Khoác áo mới cho gốm “be chạch” Bát Tràng

Thứ năm, 23/11/2023 09:22 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Be chạch” là kỹ thuật làm gốm thủ công, năng suất thấp, vì thế đã dần mai một ở làng gốm Bát Tràng. Tuy nhiên, bằng góc tiếp cận mới, nghệ nhân Nguyễn Trường Sơn đã mang đến hơi thở đầy sức sống cho những sản phẩm gốm truyền thống ở làng nghề này…

Làm gốm rồi “chơi” với gốm

Trong dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hoá Việt Nam 23/11 năm nay, tại Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội diễn ra triển lãm giao lưu giới thiệu các tác phẩm gốm nghệ thuật tiêu biểu đại diện hai dòng gốm của Việt Nam. Từ làng gốm Bát Tràng, Nguyễn Trường Sơn mang đến triển lãm hơn 30 sản phẩm gốm be chạch men lam khói và 8 bức tranh gốm hết sức độc đáo.

“Be chạch” là kỹ thuật làm gốm truyền thống hoàn toàn thủ công. Hiểu một cách nôm na thì đây là kỹ thuật nặn từ các dải đất trông giống như con cá chạch. Để tạo nên một sản phẩm be chạch, người nghệ nhân phải vê khối đất sét thành những dải tròn nhỏ, sau đó xếp chồng lên nhau theo vòng tròn. Khi mỗi một dải đất được xếp lên, người nghệ nhân sẽ dùng tay miết để chúng kết dính lại với nhau. Cứ thế, các dải đất tiếp tục được đắp, được lặp lại nhiều vòng cho tới khi tạo ra sản phẩm mong muốn.

khoac ao moi cho gom be chach bat trang hinh 1

Nghệ nhân Nguyễn Trường Sơn và những sản phẩm gốm “be chạch” truyền thống. Ảnh: NVCC

Theo nghệ nhân Nguyễn Trường Sơn, trong quá trình “be chạch”, người làm cần cảm nhận được “giấc” của đất (đất đã đạt đến độ dẻo hay chưa, có bị quá khô hay quá nát không). Nắm rõ được “giấc” sẽ hạn chế được lỗi kỹ thuật khiến sản phẩm bị nứt, cong vênh... “Để biết “giấc” của đất, người làm chỉ có cách duy nhất là tiếp xúc với đất mỗi ngày và cảm nhận. Do đó, người có kinh nghiệm lâu năm phải là người hiểu về đất” - Nguyễn Trường Sơn nói.

Khác với dòng gốm được tạo hình trên bàn xoay có bề mặt nhẵn, mịn, gốm be chạch lưu lại dấu tay người thợ tác động, tạo nên những hình khối lồi lõm trên bề mặt sản phẩm. Tuy nhiên, “các cụ” ngày xưa sau khi “be chạch” thường vuốt lại để làm mất đi dấu tay, còn Sơn thì giữ nguyên dấu tay đó. Gốm be chạch đặc biệt bởi chính sự lồi lõm tự nhiên như vậy, chúng “vô tình” tạo ra hình khối, đôi khi là cả những dấu vân tay trên bề mặt sản phẩm.

Do hoàn toàn làm thủ công nên thông thường một ngày người nghệ nhân chỉ tạo hình được 3-5 bình “be chạch” trong khi làm gốm bằng bàn xoay, mỗi ngày họ có thể cho ra 30-40 sản phẩm. Đồng thời, với cách làm “be chạch”, mỗi sản phẩm đều là độc bản, không thể có chiếc thứ hai.

Đối với người thợ lớn tuổi ở Bát Tràng, kỹ thuật “be chạch” không có gì xa lạ. Nhưng kể từ khi có bàn xoay chạy điện năng suất cao, không còn nhiều người làm nữa. Kỹ thuật “be chạch” có nguy cơ dần mai một, nhưng may mắn thay, giờ đây kỹ thuật truyền thống này đã có Nguyễn Trường Sơn là người tiếp nối.

“Sinh ra và lớn lên giữa “cái nôi” Bát Tràng, từ lúc cầm trên tay hòn đất thô cho tới khi ngắm nhìn những món đồ tinh xảo, với tôi gốm là một phần của cuộc sống. Với tôi, “làm gốm” là chưa đủ, mà tôi còn muốn “sáng tác” gốm, “chơi” với gốm” - Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.

khoac ao moi cho gom be chach bat trang hinh 2

Khách hàng tham quan không gian trưng bày sản phẩm Gốm Bụt tại khu phố cổ Hà Nội.

Khát vọng sản phẩm gốm Việt “xịn”

Tuy nhiên, chặng đường định hình phong cách gốm của Nguyễn Trường Sơn không suôn sẻ như nhiều người thường nghĩ. Trực tiếp làm gốm từ thời còn đang học phổ thông, anh hiểu hơn ai hết sự vất vả, cực nhọc của nghề. Sơn kể, cách đây hơn hai chục năm thôi nhưng làm gì đã có máy móc để hỗ trợ các công việc nặng nhọc như làm đất, vận chuyển... Sản phẩm làm ra hư hỏng nhiều, cùng với công nghệ lạc hậu khi lò nung hoàn toàn dùng than đá hoặc củi, làng nghề là một không gian ô nhiễm khủng khiếp.

“Học lớp 9 nhưng tôi đã phải ôm những bao gốm mộc nặng hai ba mươi cân trèo lên lò cao. Những ngày hanh khô, cuối buổi xì trong mũi ra một cục than đen sì. Vất vả thế nên đứa nào học dốt là cô giáo lắc đầu doạ “sau này lại về làm lò thôi”. Sợ lắm!” - Sơn nhớ lại.

Nhưng sợ hơn cả sự vất vả là sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Quẩn quanh với những cái khó nên nhiều thế hệ thanh niên rời làng đi ra bên ngoài kiếm sống, trong số đó có Nguyễn Trường Sơn. Mất hơn 10 năm bươn chải, đến năm 2015, Sơn trở về, nối lại nghề truyền thống của gia đình, của quê hương. Ban đầu, anh cũng chỉ làm những sản phẩm thông thường như bao người thợ khác. Nhưng rồi, có người bạn đến chơi, cắc cớ hỏi rằng, làm sao để phân biệt được gốm Bát Tràng “xịn”?

khoac ao moi cho gom be chach bat trang hinh 3

Nguyễn Trường Sơn chia sẻ, gốm “be chạch” đặc sắc ở cách tạo hình nên không có sản phẩm nào hoàn toàn giống nhau.

“Câu hỏi ấy khiến tôi suy nghĩ mãi và bỗng ngộ ra, tại sao gốm Trung Quốc, gốm Nhật người ta có thể nhận ra dễ dàng, trong khi người nơi khác đến tận Bát Tràng rồi mà vẫn không biết đâu mới thực sự là gốm Bát Tràng? Từ đó, tôi nghĩ rằng, phải làm sao để tạo ra được một dòng gốm mà nhìn vào, người ta biết ngay đó là gốm Việt, dòng gốm mang bản sắc văn hóa của người Việt”.

Dẫu đã quyết tâm, nhưng con đường khởi nghiệp của người thanh niên trẻ đâu đã hết khó khăn. Lò nung của nhà đã phá bỏ, vốn liếng ít ỏi, mặt bằng chật hẹp… nên sản phẩm “đầu tay” là những con giống nho nhỏ, Sơn phải đi gửi nhờ lò nung của người dân quanh làng. Sau nhiều trăn trở, loay hoay tìm hướng đi, đến năm 2019, anh mới định hình được phong cách và đến tháng 12/2021, thương hiệu “Gốm Bụt” ra đời.

Chia sẻ về cái tên “Gốm Bụt”, Nguyễn Trường Sơn cho biết, anh là một tín đồ đạo Phật, mà Phật gọi theo tiếng Việt dân gian là Bụt. Với Gốm Bụt, anh mong muốn đây là cái tên thuần Việt và những sản phẩm Gốm Bụt, tuy độc đáo nhưng cũng rất gần gũi, an yên.

