Khám phá ngôi làng cổ Hà Nội giữ nét kiến trúc của người Việt xưa

Thứ bảy, 24/09/2022 20:53 PM - 0 Trả lời

(CLO) Cách thủ đô Hà Nội khoảng 27km về phía Tây Nam, làng Ước Lễ, huyện Thanh Oai, Hà Nội được nhiều người biết đến là ngôi làng cổ giữ được nét kiến trúc của người Việt xưa. Nơi đây còn gây ấn tượng lớn khi có tới hai cổng làng và nhiều nhà cổ có niên đại vài trăm năm.

Làng nhỏ có hai cổng cổ niên đại hàng vài trăm năm 

Nhắc tới làng cổ Ước Lễ, hay làng Chảy theo nghĩa chữ Nôm là người ta nhớ ngay tới ngôi làng có đặc sản giò chả nổi tiếng khắp cả nước. Nghề làm giò chả ở làng Ước Lễ có cách đây gần 500 năm. Theo dân gian truyền miệng, thời nhà Mạc (1527-1592) có một cung tần trong triều đình vốn là người làng Ước Lễ về xây cổng làng và dạy cho dân làng nghề giò chả. Từ đó cha truyền con nối, nghề giò chả trở thành nghề truyền thống của làng Ước Lễ. 

Theo một số người dân làng Ước Lễ cho biết, nhiều hộ gia đình trong làng có con cháu có người đi học đại học trên thủ đô Hà Nội, có người chỉ học hết lớp 12 là bắt đầu học nghề làm giò chả của cha chú, chỉ một vài năm là trở thành người cứng nghề, thạo nghề. 

Làng Ước Lễ không chỉ nổi tiếng với thực phẩm giò chả mà còn gây ấn tượng tới du khách bởi nơi đây được mệnh danh là ngôi làng cổ giữ được nét văn hóa lâu đời nhất. Bởi, tại ngôi làng này hiện có hai chiếc cổng làng cổ và hàng chục ngôi nhà cổ có niên đại hàng vài trăm năm. Thậm chí, nơi đây còn được mọi người ví như là "bảo tàng sống về văn hóa Việt Nam", bởi người dân tại làng Ước Lễ có lối sống nông nghiệp điển hình của miền quê nông thôn Bắc Bộ...

kham pha ngoi lang co ha noi giu net kien truc cua nguoi viet xua hinh 1

Khu vực cổng chính của làng Ước Lễ mang đậm nét kiến trúc cổ thời xưa - Ảnh: Đình Trung

Theo PV ghi nhận, làng Ước Lễ vẫn giữ nguyên nét văn hóa của người dân Việt Nam xưa với hình ảnh cây đa - giếng nước - sân đình. Khi đến với làng Ước Lễ, điểm đặc biệt đầu tiên là chiếc cổng làng cổ - một công trình kiến trúc độc đáo, bề thế, có hình dáng như chiếc cổng thành với những nét đặc trưng mang phong cách nghệ thuật điêu khắc thời Mạc (thuộc thế kỷ XVI). 

Để đi qua chiếc cổng làng bề thế, hai tầng, người dân và du khách bắt buộc phải đi qua chiếc cầu gạch đỏ được thiết kế cong bắc qua con mương nhỏ và một điểm gây chú ý là dòng chữ "Ước Lễ thôn" được viết bằng chữ Hán phía trên cổng tạo cho người ta cảm giác như vào chốn hoàng cung của Vua Chúa.

Theo lời kể của người dân nơi đây, làng Ước Lễ có hai chiếc cổng (1 cổng chính lâu đời nhất, 1 cổng phụ được xây vào năm 1998). Nhìn từ xa, cổng chính của làng Ước Lễ cao sừng sững, bề thế, uy nghiêm. Cổng được thiết kế hai tầng, chiều cao khoảng 7m, bề rộng khoảng 12m bằng gạch chỉ đỏ để nguyên. Phía trên cổng có vọng lâu được các kiến trúc sư thời xưa thiết kế nhiều chi tiết tỉ mỉ, độc đáo, đặc biệt bên dưới cổng có một cổng vòm rộng.

