Kiến nghị "siết" xuất khẩu thép: Hoạt động xuất khẩu của các "ông lớn" ngành thép hiện ra sao?

Thứ hai, 17/05/2021 10:12 AM - 0 Trả lời

(CLO) Nhu cầu giá thép tăng cao, các doanh nghiệp thép đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu để gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đang xem xét để kiến nghị Chính phủ, các cơ quan liên quan ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu.

Ngành thép Việt Nam được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội bứt phá trong năm 2021, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu. Ngay trong những tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm sắt thép đã tăng trưởng ở mức cao.

Xuất khẩu thép trong 4 tháng đầu năm tăng rất mạnh, tác động đáng kể đến giá thép trong nước (Ảnh minh họa).

Xuất khẩu thép trong 4 tháng đầu năm tăng rất mạnh, tác động đáng kể đến giá thép trong nước (Ảnh minh họa).

Báo cáo của VSA công bố ngày 14/5 cho thấy riêng về hoạt động xuất khẩu, trong quý 1/2021, Việt Nam xuất khẩu thép đạt 2,92 triệu tấn, với trị giá đạt 2,043 tỉ USD, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm trước. Thép của Việt Nam được bán đến hơn 30 quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó, các thị trường xuất khẩu chính là ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc...

Giá nguyên vật liệu và giá bán thép tiếp tục tăng trong tháng 4 và đến đầu tháng 5. Nhìn chung, thị trường thép cán nóng (HRC) thế giới biến động, khiến thị trường HRC trong nước khó khăn do các DN sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép...) sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất. Giá nguyên liệu thép tăng đẩy giá bán thép trong nước tăng vọt lên trên 17,5 - 17,9 triệu đồng/tấn, tăng từ 40 - 45% so với cuối năm 2020.

Hiệp hội này cho biết các dự báo trước đó nói giá thép sẽ chỉ tăng tối đa là hết quý 2/2021. Nhưng hiện tại, mọi thứ đang thay đổi, nhiều dự báo điều chỉnh giá thép có thể tăng hết quý 3/2021.

Các “ông lớn” ngành thép đẩy mạnh xuất khẩu

Tại Tập đoàn Hòa Phát (HPG), tháng 1/2021, sản lượng sản xuất thép thô của Hòa Phát đạt hơn 670.000 tấn, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước; bán hàng thép Hòa Phát bao gồm thép xây dựng thành phẩm, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 577.000 tấn, trong đó HRC tăng trưởng mạnh nhất, đạt 252.000 tấn, tăng 48% so với tháng 12/2020.

Cũng trong tháng 1/2021, Hòa Phát xuất khẩu 37.000 tấn thép xây dựng thành phẩm, tăng 38% so với tháng 1/2020. Ngoài ra, lượng phôi thép phục vụ cho thị trường trong và ngoài nước đạt gần 140.000 tấn, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, Tôn Hòa Phát đã xuất khoảng 10.000 tấn tôn mạ kẽm đi châu Âu cho các đối tác đến từ Bỉ và Tây Ban Nha. Trong tháng 2, Tôn Hòa Phát xuất một lô hàng hơn 12.000 tấn chủ yếu là các sản phẩm tôn mạ lạnh xuất khẩu sang châu Mỹ.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát ( HoSE: HPG ) đã xuất khẩu tổng cộng 775.600 tấn thép các loại và tiêu thụ 2,5 triệu tấn, tỷ trọng xuất khẩu đạt 30,5%. Riêng sản lượng thép thô xuất khẩu là 507.900 tấn, thép thành phẩm đạt 267.700 tấn.

Hòa Phát cho biết thị trường thép thô của doanh nghiệp chủ yếu là Trung Quốc, trong khi thép xây dựng đa đa dạng như Úc, Nhật, Canada, các nước Asean... Trong tháng 4, doanh nghiệp mới phát triển thêm thị trường mới là Peru.

Xuất khẩu là một trong những kênh bán hàng chủ lực của các “ông lớn” ngành thép.

Xuất khẩu là một trong những kênh bán hàng chủ lực của các “ông lớn” ngành thép.

Còn tại Tập đoàn Hoa Sen (HSG), xuất khẩu là một trong hai kênh bán hàng chủ lực đóng góp lớn vào lợi nhuận của doanh nghiệp này. Nguồn doanh thu USD từ hoạt động xuất khẩu giúp Hoa Sen có nguồn ngoại tệ đối ứng để vay USD với lãi suất thấp hơn lãi suất VNĐ để thanh toán các lô hàng nguyên liệu nhập khẩu.

Kết thúc tháng 2/2021, sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Hoa Sen tiếp tục thiết lập kỷ lục mới với sản lượng 121 nghìn tấn, doanh thu xuất khẩu đã vượt mốc 100 triệu USD/ tháng.

Trong 4 tháng đầu năm, Hoa Sen xuất khẩu 416.000 tấn bao gồm tôn mạ 397.000 tấn, ống thép 19.121 tấn. Tỷ trọng xuất khẩu trên sản lượng bán hàng 52,5% trong 4 tháng đầu năm, vượt qua sản lượng tiêu thụ nội địa.

