Học sinh trường THPT Đại học Quốc gia Hà Nội được học chương trình đại học sớm

Thứ năm, 18/04/2024 14:14 PM - 0 Trả lời

(CLO) Theo đó, từ năm học 2024-2025, học sinh THPT của Đại học Quốc gia Hà Nội có thành tích học tập tốt sẽ được học tích lũy một số học phần trong chương trình đào tạo đại học và định hướng nghề nghiệp.

Ngày 17/4, tại Hòa Lạc, Đại học quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức Hội thảo về Chương trình ươm tạo tài năng bậc trung học phổ thông (VNU 12+).

Chương trình ươm tạo tài năng từ bậc THPT tại ĐHQGHN (Chương trình VNU 12+) được xây dựng để lựa chọn học sinh THPT có tài năng thuộc ĐHQGHN đăng ký học tích lũy một số học phần của chương trình đào tạo trình độ đại học trong danh sách các chương trình được ĐHQGHN công bố.

Chương trình dự kiến được áp dụng thí điểm từ năm học 2024-2025, trước hết dành cho học sinh các trường THPT của ĐHQGHN.

hoc sinh truong thpt dai hoc quoc gia ha noi duoc hoc chuong trinh dai hoc som hinh 1

Đại học Quốc gia thí điểm chương trình đào tạo đại học sớm đối với những học sinh xuất sắc (ảnh nguồn Đại học Quốc gia Hà Nội).

Việc học tích lũy của từng học sinh sẽ được tổ chức theo hình thức cá thể hóa đào tạo với sự hướng dẫn trực tiếp (coaching) của giảng viên có uy tín, có trình độ quốc tế của ĐHQGHN.

Trong quá trình học tập, học sinh có thể tham gia nghiên cứu khoa học, thực hành, thực tập cùng giảng viên hướng dẫn hoặc nhóm nghiên cứu của giảng viên hướng dẫn.

Tại hội thảo, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, trong những năm qua, công tác phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo nhân tài là một trong các nhiệm vụ đặc biệt luôn được ĐHQGHN quan tâm, được triển khai một cách bài bản, bao gồm từ phát hiện, bồi dưỡng từ khi các em còn là học sinh phổ thông và tiếp tục được đào tạo, phát triển nâng cao ở bậc đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Mô hình đào tạo học sinh giỏi của các trường phổ thông thuộc ĐHQGHN trong những năm qua là mô hình tiên phong trong cả nước về phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo ra những nhân tài cho đất nước.

Giám đốc Lê Quân nhấn mạnh, việc thay đổi mô hình đào tạo phổ thông năng khiếu của ĐHQGHN là rất quan trọng.

Một trong những hướng đổi mới là phải định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh THPT hệ chuyên của ĐHQGHN bằng cách tư vấn, hỗ trợ học sinh học tích lũy một số học phần trong chương trình đào tạo đại học và ưu tiên xét tuyển các học sinh này khi các em có mong muốn tiếp tục học đại học ở ĐHQGHN.

Mô hình đào tạo tài năng THPT liên thông đại học là mô hình đang được các quốc gia tiên tiến trên thế giới thực hiện, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đề án này cũng là bước đầu để các học sinh giỏi theo đuổi các ngành khoa học cơ bản, các ngành công nghệ nền tảng trong và ngoài nước.

Trưởng ban Đào tạo Nguyễn Anh Tuấn trình bày dự thảo Quy định đào tạo thí điểm Chương trình ươm tạo tài năng từ bậc THPT tại ĐHQGHN.

Theo đó, Chương trình VNU 12+ được xây dựng nhằm phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, đào tạo và hướng nghiệp sớm cho các học sinh có tiềm năng, có năng lực, tài năng trong các trường THPT tại ĐHQGHN với mục tiêu tạo cơ hội cho học sinh tham gia chương trình được định hướng nghề nghiệp, tiếp cận nghề nghiệp sớm, tiếp cận các nghiên cứu khoa học dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học có uy tín của ĐHQGHN.

Đây là cơ sở tạo nguồn nhân lực các nhà khoa học đạt chuẩn quốc tế của ĐHQGHN trong giai đoạn tới.

Cùng với đó, việc thí điểm mô hình cá thể hóa trong đào tạo tài năng dưới hình thức huấn luyện, hướng dẫn theo cá thể hoặc nhóm nhỏ (từ 1-5 học sinh) bởi các nhà khoa học có chuyên môn sẽ là cơ sở cho thí điểm mô hình đào tạo mới trong việc chú trọng, nâng cao chất lượng dạy và học của bậc THPT tại ĐHQGHN.

Học sinh tham gia chương trình ươm tạo tài năng từ bậc THPT tại ĐHQGHN sẽ được rút ngắn thời gian đào tạo ở bậc đại học trên cơ sở được định hướng nghề nghiệp sớm; đồng thời có cơ hội tiếp cận được các chương trình học bổng quốc tế, tăng tỉ lệ thành công khi học đại học.

Chương trình VNU 12+ cũng hướng tới mục tiêu thu hút học sinh giỏi vào học bậc THPT tại ĐHQGHN, tạo nguồn đào tạo nhà khoa học đạt chuẩn quốc tế trong tương lai, đặc biệt các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học cơ bản, góp phần phát triển đội ngũ các nhà khoa học đạt chuẩn quốc tế của ĐHQGHN.

Học sinh tham gia Chương trình VNU 12+ là học sinh THPT hệ chuyên và không chuyên ở các trường THPT thuộc ĐHQGHN, đáp ứng một trong các điều kiện: Đã và đang là thành viên đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế;

Đạt giải trong kỳ thi Olympic bậc THPT tại ĐHQGHN (đối với học sinh THPT chuyên) hoặc Đạt giải ba trở lên trong kỳ thi Olympic bậc THPT tại ĐHQGHN (đối với học sinh THPT không chuyên);

Kết quả học tập trong năm học lớp 10 (đối với học sinh THPT chuyên) hoặc kết quả học tập trong năm học lớp 10 và học kỳ I lớp 11 (đối với học sinh THPT không chuyên) đạt mức tốt và đạt trình độ ngoại ngữ để có thể theo học các chương trình đại học.

Học sinh THPT tham gia chương trình được ưu tiên xét tuyển vào các chương trình đào tạo trình độ đại học của ĐHQGHN trong năm tốt nghiệp THPT nếu tích lũy trước tối thiểu 03 học phần theo đúng Quy chế đào tạo đại học tại ĐHQGHN và đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của nhóm ngành/ngành/chương trình đào tạo trong năm tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh ĐHCQ của ĐHQGHN cũng như đạt khi phỏng vấn của tiểu ban chuyên môn.

Về kinh phí đào tạo, ngoài học phí do học sinh đóng theo quy định và các nguồn tài trợ, ĐHQGHN hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo dành cho Chương trình VNU 12+.

ĐHQGHN ưu tiên đầu tư các dự án cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm; ưu tiên xét cấp học bổng cho học sinh có thành tích xuất sắc, đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế.

Về chính sách học bổng, ĐHQGHN và đơn vị đào tạo ưu tiên phân bổ học bổng cho học sinh tham gia chương trình. Học bổng cấp cho học sinh được xét trên cơ sở các quy định hiện hành của Nhà nước và của ĐHQGHN, trong đó có ưu tiên các ngành khoa học cơ bản.

Các mức học bổng bao gồm: miễn 100% học phí hoặc miễn một phần học phí. Trường hợp học sinh có tài năng xuất sắc và có cam kết học tập sau khi tốt nghiệp THPT tại đơn vị đào tạo, ĐHQGHN hoặc đơn vị đào tạo có thể cấp thêm các học bổng hỗ trợ đào tạo khác.

Tại hội thảo, các đại biểu đều bày tỏ quan điểm đồng tình và thống nhất cao với mô hình thí điểm này của ĐHQGHN. Lãnh đạo các trường THPT chuyên của ĐHQGHN cho rằng, đây là bước đi tiên phong của ĐHQGHN phù hợp với sứ mệnh cũng như thông lệ quốc tế.

Chương trình VNU 12+ sẽ tạo điều kiện cho học sinh các trường chuyên có cơ hội được tiếp cận đội ngũ giảng viên trình độ cao, chương trình giáo dục tiên tiến, đặc biệt là được định hướng về nghề nghiệp và nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, có thể cân nhắc một số học phần có thể học online để học sinh có nhiều thời gian tích lũy tín chỉ hơn. Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định 3 giờ học cho hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, đây là điểm phù hợp với mục tiêu của Chương trình VNU 12+.

Dự kiến, tháng 5 tới đây, các đơn vị trong toàn ĐHQGHN sẽ tổ chức ngày hội hướng nghiệp dành cho học sinh, phụ huynh học sinh để chương trình lan tỏa rộng rãi.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Các trường quân đội áp dụng thêm hai phương thức tuyển sinh mới

Các trường quân đội áp dụng thêm hai phương thức tuyển sinh mới

(CLO) Năm 2024, các trường quân đội có một số đổi mới trong tuyển sinh. Trong đó, thí sinh có thêm hai phương thức xét tuyển khi đăng ký dự tuyển.

Giáo dục
Huyện Chư Pưh (Gia Lai) tích cực nâng cao kỹ năng sống cho học sinh

Huyện Chư Pưh (Gia Lai) tích cực nâng cao kỹ năng sống cho học sinh

(CLO) Để hạn chế các tai nạn thương tích xảy ra với học sinh, thời gian qua ngành Giáo dục huyện Chư Pưh đã tích cực phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tăng cường các kỹ năng sống, những hoạt động này được các em và phụ huynh nhiệt tình hưởng ứng.

Giáo dục
Hướng dẫn đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trực tuyến

Hướng dẫn đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trực tuyến

(CLO) Quá trình đăng ký dự thi, các thí sinh cần điền đủ thông tin nhằm đảm bảo quyền lợi khi tham dự thi tốt nghiệp THPT 2024.

Giáo dục
Quy định về ảnh thí sinh sử dụng khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

Quy định về ảnh thí sinh sử dụng khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

(CLO) Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ảnh của thí sinh trên hệ thống phải bảo đảm độ phân giải là 400x600 pixels, được chụp theo kiểu căn cước công dân và trước thời gian nộp hồ sơ không quá 6 tháng.

Giáo dục
Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

(CLO) Năm học 2023-2024, toàn tỉnh Bắc Ninh có 17.296 học sinh lớp 12 (tăng hơn 1 nghìn học sinh lớp 12 so với năm 2023), cùng với khoảng 400 thí sinh tự do sẽ đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Giáo dục