kham pha ngoi lang co ha noi giu net kien truc cua nguoi viet xua hinh 2

Cổng phụ của làng Ước Lễ được xây dựng từ năm 1998 - Ảnh: Đình Trung

Phía bên trong cổng được khắc 3 chữ "Thiểu cao đại" có hàm ý nhắn nhủ tới thế hệ con cháu rằng bậc ông cha ngày xưa của làng đã làm nhiều việc đức, nên thế hệ con cháu sau này nhất định sẽ "giàu sang phú quý". Đặc biệt, bên trong vọng lâu còn có tấm biển đề chữ "Mỹ tục khả phong" bằng chữ Hán (ý nghĩa Phong tục hay nên theo" được Vua ban cho làng Ước Lễ vào năm 1851, tức năm Tự Đức thứ tư. Cổng làng Ước Lễ mang đậm nét kiến trúc của người Việt thời xưa với mái vòm truyền thống, giống y chang các mái vòm của đình, chùa cổ ở nước ta. 

Ngoài những họa tiết điêu khắc cầu kỳ, tỉ mỉ, cổng chính của làng Ước Lễ còn gây ấn tượng bởi hai bên được treo hai bảng trắng với những dòng câu đối viết bằng chữ Hán, với mong muốn người dân ra ngoài làm ăn thuận lợi, suôn sẻ và gặp nhiều may mắn, thành người thành danh. 

kham pha ngoi lang co ha noi giu net kien truc cua nguoi viet xua hinh 3

Khu vực chợ của làng Ước Lễ chỉ họp vào sáng sớm và diễn ra trong khoảng 2 giờ đồng hồ - Ảnh: Đình Trung

Cách cổng chính khoảng 50m là khu chợ cổ. Theo người dân làng Ước Lễ nói thì cổng chính làng có từ khi nào thì chợ có từ khi ấy. Đúng vậy, theo phóng viên ghi nhận thì khu chợ Ước Lễ vô cùng cổ kính. Bà Quang, người dân nơi đây cho biết: "Chợ Ước Lễ chỉ mở vào sáng sớm duy nhất trong ngày nên người dân nơi đây chủ động dậy sớm để đi chợ không thì sẽ không mua được thực phẩm dùng trong ngày". 

Cũng theo bà Quang, chợ cổ làng Ước Lễ buổi sáng chỉ họp khoảng 2 giờ đồng hồ là kết thúc. Vì vây, những tiểu thương phải chủ động mang thực phẩm sớm ra chợ bán cho người dân. "Làng Ước Lễ không có quán tạp hóa, quán nhậu hay nhà hàng... người dân nơi đây muốn tụ tập ăn uống thì chỉ có mua thực phẩm về nhà tự chế biến...", bà Quang chia sẻ. 

Ngôi làng có nhiều nhà cổ đơn sơ, cổ kính 

Hình ảnh cây đa - giếng nước - sân đình luôn gắn liền với nét văn hóa của người Việt xưa. Song, tại làng Ước Lễ ở hiện tại vẫn lưu giữ được những hình ảnh đó cùng với ngôi nhà cổ đơn sơ, cổ kính. Theo lời kể của ông Trang Công Trụ (74 tuổi) - người dân cao tuổi tại làng Ước Lễ cho biết: "Hiện làng Ước Lễ có khoảng trên dưới 10 ngôi nhà cổ, tất cả đều còn giữ nguyên nét kiến trúc thời xưa cách đây hàng trăm năm, càng đi sâu vào làng thì sẽ nhìn thấy nhiều nhà cổ. Như nhà tôi hiện được truyền 2 đời và có niên đại khoảng 200 năm". 

Ông Trụ kể lại, đa phần những ngôi nhà cổ tại làng Ước Lễ đều được xây dựng kiến trúc 5 cột nhà, mái ngói đỏ và họa tiết điêu khắc đậm nét kiến trúc thời Vua Chúa. Chính sự cổ kính, lâu đời đó mà nhiều đoàn làm phim, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong nước tìm đến để lấy bối cảnh quay, phân cảnh trong phim.

kham pha ngoi lang co ha noi giu net kien truc cua nguoi viet xua hinh 4

Ngôi nhà cổ của ông Trang Công Trụ (74 tuổi) có niên đại khoảng 200 năm, một trong những ngôi nhà cổ trong làng Ước Lễ - Ảnh: Đình Trung

kham pha ngoi lang co ha noi giu net kien truc cua nguoi viet xua hinh 5

Một trong những chiếc giếng cổ nhất tại làng Ước Lễ - Ảnh: Đình Trung

"Cách đây khoảng 7 năm trước từng có đoàn làm phim Việt Nam tới quay phân cảnh Lão Hạc và cậu Vàng. Đoàn làm phim mượn chó nhà tôi để đưa vào cảnh quay", ông Trụ nhớ lại. Nói về ngôi nhà cổ được truyền lại từ đời bố, ông Trụ miêu tả: "Thường thì nhà cổ phải có 5 cột chống, nhưng ngôi nhà này do bố tôi truyền lại cho tôi chỉ có 3 cột, hay gọi là nhà bán cổ". 

Không những nhiều nhà cổ, làng Ước Lễ còn có đến 6 chiếc giếng cổ niên đại hàng vài trăm năm. Đa phần những chiếc giếng này đều gắn liền với các công trình tôn giáo tín ngưỡng như: 1 giếng nằm trong đình, 1 giếng trong chùa Súng Phúc, 1 giếng trong khuôn viên chùa Hậu, 1 giếng trước nhà thờ, 1 giếng trước lối vào chùa Sổ; chỉ có duy nhất 1 giếng nằm giữa làng, giữa khu vực nhà ở.

Ông Trụ nhớ lại, giếng cổ tại làng Ước Lễ đa phần đều được thiết kế theo nét kiến trúc xưa với hình dáng tròn, giếng có kích thước nhỏ nhất khoảng 7m, lớn nhất từ 15-20m được các kiến trúc sư thời xưa thiết kế theo kiểu bậc thang rộng khoảng nửa mét có nối dẫn đường đi xuống cho người dân tiện xuống lấy nước. Xung quanh giếng được bao bọc bởi hàng tường cao khoảng 50cm. 

Một số hình ảnh khác bên trong làng cổ Ước Lễ

kham pha ngoi lang co ha noi giu net kien truc cua nguoi viet xua hinh 6

Khu vực cổng chính được thiết kế mang đậm nét kiến trúc cổ thời nhà Mạc (thuộc thế kỷ XVI) - Ảnh: Đình Trung

kham pha ngoi lang co ha noi giu net kien truc cua nguoi viet xua hinh 7

Phía sau cổng chính làng Ước Lễ - Ảnh: Đình Trung

kham pha ngoi lang co ha noi giu net kien truc cua nguoi viet xua hinh 8

Một con ngõ nhỏ trong làng cổ Ước Lễ với hình ảnh cây tre mang đậm nét đặc trưng thôn quê Việt Nam - Ảnh: Đình Trung

kham pha ngoi lang co ha noi giu net kien truc cua nguoi viet xua hinh 9

Hình ảnh nông dân dắt trâu ra đồng là hình ảnh quá quen thuộc tại làng Ước Lễ mỗi độ sớm bình minh và cuối chiều - Ảnh: Đình Trung

kham pha ngoi lang co ha noi giu net kien truc cua nguoi viet xua hinh 10

Mái ngói cổ tại nhà cổ trong làng Ước Lễ được phóng viên ghi lại - Ảnh: Đình Trung

kham pha ngoi lang co ha noi giu net kien truc cua nguoi viet xua hinh 11

Sự tự hào về văn hóa nơi đây là nguồn cảm hứng để người dân làng Ước Lễ lưu giữ lại những chiếc cổng cổ dù đời sống kinh tế người dân nơi đây rất khá giả - Ảnh: Đình Trung

kham pha ngoi lang co ha noi giu net kien truc cua nguoi viet xua hinh 12

Thậm chí, những bức tường nhà lộ gạch đỏ au vẫn được giữ gìn coi như là nét văn hóa của người dân Ước Lễ - Ảnh: Đình Trung

Ngoài nhà cổ của ông Trang Công Trụ, trong làng Ước Lễ còn có nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Hương (75 tuổi) - là một trong những gia đình giữ được ngôi nhà cổ nhất làng này. Chia sẻ với phóng viên, bà Hương cho biết: "Sự bào mòn của thời gian đã khiến ngôi nhà của tôi nhìn cổ kính, rêu phong và đi kèm là sự xuống cấp trầm trọng. Từng qua nhiều lần sửa chữa, trùng tu nhưng gia đình tôi vẫn cố giữ nguyên nét kiến trúc của ngôi nhà vì đây không chỉ là niềm tự hào của gia đình tôi nói riêng mà nó còn là niềm tự hào của cả làng Ước Lễ nói chung..."

