Làm sao để người mắc bệnh nan y không từ bỏ quyền lợi bảo hiểm y tế?

Thứ năm, 09/05/2024 10:33 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Theo các chuyên gia việc người bệnh nan y từ bỏ quyền lợi bảo hiểm y tế vì quy trình khám chữa bệnh có quá nhiều rào cản chính là biểu hiện của bất cập chính sách bảo hiểm y tế hiện nay, cần được thay đổi.

Nhiều điều chỉnh có lợi cho người bệnh!

Hiện nay, Bộ Y tế đang trong quá trình xây dựng dự thảo Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế. Được biết, trong dự thảo lần này, Bộ Y tế có nhiều đề xuất chi trả cho người khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế trái tuyến.

Cụ thể, trong nội dung liên quan đến điều chỉnh phạm vi quyền lợi Bảo hiểm y tế, trong đó Bộ Y tế đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về phạm vi được hưởng, mức hưởng Bảo hiểm y tế và điều chỉnh tỉ lệ chi trả Bảo hiểm y tế đối với một số trường hợp không đúng cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm y tế. Cụ thể, Bộ Y tế đề xuất trong trường hợp người dân khám chữa bệnh trái tuyến cấp cơ bản (bệnh viện tỉnh hạng 2 và hạng 1 - không được phân loại tuyến cuối), người tham gia Bảo hiểm y tế sẽ được chi trả 60% chi phí nội trú và 40% chi phí ngoại trú (trừ các cơ sở thuộc huyện là 100% nội và ngoại trú).

Phương án 2 giữ nguyên theo quy định hiện hành, 100% chi phí điều trị nội trú và không thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú (trừ các cơ sở thuộc huyện là 100% nội và ngoại trú).

lam sao de nguoi mac benh nan y khong tu bo quyen loi bao hiem y te hinh 1

Cũng tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất người bệnh được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chuyên khoa thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản, cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu theo quy định của Bộ Y tế được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Người bệnh đã được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh mạn tính được chuyển về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đăng ký ban đầu hoặc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu để quản lý, cấp phát thuốc chuyên khoa, thuốc sử dụng cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn (cơ bản, chuyên sâu) theo quy định của Bộ Y tế, được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Người bệnh được tự đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn trong phạm vi địa phương hoặc địa phương giáp ranh trong trường hợp cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn liền kề với cơ sở mà người bệnh đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu không có đủ năng lực, phạm vi hoạt động chuyên môn đối với một số dịch vụ kỹ thuật, một số bệnh theo quy định của Bộ Y tế, được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Sở Y tế phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh xác định và công khai các trường hợp không có đủ năng lực, phạm vi hoạt động chuyên môn đối với một số dịch vụ kỹ thuật, một số bệnh để người bệnh biết.

Bình luận về đề xuất trên, nhiều người bày tỏ sự ủng hộ. Bà Nguyễn Thị Trang ở Vĩnh Phúc cho biết, cần có chính sách tốt cho người mắc bệnh hiểm nghèo, trong đó có bệnh nhân ung thư. Bà kể về trường hợp của chồng bà, từ khi phát hiện ung thư chồng bà phải đi điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội. Thời gian điều trị nội trú chồng bà được hưởng bảo hiểm y tế chi trả. Tuy nhiên, các thời gian tái khám về sau đều không được. Vì thủ tục được hưởng bảo hiểm y tế bắt buộc chồng bà phải có giấy chuyển viện từ bệnh viện tuyến huyện. Chính vì lẽ đó, gia đình đều phải tự bỏ tiền ra để khám ngoài.

“Tôi mong rằng, với những người bệnh như bệnh nhân ung thư cần tạo điều kiện cho họ tiếp cận bệnh viện chuyên sâu về lĩnh vực. Không nên bắt họ phải thực hiện các thủ tục chuyển viện một cách phiền hà, mất thời gian và gây ảnh hưởng tâm lý xấu đến người bệnh” – bà Nguyễn Thị Trang chia sẻ.

