Lại chuyện đạo nhái tác phẩm hay là “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”

Thứ năm, 09/07/2020 09:43 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Sáng tạo trong nghệ thuật đòi hỏi cái mới, cái lạ, cái hay. Nó không phải là thứ “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Thế nhưng khi không thể sáng tạo thì người ta sẵn sàng trộm cắp để hy vọng ân hưởng hào quang tôn sùng của người đời.

Từ ăn cắp “nguyên con”...

Cách đây ít hôm, họa sĩ Lê Tiến Vượng vô tình phát hiện ra sự giống nhau đặc biệt giữa “một bức tranh vẽ năm 1980 của thế kỷ trước tại Liên Xô cũ” và một bức vẽ của tác giả Dương Ngân Hải, đoạt giải khuyến khích cuộc thi tranh cổ động về Hội nghị APEC 2017 tại Việt Nam.

Truy tìm theo dấu thời gian, người ta tìm được bản gốc của bức tranh cổ động này là bức tranh cổ động cho sự kiện Thế vận hội 1980 tại Liên Xô. Tác giả của bức tranh này là A.Arkhipenko. Còn bức tranh “hàng nhái” thì có tên “Hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng” của tác giả Dương Ngân Hải – Hội viên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh, chuyên ngành mỹ thuật.

Bức tranh gốc (bên trái) và bức tranh đạo nhái được giải thưởng (bên phải).

Bức tranh gốc (bên trái) và bức tranh đạo nhái được giải thưởng (bên phải).

Họa sĩ Tiến Vượng, người phát hiện ra vụ đạo nhái này chia sẻ: “Ở Liên Xô cũ, bức tranh này đã đi vào tâm trí bao thế hệ công dân không chỉ ở Liên Xô và nhiều nước trên thế giới tham gia tuyên truyền cho thế vận lớn nhất hành tinh”.

Người ta còn phát hiện ra cũng chính là Ngân Hải đã từng đoạt giải thiết kế bằng con đường “trộm cắp”. Bức tranh thứ hai “Một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” tham gia cuộc thi sáng tác tranh cổ động Tuyên truyền văn hóa năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã “xơi” đến 99% một bức tranh cổ động của một họa sĩ Ukraine đã từng công bố năm 2015.

“Thực ra việc đạo tranh này đã có từ rất lâu rồi. Các cuộc thi mỹ thuật ứng dụng như thiết kế logo, áp phích… thì hay có chuyện lấy của nhau. Có thể lấy một phần, từng phần, thậm chí là một vài chi tiết, lắp ghép vào thành cái của mình. Nó thể hiện đó là người lười suy nghĩ, háo danh, muốn nhanh được nổi tiếng. Không chỉ trong mỹ thuật mà nhiếp ảnh, văn học, thơ ca… đều có. Tất cả đang làm cho môi trường nghệ thuật trở nên hỗn loạn, không còn sự minh bạch.

Câu chuyện của bạn trẻ này, nếu chỉ là một bức thì người ta sẽ nghĩ rằng đó chỉ là hám danh ở một cuộc thi. Nhưng ở đây lại có tính hệ thống. Bạn này có rất nhiều tác phẩm cóp nhặt, và không có kinh nghiệm nên cóp nhặt y nguyên, chỉ bỏ một vài chi tiết. Điều này thể hiện sự tùy tiện, thậm chí là trắng trợn. Mà không chỉ một tác phẩm mà là rất nhiều”, họa sĩ Tiến Vượng nói.

...Đến nhái một phần

Đạo nhái trong văn chương cũng lắm chuyện bi hài. Kai Hoàng – một tay viết trẻ được đánh giá là có năng lực, không hiểu sao, trong một cuộc thi truyện ngắn của Báo Người lao động, truyện “Biến mất” của anh lại có nhiều điểm giống với truyện “Cố định một đám mây” của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tư. Hai câu chuyện, hai cái tên, nhưng cùng một bối cảnh, cùng một hệ thống nhân vật, cùng một kiểu diễn biến... Và bi hài nhất là Nguyễn Thị Ngọc Tư lại chính là giám khảo chung khảo cuộc thi mà Kai Hoàng gửi truyện dự thi.

Nhà văn Bùi Ngọc Phúc (thành viên Penci Black của diễn đàn Quán Chiêu Văn) thì kể, chuyện “Bóng chiều tà” của anh bị đạo không biết bao nhiêu lần. Đến nỗi anh còn “phát chán không muốn kiện”.

Tổng kết về đạo văn, Penci Black chia sẻ: “Việc đạo văn cũng chia làm năm bảy loại, kẻ thô thiển sẽ trộm nguyên bài, sau đó xoá tên tác giả rồi đem tác phẩm đi giao lưu chỗ khác, có kẻ ma lanh hơn sẽ đạo của tác giả Hà Nội rồi gửi đăng báo ở đồng bằng sông Cửu Long, đạo bài của tác giả Sài Gòn sẽ gửi đăng báo ở miền núi. Những kẻ đạo văn này không khó để phát hiện vì sự lười biếng trong tư duy, nên việc xóa tên tác giả là hoạt động mang tính sáng tạo duy nhất. Nhiều kẻ đạo văn có chọn lọc, nghĩa là lấy tác phẩm của người khác rồi xào xáo lại cho ra vẻ sáng tạo, những kẻ này thường khó bị phát hiện nếu mọi người không được đọc tác phẩm gốc.

Cao thủ hơn cả chính là kẻ đạo ý tưởng, chỉ cần một bài thơ hay, một truyện ngắn hấp dẫn lọt vào mắt, ngay lập tức sẽ xuất hiện một tác phẩm phái sinh cũng hay không kém. Nạn đạo văn khiến cho một tác giả vừa đăng bài, mọi người sẽ cảm thấy “xôi giống xôi, thủ giống thủ”. Ngoài truyện ngắn, mảng thơ cũng bị đạo không thương tiếc, điều này khiến nhiều người và tác giả vô cùng bức xúc”.

Bức tranh gốc (bên trái) và bức tranh đạo nhái được giải thưởng (bên phải).

Bức tranh gốc (bên trái) và bức tranh đạo nhái được giải thưởng (bên phải).

Vẫn là chuyện trộm cắp ý tưởng, họa sĩ Phan Hiền Nhân thì cảm khái: “Sẽ có những thằng không bao giờ tôi cho lên xưởng vẽ của mình”. Bởi chỉ ít lâu sau, đúng nhân vật ấy, thế nào cũng cho ra tác phẩm mà bố cục, đường nét, câu chuyện trong tranh giống y hệt những phác thảo của anh.

Hiền Nhân nói: “Cái ngu nhất của việc trộm cắp là không hiểu ý nghĩa, mục đích ban đầu của người sáng tạo. Tôi thường công bố tác phẩm sau khi sáng tác vài năm. Mỗi đề tài tôi vẽ giới hạn khoảng vài chục bức tranh. Trộm cắp một bức trong cả một loạt thì không ý nghĩa gì hết. Họ không hiểu được mạch của câu chuyện. Thế nên việc nhanh tay công bố tác phẩm trước không có ý nghĩa gì cả. Bởi những người yêu nghệ thuật, có trí tuệ sẽ nhận ra điều đó”.

Sẽ còn nữa...

Nhà văn Bùi Ngọc Phúc nói: “Thanh minh cho hành động của mình, nhiều vị lại cho rằng đó là sự va chạm về ý tưởng. Nếu có va chạm về giao thông, sẽ có người bị thương tích hoặc tử vong, còn va chạm về ý tưởng như họ nói, tôi nghĩ rằng họ đã bị rách nát về mặt tâm hồn. Người xưa thường nói “ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt, với những kẻ chuyên đi đạo văn của người khác cũng vậy, có lẽ việc ăn cắp sự lao động sáng tạo của người khác đã biến thành lẽ sống của mình. Văn chương vốn là cuộc dạo chơi mang tính trí tuệ, nhưng do tâm và tài của những kẻ này còn mỏng hơn cả tờ giấy Pelure, nên vấn nạn đạo văn không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng”.

Văn chương, nghệ thuật để được người đời nhắc đến và ghi nhớ luôn phải bắt nguồn từ sáng tạo. Nghệ thuật chân chính không dung chứa những hào quang phù du, dối trá. Nhưng hấp lực của sự nổi danh khiến việc đạo nhái trong nghệ thuật trở nên nhan nhản. Muốn được thừa nhận nhưng không có trí óc thì chỉ có thể đi lên đỉnh cao bằng sự trộm cắp.

Thực thế. Chừng nào còn sáng tạo nghệ thuật sẽ còn những kẻ cắp trí tuệ.

Tử Hưng

Tin khác

'Thi hứng 5': Lấp ló hình ảnh quê hương chân thực qua từng tác phẩm của Trần Nhương

'Thi hứng 5': Lấp ló hình ảnh quê hương chân thực qua từng tác phẩm của Trần Nhương

(CLO) 42 tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm tranh "Thi hứng 5" là một phần khiêm tốn trong gia tài mà họa sĩ Trần Nhương đang sở hữu. Bởi người họa sĩ già năm nay 83 tuổi muốn mang đến người xem niềm vui khi thưởng lãm những đứa con tinh thần mà ông dành hết tâm huyết suốt mấy chục năm "cầm kỳ thi họa" của mình gửi gắm vào nó.

Đời sống văn hóa
Bắc Ninh: Phát động kích cầu du lịch nội địa “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu”

Bắc Ninh: Phát động kích cầu du lịch nội địa “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu”

(CLO) Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành văn bản, thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai hoạt động kích cầu du lịch nội địa năm 2024.

Đời sống văn hóa
Triển lãm 800 tư liệu về chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm 800 tư liệu về chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Triển lãm "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại" trưng bày 800 tư liệu tiêu biểu, được lựa chọn từ vốn di sản văn hiến của dân tộc.

Đời sống văn hóa
Tổ chức liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2024 tại Thái Nguyên

Tổ chức liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2024 tại Thái Nguyên

(CLO) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa ban hành Quyết định 1196/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức “Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2024”.

Đời sống văn hóa
Lần đầu tổ chức Liên hoan sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng

Lần đầu tổ chức Liên hoan sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng

(CLO) Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt các tác phẩm sân khấu phục vụ đối tượng khán giả nhỏ tuổi.

Đời sống văn hóa