Khát vọng cao tốc - Khát vọng trăm năm

Thứ bảy, 30/04/2022 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Thương em anh cũng muốn vô/Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang” - chẳng phải ngẫu nhiên mà từ xa xưa, ông cha ta đã câu ca dao ấy. Con đường thiên lý chạy dọc theo chiều dài đất nước từ Bắc chí Nam, hấp dẫn, kỳ thú, nhưng cũng đầy gập ghềnh gian nan, thậm chí nguy hiểm, khổ ải.

Thế nên, dù biết rất rõ, “Có đường là có tất cả”, “đường đi đến đâu dân giàu tới đó”… nhưng một tuyến đường thiên lý chạy dọc theo chiều dài đất nước từ Bắc chí Nam suốt hàng trăm năm qua vẫn chỉ dừng lại ở khát vọng. Và giờ đây, dự án tuyến cao tốc Bắc Nam đang được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung triển khai để sớm hiện thực hóa khát vọng trăm năm ấy.

Từ ước vọng nhiều thế kỷ…

Một tuyến đường thiên lý xuyên Việt từ lâu đã là ước vọng cháy bỏng của ông cha ta. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì đường Cái quan chính thức được xây dựng vào năm Ất Mão (1375), dưới thời Trần, để nối liền kinh thành Thăng Long với Thanh Hóa. Đến thời Hồ, vào năm 1402, con đường được đắp tiếp vào đến Châu Hóa (Huế).

Năm Tân Mão (1471), vua Lê Thánh Tông dẫn quân đi bình Chiêm. Sau chiến thắng Chà Bàn, đạo thừa tuyên Quảng Nam được thành lập vào tháng 6 (âm lịch) năm đó. Để tiện việc coi giữ, nhà vua đã cho tổ chức lại hệ thống giao thông liên lạc thông suốt từ Thăng Long cho đến phủ Hoài Nhơn (Bình Định) bằng đường bộ.

khat vong cao toc  khat vong tram nam hinh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng Đoàn công tác kiểm tra tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo chiều mùng 5 Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đến thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, Đàng Trong và Đàng Ngoài cần chuẩn bị đường đi lối lại để tiến công lẫn nhau nên tuyến đường thiên lý tiếp tục được chú trọng, mở mang. Nhưng phải đến thời triều Nguyễn, đường thiên lý hay còn gọi là đường cái quan mới thực sự trở thành “huyết mạch kinh tế và hệ thần kinh quản trị quốc gia”.

Điều này được minh chứng bằng một số chi tiết mô tả trong cuốn “Etat actuel du Tonkin de la Cochinchine et les royaumes de Cambodge, Laos et Lac Tho” (Hiện trạng Bắc Kỳ, Nam Kỳ, các vương quốc Lào, Campuchia và Lạc Thổ), xuất bản năm 1812: “…có một con đường lớn nối Phú Xuân và Đông Kinh (Hà Nội). Con đường này đẹp như đường châu Âu… đường tuy không lát gạch đá, nhưng chỗ nào không vững chắc thì người ta đổ gạch, đá vụn và đóng cọc để củng cố; đường làm hơi vồng lên ở giữa để thoát nước ra hai vệ đường. Hai bên đường có rãnh thoát nước và trồng cây…”.

Một dấu ấn lớn đối với tuyến đường này là việc năm 1885, thực dân Pháp tiến hành mở rộng con đường đi qua đèo Hải Vân để nối liền cửa biển Đà Nẵng (nơi các chiến hạm của Pháp neo đậu) với Kinh đô Huế. Đầu thế kỷ 20, Pháp bắt đầu tập trung hoàn thiện con đường xuyên Đông Dương từ Bắc vào Nam bằng đường bộ dựa theo trục đường thiên lý cũ.

Từ năm 1913, mỗi năm chính quyền Đông Dương chi ngân sách rất lớn để cải tạo và gia cố con đường này. Năm 1918, thực dân Pháp ký nghị định chia đường bộ Việt Nam thành hai loại: đường thuộc địa (routes colonials) và đường địa phương (routes régionales). Đường thiên lý từ đây được gọi là đường thuộc địa (route coloniale) số 1 xuyên suốt từ Hữu Nghị quan ở Lạng Sơn, biên giới với Trung Quốc, ngang qua Hà Nội, vào Huế, vào Sài Gòn và trở thành đường Quốc lộ I A ngày nay.

Đến tuyến vận tải xương sống quốc gia, động lực cho khát vọng thịnh vượng

Sau gần nửa thế kỷ thống nhất đất nước, hơn 30 năm đổi mới, đất nước đã hoàn toàn thống nhất, an bình và ngày càng trên đà phát triển. Hơn thế nữa, đất nước đang đứng trước dấu mốc 2045 - tròn một thế kỷ thành lập, khát vọng hùng cường, thịnh vượng đã, đang được đặt ra, thôi thúc hơn bao giờ hết…

khat vong cao toc  khat vong tram nam hinh 2

Cao tốc Bắc – Nam sẽ là trục xương sống của mạng lưới giao thông quốc gia.

