Lần đầu tiên về với đồng bào Tây Bắc…

Thứ năm, 27/02/2020 09:26 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Với nhà báo Phạm Kiên – Phóng viên thường trú báo Quân đội Nhân dân tại Tây Bắc thì chuyến tác nghiệp đầu tiên tại địa bàn mới là chuyến tác nghiệp ý nghĩa đối với cuộc đời làm báo của anh.

Có lẽ những cảm xúc đầu tiên ấy sẽ giúp người cầm bút thêm yêu, thêm say và thêm gắn bó với mảnh đất, con người nơi đó.

Nhà báo Phạm Kiên chia sẻ: Một ngày cuối năm 2019, tôi nhận được thông báo từ Ban Biên tập chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ phóng viên thường trú báo Quân đội nhân dân tại Tây Bắc, đóng trụ sở tại Điện Biên. Là người đầu tiên được Ban Biên tập giao nhiệm vụ thường trú của tòa soạn tại Tây Bắc nên bao cảm xúc xen lẫn, khiến tôi không khỏi bối rối. Buổi bàn giao nhiệm vụ diễn ra trang trọng với sự có mặt của lãnh đạo Ban Biên tập, thủ trưởng các phòng ban. Tôi hiểu trước mắt đó là nhiệm vụ rất nặng nề nhưng cũng đầy vinh dự mà nói như Đại tá Phùng Kim Lân - Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân lúc bấy giờ: “Là một nhà báo chiến sĩ, phải xác định như một người lính ra trận, biết chấp nhận và tự tìm mọi cách vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”. Do chưa xây dựng trụ sở, nên trước mắt tôi được ở nhờ trong nhà của một đơn vị quân đội trên địa bàn. Trong rất nhiều khó khăn, lạ lẫm ban đầu ấy thì một điều may mắn đó là phía sau tôi luôn có sự động viên, cổ vũ và tạo mọi điều kiện của tòa soạn. Sau lễ ra mắt cơ quan thường trú tôi nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới, để kịp thời gửi tin bài về tòa soạn.

PV Phạm Kiên tác nghiệp trên đỉnh Mã Pì Lèng, H. Đồng Văn, tỉnhHà Giang.

PV Phạm Kiên tác nghiệp trên đỉnh Mã Pì Lèng, H. Đồng Văn, tỉnhHà Giang.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ mãi chuyến công tác đầu tiên khi là phóng viên thường trú Tây Bắc. Điện Biên là mảnh đất ở cực Tây của Tổ quốc, có hơn 400 km đường biên giới, có ngã ba “một tiếng gà gáy cả ba nước cùng nghe”, đồng thời cũng là địa bàn có tầm quan trọng về chính trị, an ninh quốc phòng. Nơi ấy có những người lính vẫn đêm ngày canh giữ đất trời thiêng liêng, nơi phên dậu của Tổ quốc. Với một phóng viên đam mê nghề như tôi thì đó là mảnh đất màu mỡ, là một bầu trời đề tài để xông pha, lăn lội, để được sống và viết.

Vừa lên Điện Biên được một tuần, tôi đã theo chân các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 741, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên về huyện Mường Nhé thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, bảo vệ biên giới hướng Tây mùa khô, kết hợp với công tác dân vận. Con đường 200km từ huyện Điện Biên về Mường Nhé vòng vèo, ôm sát sườn núi, người và xe đi trong mây. Từ trung tâm huyện Mường Nhé vào xã Nậm Vì, chúng tôi phải qua cung đường đất lởm chởm đá tai mèo như sợi chỉ vắt vẻo qua hai sườn núi. Đến nơi, trước mắt tôi là khung cảnh hoang sơ đến lạnh người. Bản Huổi Lúm với hơn 100 hộ dân nhưng nằm rải rác khắp sườn núi, nhà cách nhà tầm vài trăm mét. Bộ đội được UBND xã Nậm Vì tạo điều kiện mượn các phòng làm việc của trụ sở bỏ hoang lâu nay để bố trí chỗ ăn nghỉ suốt 1 tháng trời. Nói là phòng làm việc nhưng là nhà gỗ ép, lợp mái lá cọ và phi bờ rô xi măng. Tôi là phóng viên được anh em ưu ái cho ở căn phòng tốt nhất ngay sát chân núi, cùng một cán bộ tiểu đoàn. Anh em dùng tấm liếp gỗ mang theo kê trên 4 viên gạch làm thành giường. Đêm xuống, gió lạnh vi vút quanh khe hở tấm gỗ. Dưới nền nhà thi thoảng chuột và cóc, nhái vẫn thi nhau vờn đuổi. Cả đêm trọn tôi trằn trọc không thể chợp mắt vì nỗi sợ rắn rết trên núi bò xuống. 2 giờ sáng, ngửa mặt nhìn trần nhà thấy ướt ướt trên mí mắt, bật đèn điện thoại, vuốt nhẹ ống tay áo, những giọt nước ướt đẫm cả tay. Hóa ra sương núi luồn qua khe cửa tràn vào khắp phòng. Vừa chợp mắt thì tôi nghe tiếng loảng xoảng, nồi niêu phía sau hồi. Tôi ra xem thì bắt gặp 3 chiến sĩ đang xắn tay chuẩn bị bữa ăn sáng cho bộ đội. Nhìn đồng hồ là 3 giờ 30 phút. Tôi cứ thầm nghĩ, giờ này những thanh niên đồng lứa sẽ đang cuộn mình trong chiếc chăn bông say giấc ngủ vậy mà những chiến sĩ mặt trẻ măng đã như những người đầu bếp trưởng thành chăm lo việc cơm nước cho đơn vị. Trời vừa sáng, một tốp chiến sĩ từ lúc nào đã dựng xong bàn ăn dã chiến cho gần 100 chiến sĩ. Đó là bộ bàn ghế được làm bằng tre nứa, 3 thân tre dài ghép lại làm mặt ghế, bàn được ghép bằng các tấm tôn, đỡ bằng thân củi. Chứng kiến cảnh tượng bộ đội ăn bữa cơm giữa núi rừng dã chiến tôi càng thêm khâm phục tinh thần chấp nhận gian khó, thích nghi hoàn cảnh để hoàn thành nhiệm vụ.