Trong các năm trước, kênh xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 34-37% cơ cấu sản lượng tiêu thụ thành phẩm của tập đoàn. Tuy nhiên, niên độ 2019-2020, kênh xuất khẩu tăng trưởng mạnh mà chiếm tỷ trọng 43% với 644.000 tấn.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong năm 2020, Hoa Sen tiêu thụ tổng cộng 1,31 triệu tấn tôn mạ, trong đó riêng thị trường nước ngoài là 752.530 tấn, tương đương 57,3%.

Thép Nam Kim (NKG) hiện cũng đang có chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như Bắc Mỹ và châu Âu.

Trong cơ cấu doanh thu của Nam Kim, xuất khẩu đóng góp khoảng 40% giai đoạn 2019-2020. Riêng quý 1/2021, doanh thu xuất khẩu tăng vọt lên 3.000 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 61,7% tổng doanh thu.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, Thép Nam Kim xuất khẩu 129.200 tấn tôn mạ, chiếm 37,3% tổng sản lượng bán hàn

Bộ Công Thương kiến nghị hạn chế xuất khẩu thép

Bộ Công Thương mới đây yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ kiến nghị ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động.

Quyết định của Bộ Công Thương đưa ra trong bối cảnh giá thép tăng cao ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xây dựng. Nhiều nhà thầu xây dựng rơi vào tình trạng lao đao, điêu đứng và có nguy cơ vỡ trận, ảnh hưởng lớn đến tiến độ công trình đã và đang thực hiện vì phần lớn hợp đồng ký đơn giá cố định khi giá thép cũng như nguyên vật liệu xây dựng tăng mạnh.

Đồng thời, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan thuộc Bộ nghiên cứu, rà soát và thực hiện việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cảnh báo hạn chế xuất khẩu thép sẽ tác động rất tiêu cực vì doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu từ đầu năm, nếu giờ ngưng doanh nghiệp sẽ phải chịu phạt, mất uy tín. Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do, việc hạn chế kinh doanh xuất nhập khẩu cần cân nhắc thận trọng.

Trước đó, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã có công văn kiến nghị Chính phủ về giá thép xây dựng. Theo đó, giá thép xây dựng trong nước đã đến 45% trong 5 tháng đầu năm nay gây thiệt hại cho các nhà thầu do các dự án đầu tư vốn ngân sách thì lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các sở xây dựng, mà các thông báo này lại không cập nhật biến động giá kịp thời.

Vì vậy, VACC kiến nghị Văn phòng Chính phủ chỉ đạo sớm các bộ ngành liên quan kiểm tra triệt để nguyên nhân khiến giá thép tăng đột biến xem có sự "bắt tay" giữa các doanh nghiệp thép cùng tăng giá hay không?

Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới. Do giá nguyên liệu tăng dẫn đến giá thép thành phẩm tăng cao.

Thanh Thư

Tin khác

Một nửa giao dịch giữa Nga - Trung Quốc được thực hiện thông qua bên thứ ba

Một nửa giao dịch giữa Nga - Trung Quốc được thực hiện thông qua bên thứ ba

(CLO) Reuters đưa tin, dẫn lời các nhà tư vấn thương mại và chủ ngân hàng, cũng như các nhà nhập khẩu và xuất khẩu, có tới một nửa số giao dịch thương mại giữa Nga và Trung Quốc được thực hiện thông qua các bên trung gian.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nga có thể tịch thu tài sản tư nhân của Mỹ

Nga có thể tịch thu tài sản tư nhân của Mỹ

(CLO) Tuyên bố cuối tuần qua, quan chức an ninh cấp cao Dmitry Medvedev cho biết Nga có thể đáp trả hành động Mỹ tịch thu tài sản bị đóng băng ở phương Tây của nước này bằng cách tịch thu tài sản của công dân và các nhà đầu tư Mỹ ở Nga.

Thị trường - Doanh nghiệp
Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam bước qua sóng gió

Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam bước qua sóng gió

(NB&CL) Đó là lời khẳng định của Tổng Giám đốc Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) Lê Hồng Hà trong buổi trò chuyện với PV Báo Nhà báo & Công luận. Theo Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà, trước những khó khăn, thách thức, chúng tôi đã nỗ lực hết sức để giữ vững và duy trì sản xuất kinh doanh, từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và hướng tới phục hồi, phát triển.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nam A Bank tiếp tục giữ đà tăng trưởng

Nam A Bank tiếp tục giữ đà tăng trưởng

(CLO) Ngày 26/04, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank – Mã NAB) đã công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với nhiều kết quả tăng trưởng tích cực, lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.000 tỷ đồng, tiếp tục bám sát các mục tiêu kinh doanh năm 2024.

Thị trường - Doanh nghiệp
Khí đốt Nga đang tìm cách vượt qua lệnh trừng phạt của châu Âu

Khí đốt Nga đang tìm cách vượt qua lệnh trừng phạt của châu Âu

(CLO) Người phát ngôn Điện Kremlin Dimitry Peskov nói với các nhà báo hôm 27/4, các nhà sản xuất Nga sẽ tìm cách vượt qua các biện pháp trừng phạt tiềm tàng đối với hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Moscow.

Thị trường - Doanh nghiệp