Khi nhà cách mạng cũng là những nhà báo tài ba

Thứ hai, 21/06/2021 07:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nhìn lại hành trình 96 năm qua của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, không khó để thấy rằng nhiều nhà cách mạng cũng là những nhà tổ chức báo chí, nhà báo tài ba. Xin được giới thiệu một số gương mặt trong số đó.

Đúng như nhìn nhận của Chủ tịch Hồ Chí Minh “người làm báo cũng là chiến sĩ cách mạng”, nhìn lại hành trình 96 năm qua của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, không khó để thấy rằng nhiều nhà cách mạng cũng là những nhà tổ chức báo chí, nhà báo tài ba. Xin được giới thiệu một số gương mặt trong số đó - những người đã sử dụng báo chí như một vũ khí vô cùng hiệu quả trong hoạt động cách mạng.

Tổng Bí thư Trường Chinh: Cây bút chính luận đủ sức “làm đòn xoay chế độ”

Đó là nhìn nhận của phần đa các nhà nghiên cứu về tổ chức báo chí, nhà báo tài ba cũng là nhà tư tưởng, nhà lý luận chính trị, nhà văn hóa lớn và nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng: Trường Chinh.

Không xác định lập thân bằng con đường làm báo nhưng có lẽ, tài năng viết lách thiên bẩm, lại thêm phông văn hóa dày dặn, uyên thâm được thừa hưởng từ người cha - ông Đặng Xuân Viện, một nhà nho uyên bác, một nhà khảo cứu giỏi trên nhiều lĩnh vực - đã giúp cho nhà cách mạng Trường Chinh được đánh giá rất cao khi tiến vào lĩnh vực báo chí, dùng báo chí như một “vũ khí”, một “trợ thủ” đắc lực và hữu dụng để tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ, tập hợp quần chúng nhân dân và vận động cách mạng.

Nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của ông, không khó để nhận ra rằng, con đường làm cách mạng và làm báo gần như diễn ra song hành. Minh chứng là năm 1927, khi chàng thanh niên Trường Chinh chuyển lên Hà Nội, học ở trường Cao đẳng Thương mại và tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội thì một năm sau đó, năm 1928, nhà cách mạng trẻ cũng tranh thủ về quê nhà - làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định cùng hai người em họ là Đặng Xuân Thiều và Đặng Xuân Quyền lập ra tờ báo Dân cày để mở rộng tuyên truyền cách mạng trong các tầng lớp dân chúng địa phương. Trường Chinh là chủ bút, Đặng Xuân Thiều chữ đẹp được phân công viết, Đặng Xuân Quyền phụ trách in thạch bản và phát hành.

Nhà báo - nhà cách mạng Trường Chinh và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Nhà báo - nhà cách mạng Trường Chinh và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Sau Dân cày, nhà cách mạng Trường Chinh tham gia viết bài cho nhiều báo, tạp chí như báo Búa Liềm, tạp chí Công hội đỏ (1929). Những năm sau này, trên hành trình hoạt động cách mạng bí mật, đặc biệt ngay trong thời gian những năm đầu 1930, bị giam giữ hết ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), rồi nhà tù Sơn La, nhà cách mạng Trường Chinh được giao phụ trách một số tờ báo bí mật của Đảng ở trong tù, trong số này có tờ “Con đường chính” vừa được coi là tài liệu huấn luyện đảng viên mới, lại vừa là vũ khí lý luận trong cuộc đấu tranh chính trị tư tưởng giữa những người mang tư tưởng cộng sản với các nhóm tù nhân vốn là người của Việt Nam Quốc dân Đảng.

Những năm 1930-1936, sau sự kiện thành lập Đảng, nhà cách mạng Trường Chinh tiếp tục sử dụng báo chí như vũ khí hữu dụng trong đấu tranh cách mạng. Ông vừa viết bài cho nhiều tờ báo như Lao tù tạp chí, Tạp chí Cộng sản (1931-1932), Suối reo (1933), Lao tù (1933), vừa làm chủ bút Con đường sáng và Đuốc Việt Nam (1931-1932).

