Huyền thoại...một ngày yêu

Thứ sáu, 03/04/2015 14:15 PM - 0 Trả lời

Huyền thoại...một ngày yêu

(NB&CL) - Trên đất nước Việt Nam hình chữ S, có biết bao vùng đất gắn liền với những chiến tích lịch sử, những chiến công vang lừng. Một trong số đó là mảnh đất Quảng Bình. Đây không chỉ là địa danh gắn liền với thời kỳ chiến tranh khốc liệt mà còn là nơi sản sinh ra những câu chuyện lạ kỳ ít người biết đến. Trong đó có “huyền thoại… một ngày yêu”. Bởi vì chỉ có một ngày trai gái gặp nhau từ tiếng trống ngày Xuân, họ “cảm” nhau để rồi khi trống vỡ, họ ngỏ lời yêu và nên nghĩa vợ chồng…

Báo Công luận 

Trẻ mong, già cũng ngóng chờ Hội lên!

Yêu nhau từ… tiếng trống!

Mỗi dịp Xuân về cũng là lúc người dân huyện Bố Trạch (Quảng Bình) nô nức chuẩn bị các lễ hội mừng năm mới. Mùa Xuân năm nay, ông Đinh Xon là người dân tộc Ma Coong được chọn làm chủ tế và lo toan cho một lễ hội duy nhất và riêng có của người Ma Coong: Lễ hội đập trống. Để có chiếc trống, vật phẩm cần nhất cho lễ hội, cho ngày vui của người Ma Coong cũng như nhiều dân tộc khác tìm đến, công việc với ông quả không đơn giản. Từ lúc biết mình được dân làng tín nhiệm lựa chọn, ông cứ nơm nớp lo nghĩ đến việc mà mình đang phải gánh vác.

Ông Đinh Xon cho biết, nghe cái từ đập trống ai cũng tưởng đơn giản, ấy thế mà có tham gia, có tìm hiểu phong tục mới biết nó thật không đơn giản tý nào theo niêm luật. Để tham gia lễ hội, mỗi người dân chỉ được lựa chọn cho mình một “chiếc gậy”, nó chỉ nhỉnh hơn chiếc roi một tý. Vào ngày 16 tháng Giêng, lúc trăng tròn nhất thì mọi người tề tựu.

Vào lễ, thanh niên, nam nữ chưa có gia đình là người được dân làng ưu tiên nhất. Họ xếp thành hàng tròn quanh trống, cùng nhau dùng một tuần rượu, sau lời cúng tế của người “cầm cái” Đinh Xon, họ cùng nhau tiến tới chiếc trống, reo hò, vung roi để vụt. Cứ một lượt như vậy, mệt, lại ra uống rượu chúc tụng, lượt thanh niên, nam nữ khác lại tiến vào.

Cứ tưng, cứ cạch như vậy, âm thanh của hàng chục chiếc roi, được những bắp tay trần vung lên vụt mạnh cùng tiếng hò reo của những người tham dự. Âm thanh cộng hưởng âm vang khắp núi rừng, ánh lửa hừng hực cháy, rượu sau tuần chúc tế lại được đưa ra mời, cần lại vít cong. Từng lon rượu mầu da lươn (người Ma Coong trên đây gọi những ché rượu là lon, giống như rượu cần của một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên) cạn cùng lễ hội, cùng những hơi thở phập phồng, gấp gáp của lồng ngực trẻ. Gái trai, dân làng vui thâu ngày đêm. Cuộc vui chỉ chấm dứt, mùa nương rẫy cho một năm mới chỉ bắt đầu khi chiếc trống bị thủng, bể hoặc nứt.

Theo ông Đinh Xon, để cuộc vui cho cả năm lam lũ của dân làng được kéo dài thì trống càng lâu thủng, lâu nứt, lâu vỡ thì càng tốt. Vậy nên, để có chiếc trống bền, khi đảm nhận trọng trách làm trống thì ai cũng dồn tâm, dồn sức để làm cho dân làng một cái trống tốt nhất. Để trai gái mặc sức vụt đập, mặt trống và tang trống vẫn căng ra, dẻo dai, bền chịu cho thanh niên nam nữ có thời gian “say nhau”, người già có thời gian tấc lòng chuyện trò.

Theo ông Đinh Xon, trước đây là ông Đinh Keo (người đã được dân làng tín nhiệm cầm trịch bao mùa đập trống) thì khởi thủy của lễ hội đặc biệt này bắt đầu từ một truyền thuyết. Rằng, ngày xưa, người Ma Coong sống ở nơi âm u. Ngày ấy, nơi đây có một bầy khỉ thần xuất hiện. Chúng không chăm chỉ như con người nhưng chúng lại sống sung sướng hơn con người vì chúng có chiếc trống thần. Cứ chờ người Ma Coong trồng ngô, lúa vào lúc thu hoạch thì chúng lại mang trống thần ra gõ. Ngô, lúa của người Ma Coong bị tiếng trống thần mê hoặc, cứ nô nức “theo nhau” về hang để phục vụ cho lũ khỉ.

