Ký ức khó quên và duyên nghiệp với nghề

Thứ tư, 29/08/2018 14:24 PM - 0 Trả lời

(CLO) Vào những ngày tháng 8 lịch sử này, có dịp gặp lại người phóng viên miền Bắc đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập 30/4/1975, càng hiểu hơn những điều mà cách đây nhiều năm ông đã nói: “Chức tước có thể không còn nhưng cái duyên nợ hơn 40 năm với nghề và niềm đam mê nghiệp báo đủ thôi thúc tôi không dừng lại… Tôi vẫn viết, viết như cái thời trong chiến trường bom rơi đạn nổ, viết như thể chẳng có tuổi già...”.

Đó là nhà báo, TS. Đậu Ngọc Đản - một cây viết đã hơn 40 năm miệt mài với chữ, một người đã sống và làm việc giữa hai thời kì của đất nước: chiến tranh và hòa bình.

May mắn vì được sống trong giờ khắc quan trọng của lịch sử

Gặp ông lúc nào cũng vui vì sự thân tình, gần gũi của một người luôn nhìn cuộc sống rất lạc quan. Ông cứ nói đùa, nghề báo giúp ông trẻ hơn so với tuổi, bởi lúc nào cũng phải nghĩ, phải đi, phải đổi mới... Mà khi con người luôn luôn vận động, hòa đồng thì tự khắc sẽ dồi dào năng lượng làm việc và cống hiến. Chất giọng miền Trung đặc quánh mà mấy chục năm rồi, dường như vẫn vậy, không “lạc” đi một từ nào… làm câu chuyện gắn với ngày 30/4 có phần rất dễ bắt nhịp. Chặng đường của người phóng viên đầy nhiệt huyết và sức trẻ là chặng đường đầy bom rơi, đầy gian khó nhưng đến hôm nay nhắc lại ông vẫn cho rằng mình may mắn, may mắn vì được sống trong những giờ khắc quan trọng của lịch sử, được ngồi đây kể lại cho thế hệ trẻ những khoảnh khắc đã qua… Dẫu rằng có nước mắt, có niềm vui nhưng tất cả đều làm nên những mảnh ghép đẹp đẽ và ý nghĩa cho cuộc đời.

Báo Công luận
 

Nhà báo Ngọc Đản (bên phải) và đồng nghiệp vượt đèo Hải Vân, từ Huế đến TP Đà Nẵng tháng 3/1975

Yêu nghề báo ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, ông trở thành sinh viên Đại học Tuyên giáo Trung ương (nay là Học viện báo chí Tuyên truyền). Ngọc Đản được đào tạo bài bản về nghiệp vụ báo chí rồi hành trang đó theo ông vào Quảng Trị - nơi được coi là chiến trường ác liệt nhất lúc bấy giờ. Đậu Ngọc Đản theo đoàn quân Trung đoàn 36, sư đoàn Quân tiên phong vào Đông Hà, Quảng Trị, rồi cùng Trung đoàn 48 của Sư đoàn 320, Trung đoàn 95 của sư đoàn 325 ở Thành cổ. Những sự kiện quan trọng diễn ra trong những ngày tháng đó được ông ghi lại qua những bài báo và có lẽ với những người làm nghề hiểu hơn hết giá trị của những tác phẩm thời sự ấy. Và một kí ức đầy ám ảnh qua lời kể của ông chính là sự ngã xuống của những người lính trẻ.