Thời kỳ vận động dân chủ (1936-1939) - thời kỳ chứng kiến sự chuyển đổi về lượng rõ rệt nhất của báo chí cách mạng trước năm 1945 - nhà cách mạng Trường Chinh là lãnh đạo nhóm cán bộ Đảng hoạt động báo chí tuyên truyền công khai ở Bắc Kỳ, đồng thời ông cũng trực tiếp tham gia lãnh đạo một số tờ báo công khai lớn nhất của Đảng thời điểm ấy như tờ Le Travail, Tin tức, Đời nay, Notre voix, Rassemblement, Enavant rồi chủ bút Báo Giải phóng (1936-1939), trực tiếp phụ trách Báo Tin Tức (1938), trực tiếp chỉ đạo báo Đời nay (1938)…

Những tờ báo này đã thực sự góp tiếng nói tích cực vào công cuộc truyền bá tư tưởng cách mạng. Đơn cử như tờ Le Travail. Dù chỉ tồn tại được vỏn vẹn 7 tháng, nhưng Le Travail (ra đời tháng 11/1936) dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ liên Bắc Trung Kỳ qua Ban hành động nửa hợp pháp của Xứ ủy do xứ ủy viên Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) phụ trách, đã để lại tiếng vang rộng lớn trong xã hội đương thời, nhất là trong giới trí thức Việt Nam và trí thức dân chủ tiến bộ ở Pháp. Cũng chính trong thời kỳ này, đồng chí Trường Chinh cũng trực tiếp viết nhiều bài báo quan trọng, trình bày những vấn đề lý luận, nền tảng tư tưởng của Đảng và đường lối cách mạng giải phóng dân tộc.

Báo Công luận

Thế nhưng, phải đến báo chí thời kỳ cao trào cứu nước 1939-1945, tài năng báo chí của nhà cách mạng Trường Chinh mới thể hiện rõ nét nhất. Trong đó, chỉ riêng dấu ấn lớn mà nhà báo - nhà cách mạng Trường Chinh để lại trên hai tờ Cứu Quốc và Cờ Giải phóng cũng đủ để minh chứng cho tài năng báo chí ấy.

Từ chủ trương của Hội nghị Trung ương 8 họp ngày 10/5/1941 cho xuất bản một tờ báo của Mặt trận, phát hành rộng rãi trong các tổ chức của Mặt trận và trong quần chúng cảm tình, Ban Chấp hành Trung ương quyết định cho ra đời Báo Cứu Quốc, cơ quan tuyên truyền cổ động của Mặt trận Việt Minh. Ngày 25/1/1942, sau một thời gian chuẩn bị, báo Cứu Quốc xuất bản số báo đầu tiên. Theo hồi ký của cố Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Quang Đạo, toà soạn báo Cứu quốc lúc ấy chỉ có 3 người: Tổng Bí thư Trường Chinh làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, Ban Biên tập gồm hai đồng chí Lê Quang Đạo và Lê Toàn Thư. Tổng Bí thư Trường Chinh ngoài chỉ đạo nội dung tờ báo còn trực tiếp viết bài, thậm chí còn trực tiếp… trình bày trang báo.

Trong điều kiện hạn chế về mọi mặt, Báo Cứu Quốc vẫn xuất bản công khai ở thủ đô Hà Nội, trở thành tờ báo hằng ngày lớn nhất của Ðảng Cộng sản Ðông Dương lúc bấy giờ. Như lời của Tổng Bí thư Trường Chinh: “Chúng ta có Báo Cứu Quốc Trung ương, lại có Báo Cứu Quốc ở khắp các liên khu kháng chiến. Ðó là tờ báo hằng ngày duy nhất của Ðảng và nhân dân ta trong thời kỳ này. Chỉ riêng việc ra báo đều đặn suốt gần 3.000 ngày trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ, thiếu thốn, cũng có thể nói, đó là một kỳ tích của nhân dân ta”. Chỉ một điều mà nhà báo - nhà lãnh đạo kiệt xuất này chưa đề cập tới, chính là dấu ấn rõ nét của chính ông với tờ báo.

