Khai mạc Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ hai, 23/03/2020 11:11 AM - 0 Trả lời

(CLO) Sáng 23/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 43. Phiên họp dự kiến diễn ra trong 3 ngày từ ngày 23 - 25/3.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Tham dự phiên họp còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cùng các thành viên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức với số lượng và thành phần dự tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội được hạn chế, các đại biểu có thể theo dõi phiên họp trực tuyến; đồng thời Văn phòng Quốc hội tăng cường các điều kiện cần thiết để bảo đảm tốt nhất cho công tác phòng, chống dịch trong thời gian tiến hành phiên họp.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ báo cáo về tình hình dịch bệnh COVID-19 và các giải pháp, phương án để phòng chống dịch của Việt Nam.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến đối với 7 dự án Luật, trong đó có 6 dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và 1 dự án Luật trình Quốc hội xem xét cho ý kiến là dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 4 nội dung thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách gồm: việc điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí bảo đảm hoạt động đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016 - 2020; việc điều chuyển một phần nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của Tổng cục Thuế sang Tổng cục Dự trữ nhà nước, Ủy ban chứng khoán nhà nước và Học viện Tài chính; cơ chế quản lý tài chính và thu nhập gắn với đặc thù của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước; dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 quy định chi tiết về quản lý, sử dụng NSNN đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Văn phòng Trung ương Đảng và Bộ Ngoại giao.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh COVID-19, trong thời gian này, Chính phủ vừa phải tập trung chỉ đạo khống chế  dịch bệnh lây lan vừa bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tích cực chỉ đạo các nội dung để trình Quốc hội tại kỳ họp tới. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình trong tình hình khó khăn hiện nay.

Thông qua việc thường xuyên theo dõi sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao các hoạt động của Chính phủ từ trước Tết đến nay để Nhân dân có một Tết an toàn, tích cực phòng chống dịch bệnh đồng thời thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, mặc dù phiên họp diễn ra chậm hơn so với dự kiến ban đầu nhưng tất cả các công việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cũng như sự điều phối, chỉ đạo hoạt động của Quốc hội vẫn diễn ra thường xuyên, liên tục, không gián đoạn nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong liên lạc, liên hệ và cho ý kiến vào các dự án Luật. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao tinh thần làm việc của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Ngay sau phát biểu khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Báo cáo tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết: Ngay từ đầu, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguy cơ lây nhiễm rất cao do có đường biên giới và giao lưu, giao thương rất nhộn nhịp với Trung Quốc.

Ở giai đoạn sau, do độ mở nền kinh tế lớn và quan hệ họp tác rất sâu rộng kể cả với các nước, khu vực được coi là ổ dịch mới như Hàn Quốc, EU nên nguy cơ vẫn rất cao.

Ngày 23/1/2020 (tức ngày 29 Tết) Việt Nam phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên tại bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 121/CĐ-TTg và liên tiếp các ngày 28, 30/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg, Chỉ thị số 06/CT-TTg, trong đó quán triệt tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng chống dịch. Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch được thành lập.

Ngày 30/1/2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có công văn số 79-CV/TW, trong đó yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân khẩn trương vào cuộc, xác định phòng chống dịch là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân khẩn trương, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, căn cứ theo tình hình dịch, chúng ta đã thực hiện các biện pháp kiểm soát người nhập cảnh như: Từng bước điều chỉnh chính sách thị thực nhập cảnh đối với các nhóm đối tượng đến từ các nước, khu vực; điều tiết, hạn chế hàng không; thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với khách nhập cảnh; vận động, khuyến cáo người Việt Nam hạn chế ra nước ngoài, về nước...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về công tác phòng, chống dịch COVID - 19 báo cáo với Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về công tác phòng, chống dịch COVID - 19 báo cáo với Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Theo Phó Thủ tướng, nhờ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bằng nhiều giải pháp cụ thể, đến nay, về cơ bản, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tình hình hiện nay đã có nhiều điểm mới, khác so với giai đoạn ban đầu cần có giải pháp cụ thể phù hợp: Kể từ ngày 20/3 khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã từng bước thực hiện cơ bản kiểm soát chặt chẽ thị thực, quy định cách ly đối với người nhập cảnh từ tất cả các nước, việc kiểm soát bệnh thâm nhập từ bên ngoài bớt khó khăn hơn.

Tuy nhiên, đã có trên 350.000 người nhập cảnh vào Việt Nam (gần 100.000 người từ Hoa Kỳ và châu Âu). Mặt khác, tới đây vẫn sẽ còn một lượng đáng kể người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ và phục vụ các yêu cầu từ phía Việt Nam (như các chuyên gia, cán bộ quản lý dự án, doanh nghiệp), cần có hình thức, quy định cách ly phù hợp đảm bảo không lây nhiễm. Do dịch bệnh đã thâm nhập vào bên trong, nên việc phát hiện, cách ly các trường hợp nghi nhiễm còn rất khó khăn, nhất là trong trường hợp không thể truy ra nguồn lây trực tiếp (người nhiễm bệnh chưa đi ra nước ngoài, không biết mình có tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh hay không).

Do tình hình dịch và kể cả chính sách với người nước ngoài của các nước châu Âu, Hoa Kỳ khác với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, nên mặc dù đã chủ động tuyên truyền để người Việt Nam hạn chế tối đa về nước, nhưng nếu trong nước kiểm soát tốt dịch bệnh thì sẽ có rất nhiều người Việt Nam muốn về nước. Trong số đó, không ít người có thể đã nhiễm bệnh. Nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây quá tải các cơ sở cách ly và năng lực điều trị. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngoài các giải pháp như đã thực hiện ở giai đoạn trước đây, cần phải tăng cường, chú trọng hơn các nhóm giải pháp sau: Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp; ứng dụng công nghệ thông tin; năng lực xét nghiệm, huy động sự tham gia của người dân để rút ngắn thời gian cần thiết để phát hiện người có nguy cơ lây nhiễm ngay từ khi nhập cảnh, trong khu cách ly và trong cộng đồng.

“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, chúng ta có cơ sở để tin tưởng sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan rộng, hạn chế tối thiểu người tử vong”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

PV

Tin khác

Sẽ trình UBTVQH, Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng

Sẽ trình UBTVQH, Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng

(CLO) Chính phủ thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết và dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Tin tức
Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa ký Quyết định số 1279/QĐ-BGDĐT về việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tin tức
Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

(CLO) Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ khởi công 07 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình MR, thủy điện Ialy MR, nhiệt điện Quảng Trạch I, thủy điện Trị An MR, thủy điện tích năng Bác Ái và điện mặt trời Phước Thái 2, 3.

Tin tức
Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ 30/4, 1/5, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch vận tải hành khách công cộng phục vụ Nhân dân.

Tin tức
Xem xét hỗ trợ phí khi làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

Xem xét hỗ trợ phí khi làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

(CLO) Dự kiến, kỳ họp thứ 16 HĐND TP Hà Nội (kỳ họp chuyên đề) sẽ xem xét, quyết nghị 08 nội dung, trong đó có Nghị quyết về “Hỗ trợ phí yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp khi công dân thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID”.

Tin tức