Trường hợp chồng bà Trang bị ung thư nhưng đã không thực hiện quy định khám chữa bệnh để nhận hỗ trợ tiền của bảo hiểm y tế hiện nay rất nhiều, nguyên nhân xuất phát từ những quy định tìm cách hạn chế người bệnh chuyển tuyến. Điều này đang ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người bệnh.

lam sao de nguoi mac benh nan y khong tu bo quyen loi bao hiem y te hinh 2

Bảo hiểm y tế cần tạo điều kiện để người bệnh tiếp cận dịch vụ y tế thuận lợi, đặc biệt người mang bệnh nan y. Ảnh: Nguồn Bệnh viện Bạch Mai

Người bệnh làm trung tâm trong xây dựng chính sách

Trước thực trạng trên và đề xuất mới trong dự thảo của Bộ Y tế, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có trao đổi với ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng.

Theo ông Thuận, những thay đổi đề xuất chi trả cho người bệnh trái tuyến như vậy của Bộ Y tế cần hết sức hoan nghênh. Bởi, cái gì làm có lợi cho người bệnh sẽ cần được ủng hộ. Thực tiễn trong khám chữa bệnh cho thấy, nhiều bệnh nhân khi đi chữa trị các bệnh hiểm nghèo như ung thư ở các bệnh viện tuyến Trung ương thì họ sẽ thực hiện theo phác đồ điều trị của bác sĩ ở các bệnh viện đó. Chính vì vậy, sẽ không có tình trạng người bệnh bị ung thư lại quay lại điều trị tuyến dưới khi đã được thăm khám tuyến trên.

“Chúng tôi hiểu được những nhu cầu của người bệnh vì thế trong thực tiễn nhiều đơn vị đã linh hoạt ký giấy chuyển viện cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo để họ được hưởng bảo hiểm y tế”- ông Nguyễn Đức Thuận chia sẻ.

Theo ông Thuận, những thay đổi trên rất có lợi cho người bệnh nhưng lại không ảnh hưởng đến quỹ tiền bảo hiểm y tế. Bởi thực tế, dù chữa bệnh ở tuyến nào thì bảo hiểm y tế cũng phải chi trả. “Do đó, cần mạnh dạn thay đổi để người bệnh được tạo điều kiện tốt hơn trong tiếp cận y tế” – ông Nguyễn Đức Thuận nhấn mạnh.  

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Văn Học - Chủ tịch Hội đồng thành viên Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho rằng, cần xác định khi xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm Y tế phải đặt người bệnh là trung tâm. Các chính sách phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh trong khám chữa bệnh.

Hiện nay có thực trạng, bệnh nhân tuyến huyện thì khám ở huyện, khi nào vượt thẩm quyền mới lên bệnh viện tuyến tỉnh, sau đó vượt thẩm quyền tỉnh mới lên Trung ương. Câu chuyện bao năm nay như vậy, khiến cho người bệnh rất khổ.

“Xin được giấy chuyển tuyến rất khó đặc biệt xin từ tỉnh lên trung ương càng khó. Bệnh viện nào giờ cũng muốn giữ bệnh nhân. Bệnh viện nào cũng vì tiền. Họ tự chủ nên tìm mọi lý do để giữ người bệnh không cho chuyển viện. Không ít trường hợp người bệnh đã mất cơ hội trong điều trị” – ông Phạm Văn Học chia sẻ.

Theo ông Học, cách làm này không tiết kiệm được chi phí khám chữa bệnh. Bởi vì, nếu người bệnh tuyến huyện không chữa được trong trường hợp nếu được chuyển thẳng lên Trung ương sẽ tiết kiệm hơn. Vì qua tỉnh phải thêm thời gian ở viện nhiều ngày, làm nhiều xét nghiệm nữa mới được chuyển viện.