Dấu ấn mà nhà cách mạng - nhà báo Trường Chinh để lại cho nền báo chí nước nhà thời kỳ trước năm 1945 còn trên tờ Cờ Giải phóng. Tháng 10/1942, khi Trung ương Đảng chủ trương xuất bản tờ báo “Cờ Giải phóng”, Tổng Bí thư Trường Chinh tiếp tục được tín nhiệm giao làm Tổng Biên tập. Ông đã thực sự là linh hồn của tờ báo, người lãnh đạo và tổ chức tờ báo có định hướng và tiêu chí phục vụ chính trị rõ ràng đồng thời trực tiếp viết bài.

Báo Công luận

Cũng chính từ những bài báo trên tờ Cứu Quốc và Cờ Giải phóng, đã làm nên một cây bút chính luận Trường Chinh hết sức sắc bén, văn phong đanh thép, bố cục khúc chiết, chữ dùng rất chuẩn xác. Nhà báo Hồng Chương đã từng bày tỏ sự thán phục: “Có thể nói Cờ Giải phóng là cái bễ thổi bùng ngọn lửa cách mạng, đốt cháy ách thống trị của Nhật, Pháp trên đất nước ta. Và người công nhân điều khiển cái bễ ấy là nhà báo Trường Chinh. Nếu Bác Hồ là người cha của Báo chí Cách mạng Việt Nam, thì đồng chí Trường Chinh là người anh cả trong làng báo cách mạng nước ta(...). Những bài viết hừng hực lửa chiến đấu của đồng chí Trường Chinh đăng trên Báo Cờ Giải phóng phân tích một cách khoa học, kịp thời, sắc bén tình hình trong nước và trên thế giới, trang bị quan điểm vững vàng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, vạch rõ con đường đấu tranh giải phóng dân tộc”.

Chỉ nhìn vào những cống hiến, những dấu ấn mà nhà cách mạng - nhà báo Trường Chinh để lại cho nền Báo chí Cách mạng Việt Nam trước năm 1945 cũng đủ để thấy, ông đã thực sự làm được những gì ông đã viết trong bài thơ ‘‘Là thi sĩ” của ông: ‘‘Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ/Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Giọng văn sắc sảo như giọng văn Nguyễn Ái Quốc bên Paris”

Đó là những chia sẻ đầy thán phục của luật sư - nhà báo Phan Văn Trường khi đọc bài báo với tựa đề “Đả đảo tên tiểu bạo chúa trường Quốc học” của tác giả Võ Nguyên Giáp đăng trên báo L’Annam tháng 7/1927. Với ông, “một cây bút mới xuất hiện lần đầu ở bản xứ này, mà có giọng văn sắc sảo như giọng văn Nguyễn Ái Quốc bên Paris”, thực sự là khó có thể tin nổi.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhưng đó mới là bài báo đầu tiên của Võ Nguyên Giáp. Vị tướng tài ba được xem là bước vào thời kỳ làm báo chuyên nghiệp mấy năm sau đó, với việc Võ Nguyên Giáp tham gia bãi khóa, bị Pháp đuổi học phải về quê rồi vào Huế tham gia làm Báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng tháng 9/1929. Từ bài báo đầu tiên “Vũ trụ và tiến hóa” đến gần 30 bài viết trong chuyên mục “Thế giới thời đàm”, “Thế giới tọa đàm”, Võ Nguyên Giáp với bút danh Vân Đình đã làm sáng rõ một cây bút chính luận sắc sảo về nhiều lĩnh vực.

Thời kỳ vận động dân chủ (1936-1939) - thời kỳ chứng kiến sự chuyển đổi về lượng rõ rệt nhất của Báo chí Cách mạng trước năm 1945 - cũng là giai đoạn chứng kiến hoạt động báo chí sôi nổi nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.  Năm 1936, ông ra Bắc, tham gia giảng dạy ở trường Thăng Long - Hà Nội, mà tham gia viết bài cho các Báo: Tin Tức, Thế Giới, Hà Thành, Thời Báo, Đời Nay, Ngày Mới… và một số tờ báo tiếng Pháp. Thời kỳ đó, nói như Trung tướng Hồng Cư trong bài viết “Võ Nguyên Giáp – Nhà báo trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 - 1939)”: “Trong những năm 1936 – 1939, nghề chính của Võ Nguyên Giáp là dạy học ở trường Thăng Long, đồng thời anh cũng tiếp tục học trường Luật, nhưng phần lớn thời gian của anh lại dành cho hoạt động báo chí”.