Biến di sản thành hàng hóa

Hiện tại, Gốm Bụt đang phát triển các dòng gốm “be chạch”, gốm vuốt tay bán thủ công với các phân lớp về đồ décor và đồ gia dụng. Nguyễn Trường Sơn còn phủ lên sản phẩm của mình lớp men tiêu hỏa biến - loại men hơi sần như hạt tiêu xay rắc trên mặt gốm. Đặc biệt, trong bất kỳ sản phẩm nào, Nguyễn Trường Sơn cũng chú ý tới việc thổi vào đó những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam. Chẳng hạn, bộ sưu tập “Bình dân gian” được lấy ý tưởng từ những hình ảnh gắn liền với cuộc sống của người dân Việt Nam như cây tre, con cua, con cò… Các họa tiết đều là những nét vẽ tối giản, mộc mạc nhưng mang lại một cảm giác yên bình, khiến cho lòng người thảnh thơi, như được hít thở không khí yên ả của chốn làng xưa, thôn cũ.

“Vừa qua, chúng tôi có xuất đi một lô đồ gốm sử dụng men tiêu hoả biến cho hệ thống nhà hàng phở Việt ở Canada. Khách đặt rất ưng ý và đang hẹn tới đây quay lại tiếp tục đặt hàng” - người nghệ nhân trẻ phấn khởi cho biết.

khoac ao moi cho gom be chach bat trang hinh 4

Một số sản phẩm của Gốm Bụt.

Với Nguyễn Trường Sơn, văn hóa truyền thống Việt Nam còn nhiều điều đặc sắc và thú vị cần được khám phá. Để khai phá được vẻ đẹp đó là cả một hành trình dài nên Gốm Bụt sẽ không ngừng nỗ lực. Anh cho biết, Gốm Bụt ra đời với mong muốn viết tiếp câu chuyện của làng gốm Bát Tràng, đưa vào câu chuyện cũ một góc nhìn mới, để trở thành thương hiệu tiên phong trong dòng gốm thủ công độc bản.

Nhận xét về những sản phẩm của Nguyễn Trường Sơn, PGS. TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, nhờ nắm vững bí quyết của nghề truyền thống, với khả năng sáng tạo, những nghệ nhân trẻ đã biến di sản thành hàng hóa có giá trị kinh tế và có tính trí tuệ.

“Nhờ những người trẻ sáng tạo như thế, các làng nghề thủ công truyền thống mới được tiếp sức và sống trong đời sống đương đại. Đó là cách để di sản sống trong đời sống cộng đồng và nghệ nhân là người góp phần làm nên sự đa dạng của một thành phố sáng tạo như Hà Nội” - PGS. TS Đặng Văn Bài nhận xét.

Thế Vũ

Bình Luận

Tin khác

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản gốm Việt

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản gốm Việt

(CLO) Hội thảo mang tới nhiều thông tin về gốm Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghề gốm cổ truyền ở Việt Nam.

Đời sống văn hóa
Đại lễ Phật đản năm 2024 tại Ninh Bình lan tỏa tình yêu thương, đoàn kết, kiến tạo thế giới hòa bình

Đại lễ Phật đản năm 2024 tại Ninh Bình lan tỏa tình yêu thương, đoàn kết, kiến tạo thế giới hòa bình

(CLO) Ngày 18/5, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình phối hợp chùa Bái Đính long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568-Dương lịch 2024.

Đời sống văn hóa
Trải nghiệm vườn nho hạ đen trĩu quả ở ngoại thành Hà Nội

Trải nghiệm vườn nho hạ đen trĩu quả ở ngoại thành Hà Nội

(CLO) Những năm gần đây, người dân trồng nho hạ đen ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội đã kết hợp việc nuôi trồng thông thường với du lịch, đem lại nhiều lợi nhuận và thu hút du khách gần xa tới trải nghiệm.

Đời sống văn hóa
Ấn tượng chương trình quảng diễn đường phố 'Quê hương mùa Sen nở'

Ấn tượng chương trình quảng diễn đường phố 'Quê hương mùa Sen nở'

(CLO) Chương trình quảng diễn đường phố "Quê hương mùa Sen nở" diễn ra sôi động với sự tham gia trình diễn của gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân.

Đời sống văn hóa
Thái Bình: Tổ chức nhiều hoạt động tại Tuần du lịch năm 2024

Thái Bình: Tổ chức nhiều hoạt động tại Tuần du lịch năm 2024

(CLO) Tỉnh Thái Bình kỳ vọng, thông qua các hoạt động của Tuần du lịch, tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh; thu hút người dân, du khách trong và ngoài nước tiếp tục đến với Thái Bình trong mùa du lịch năm 2024.

Đời sống văn hóa