuyện dừng lại? Bà cười nhỏ nhẹ: “Có lẽ là không bao giờ. Bước qua ngọn núi này, tôi lại muốn leo lên một ngọn núi khác. Tuy đã ở tuổi 73 nhưng tôi vẫn thấy mình sung sức và có thể leo được tiếp. Đó có lẽ cũng chính là cá tính của tôi, một phụ nữ tuổi Dần. Khi vẫn còn cảm xúc thì tại sao tôi phải dừng lại?”.

Thế Vũ

Bình Luận

Tin khác

30 nghệ sĩ đi thực tế, sáng tác ảnh tại các di sản ở Huế

30 nghệ sĩ đi thực tế, sáng tác ảnh tại các di sản ở Huế

(CLO) 30 nghệ sĩ nhiếp ảnh đến từ nhiều địa phương trên cả nước sẽ có 7 ngày để thực tế, sáng tác tại nhiều di sản của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đời sống văn hóa
Chuỗi hoạt động hấp dẫn tại Festival Biển đảo TP Vũng Tàu 2024

Chuỗi hoạt động hấp dẫn tại Festival Biển đảo TP Vũng Tàu 2024

(CLO) Festival Biển đảo Việt Nam - TP Vũng Tàu 2024 bao gồm chuỗi các sự kiện ẩm thực, thể thao, diễu hành, ca múa nhạc, văn hóa nghệ thuật…

Đời sống văn hóa
Đưa ra ý tưởng xây dựng công viên văn hóa đa chức năng tại bãi nổi giữa, ven sông Hồng

Đưa ra ý tưởng xây dựng công viên văn hóa đa chức năng tại bãi nổi giữa, ven sông Hồng

(CLO) Chiều 10/5, UBND Thành phố Hà Nội cùng Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức buổi lễ phát động Cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng. Sự kiện diễn ra nhằm tìm kiếm những ý tưởng thiết kế sáng tạo, độc đáo và khai thác quỹ đất thành phố hiệu quả.

Đời sống văn hóa
Hỗ trợ bảo tồn văn hóa phi vật thể của dân tộc thiểu số ở ba tỉnh

Hỗ trợ bảo tồn văn hóa phi vật thể của dân tộc thiểu số ở ba tỉnh

(CLO) Đồng bào Thái, Mông, Sán Dìu, Khmer tại Trà Vinh, Yên Bái, Vĩnh Phúc sẽ được hỗ trợ phục hồi, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một, mất bản sắc.

Đời sống văn hóa
Hà Nội lần đầu tổ chức Lễ hội Sen

Hà Nội lần đầu tổ chức Lễ hội Sen

(CLO) Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 gồm nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu, tôn vinh nghề trồng sen, các sản phẩm từ sen.

Đời sống văn hóa