Lấy lại vỉa hè cho người đi bộ dễ hay khó?

Thứ năm, 09/03/2023 09:10 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Qua nhiều năm đầu tư, “đào lên lấp xuống”; hiện vỉa hè nhiều tuyến đường, phố của Hà Nội vẫn không dành cho người đi bộ mà trở thành nơi trông giữ xe, kinh doanh buôn bán gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Ra quân rầm rộ, hiệu quả bao nhiêu?

Vừa qua, Ban Chỉ đạo 197 TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 1/KH-BCĐ197 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn năm 2023. Trong đó tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về vấn đề này, nhất là tại 12 quận nội thành.

Yêu cầu xử lý 100% các hành vi vi phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng để tạo tính răn đe. Trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm lấy lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.

Đây không phải lần đầu Hà Nội ra quân dẹp loạn vỉa hè để dành lại cho người đi bộ. Trước đó vào năm 2017, Hà Nội cũng đã tổ chức đợt lập lại trật tự đô thị, giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện lại tái diễn.

lay lai via he cho nguoi di bo de hay kho hinh 1

Lực lượng chức năng ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán. Ảnh: Quang Hùng

Nhiều năm qua, chính quyền các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thường xuyên phát động chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ nhưng kết quả dường như là số 0. Khi lực lượng chức năng ra quân thì những vi phạm bị xử lý nhưng vắng bóng công an, vỉa hè ở Hà Nội lập tức thất thủ.

Không khó để bắt gặp hình ảnh vỉa hè nhiều tuyến đường phố ở Hà Nội bị chiếm dụng để kinh doanh buôn bán, làm nơi trông giữ phương tiện, phục vụ mục đích cá nhân khiến người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường ở các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Cầu Giấy...

Thứ đầu tiên mà chúng ta cần nói đến ở đây là câu chuyện lợi ích. Người kinh doanh, người để xe chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân mà quên đi trách nhiệm với xã hội.

Việc kẻ vạch để xe trên vỉa hè ở mặt trong vỉa hè cũng chỉ dành cho mục tiêu lợi ích. Bởi phần lớn phần diện tích có thể sử dụng đã được phân chia cho những mục đích của người kinh doanh.

Bác Hà (trú tại quận Cầu Giấy) cho biết, trục đường Xuân Thủy, Cầu Giấy vốn đông đúc phương tiện lưu thông nhưng vỉa hè lại thường xuyên bị lấn chiếm phục vụ mục đích kinh doanh của hàng quán. Người đi bộ không còn cách nào khác là đi dưới lòng đường, rất nguy hiểm.

Vỉa hè lại thường xuyên bị “đào lên lấp xuống” hết lát đá lại đến hạ ngầm. Hệ quả là bộ mặt đô thị nhếch nhác, không khí lúc nào cũng bụi bặm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống người dân.

lay lai via he cho nguoi di bo de hay kho hinh 2

Vỉa hè thực tế là nơi nuôi sống nhiều người, nhiều gia đình, đồng thời cũng mang những màu sắc về văn hóa của Hà Nội. Ảnh: Đình Trung.

Không thể phủ nhận rằng, vỉa hè thực tế là nơi nuôi sống nhiều người, nhiều gia đình và cũng mang những màu sắc về văn hóa, điển hình như khu phố cổ Hà Nội. Chị Hồng Minh sinh ra và lớn lên tại quận Hoàn Kiếm chia sẻ, nếu thiếu hàng quán vỉa hè, Hà Nội có thể mất đi một nét đẹp rất riêng, gắn bó với nhiều thế hệ người Thủ đô, trong đó có tôi.

Những người bán hàng trên vỉa hè, từ những quang gánh đến những quán nhỏ trong phố nhỏ, ngõ nhỏ dần trở nên lâu đời và là một phần ký ức, một nét đặc trưng riêng. Quan trọng là chính quyền các cấp có giải pháp hài hòa trong quản lý để vừa giữ được “kinh tế vỉa hè” như một nét đẹp riêng của Thủ đô và vẫn đảm bảo mỹ quan đô thị.

Đừng mãi hô hào khẩu hiệu

Ở nhiều nước phát triển, điều mà chúng ta thấy là sự ngăn nắp trên vỉa hè và lòng đường. Nhưng để có điều đó là một quá trình lâu dài từ việc giáo dục ý thức cho đến những biện pháp mạnh tay, quyết liệt của chính quyền trong một thời gian dài.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhìn nhận, vỉa hè là một phần quan trọng trong cấu trúc đô thị; không chỉ là nơi dành để đi bộ mà còn là không gian giao tiếp, là nhịp sống, thư giãn,... Lâu nay một bộ phận người dân đã làm cho đô thị trở nên nhếch nhác.