Cũng theo lời kể của Trung tướng Hồng Cư: “Một buổi chiều tháng 6 năm 1936, tin thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp được công bố. Tình hình đang chuyển biến theo chiều hướng thuận lợi. Anh Giáp nghĩ ngay tới chuyện ra một tờ báo để đón thời cơ. Theo luật pháp của chính quyền thực dân, muốn ra báo bằng tiếng Pháp, chỉ cần nộp trước tờ khai tên báo, chủ nhiệm, quản lý, nếu vi phạm pháp luật, những người này sẽ bị đưa ra tòa xét xử. Nhưng muốn xuất bản một tờ báo tiếng Việt, phải xin phép, thể lệ rất phiền phức và thường phải chờ đợi lâu. May sao có tờ Hồn trẻ của Hướng đạo sinh, vì thua lỗ phải tạm ngừng xuất bản, chủ nhiệm báo sẵn sàng nhượng lại bản quyền. Anh Võ Nguyên Giáp bàn với anh Đặng Thai Mai và các giáo sư trường Thăng Long cùng nhau góp tiền để làm cho tờ báo sống lại với một nội dung hoàn toàn mới”.

Ngày 6/6/1936, bộ mới Báo Hồn Trẻ ra số đầu tiên, trên trang nhất nêu rõ phương châm của tờ báo: “Làm báo khác với làm giàu. Lấy danh nghĩa của nghệ thuật mà lợi dụng cái đẹp buồn bã, âm thầm, yếu ớt, suy vong mà ru ngủ bạn đầu xanh, đó không phải là việc làm của người cầm bút có lương tâm”, cổ động đấu tranh cho các khẩu hiệu dân sinh, dân chủ. Dù tồn tại chỉ được 5 kỳ ra báo nhưng Hồn Trẻ được đánh giá là tiếng chuông báo hiệu phong trào hoạt động báo chí công khai của Mặt trận Dân chủ Đông Dương trong thời gian 1936-1939.

Ngày 16/9/1936, Le Travail (Lao Động), như một sự chuẩn bị kế tiếp, kỹ càng của nhà cách mạng yêu nước Võ Nguyên Giáp cho tờ Hồn Trẻ bị nhà cầm quyền Pháp đóng cửa, xuất bản số đầu tiên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người sáng lập và cộng tác với đồng chí Nguyễn Thế Rục, là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, học viên Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản cùng xuất bản Le Travail. Tòa soạn báo Le Travail nằm tại số nhà 21 đường Henri donieans (nay là phố Phùng Hưng, Hà Nội). Sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Suốt những năm đó tôi làm hết các chân của nghề báo, từ viết xã luận, thời đàm, nghị luận, điều tra, phóng sự, biên tập, duyệt bài, sắp xếp nội dung... cho tới viết bố cục, lên trang, trình bày, đưa nhà in, sửa bản bông và không ít khi làm cả việc phát hành báo”.

Dù chỉ tồn tại được vỏn vẹn 7 tháng với 30 số báo (tới ngày 16/4/1937 bị nhà cầm quyền Pháp ra lệnh đóng cửa) nhưng Le Travail đã làm được, như chính lời báo từng tuyên ngôn: “Từ nay, không còn ai dám nói thợ thuyền Đông Dương không phải là một giai cấp anh dũng, một giai cấp tổ chức và kỷ luật”, “Đấu tranh bình tĩnh và kỷ luật, đấu tranh với một ý chí không gì lay chuyển nổi của giai cấp vô sản”, khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử, đặc điểm của giai cấp công nhân Việt Nam trong tiến trình cách mạng.