Một điểm chú ý, là đa số phía mặt tiền của những ngôi nhà cổ tại làng Ước Lễ đều được thiết kế những tấm dài, tấm liếp. Theo bà Hương chia sẻ thì đây là nét đặc trưng của nhà cổ thời xưa, mà phải những ngôi nhà niên đại hàng trăm thì mới có. Nói về tác dụng của tấm dài, tấm liếp, bà Hương cho biết: "Những tấm dài, tấm liếp trước hiên nhà ngoài thuộc kiến trúc của nhà cố, chúng còn có công dụng là chống nóng, giảm nhiệt, do vậy không thể thiếu được tấm dài, tấm liếp trước hiên nhà..."

Nét kiến trúc cổ của những ngôi nhà tại làng Ước Lễ đã để lại ấn tượng lớn tới du khách trong và ngoài nước mỗi khi có dịp ghé qua bởi sự tò mò, thích thú với những họa tiết được chạm khắc tinh tế trên những công trình kiến trúc nơi đây. Và điều đó đã khiến cho người dân làng Ước Lễ luôn cảm tự hào về văn hóa quê hương mình. Bởi Ước Lễ không chỉ là một làng quê có 2 cổng làng cổ và nhiều nhà cổ nhất, mà Ước Lễ còn là làng quê mang đậm nét văn hóa của Đồng bằng Bắc Bộ.

Trung Nguyễn

Bình Luận

Tin khác

Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách 'Trần Phú' của Nhà văn Sơn Tùng

Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách 'Trần Phú' của Nhà văn Sơn Tùng

(CLO) Kỉ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu với bạn đọc cả nước truyện kí đặc sắc “Trần Phú” của tác giả Sơn Tùng. Tác phẩm gồm 9 chương phác họa cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú (1904-1931).

Đời sống văn hóa
6 bộ phim chiếu miễn phí trong 'Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ'

6 bộ phim chiếu miễn phí trong 'Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ'

(CLO) 6 bộ phim sẽ được chiếu miễn phí phục vụ công chúng trong “Những ngày phim tài liệu hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Đời sống văn hóa
Kon Tum: Độc đáo hội thi giã gạo ngon nhất thế giới ở núi Ngọc Linh hùng vĩ

Kon Tum: Độc đáo hội thi giã gạo ngon nhất thế giới ở núi Ngọc Linh hùng vĩ

(CLO) Nằm trong khuôn khổ của Hội thi ẩm thực dược liệu quốc tế được tổ chức tại huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) còn có hoạt động giã gạo truyền thống. Loại gạo ngon nhất thế vừa bén rễ trên vùng sâm tốt nhất.

Đời sống văn hóa
Chiến sỹ Điên Biên kể về Bác Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến sỹ Điên Biên kể về Bác Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) “…Cuối năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật sang Trung Quốc rồi Liên Xô hội đàm với các đồng chí lãnh đạo Xô Viết và Nguyên soái Stalin. Sau cuộc hội đàm Nguyên soái Stalin đã quyết định tặng cho Quân đội Nhân dân Việt Nam một trung đoàn cơ giới pháo cao xạ 37 ly mà sau này Trung đoàn pháo cao xã 367 của chúng tôi đảm nhận đưa pháo lên chiến trường Điện Biên Phủ.”

Đời sống văn hóa
Quyết định kéo pháo ra của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp

Quyết định kéo pháo ra của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp

“Vừa kéo pháo vào hôm trước, hôm sau ngày 26/1/1954 lại đột ngột nhận lệnh kéo pháo ra. Chúng tôi bàng hoàng cả người. Nhưng cũng nhờ có quyết định ấy của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp mà chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng…”

Đời sống văn hóa