Giải bài toán vỉa hè là giải bài toán nhân văn, bài toán kinh tế. Ở Việt Nam, vỉa hè đang tạo ra lợi nhuận, là nguồn sống của rất nhiều người dân nghèo đô thị. Những người dân ở mặt phố cũng phải sinh hoạt, phải dựa vào vỉa hè để kiếm sống. Đừng nghĩ chúng ta vẽ một đường phố với cái vỉa hè thật đẹp là đã xong mà phải nghĩ quy hoạch thế nào.

Và chúng ta phải biến thói quen trở thành một nếp sống theo khuôn khổ pháp luật. Đầu tiên phải có thiết kế đô thị, thiết kế từ vị trí trồng cây xanh, phần đường dành cho người đi bộ và có cả chỗ để xe máy.

lay lai via he cho nguoi di bo de hay kho hinh 3

Cần xử lý nghiêm hành vi chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện trái phép.Ảnh.TL.

Trao đổi với PV, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị chia sẻ, từ trước đến nay vỉa hè bị buông lỏng quản lý, tạo thành sở hữu cá nhân hoặc lợi ích nhóm. Người ta tự cho mình cái quyền sử dụng vỉa hè riêng.

Tùy tiện làm mái che, mái vẩy, làm bậc lên xuống, bán hàng, để xe bừa bãi… khiến người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường. Sự buông lỏng kéo dài trong nhiều thập niên của chính quyền đã tạo nên thói quen xấu, không coi lợi ích cộng đồng, coi thường luật pháp của một bộ phận người dân. Đây là điều rất đáng suy nghĩ về lỗ hổng trong quản lý.

Tại sao lại để cho người dân chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để làm bãi đỗ xe, kinh doanh quán ăn, quán nhậu? Một số bãi trông giữ xe trên nhiều tuyến phố Thủ đô hiện do ai quản lý, ai thu tiền, nguồn thu sẽ đi về đâu, vào túi ai...?

Rõ ràng việc thất bại trong chiến dịch giành lại vỉa hè trước đây có một phần là do ai làm tốt không được khen, ai làm không tốt không bị xử lý. Vấn đề quy trách nhiệm là rất quan trọng, vị chuyên gia khẳng định.

Nhiều ý kiến cho rằng, để tìm ra những giải pháp tốt nhất cho vỉa hè, những nghiên cứu kế thừa cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các nhà quản lý, các chuyên gia và người dân đô thị. Qua đó vỉa hè không chỉ là lối đi an toàn cho người đi bộ mà còn là không gian công cộng sống động và thu hút, gắn liền đời sống văn hóa của thị dân.

Về lâu dài, người dân cần chuyển đổi dần thói quen mua sắm trên vỉa hè để tiến đến đô thị trật tự, văn minh, tránh việc tiện đâu mua đấy. Thay vì mua sắm dọc đường, người dân sử dụng phương tiện công cộng đi tới các địa điểm mua sắm tập trung, qua đó cũng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông.

Bảo Ngọc

Bình Luận

Tin khác

Đề xuất chưa mở rộng vành đai 3 TP. HCM để dành vốn làm thêm cao tốc khác

Đề xuất chưa mở rộng vành đai 3 TP. HCM để dành vốn làm thêm cao tốc khác

(CLO) UBND TP. HCM đưa đề xuất chưa mở rộng đường vành đai 3 của thành phố nhằm dành vốn làm thêm cao tốc khác.

Giao thông
Gia Lai: Tai nạn giao thông liên hoàn trên Quốc lộ 14, hai người tử vong tại chỗ

Gia Lai: Tai nạn giao thông liên hoàn trên Quốc lộ 14, hai người tử vong tại chỗ

(CLO) Xe mô tô do anh Hiếu điều khiển sau khi tông vào đuôi taxi đã ngã ra đường và bị một chiếc xe khách tông trúng. Sau đó, chiếc xe khách tiếp tục tông vào một xe mô tô khác. Vụ tai nạn khiến 4 người thương vong.

Giao thông
Kỷ niệm 20 năm khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên đến sân bay Cam Ranh

Kỷ niệm 20 năm khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên đến sân bay Cam Ranh

(CLO) Chiều ngày 17/5, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh phối hợp Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên đến sân bay Cam Ranh.

Giao thông
Thay đổi phương thức quản lý kết cấu hạ tầng đường thủy

Thay đổi phương thức quản lý kết cấu hạ tầng đường thủy

(CLO) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị công bố kết quả Dự án “Hệ thống thông tin quản lý tích hợp hỗ trợ cải thiện giao thông thủy nội địa” (Dự án IW-MIS).

Giao thông
Hà Nội: Chấn chỉnh tình trạng lái xe buýt vi phạm Luật Giao thông đường bộ

Hà Nội: Chấn chỉnh tình trạng lái xe buýt vi phạm Luật Giao thông đường bộ

(CLO) Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội vừa có văn bản đề nghị các đơn vị vận hành, cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên địa bàn chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ; dừng đón, trả khách đúng quy định.

Giao thông