“Kỷ luật và Đồng tâm” - sức mạnh nội sinh của TKV và Vùng Mỏ trên hành trình phát triển bền vững

Thứ năm, 11/11/2021 09:37 AM - 0 Trả lời

(CLO) Ngành Than Việt Nam được biết đến là ngành công nghiệp đầu tiên của đất nước, với lịch sử hơn 180 năm khai thác, kể từ khi Vua Minh Mệnh ban chỉ dụ cho phép khai thác than tại Yên Lãng, Yên Thọ, Đông Triều, Quảng Ninh năm 1840. Vùng mỏ Quảng Ninh chính là cái nôi của ngành công nghiệp Việt Nam.

Khi thực dân Pháp tiến hành xâm lược Bắc kỳ lần 2 vào năm 1888, để vơ vét tài nguyên của Việt Nam, Pháp thành lập Công ty than Bắc kỳ. Khi đó, Vùng mỏ Quảng Ninh trở thành khu công nghiệp lớn và quan trọng nhất của Việt Nam và Đông Dương. Đội ngũ công nhân mỏ theo đó cũng hình thành rất sớm.

ky luat va dong tam  suc manh noi sinh cua tkv va vung mo tren hanh trinh phat trien ben vung hinh 1

Gặp mặt kỷ niệm nhân ngày Truyền thống ngành Than Việt Nam.

Công việc khai thác mỏ lúc này hoàn toàn là thủ công, hết sức nặng nhọc vất vả. Chủ mỏ thực dân Pháp bần cùng hóa và vắt kiệt sức lao động của những người thợ mỏ. Mỗi ngày thợ mỏ phải làm từ 10 đến 12 giờ, tiền lương ít ỏi, cuộc sống cơ cực, lầm than lại thường xuyên bị bọn cai ký đánh đập.

Cẩm Phả - trung tâm khai thác lớn của Công ty than Bắc kỳ, nơi tập trung đông công nhân nhất cũng là nơi diễn ra nhiều mâu thuẫn gay gắt giữa người thợ và bọn chủ mỏ lúc bấy giờ.

Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh. Người công nhân - khi đó gọi là phu mỏ, không có con đường nào khác là phải đấu tranh đòi chủ mỏ tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Đặc khu mỏ phong trào đấu tranh của công nhân vùng mỏ tiếp tục phát triển, đỉnh cao là là cuộc tổng bãi công của 3 vạn thợ mỏ vào ngày 12/11/1936. Khởi đầu từ Cẩm Phả, cuộc bãi công sau đó lan rộng ra toàn Vùng Mỏ với khẩu hiệu đấu tranh “Kỷ luật và Đồng tâm, chúng ta nhất định thắng!”.

Với tinh thần đấu tranh bền bỉ, liên tục, quyết liệt, cuộc tổng bãi công kéo dài 20 ngày đêm của những người thợ mỏ đã giành được thắng lợi hoàn toàn.

Thắng lợi của cuộc tổng bãi công chính là đỉnh cao, đánh dấu bước ngoặt của phong trào đấu tranh của công nhân mỏ và là một biểu tượng thành công về tập hợp lực lượng, về tính kỷ luật, về tinh thần tương thân, tương ái, về tính tiên phong và ý chí sắt đá trong cuộc đấu tranh đòi quyền dân chủ. Lần đầu tiên ở Đông Dương, giai cấp vô sản đã đạt được một thắng lợi lịch sử.