Để giữ gìn thành quả lao động của dân làng nên người Ma Coong đã cùng nhau tìm vào hang cướp trống. Sau rất nhiều lần tổ chức đi và lấy trống thì đúng vào hôm trăng tròn nhất của tháng Giêng, họ đã lấy được trống về. Cây gậy để khiêng trống cắm xuống, giờ đã thành cây gạo cổ thụ giữa bản và là điểm cho lễ hội ngày nay diễn ra. Và để tưởng nhớ đến sự chiến thắng của mình, để cho cây cối hoa mầu trong năm tốt tươi nên người Ma Coong chọn ngày 16 tháng Giêng đầu năm tổ chức Lễ hội đập trống. Lễ hội đặc biệt riêng có này qua bao mùa rẫy đã có sức lan xa và được nhiều người tìm về.

Keo sơn những mối tình!

Không chỉ là một lễ hội để tưởng nhớ về một truyền thuyết của dân tộc mình, từ lễ hội độc đáo có một không hai này đã trở thành cái cớ để cho thanh niên nam nữ các bản làng xa xôi chân theo chân về Thượng Trạch kiếm vợ, kiếm chồng. Theo ông Đinh Hợp- Chủ tịch xã Thượng Trạch- người Ma Coong ở đây sống tại 18 thôn bản cách biệt. Cuộc sống họ lam lũ, vất vả quanh năm nên Lễ hội đập trống này đã như một cái cớ để trai gái có thời gian tìm về với nhau. Làm quen, tìm hiểu rồi nên vợ, nên chồng; các gia đình ở Thượng Trạch bắt đầu sinh sôi nẩy nở, làm đông vui thêm xóm làng từ ngày Lễ hội thiêng liêng này.

Theo niêm luật của Lễ hội đập trống, sau khi trống thủng hoặc vỡ, các thanh niên nam nữ có quyền ngỏ lời với nhau. Và đây là giờ khắc thiêng liêng nhất trong năm, cho một đời vợ chồng. Vì người Ma Coong tin rằng, khi một cô gái được một chàng trai nào đó ngỏ lời trong lễ hội này thì đồng nghĩa họ sẽ có một gia đình yên ấm. Vậy nên rất nhiều các chàng trai, cô gái đã coi đây như một cơ hội để tình duyên của mình được trời đất, được các vị thần linh của người Ma Coong ủng hộ.

Những cái cười bẽn lẽn, những cái gật đầu ý nhị cho sự chấp nhận, cái câu “ai-khớp-săn” sẽ được các chàng trai bật ra trong mùa lễ hội này và đương nhiên sẽ được các cô gái đón nhận. Để sau mùa lễ hội, sau khi cây hoa Bộp kết trái thì đám cưới của các chàng trai, cô gái đã trao nhau lời ngỏ trong đêm linh thiêng kia thành hiện thực, diễn ra khắp bản trên xóm dưới. Để bản làng người Ma Coong lại đón nhận cho mình những cửi (con trai), móm (con gái) khỏe khoắn vung rìu, vung lưỡi hái cho ngô, lúa về thêm mỗi bản, mỗi nhà, để đàn bò đi vàng đồi, đàn trâu, đàn dê đi loang khắp núi rừng. Và điều khiến cho lễ hội này trở nên gắn bó, thiêng liêng với người Ma Coong nói riêng và đồng bào các dân tộc xung quanh chính là sự huyền diệu của... một ngày yêu. Vì sau một ngày gặp nhau định mệnh đó, đã có nhiều cặp đôi gắn kết với nhau, nên vợ nên chồng, sinh con đẻ cái, bền chặt đến đầu bạc răng long.

Đơn Bình

Tin khác

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

(CLO) Ngày 31/7/2008, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải phòng đã ban hành Quyết định số 1214/QĐ-UBND về việc cho thuê các ki ốt khán đài sân vận động huyện... Tuy nhiên, sau 16 năm thực hiện chính sách “xã hội hóa”, vẫn còn một số bất cập cần được làm rõ và khắc phục.

Điều tra
Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

(CLO) Ở mỗi gói thầu tham dự khác nhau, Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai lại thể hiện một hồ sơ năng lực với doanh thu khác nhau?

Điều tra
Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

(CLO) Ngay sau phản ánh của báo Nhà báo & Công luận, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã ban hành quyết định thu hồi Quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với ông Nguyễn Văn Nam.

Điều tra
Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

(CLO) Thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh An - Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội đã ký hàng loạt gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Điều tra
Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh 'bóng cười'?

Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh "bóng cười"?

(CLO) Mặc dù từng bị xử phạt do kinh doanh quá giờ quy định, thế nhưng quán bar Aplus có địa chỉ tại số 78 Yên Phụ, phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) không những không tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà còn tiếp tục tái diễn, ngang nhiên kinh doanh “bóng cười”….

Điều tra