PV Phạm Kiên (thứ 3 từ phải sang) với bà con dân tộc Thái ở Điện Biên.

PV Phạm Kiên (thứ 3 từ phải sang) với bà con dân tộc Thái ở Điện Biên.

Trước khi đến tác nghiệp nơi đây, tôi đã tìm hiểu khá cẩn thận về khu vực này. Nậm Vì là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Nhé với dân cư chủ yếu thuộc hai dân tộc Mông và Thái, đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn. Dân bản phụ thuộc nhiều vào canh tác trên nương, ít ruộng nước, một số bản chưa có điện lưới quốc gia. Nơi đây vẫn còn nhiều hủ tục, các hoạt động lợi dụng tôn giáo, truyền đạo trái phép, di cư tự do vẫn diễn ra. Vì lý do đó Nậm Vì đã được Bộ CHQS tỉnh giúp đỡ, giao Tiểu đoàn 1 triển khai công tác dân vận, giúp dân xóa đói nghèo trong thực hiện nhiệm vụ mùa khô năm 2019-2020. 

Trong chuyến tác nghiệp này, tôi không những được “mục sở thị” cuộc sống của người dân vùng cao mà còn được  hiểu hơn về công việc của những người lính, hiểu về tình quân dân trong những câu chuyện “người thật, việc thật”.

Chúng tôi đến nhà ông Lò Văn Nơ, 60 tuổi, ở bản Huổi Lúm, xã Nậm Vì. Ông Nơ là thương binh 1/8. Dù chân tập tễnh, bước đi khó nhọc nhưng thấy các chú bộ đội Tiểu đoàn 1 đến thăm, ông Nơ vẫn ra tận cổng chào đón. Chỉ tay về hướng con suối Nậm Vì, ông Nơ rưng rưng: “Gần 10 năm nay, 5 hộ gia đình chúng tôi gần như bị cô lập bởi con suối Nậm Vì này. Trước đây, chúng tôi bắc tạm cầu tre qua, nhưng rất nguy hiểm, mỗi khi nước lũ tràn về là cuốn trôi hết”. Hơn 40 chiến sĩ Tiểu đoàn 1 cùng thanh niên dân bản đã bỏ ra hơn 1 tuần lên rừng khai thác gỗ, thiết kế, cưa xẻ, dầm mình trong nước lạnh để dựng cầu. Sau 5 ngày, một cây cầu gỗ dài hơn 10m, rộng 2,5m, được bộ đội bắc qua con suối Nậm Vì. Ngày chia tay, ông Nơ và hàng chục người dân ra tận nơi ở cảm ơn tấm lòng các chú bộ đội. Hay như bà Giàng Thị Lìa, 57 tuổi, có hoàn cảnh rất đặc biệt. Chồng bỏ bà đi từ lâu, một mình bà nuôi 9 người con trong căn nhà tranh tre, dột nát. Thấu hiểu hoàn cảnh của bà, cũng trong đợt này, các chiến sĩ Tiểu đoàn 1 đã giúp bà dựng lại căn nhà mới. Ngày chia tay các anh, bà Lia mang một con gà đến biếu bộ đội, bà nghẹn ngào, bởi căn nhà là ước mơ của mẹ con bà từ lâu nay. Không chỉ có chỗ ở ổn định, từ nay bà đã có nơi đặt bàn thờ tổ tiên ông bà nữa...

PV Phạm Kiên tác nghiệp tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang.

PV Phạm Kiên tác nghiệp tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang.

Đó là những mảnh đời, những việc làm mà tôi may mắn được chứng kiến. Qua đó càng khâm phục thêm tinh thần hết mình vì dân bản của những người lính Bộ đội Cụ Hồ nơi biên cương Tổ quốc. Phóng sự “Dân bản tin yêu biên cương thêm vững” là tác phẩm đầu tiên của tôi viết về những người lính Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 741. Bài báo chất chứa trong tôi thật nhiều cảm xúc về những hy sinh và cống hiến thầm lặng của những người lính nơi biên cương Tổ quốc, về mảnh đất Tây Bắc nơi mà tôi lần đầu tiên đặt chân đến. Và chắc chắn sẽ tiếp tục là mảnh đất nuôi dưỡng những ý tưởng, những chuyến đi, những cảm nhận, những bài viết sau này của tôi.

Hà Vân (Ghi)

Tin khác

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo