(CLO) Trên địa bàn huyện Kông Chro (Gia Lai) hiện có hơn 105 ngôi nhà rông truyền thống có thiết kế, họa tiết độc lạ. Nhà rông không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà còn là "trái tim" của tộc làng, điểm tựa tinh thần cho bao thế hệ bà con buôn làng.
Được biết, theo quan niệm của người Ba Na, khi lập làng đều xây dựng nhà rông. Bởi lẽ đây là nơi diễn ra mọi sinh hoạt cộng đồng, thực hiện các nghi lễ, tổ chức các lễ hội lớn của buôn làng trong năm. Dọc con đường Trường Sơn Đông và đường liên xã, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp nhiều nhà rông cao sừng sững.
Phần lớn các ngôi làng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Kông Chro đều có nhà rông, thậm chí có nhiều ngôi làng sở hữu từ 2 đến 3 nhà rông. Hiện nay, dù cuộc sống có nhiều thay đổi, văn hóa, đời sống hiện đại đã xâm nhập sâu vào trong cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số. Song nhà rông vẫn là “trái tim” của cả tộc làng, là nhà thiêng của buôn làng.
Một trong những ngôi nhà rông khá đồ sộ ở Kông Chro tọa lạc tại làng Plei Hle Ktu. Nhà rông Plei Hle Ktu thu hút ánh nhìn bởi vẻ hoang sơ, mộc mạc nhưng cũng không kém phần độc đáo. Theo đó nhà rông có thân ngang, mái thấp. Căn nhà có 2 màu chủ đạo là đen và trắng, vật liệu thi công đều là gỗ, mây, tranh, tre nứa.
Nhìn từ xa, nhà rông Plei Hle Ktu như một tấm thổ cẩm khổng lồ được chạm khắc, đục đẽo tinh xảo. Đặc biệt là những bức tượng gỗ tạc thủ công với hình thù độc lạ được sắp đặt bên trong và ngoài nhà rông.
Tương tự làng Plei Hle Ktu, để gìn giữ những giá trị văn hóa, năm 2018 người dân làng Hle Hlang (xã Yang Trung, huyện Kông Chro) cũng chung tay đóng góp hơn một tỷ đồng để đầu tư, xây dựng nhà rông. Ngôi nhà có tổng diện tích hơn 100m2, nằm trong khuôn viên rộng khoảng 1.000m2.
Anh Đinh Chiêng - cán bộ Phòng Văn hóa thông tin xã Yang Trung thông tin: “Nhà rông là nơi sinh hoạt cộng đồng và trưng bày những thành tích của làng đạt được trong mọi hoạt động phong trào xây dựng nông thôn mới, hội thi văn hóa, văn nghệ. Trước đây, gỗ, tranh, nứa là nguyên liệu chính để dựng nhà rông. Hiện nay, dân làng đã kết hợp với các vật liệu như sắt, thép, tôn để xây dựng mẫu nhà rông truyền thống kết hợp hiện đại”.
Ông Nguyễn Trọng Hiếu - Giám đốc Trung tâm VHTT&TT huyện Kông Chro cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có hơn 105 ngôi nhà rông truyền thống. Đây là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng làng, biểu tượng văn hóa của người dân Ba Na. Nhiều năm trở lại đây, nhà rông đã có nhiều sự thay đổi để thích ứng với sự phát triển về kinh tế - văn hóa. Giờ đây, nhà rông chỉ còn lưu giữ các sinh hoạt như lễ hội, giao lưu văn nghệ, họp dân làng.
"Chúng tôi khuyến khích, vận động bà con bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống khác như cồng chiêng, đan lát, tạc tượng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khích lệ người dân tích cực sửa chữa, duy tu, bảo tồn nhà rông truyền thống, cố gắng gìn giữ kiến trúc độc đáo này cho con cháu đời sau", ông Hiếu thông tin thêm.
(CLO) Theo thống kê mới nhất, ngày 14/9, Lào Cai ghi nhận 112 người đã thiệt mạng, 60 người mất tích và 84 người bị thương, tổng thiệt hại do bão gây ra đã vượt qua 3.235 tỷ đồng.
(CLO) Thuỵ Sĩ dự kiến sẽ cử khoảng 8 chuyên gia nước sạch, vệ sinh, nhà an toàn… để triển khai khảo sát tại Yên Bái trong tuần tới, đưa ra các phương án tái thiết phù hợp. Bên cạnh đó, 2 ngày tới, nước này cũng gửi một chuyến hàng cứu trợ đến Việt Nam.
(CLO) Những ngày qua, nhiều tỉnh thành phía Bắc đã phải chịu biết bao đau thương khi mưa lũ, sạt lở đất cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân vô tội, thiệt hại không có gì đong đếm được. Và khi miền Bắc đau thương, cả nước đã hành động.
(CLO) Sau khoảng 1 tuần bão số 3 đổ bộ vào Việt Nam, số người chết và mất tích do thiên tai tính đến thời điểm sáng 14/9, đã lên đến 345 người (262 người chết, 83 người mất tích).