Sau sự kiện 12/11/1936, phong trào công nhân Vùng Mỏ không ngừng lớn mạnh. Đội ngũ công nhân Vùng mỏ ngày càng trưởng thành. Cùng với nhân dân cả nước, giai cấp công nhân Vùng Mỏ và lớp lớp các thế hệ thợ mỏ ngành Than - Khoáng sản dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, với tinh thần "Kỷ luật và đồng tâm" đã luôn hăng hái thi đua trong chiến đấu, trong lao động sản xuất với tinh thần “Sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”, tạo nên những kỳ tích, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, vượt lên nhiều hy sinh gian khổ, giai cấp công nhân vùng Mỏ vừa kiên cường chiến đấu, vừa đẩy mạnh các hoạt động phá hoại kinh tế của địch; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, tổ chức công đoàn, phát triển lực lượng du kích, tự vệ trong công nhân, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Ngày 24/5/1955, Vùng Mỏ hoàn toàn giải phóng, công nhân mỏ vĩnh viễn thoát khỏi cuộc đời nô lệ, vươn lên tự mình làm chủ vận mệnh của mình. Niềm vui yên bình khôi phục và xây dựng lại vùng mỏ, xây dựng lại cuộc sống mới chưa được bao lâu, thợ mỏ lại phải gồng mình “Kỷ luật - Đồng tâm” bước vào giai đoạn cách mạng mới - giai đoạn chống chiến tranh phá hoại của để quốc Mỹ.

Với tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, hàng ngàn công nhân mỏ tham gia Binh đoàn Than, cầm súng vào chiến trường, trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Ngay tại Vùng Mỏ, khắc ghi lời Bác dạy “than là “vàng đen”, nó rất cần thiết cho công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, vận tải, quốc phòng và đời sống nhân dân... những người công nhân trên tầng cao, trong lò sâu hay bên xưởng máy đã hăng hái lao động quên mình cho dòng than tuôn chảy với các phong trào thi đua: “Một người làm việc bằng hai”, “Tất cả vì Miền Nam ruột thịt”; góp phần to lớn vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, củng cố và tăng cường sức mạnh của miền Bắc, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Khi ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Đảng và Nhà nước có điều kiện quan tâm nhiều hơn đến Ngành Than. Năm 1994, để thống nhất quản lý tài nguyên than, ngăn chặn tình trạng khai thác, kinh doanh than trái phép, đồng thời để Nhà nước có thể điều tiết cân đối cung - cầu than phục vụ nền kinh tế quốc dân, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, ngày 10/10/1994 Thủ Tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam, nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ngày nay.

Từ đây, nội lực trong công nhân Vùng Mỏ và Ngành Than được phát huy, tạo ra sự chuyển biến liên tục về năng suất lao động, sản lượng khai thác và hiệu quả kinh doanh. TKV đã trở thành một tập đoàn kinh tế vững mạnh. Đặc biệt, trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, TKV đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khai thác hiện đại vào sản xuất. Cùng với cơ giới hoá, tự động hoá khai thác hầm lò, các mỏ lộ thiên của Tập đoàn cũng được đầu tư ô tô, thiết bị vận tải có tải trọng lên đến 130 tấn, liên thông để tạo ra các mỏ công suất lớn và từng bước băng tải hóa công tác vận chuyển. Nhờ đó, sản lượng than khai thác tăng nhanh, sẵn sàng đáp ứng đủ nguồn năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Với trình độ kỹ thuật, công nghệ đạt mức tiên tiến hiện nay, sản lượng than sản xuất hàng năm của TKV đạt trên 40 triệu tấn, tăng gấp 7 lần so với năm thành lập (1996). Năng suất lao động giai đoạn 2015-2020 tăng bình quân 12%/năm. Tổng doanh thu TKV đạt 613,9 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân 7,9%/năm. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 17,9 ngàn tỷ đồng, bình quân 3,6 ngàn tỷ đồng/năm. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 84,5 ngàn tỷ đồng, bình quân 16,9 ngàn tỷ đồng/năm. Tốc độ tăng tiền lương bình quân 9,2%/năm. Tổng sản lượng khai thác toàn Ngành từ 2011-2020 đạt 435,445 triệu tấn. Qua đó, khẳng định vị trí vững vàng của TKV sẵn sàng đáp ứng đủ nguồn năng lượng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh lĩnh vực chủ lực là than, TKV đã phát triển các lĩnh khác như: khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp… Đáng chú ý, giai đoạn 10 năm 2010-2020, cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của các đơn vị Khối khoáng sản theo hướng tăng cường chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế với một loạt Nhà máy chế biến kim loại màu hiện đại gồm: đồng, chì, kẽm, thiếc, gang thép, cromit và các kim loại khác. Trong đó, tại Lào Cai, mỗi năm, Tổ hợp đồng sản xuất trên 11 nghìn tấn đồng tấm, cùng các sản phẩm vàng, bạc đi kèm… Ngoài ra, mỗi năm TKV sản xuất 11 nghìn tấn kẽm thỏi, 180 nghìn tấn phôi thép… Đặc biệt, TKV đã triển khai thành công hai dự án khai thác bauxite tại địa bàn chiến lược Tây Nguyên đặt nền móng cho nền công nghiệp mới của Việt Nam, đó là ngành công nghiệp chế biến alumin - nhôm. Hiện, 2 nhà máy sản xuất Alumin đang vận hành ổn định, vượt công suất thiết kế với tổng sản lượng alumin bình quân mỗi năm trên 1,3triệu tấn.