Nhưng trong tiến trình hiện thực hóa được khát vọng ấy, không thể thiếu dấu ấn những con đường huyết mạch. Rất nhiều nhà lãnh đạo, chuyên gia đã cùng chung nhận định rằng, thực tế đã chứng minh nơi nào có hệ thống giao thông thuận lợi thì kinh tế ở đó phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, hay nói cách khác, cao tốc đi đến đâu, kinh tế phát triển đến đó.

Và ngược lại, giao thông kém phát triển, sẽ hoàn toàn là lực cản. Đơn cử như câu chuyện của Bình Thuận. Như chia sẻ của lãnh đạo sở GTVT Bình Thuận với báo chí: “Bao nhiêu năm qua, giao thông đối ngoại là lực cản phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Không có sân bay, chưa có cao tốc nên Bình Thuận chưa có những dự án kinh tế xứng tầm với điều kiện về tài nguyên và vị trí địa lý”.

Trăn trở ấy của Bình Thuận là hoàn toàn dễ hiểu. Mơ ước của người dân tỉnh này và du khách về việc du khách từ TP.HCM đến Phan Thiết có thể chỉ còn mất 2 giờ 30 phút nếu cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hoàn thành đưa vào khai thác thay vì 7 tiếng như bấy lâu, âu cũng hoàn toàn là chính đáng.

Bởi sự khát khao chính đáng và nóng bỏng ấy, nên hoàn toàn không nhất thiết phải đợi tới khi kinh tế thực sự phát triển mới bắt tay vào làm cao tốc. Muốn kinh tế đất nước, kinh tế các địa phương cất cánh, phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cần phải tạo ra những đường băng vững chắc và ở đây, đường băng ấy, không gì khác chính là tuyến đường cao tốc 5.000km nối liền Bắc Nam.

Những dự án đó mang khát vọng phát triển đất nước hùng mạnh, tạo ra đường băng cho nền kinh tế cất cánh mạnh mẽ.

Thế nên, điều cần phải nỗ lực nhất lúc này là sớm làm nên một kỳ tích Việt Nam với những tuyến đường hiện đại nối liền một dải Bắc - Nam. 20 năm trước cả nước mới phát triển được gần 1.200km cao tốc, nay chỉ trong 10 năm chúng ta phải làm hơn 3.800km cao tốc. Khó nhưng không phải là không thể.

Hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra hiện trường các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía đông và sân bay Long Thành trong hành trình “xuyên Tết, xuyên Việt” với gần 2.000km từ Ninh Bình đến Cần Thơ ngay từ mùng 5 Tết Nhâm Dần 2022 cho thấy rõ quyết tâm lớn ấy.

Một quyết tâm chính trị lớn, một cơ chế đột phá, cụ thể và khả thi sẽ là tiền đề để góp phần hiện thực hóa tuyến đường cao tốc Bắc Nam - tuyến đường góp phần đưa đất nước trở nên hùng cường, thịnh vượng.

Nguyễn Hà

Bình Luận

Tin khác

Bộ trưởng GTVT yêu cầu khẩn trương rà soát, kiểm tra việc giá vé máy bay tăng 'sốc'

Bộ trưởng GTVT yêu cầu khẩn trương rà soát, kiểm tra việc giá vé máy bay tăng "sốc"

(CLO) Tình trạng giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong dịp cao điểm nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua.

Giao thông
Gần 1,8 triệu hành khách thông qua các cảng hàng không thuộc ACV

Gần 1,8 triệu hành khách thông qua các cảng hàng không thuộc ACV

(CLO) Các cảng hàng không trực thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã đón gần 1,8 triệu hành khách dịp cao điểm lễ 30/4 - 1/5 vừa qua.

Giao thông
Gia Lai: Tuyến Quốc lộ 19 dày đặc biển báo tốc độ, tài xế ức chế

Gia Lai: Tuyến Quốc lộ 19 dày đặc biển báo tốc độ, tài xế ức chế

(CLO) Tuyến Quốc lộ 19 đoạn từ dốc Hàm Rồng (TP Pleiku, Gia Lai) đi cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) dày đặc các biển báo tốc độ gây ức chế cho các tài xế. Nhiều biển báo như “bẫy” người đi đường, lái xe vừa tăng tốc lại phải giảm tốc chỉ trên một đoạn ngắn.

Giao thông
Hoàn thiện quy định cụ thể đối với xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện

Hoàn thiện quy định cụ thể đối với xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện

(CLO) Hoạt động xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế thân thiện với môi trường, ít gây ô nhiễm tiếng ồn, tạo sự văn minh, thuận tiện.

Giao thông
Từ ngày 5/5, đồng loạt triển khai thu phí không dừng tại 5 sân bay

Từ ngày 5/5, đồng loạt triển khai thu phí không dừng tại 5 sân bay

(CLO) Tin từ Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), dự kiến sẽ đồng loạt triển khai thu phí không dừng tại sân bay Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất từ ngày 5/5.

Giao thông