“Hiện nay, lý do mà cơ quan quản lý đưa ra phải làm như thế để đảm bảo an toàn hệ thống, tránh quá tải tuyến trên và tránh tuyến dưới không có bệnh nhân. Nhưng lý do đó lại trái với chủ trương lấy người bệnh làm trung tâm” – ông Học phân tích.

Theo ông Phạm Văn Học, nếu giữ nguyên quy định đó trong dự thảo Sửa đổi, bổ sung Luật khám chữa bệnh thì sẽ tiếp tục gây phiền hà cho người bệnh. Thực tế nhiều trường hợp mặc dù không được bảo hiểm y tế chi trả nhưng người bệnh họ vẫn lên tuyến trên khám. Bản thân họ đã từ bỏ quyền lợi bảo hiểm y tế của mình. Kéo dài chính sách như vậy, người bệnh chịu thiệt, bảo hiểm và bệnh viện được hưởng lợi.

“Tốt nhất là bỏ việc chuyển tuyến để người bệnh lựa chọn, nhẹ thì ở tuyến dưới, nặng thì lên tuyến trên, không nên dùng hàng rào kỹ thuật ngăn chặn người bệnh lựa chọn dịch vụ y tế” – ông Học góp ý.

Như vậy qua chia sẻ với các chuyên gia có thể thấy cần thiết kế chính sách để người bệnh thuận lợi trong tiếp cận dịch vụ y tế. Tránh trường hợp dùng nhiều rào cản, gây khó khăn cho người bệnh, đặc biệt người bệnh nan y. Cuối cùng bắt buộc họ phải từ bỏ quyền lợi bảo hiểm y tế trong khi họ thuộc diện được hưởng.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi cán bộ, nhân viên ngành y đăng ký hiến tạng cứu người

Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi cán bộ, nhân viên ngành y đăng ký hiến tạng cứu người

(CLO) Hiện nay, mới có hơn 86.000 người đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời, trong khi danh sách chờ ghép tạng luôn ở mức hàng chục nghìn người và mỗi ngày có hàng chục người chết vì không có tạng ghép.

Sức khỏe
Bệnh viện Mắt Thanh Hóa: 60 năm xây dựng và phát triển

Bệnh viện Mắt Thanh Hóa: 60 năm xây dựng và phát triển

(CLO) Bệnh viện Mắt Thanh Hóa tiền thân là Trạm Mắt Thanh Hóa, được thành lập ngày 18/5/1964. Thời gian đầu thành lập chỉ có 10 cán bộ chuyên môn, qua nhiều lần đổi tên, đến năm 2005, bệnh viện chính thức mang tên Bệnh viện Mắt Thanh Hóa.

Sức khỏe
Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn - Gia Lai chung tay bảo vệ đôi mắt cho học sinh

Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn - Gia Lai chung tay bảo vệ đôi mắt cho học sinh

(CLO) Góp phần bảo vệ đôi mắt sáng cho học sinh, nhiều ngày qua, Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn - Gia Lai đã phối hợp các trường khám, tầm soát và kiểm soát cận thị học đường miễn phí cho hơn 1.200 học sinh tại các trường học trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Kon Tum.

Sức khỏe
Vinh danh “Ngôi sao thuốc Việt” lần thứ 2

Vinh danh “Ngôi sao thuốc Việt” lần thứ 2

(CLO) Danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt” được Bộ Y tế trao tặng với mục đích ghi nhận và tôn vinh các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước có nhiều sản phẩm thuốc điều trị hiệu quả, thị trường lớn, được người dân tin dùng.

Sức khỏe
Bộ Y tế gia hạn lưu hành hàng trăm thuốc, nguyên liệu làm thuốc

Bộ Y tế gia hạn lưu hành hàng trăm thuốc, nguyên liệu làm thuốc

(CLO) TS Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa ký ban hành các quyết định công bố gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc đối với gần 130 loại sản phẩm.

Sức khỏe