Kon Tum: Người dân vùng khó khăn đón Tết ấm no nhờ trồng dược liệu

Chủ nhật, 11/02/2024 12:43 PM - 0 Trả lời

(CLO) Việc phát triển và nhân rộng các mô hình trồng dược liệu đã tạo sinh kế, giúp nhiều hộ dân ở Kon Tum thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Tận dụng lợi thế thiên nhiên ưu đãi, tỉnh Kon Tum đang tập trung các nguồn lực với mục tiêu đưa tỉnh nhà trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia.

Người dân tộc ít người thoát nghèo nhờ trồng sâm

Kon Tum từ lâu được biết đến là tỉnh thành sở hữu nguồn dược liệu đa dạng, phong phú, trong đó chủ yếu tập trung ở 3 huyện phía đông dãy Trường Sơn là Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei. Đây cũng là các huyện có diện tích rừng và đất rừng lớn với trên 300.000 ha đất lâm nghiệp. Sở hữu khí hậu mát mẻ quanh năm, cùng với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, những địa phương này đã và đang phát triển nhân rộng các loại dược liệu quý như: Sâm Ngọc Linh, Hồng Đăng sâm, sâm Đương Quy…

Trong đó có thể nhắc đến Tu Mơ Rông, đây là huyện có nhiều cái nhất như: Diện tích sâm Ngọc Linh nhiều nhất, nhiều tỷ phú Xơ Đăng nhờ sâm Ngọc Linh nhất, nhiều diện tích dược liệu nhất, nhiều sản phẩm dược liệu được chế biến nhất. Đặc biệt hơn cả là nhờ trồng sâm, thời gian qua nhiều hộ dân ở huyện vùng khó đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu hiệu quả.

kon tum nguoi dan vung kho khan don tet am no nho trong duoc lieu hinh 1

Việc phát triển mô hình sâm dây đã giúp người dân trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông thoát nghèo và làm giàu hiệu quả

Đơn cử như trường hợp của anh A Đường (trú tại xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông). Được biết, sau nhiều năm vất vả trồng đủ các loại cây trồng từ bắp, mì, cà phê, bời lời… thế nhưng cuộc sống của gia đình anh vẫn chẳng thể khá nổi, cái nghèo, cái đói luôn đeo bám 2 vợ chồng cùng đàn con thơ. Khi thấy nhiều bà con trong vùng khấm khá hơn nhờ trồng sâm dây, năm 2017 anh Đường cũng mày mò, học hỏi kinh nghiệm và xuống giống loại cây này.

“Được sự hướng dẫn nhiệt tình của bà con và chính quyền, một năm sau mình đã nhân rộng diện tích trồng sâm dây lên hơn 1ha. Không chỉ được hướng dẫn về kỹ thuật trồng và chăm sóc, mình còn được liên kết, đảm bảo về đầu ra. Năm 2019, gia đình đã thoát nghèo. So với các loại cây khác, bản thân mình thấy trồng sâm dây khá hiệu quả, nhanh thu hoạch và chi phí bỏ ra cũng không quá cao. Nhờ mô hình sản xuất này, kinh tế gia đình đã thực sự khá hơn rất nhiều, sắp tới mình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng”, anh Đường phấn khởi nói.

Ngoài sâm dây, huyện Tu Mơ Rông hiện là địa phương có diện tích trồng sâm Ngọc Linh nhiều nhất của tỉnh Kon Tum. Toàn huyện hiện trồng hơn 1.700 ha sâm, trong đó người dân trồng 100 ha với khoảng 600 hộ tham gia. Nhằm tạo điều kiện để người dân phát triển dược liệu làm giàu trên mảnh đất quê hương, bằng nhiều nguồn vốn UBND huyện đã hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mua cây giống để trồng sâm.

kon tum nguoi dan vung kho khan don tet am no nho trong duoc lieu hinh 2

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng sâm giống cho 300 hộ nghèo ở Tu Mơ Rông

Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2020-2022, toàn huyện có gần 2.000 hộ thoát nghèo; trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ cây sâm Ngọc Linh và sâm dây. Thậm chí nhiều hộ dân đã trở thành tỉ phú với doanh thu hàng chục tỉ đồng/năm. Một trong những người có thu nhập cao nhất và những người tiên phong trồng sâm dây là chị Y Hlạng (người Xê Đăng ở làng Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông).

Mới đây, UBND huyện Tu Mơ Rông tiếp tục tổ chức cấp phát 12.000 cây giống sâm Ngọc Linh mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tặng cho hàng trăm hộ nghèo trên địa bàn trước đó. Ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Việc Thủ tướng tặng sâm giống đã giúp đồng bào Xơ Đăng có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Đây là món quà to lớn, giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Sau khi tập huấn kỹ thuật, chính quyền đã cùng người dân xuống giống. Nhằm giúp người dân chăm sóc vườn sâm tốt nhất, huyện và xã đã cắt cử cán bộ nông nghiệp thường xuyên túc trực, theo dõi quá trình phát triển của sâm. Khi sâm lớn, cho quả, người dân có thể thu hái để nhân giống, từ đó mở rộng vườn sâm của riêng mình”.

Đưa Kon Tum trở thành vùng trọng điểm dược liệu quốc gia

Là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Kon Tum, địa hình phức tạp, chia cắt khiến Đăk Glei gặp nhiều khó khăn trong giao lưu hàng hoá, thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh. Thế nhưng, Đắk Glei lại được thiên nhiên ưu đãi có rất nhiều loài dược liệu quý hiếm, giá trị kinh tế cao như: Sâm Ngọc Linh, Hồng Đẳng Sâm, Đương quy, Sa nhân, Ba Kích, Kim tuyến, Culy, Sơn tra…

kon tum nguoi dan vung kho khan don tet am no nho trong duoc lieu hinh 3

Sâm Ngọc Linh đã và đang giúp bà con vùng khó ở Kon Tum trở thành những tỷ phú chân đất

Với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng phù hợp, những năm qua huyện Đăk Glei luôn xác định việc phát triển cây dược liệu là nhiệm vụ trong tâm trong phát triển kinh tế. Chính vì vậy, huyện đã tập trung các nguồn vốn chính sách ưu đãi cùng với các chương trình, dự án của nhà nước giúp người dân thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2019 đến nay trên địa bàn huyện Đăk Glei có khoảng 500 hộ gia đình được tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội trong việc trồng cây dược liệu, trong đó nhiều nhất ở xã Mường Hoong và Ngọc linh. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình trồng các loại cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, nấm linh chi, sâm dây… Những mô hình này bước đầu đã đem lại hiệu quả, giúp cho nhiều hộ gia đình thoát nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Song song với việc hỗ trợ đồng vốn, tạo động lực cho người dân thoát nghèo và làm giàu hiệu quả, huyện Đăk Glei cũng chú trọng đến việc hình thành, phát triển các mô hình HTX, tổ hợp tác hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu.

Bà Trịnh Thị Phượng – Giám đốc HTX Thương mại và Dịch vụ huyện Đăk Glei cho biết: “Với mục đích xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm dược liệu của địa phương, hỗ trợ giống và tìm đầu ra cho bà con, HTX đã liên kết với hàng chục hộ dân người dân tộc Xơ Đăng trên địa xã Ngọc Linh và Xơ Đăng. Ngoài việc thành lập HTX thì mình cũng thành lập các tổ thu mua, liên kết với bà con. Theo cá nhân mình, việc trồng sâm dây mang lại thu nhập cao, giá trị kinh tế lớn.

kon tum nguoi dan vung kho khan don tet am no nho trong duoc lieu hinh 4

Tỉnh Kon Tum đang phấn đấu trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước, đặc biệt là sâm Ngọc Linh

“Vì vậy, việc thành lập HTX không chỉ ổn định được nguồn nguyên liệu, hỗ trợ được bà con trong việc chăm sóc cũng như là thu mua. Hiện HTX chúng tôi đã có 4 sản phẩm đạt OCOP, trong đó có 3 sản phẩm về sâm dây là cao sâm dây, rượu sâm dây và sâm dây khô. Thời gian tới, HTX sẽ cùng bà con mở rộng, liên kết thêm với một số hộ dân để đảm bảo nguyên liệu đủ để sản xuất và chế biến ra nhiều sản phẩm từ sâm dây, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”, bà Phương cho hay.

Nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, các loại dược liệu, trên địa bàn, UBND huyện Đăk Glei đã tổ chức các phiên chợ dược liệu. Qua đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của huyện Đăk Glei và các địa phương khác gặp gỡ, tìm hiểu kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Được thiên nhiên ưu đãi cả về khí hậu và thổ nhưỡng, tỉnh Kon Tum đang tập trung các nguồn lực để phát triển dược liệu, mục tiêu đưa tỉnh nhà trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước. Theo đó, tỉnh đã đề ra mục tiêu, đến năm 2030, diện tích vùng trồng dược liệu tập trung đạt khoảng 25.000ha, trong đó diện tích trồng sâm Ngọc Linh khoảng 10.000ha, sản lượng các loại dược liệu đạt hơn 130.000 tấn.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh này đã xây dựng vùng dược liệu tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông, đến nay nhiều sản phẩm dược liệu đã được thị trường đón nhận. Việc phát triển dược liệu đã và đang góp phần giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Bài và ảnh: Trần Hiền

Bình Luận

Tin khác

Dự báo thời tiết 18/5/2024: Cả nước trời nắng nóng

Dự báo thời tiết 18/5/2024: Cả nước trời nắng nóng

(CLO) Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia: Dự báo thời tiết 18/5/2024, Nam Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ nắng nóng, có nơi nắng nóng trên 35 độ C.

Đời sống
Huyện Thanh Trì (Hà Nội): Xuất hiện dự án xây dựng có dấu hiệu trái phép trên đất nông nghiệp

Huyện Thanh Trì (Hà Nội): Xuất hiện dự án xây dựng có dấu hiệu trái phép trên đất nông nghiệp

(CLO) Mặc dù chưa được cấp phép, tuy nhiên ông Chử Mạnh Hoàng tại thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì vẫn ngang nhiên tự ý chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp do UBND xã Duyên Hà quản lý sang đất phi nông nghiệp khiến dư luận bức xúc.

Đời sống
35 phóng viên, biên tập viên tham gia khoá bồi dưỡng “Kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương”

35 phóng viên, biên tập viên tham gia khoá bồi dưỡng “Kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương”

(CLO) Ngày 17/5, tại Hà Hội, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức khóa bồi dưỡng "Kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương" cho 35 học viên là phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí.

Đời sống
Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt?

Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt?

(CLO) Sáng ngày 17/5/2024, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam và Tạp chí Môi trường và Cuộc sống với sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt”.

Đời sống
Thanh Hóa: Xác định đối tượng phá 2,61 ha rừng, yêu cầu khắc phục hơn 1,2 tỷ đồng

Thanh Hóa: Xác định đối tượng phá 2,61 ha rừng, yêu cầu khắc phục hơn 1,2 tỷ đồng

(CLO) Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Lê Đức Giang vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức có hành vi phá 2,61 ha rừng trái pháp luật xảy ra trên địa bàn phường Hải Thượng, thị xã Nghi Sơn.

Đời sống