Làm giàu từ nông nghiệp: Giấc mơ không hoang đường!

Thứ ba, 27/02/2018 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Khi Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) lao vào trồng cao su, bắp và nuôi bò, Vingroup gom đất trồng rau sạch và Hòa Phát sản xuất cám, nuôi gà…, nhiều người vẫn nghĩ nông nghiệp chỉ là mảng “tô màu” cho hệ sinh thái đa ngành của mấy đại gia dư tiền thừa của.

Nhưng nhìn vào sự vươn cao của Vinamilk, TH Milk, những kết quả tươi sáng mà HAGL, Vingroup, PAN… gặt hái, hay sự tham gia của các “đại gia” thực thụ như Thế Giới Di Động, Trường Hải, thì mảng nông nghiệp đã cho thấy tiềm năng và cơ hội lớn, thôi thúc rất nhiều doanh nhân và người trẻ nhập cuộc.

 Nào phải cứ gieo là gặt được liền?!

2009-2012 là giai đoạn vàng son của HAGL nhờ bất động sản (BĐS). Nhưng khi thị trường nhà đất trồi sụt, năm 2013, ông Đoàn Nguyên Đức tuyên bố sẽ rút khỏi thị trường BĐS, thoái vốn và thu hẹp các ngành khai khoáng, thủy điện và đầu tư vào nông nghiệp... Thực tế, từ 2008, HAGL đã trồng cao su tại Lào, đầy cơ hội vực dậy, bứt phá khi giá cao su thế giới thời điểm 2010-2011 cao chót vót. Nhưng tới 2013-2014, cây cao su tới tuổi cho mủ thì giá tụt dốc, DN tiếp tục lao đao. HAGL đã tạm gác “mũi nhọn” cao su, hướng qua mía đường, dầu cọ và nuôi bò, dần ổn định trở lại. Hành trình của HAGL cho thấy con đường làm nông nghiệp quy mô lớn không trải hoa hồng.

Giữa những khó khăn và hoài nghi, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, ông Đoàn Nguyên Đức mới “thành thật” về dự án trồng chanh dây, thanh long, chuối… xuất khẩu. “Tôi bí mật trồng trái cây vì sợ người ta nói sắp chết mà nổ... Chúng tôi tuyên bố chọn cây ăn trái làm cốt lõi, gồm trái cây tươi, trái cây khô và trái cây chế biến... HAGL không còn lựa chọn nào khác, nếu chờ giá cao su lên, chờ cọ dầu thì không thể chịu nổi”, ông nói về hướng đi gieo, gặt.

Báo Công luận
Sản phẩm của Vinamilk đến nay đã có mặt tại 43 quốc gia trên thế giới 
Tiếp bước HAGL, Vingroup cũng tiến vào nông nghiệp khi ra mắt thương hiệu VinEco năm 2014, đã sớm rót tới 2.000 tỉ đồng vào tham vọng định vị lại thị trường rau sạch trong nước, hướng đến xuất khẩu. Ông Phạm Nhật Vượng cũng đã làm ấm lòng cổ đông với câu nói: “Chúng tôi đặt ra chỉ tiêu sau khoảng 5 - 10 năm nữa, tỉ trọng lợi nhuận của BĐS trong tổng cơ cấu chỉ tầm dưới 50%,… Như vậy nông nghiệp sẽ là một trong những mảng để duy trì tăng trưởng.”

Sau HAGL, Vingroup, Hòa Phát của đại gia Trần Đình Long cũng không đứng ngoài cuộc, đã đầu tư hàng ngàn tỉ vào các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, các trang trại nuôi lợn, bò, gà chất lượng cao trải khắp cả nước, với tham vọng rất lớn về thị phần. Và theo xu thế chuyển hướng sang nông nghiệp ấy, tiếp tục ghi nhận sự nhập cuộc của những TGDĐ, PAN, Nguyễn Kim, Trường Hải, Massan,…

Về việc các đại gia nối tiếp nhau lao vào mảng nông nghiệp công nghệ cao, Viện trưởng Viện KHCN Nông nghiệp ASEAN Hoàng Trọng Nguyên từng bày tỏ băn khoăn về việc DN nhận được nguồn vốn ưu đãi mới chỉ tập trung đa số là trồng rau, trong khi người tiêu dùng không chỉ ăn rau, họ còn cần có thịt gà, bò, lợn, cá…

Cũng theo ông Nguyên, các DN cần tạo ra một bộ sản phẩm với quy trình sản xuất độc lập, tự chủ, đặc biệt cần nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuẩn quốc tế thay vì chỉ để ý tới năng suất. Về quản lý, cần phân chia, quy hoạch nông nghiệp theo vùng miền, tránh sự chồng chéo; tổng rà soát lại số liệu dùng thực trong dân để sản xuất đủ dùng và tập trung vào công nghệ sản xuất, bảo quản hàng hoá sau thu hoạch để hướng tới xuất khẩu…

Những cây, con giản dị là… mỏ vàng ở tương lai

Rót hàng ngàn tỉ vào nông nghiệp, nhưng thực tế HAGL, Vingroup, Hòa Phát… vẫn còn chật vật bởi giá cao su, thịt lợn, gà… trồi sụt, đóng góp của rau củ quả trong tổng doanh thu còn hạn chế. Tuy nhiên, họ chỉ mới đi một khúc ngắn nếu đặt cạnh hành trình của Vinamilk, Tập đoàn TH…

40 năm đeo đuổi với nông nghiệp, Vinamilk từ một DN vô danh đã vươn mình trở thành đơn vị có vốn hóa hơn 9 tỷ USD. Không chỉ khẳng định vị thế là “ông lớn” trong nước, Vinamilk còn vươn cao và xa, đưa các sản phẩm ra thế giới, từ châu Á tới châu Âu, Bắc Mỹ, xây dựng hàng loạt các trang trại quy mô lớn trong nước và nước ngoài… 

Hay Tập đoàn TH làm sữa sạch từ 2008, ở vùng đất “Gió Lào thổi rạt bờ tre” tưởng không thể nuôi bò. Nhưng TH đã làm được, đã cho ra đời sản phẩm sữa tươi sạch thành công ngoài mong đợi. Rồi từ bước đệm Nghệ An, đầu 2017, Tập đoàn TH đã chính thức khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và lúa chất lượng cao tại Thái Bình, diện tích sản xuất tới 3.000ha, quy mô đầu tư trên 3.000 tỷ đồng. Trong dài hạn, tập đoàn sẽ phối hợp với chuyên gia của Viện Nông nghiệp hữu cơ, Hiệp hội Nông nghiệp công nghệ cao, cùng với các chuyên gia từ Mỹ, Hà Lan, Israel, New Zealand… tiếp tục nghiên cứu triển khai dự án… “Công nghệ cao là chìa khóa vàng cho phát triển nông nghiệp Việt Nam. Trong nông nghiệp công nghệ cao, không thể lấy trụ cột là nông dân mà phải bằng chính sách để lôi kéo những doanh nhân có đủ Tâm - Trí - Lực vào lĩnh vực này. Chính doanh nghiệp mới là trụ cột, tạo hiệu ứng để định hướng cho nông dân đi cùng…”, bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH khẳng định.

Báo Công luận
 
Vinamilk, Tập đoàn TH đã có thể “vượt dốc” thành công, thì HAGL cũng cho thấy họ đang tiến tới ngày “hái quả”. Năm 2016-2017, dù cổ phiếu HAGL vẫn trồi sụt, thì doanh thu tốt từ đàn bò đã là liều thuốc bổ giúp các nhà đầu tư vững tâm hơn. Thêm nữa, việc chuyển hướng sang trồng cây ăn quả của DN cũng thu “trái ngọt”, với hơn 18.000ha đất trồng cây ăn trái, dòng tiền nuôi DN được lấy từ chính trái cây xuất khẩu chứ không phải từ nhà băng. Bên cạnh đó, nông sản của HAGL đã và đang có mặt trên hệ thống Bách Hóa Xanh và tại các siêu thị lớn ở Trung Quốc… Hòa Phát cũng đang gặp những trục trặc khi giá lợn, gà tụt dốc. Nhưng ông Trần Đình Long từng khẳng định: Việc đầu tư vào nông nghiệp có nghĩa là Hoà Phát chấp nhận cạnh tranh. Hoà Phát sẽ ưu tiên đầu tư hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần công nghiệp hóa mạnh hơn ngành nông nghiệp, tăng hiệu quả và giá trị sản xuất!

Thế nên, dù báo chí, dư luận thông tin, hay bỉ bai về sự trồi sụt cổ phiếu, những món nợ, tỉ lệ đóng góp bé nhỏ của nông nghiệp vào doanh thu, hay vài cuộc tháo chạy…, thì cũng không che lấp được thực tế: Làm nông không phải cứ gieo xuống là gặt được liền. Và hơn hết, đã không ngăn được làn sóng đầu tư, khởi nghiệp trong nuôi trồng.

Nói như chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành, thì khi các DN đang “đánh cược” vào nông nghiệp bằng số tiền đầu tư rất lớn, cũng cho thấy nhận thức về nông nghiệp đã thay đổi, mà hơn hết là một ngành tạo ra giá trị tăng trưởng tốt.❏

❀ Kiên Giang

 

Tin khác

Kinh doanh vàng giả nhãn hiệu có thể chịu án hình sự

Kinh doanh vàng giả nhãn hiệu có thể chịu án hình sự

(CLO) Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đồng loạt ra quân kiểm tra, phát hiện xử lý nhiều vụ việc đối với mặt hàng vàng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Lần thứ ba Ngân hàng Nhà nước huỷ đấu thầu vàng miếng SJC

Lần thứ ba Ngân hàng Nhà nước huỷ đấu thầu vàng miếng SJC

(CLO) Phiên đấu thầu vàng miếng SJC sáng nay (3/5) đã được Ngân hàng Nhà nước huỷ, do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Thị trường - Doanh nghiệp
OECD nâng triển vọng tăng trưởng toàn cầu nhờ kinh tế Mỹ

OECD nâng triển vọng tăng trưởng toàn cầu nhờ kinh tế Mỹ

(CLO) Nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng nhanh hơn dự kiến chỉ vài tháng trước nhờ hoạt động kinh tế kiên cường của Mỹ trong khi lạm phát đang hội tụ nhanh hơn dự kiến của các ngân hàng trung ương, theo OECD.

Thị trường - Doanh nghiệp
Đấu thầu vàng SJC phiên thứ tư, giá tham chiếu để cọc cao chót vót

Đấu thầu vàng SJC phiên thứ tư, giá tham chiếu để cọc cao chót vót

(CLO) 9h sáng nay (3/5), Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng phiên thứ tư với 16.800 lượng vàng miếng SJC. Tuy nhiên, giá tham chiếu để cọc 82,9 triệu đồng/lượng, tương đương giá vàng giao dịch trên thị trường được đánh giá là quá cao. 

Thị trường - Doanh nghiệp
Nhiều nông dân Trung Quốc trở thành triệu phú nhờ bán hàng livestream

Nhiều nông dân Trung Quốc trở thành triệu phú nhờ bán hàng livestream

(CLO) Năm 2023 có hơn 15 triệu người phát trực tiếp chuyên nghiệp ở Trung Quốc sản xuất nội dung từ giải trí đến rao bán các sản phẩm như son môi, đồ ăn, ôtô thậm chí là nhà đất. Hưởng lợi từ điều đó, nhiều nông dân đã giàu lên nhờ bán mặt hàng nông sản, nhưng vẫn còn nhiều người loay hoay trong “cuộc chiến” công nghệ số.

Thị trường - Doanh nghiệp