Cùng với sự thay đổi từng ngày của vùng Mỏ, của ngành than, vai trò và vị thế của 80 nghìn lao động, thợ mỏ TKV đã bước sang một trang mới.

So với 85 năm trước đây, người thợ Mỏ hôm nay đã ngẩng cao đầu với sức khỏe tốt, tri thức tốt, có đời sống vật chất, tinh thần lành mạnh, luôn sáng tạo trong lao động, dám đương đầu với thử thách, vượt khó đi lên. Trình độ mọi mặt từ nhận thức đến tư duy hành động đều nhậy bén, chuẩn chỉ hơn; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề có chuyển biến lớn do được học hành đào tạo bài bản.

Ngày nay đông đảo công nhân mỏ đã có trình độ Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, Thạc sỹ, Tiến sỹ... Công nhân ở các vị trí sản xuất từ hầm lò đến tầng than, xưởng máy... đã làm chủ được những xe máy, thiết bị hiện đại của các nước có nền công nghiệp khai thác than hàng đầu thế giới. Những ô tô trọng tải lớn 90-100 tấn chở đất đá và than trên vỉa chạy an toàn suốt ngày đêm dưới bàn tay của thợ mỏ Việt Nam, hoặc điều khiển những dàn chống thủy lực, những thiết bị đào chống lò, khấu than hiện đại trong hầm mỏ không còn là chuyện xa lạ của thợ lò Việt Nam nữa. Đây chính là nguồn nhân lực "vừa hồng, vừa chuyên" cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa TKV trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, Tập đoàn đang tiếp tục thực hiện trí thức hóa đội ngũ công nhân, tăng cường sự phấn đấu để trung thành với nghề, với ngành gắn với thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo Bác. Từ năm 2020, ngành Than - Khoáng sản Việt Nam đã phát động và nhân rộng phong trào xây dựng hình ảnh Người thợ mỏ - Người chiến sỹ trong thời đại mới. Phong trào này được xem là điểm nhấn, là dấu ấn của ngành than nói riêng và Quảng Ninh nói chung trong chiến lược xây dựng và nâng tầm vị thế của người thợ mỏ ngành Than trong thời đại mới. Đến nay, toàn ngành đã xây dựng và vinh danh được trên 4.000 tấm gương Người thợ mỏ - Người chiến sỹ.

Thợ mỏ ngành Than đã biến Truyền thống “Kỷ luật - đồng tâm” thành sức mạnh nội tại vượt qua những cam go, thách thức để phát triển. Đó là những giai đoạn sản xuất đình đốn, than tồn kho tăng cao, thiên tai, lũ lụt thiệt hại sản xuất hàng nghìn tỷ đồng; là những giai đoạn toàn Tập đoàn quyết liệt thực hiện tái cơ cấu, tinh giảm lao động. Đặc biệt, giai đoạn 2 năm 2020 và 2021 là minh chứng rõ nét hơn nữa cho tinh thần đoàn kết và truyền thống “Kỷ luật - Đồng tâm” của người thợ mỏ.

ky luat va dong tam  suc manh noi sinh cua tkv va vung mo tren hanh trinh phat trien ben vung hinh 2

Mặc dù dịch Covid-19 vẫn hoành hành nhưng ngành than vẫn đảm bảo các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh chủ yếu.

Trong bối cảnh đại dịch Covid -19 liên tiếp bùng phát, TKV đã chủ động và linh hoạt thích ứng, nỗ lực, sáng tạo vượt lên khó khăn để hoàn thành tốt “nhiệm vụ kép” theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ: Chống dịch đi đôi với phát triển kinh tế.

TKV là một trong số rất ít các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ. 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng bình quân của TKV đạt từ 5-8%. Trong đó, than sạch sản xuất: 30,4 triệu tấn, tăng 4%. Sản xuất đồng tấm: 10,5 ngàn tấn, tăng 7%, tiêu thụ đồng tấm: 10,5 ngàn tấn, tăng 23 % so cùng kỳ năm 2020. Doanh thu ước đạt 96,1 ngàn tỷ đồng; Lợi nhuận ước đạt 2 ngàn tỷ đồng; Nộp ngân sách đạt 13,2 ngàn tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Tập đoàn của những người Thợ mỏ cũng tích cực, chủ động trong việc chia sẻ với các địa phương, với các ngành kinh tế khác, thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước đối với công tác an sinh xã hội trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh. TKV đã ủng hộ 230 tỷ đồng cho Quỹ vắc xin phòng Covid -19 của Chính phủ và ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh của các địa phương.

Với Quảng Ninh, ngành Than là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Cán bộ, công nhân, người lao động ngành Than là máu thịt của tỉnh Quảng Ninh. Văn hóa công nhân mỏ kết tinh từ truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” cũng chính là một trong những thành tố hợp thành văn hóa của vùng Mỏ.

Mối quan hệ tương hỗ, chặt chẽ của Quảng Ninh và ngành Than xuất phát từ những yêu cầu thiết thực từ cả hai phía. Về phía Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - đó là yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống công nhân.

Đối với tỉnh Quảng Ninh - đó là yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao vai trò lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền đối với lĩnh vực tài nguyên, môi trường, phục vụ mục tiêu phát triển chung của tỉnh. Từ đó, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định ngành Than là đối tác chiến lược, đóng góp lớn cho tỉnh về ngân sách, giải quyết việc làm và các vấn đề xã hội.

Từ quan điểm, nhận thức trên, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh đã chung sức thực hiện tốt chương trình, nhiệm vụ công tác chung, thông qua đó giải quyết được nhiều vấn đề trong quản lý tài nguyên than; bảo vệ môi trường; giải quyết việc làm và chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho công nhân mỏ; đảm bảo công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới... Có thể nói là thành tựu về mọi mặt của tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua luôn có vai trò đóng góp quan trọng của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Và ngược lại, tỉnh Quảng Ninh luôn đồng hành cao nhất, hỗ trợ tối đa giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của ngành Than, để TKV phát triển bền vững, vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và quan trọng nhất là ổn định việc làm, thu nhập và bảo đảm đời sống lao động cho trên 80.000 lao động trên địa bàn.

Đồng hành cùng ngành Than vượt qua những giai đoạn khó khăn, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều cơ chế tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, quan trọng nhất là giải quyết kịp thời các thủ tục gia hạn giấy phép khai thác; các sở, ngành liên quan đẩy nhanh thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho TKV.

Tỉnh Quảng Ninh cũng luôn ủng hộ, đồng thuận và mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho ngành Than để phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu than và đóng góp vào ngân sách Nhà nước; Quan tâm có cơ chế cụ thể để ngành Than xây dựng nhà ở cho người lao động theo hướng hình thành các “làng mỏ”, giúp cho gia đình mỗi người thợ mỏ dù ở miền quê nào cũng an tâm gắn bó với vùng mỏ Quảng Ninh; Ủng hộ TKV khai thác, sử dụng hợp lý nguồn đất đá thải mỏ để làm vật liệu san lấp mặt bằng các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn Tỉnh theo mô hình kinh tế tuần hoàn, vừa giảm thiểu diện tích bãi thải mỏ, hạn chế các tác động tới môi trường, đảm bảo cảnh quan khu vực, tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản.

Trải qua 85 năm, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” được đúc kết từ ý chí kiên cường, triệt để cách mạng của công nhân vùng Mỏ Quảng Ninh đã phát triển thành giá trị nhân văn cao cả của ý chí và tình người ngành Than - Khoáng sản Việt Nam với Tổ quốc - giá trị tột đỉnh của văn hóa vùng Mỏ. Truyền thống và văn hóa này sẽ giúp ngành Than và tỉnh Quảng Ninh vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Trong giai đoạn tới, những khó khăn, thách thức của sự suy thoái kinh tế và khủng hoảng năng lượng thế giới; của điều kiện khai thác ngày càng xuống sâu và đi xa hơn; đòi hỏi đội ngũ công nhân mỏ giàu truyền thống cần có sự bứt phá mạnh mẽ để vượt lên chính mình, nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Với điểm tựa là truyền thống cách mạng hào hùng, với sức mạnh “Kỷ luật và Đồng tâm”, thợ mỏ Ngành Than - Khoáng sản sẽ tiếp tục gương mẫu, tiến lên, xứng đáng là một trụ cột vững chắc về an ninh năng lượng quốc gia. Văn hóa người vùng Than sẽ ngày càng lan tỏa, là sức mạnh nội sinh để TKV và Quảng Ninh vững bước trên hành trình phát triển bền vững.

Bình Luận

Tin khác

Phú Quốc: Tiềm năng tăng trưởng lớn từ bất động sản nhà ở sở hữu lâu dài

Phú Quốc: Tiềm năng tăng trưởng lớn từ bất động sản nhà ở sở hữu lâu dài

(CLO) Nền kinh tế Phú Quốc trong năm 2023 đã có những bứt phá ấn tượng. Tổng thu ngân sách toàn tỉnh Kiên Giang năm 2023 đạt 15.120 tỉ đồng, trong đó Phú Quốc đóng góp 51,7%, doanh thu từ du lịch Phú Quốc chiếm 85% toàn tỉnh. Trên đà tăng trưởng của kinh tế, thị trường bất động sản Phú Quốc có sự khởi sắc. Đáng chú ý, bất động sản đảo ngọc ghi nhận sức hút lớn của bất động sản nhà ở sở hữu lâu dài.

Thị trường - Doanh nghiệp
Khí đốt châu Âu chuẩn bị tăng giá?

Khí đốt châu Âu chuẩn bị tăng giá?

(CLO) Các nhà quản lý danh mục đầu tư đã đặt cược rằng giá khí đốt tự nhiên chuẩn của châu Âu sẽ tăng lên mức cao nhất trong sáu tháng, dự kiến sẽ tiếp tục biến động khi khối hiện đang bắt đầu dự trữ nguồn cung cho mùa đông tới.

Thị trường - Doanh nghiệp
Ukraine kêu gọi EU giúp bảo vệ kho khí đốt khỏi các cuộc tấn công của Nga

Ukraine kêu gọi EU giúp bảo vệ kho khí đốt khỏi các cuộc tấn công của Nga

(CLO) Người đứng đầu công ty năng lượng quốc gia Ukraine đã kêu gọi các nước EU giúp bảo vệ các cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên của họ khỏi một loạt các cuộc tấn công gần đây của Nga để quốc gia này có thể tiếp tục góp phần “hạ nhiệt” giá nhiên liệu trên khắp lục địa.

Thị trường - Doanh nghiệp
23% tài phiệt không nói cho người thừa kế biết mình giàu đến mức nào

23% tài phiệt không nói cho người thừa kế biết mình giàu đến mức nào

(CLO) Các gia đình giàu có toàn cầu quan tâm đến việc làm thế nào để chuẩn bị cho con cái quản lý tài sản của mình, nhưng rất ít người thực sự chuẩn bị cho việc đó.

Thị trường - Doanh nghiệp
Sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, giá xăng có thể tăng trở lại

Sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, giá xăng có thể tăng trở lại

(CLO) Ngày mai (2/5), tức sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày, giá xăng trong nước có thể tăng nhẹ. 

Thị trường - Doanh nghiệp