Le Travail đóng cửa nhưng nhiệt huyết của người cách mạng Võ Nguyên Giáp, tinh thần chiến đấu của ngòi bút báo chí cách mạng Võ Nguyên Giáp vẫn như ngọn lửa rừng rực cháy. Không ngưng nghỉ, nhà cách mạng - nhà báo Võ Nguyên Giáp lại bắt tay vào tham gia viết bài cũng như tổ chức, vận động nhiều tờ báo khác, từ Tập hợp (Rassamblement) đến En Avent (Tiến lên), Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta), Thế giới, Dân chúng -...

Ngày 24/4/1937, tại Đại hội Báo giới Bắc Kỳ lần thứ nhất, nhà báo Võ Nguyên Giáp được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ. Cương vị này càng khiến vị tướng tài của dân tộc gắn liền với báo chí.

Những năm tháng sau này, dù bận rộn trên cương vị Tổng tư lệnh của quân đội nhân dân Việt Nam, chỉ đạo nhiều trận đánh, chiến dịch lớn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn dành dụm quỹ thời gian ít ỏi để viết báo. Năm 1945, giữa những bộn bề của công việc chuẩn bị cho cách mạng tháng Tám năm 1945, Đại tướng vẫn làm chủ bút, chỉ đạo biên tập 5 số đầu tiên (từ 20/6 đến 5/8/1945) của Báo Nước Nam mới của Khu Giải phóng, viết bài chỉ đạo cho báo Việt Nam Độc lập của Mặt trận Việt Minh, Báo Quân Giải phóng của Việt Nam Giải phóng quân…

Những năm tháng kháng chiến trường kỳ, những người quen đọc Báo Quân đội nhân dân hẳn không thể nào quên những bài xã luận, bình luận sắc bén của tác giả Chính Nghĩa (bút danh của Đại tướng) trên nhiều số báo. Những năm kháng chiến chống Mỹ rồi đất nước hòa bình, đổi mới, viết báo vẫn là niềm say mê, sự thôi thúc khôn nguôi của Đại tướng.

Dường như, cả cuộc đời, sống chiến đấu, hoạt động cách mạng của mình, với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “nghề báo luôn là một nghệ thuật đầy hứng thú” - như chính ông từng tâm sự lúc sinh thời.

Hà Anh

Tin khác

Báo Phụ nữ TP HCM công bố Cuộc thi viết “Vẻ đẹp của nước”

Báo Phụ nữ TP HCM công bố Cuộc thi viết “Vẻ đẹp của nước”

(CLO) Ngày 2/5, Báo Phụ nữ TP HCM phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức họp báo công bố Cuộc thi viết với chủ đề “Vẻ đẹp của nước”.

Nghề báo
Toạ đàm về xu hướng truyền thông mới: Biến khó khăn thách thức thành cơ hội phát triển

Toạ đàm về xu hướng truyền thông mới: Biến khó khăn thách thức thành cơ hội phát triển

(CLO) Nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động Đoàn gắn với công tác chuyên môn nghiệp vụ, chiều 2/5, Ban chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình tọa đàm “Xu hướng truyền thông mới – Cơ hội và thách thức”.

Nghề báo
Bổ nhiệm ông Trần Văn Biên làm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp

Bổ nhiệm ông Trần Văn Biên làm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp

(CLO) Sáng 2/5, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp.

Nghề báo
“Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp”: Góc nhìn mới về chiến dịch

“Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp”: Góc nhìn mới về chiến dịch

(CLO) Nói về tác phẩm “Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp” nhà báo Trần Thu Hà cho biết: “Bộ phim chỉ 50 phút, nhưng chúng tôi cố gắng chuyển tải được giá trị từ khối lượng thông tin đồ sộ, thành những câu chuyện dễ hiểu, mới mẻ và thu hút được khán giả, nhưng vẫn phải đảm bảo tính chính xác của thông tin”.

Nghề báo
Khai mạc Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”

Khai mạc Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”

(CLO) Chiều 1/5, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Việt Nam và một số đơn vị tổ chức Lễ khai mạc Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”.

Nghề báo