Cuộc chiến 81 ngày đêm của chiến sỹ ta giữ thành cổ Quảng Trị với Ngọc Đản đó là sự hy sinh vô giá của những người lính trẻ. Và cũng chính từ những chất liệu ấy mà sau này ông đã viết thành công kịch bản lời bình cho phim tài liệu “Dòng sông hoa lửa”, “Quảng Trị đất thiêng”… Ông kể lại với một nỗi nghẹn ngào của người chứng kiến, xót xa có, tự hào có… Trong 20 ngày có mặt, những giờ phút “tắm máu” còn đọng lại với ông nhiều, rất nhiều, nhưng có một ngày khủng khiếp nhất, đó là ngày 19/6/1972, ngày ngụy quân kỉ niệm quân lực Việt Nam Cộng Hòa cũng là ngày địch tuyên bố sẽ tái chiếm Quảng Trị. Tình hình chiến sự vô cùng ác liệt, bom đạn dữ dội, quá nhiều sự hy sinh không thể kể xiết. Những người hy sinh trong ngày hôm đó, hầu hết là các tân binh mới vào từ các trường Đại học ở Hà Nội.

Gương mặt người lính trẻ quả cảm, anh dũng đã đi vào từng bài viết của ông… và với ông, viết về họ không khó, không phải trăn trở, cân nhắc bởi bản thân cuộc đời mỗi người lính là một câu chuyện đầy hấp dẫn… và cứ ghi lại bằng trực quan, cũng đủ có những tác phẩm ý nghĩa. Đến nay ông vẫn nhớ như in khuôn mặt lớp chiến sĩ đó. Ông đã viết bài "Dũng sĩ trên Thành cổ Quảng Trị" đăng trên báo Nhân Dân và được Đài Tiếng nói Việt Nam đọc lại suốt gần tuần lễ. Các đồng nghiệp mới ra trường cùng với ông là nhà báo Nguyễn Khánh Toàn, Đức Thiện, Phí Văn Chiến, Mạnh Tuấn, Trung Đạo, Hải Chinh,… đều lăn lộn và viết không ít tin tức, bài vở từ mặt trận gửi về Hà Nội. Cùng với đồng đội của mình, những phóng viên chiến tranh, lớp sinh viên báo chí đầu tiên đã có hàng trăm bài báo viết về thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Nói chuyện về chiến tranh với nhà báo Ngọc Đản quả thực rất... tốn thời gian bởi dù nói đi nói lại nhiều lần, ông vẫn rất tâm huyết, rất sôi nổi khiến người nghe không sao dứt ra được, cứ muốn được nghe kể mãi. Điều đáng trân trọng là, những tác phẩm viết về người lính, những bức ảnh một thời bom đạn, ông cất rất cẩn thận, nâng niu như báu vật và lúc nào cũng tâm niệm, mình may mắn khi lựa chọn nghề báo, khi sinh ra và trưởng thành trong cả hai thời kì, chiến tranh và hòa bình.

Báo Công luận
 

 Bức ảnh nhà báo Ngọc Đản chụp nữ biệt động Nguyễn Trung Kiên ( tức Cô Nhíp) hướng dẫn xe tăng vào đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất…

 “Tôi cho mình đã có một may mắn nghề nghiệp. Sinh ra vào cái thời lửa đạn, đeo cái nghiệp làm báo như một niềm đam mê thậm chí giống như vận mệnh. Cũng như người lính cầm súng, tất cả cho mục đích chiến đấu, chiến thắng kẻ thù, tôi và bao người đồng nghiệp thời bấy giờ cầm bút, chỉ cố gắng hết sức trở thành một người thư kí trung thành ghi lại mọi khoảnh khắc của chiến tranh. Bây giờ chiến tranh đã khép lại, chiến thắng thuộc về dân tộc ta, người làm báo tự hào có công to lớn trên mặt trận của họ” - nhà báo Ngọc Đản tâm sự.

Duyên kì ngộ và khoảnh khắc ý nghĩa

Học ở trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (1984 - 1986), sau đó bảo vệ luận án tiến sỹ ở Nga và từng là Tổng biên tập Tạp chí Truyền hình, làng báo vẫn xôn xao nhắc về nhà báo Ngọc Đản của các phóng sự ảnh độc nhất vô nhị đăng trên trang nhất báo Quân đội nhân dân và loạt ảnh trên báo Nhân Dân ngày 3/5/1975. Đó là những bức ảnh mà ông nhanh nhạy “chộp”  được trong giờ khắc lịch sử của dân tộc như: Nội các Dương Văn Minh đầu hàng đang bước xuống bậc tam cấp Dinh Độc lập - nay là Dinh Thống Nhất; Hình ảnh Trung đoàn phó Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 Phạm Quang Thệ; Chân dung Đại đội trưởng Bùi Quang Thận khi treo lá cờ Tổ quốc trên Dinh Độc Lập với nụ cười chiến thắng reo vui trên gương mặt còn lấm đen khói đạn; bức ảnh nữ biệt động Nguyễn Trung Kiên (tức Cô Nhíp) hướng dẫn xe tăng vào đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất… Những bức ảnh đó ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước và là bức ảnh không thể không nhắc đến khi nói về cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhưng có lẽ ít ai biết, người bấm máy Đậu Ngọc Đản lúc đó mới chỉ ngoài 20 tuổi, vừa rời ghế giảng đường và lần đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn…

Báo Công luận

 Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Sư đoàn 304 Phạm Xuân Thệ (người đi ngoài cùng bên phải) dẫn Tổng thống Dương Văn Minh và nội các ra Đài phát thanh đọc tuyên bố đầu hàng. Ảnh Ngọc Đản chụp trưa 30/4/1975 trước thềm dinh Độc Lập

 

Nói đến thành tích đáng nể này, ông chỉ vui vẻ trả lời: Có lẽ lịch sử ưu ái tôi, giống như cuộc đời làm báo, tin tức đến thì người cầm bút phải đón lấy, người chụp ảnh phải chộp lấy... đó mới là nghề nghiệp. Và điều thú vị đằng sau những bức ảnh không chỉ dừng lại ở giá trị của khoảnh khắc mà còn ở một câu chuyện rất nhân văn mà ông chia sẻ. Ông có mặt tại Dinh Độc Lập đúng 11h24phút ngày 30/4/1975. Sau khi chụp được bộ ảnh độc, Ngọc Đản nghĩ ngay đến việc phải trở ra Hà Nội để kịp đưa ảnh sớm nhất lên Báo Nhân Dân. Quay sang đội ngũ hàng binh tại Dinh Độc Lập, ông hỏi xem có ai biết lái xe không? Ngay lập tức có người tên là Võ Cự Long đứng lên nói là lái xe cảnh sát. Và cuộc gặp gỡ đáng nhớ ấy đến hôm nay vẫn là kí ức đẹp đẽ của hai người bên hai chiến tuyến.  

Anh lính quân cảnh Sài Gòn Võ Cự Long đã lái xe suốt hai ngày một đêm đưa Ngọc Đản trên chặng đường từ Sài Gòn ra Đà Nẵng. Trong chuyến đi ấy, câu chuyện giữa họ xóa tan đi mọi hận thù, chỉ có những lời tâm tình rất nhân văn, rất con người: tất cả đều là người Việt Nam, chiến tuyến nào cũng thế. Người lính cảnh sát Võ Cự Long đã lập công đầu với cách mạng khi đưa Ngọc Đản và đồng đội vượt an toàn một chặng đường dài bằng chiếc xe Jeep 8 máy… Khi hòa bình lập lại, trong một bài báo, Võ Cự Long kể đầy xúc động về chuyến đi ấy, bởi với anh dù đã hơn 40 năm trôi qua nhưng duyên gặp gỡ với nhà báo Đậu Ngọc Đản vào cái ngày ý nghĩa ấy vẫn là một kỉ niệm đẹp đẽ. Duyên kì ngộ trong ngày 30/4/1975 năm ấy cùng với những sản phẩm báo chí ấn tượng, để đời quả thực là câu chuyện đẹp, là dấu ấn khó quên của người gắn bó cả đời mình với nghiệp báo.

Hà Vân


Tin khác

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo